. VŨ MINH CHÂU
Từ ánh hào quang - giải Nhất cuộc thi truyện ngắn “Lửa mới” của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2019 với tác phẩm Nhà thánh, đến tập truyện ngắn cùng tên ra mắt năm 2021 và gần đây nhất là tiểu thuyết đầu tay Nhặt bóng người (2024), nhà văn Vũ Thanh Lịch đã cho thấy một hành trình sáng tác đầy ấn tượng. Lạc vào thế giới nghệ thuật của chị, độc giả bị cuốn vào một miền hư thực với những mảng màu ma mị lại rất thân quen, đồng thời đắm chìm trong thể nghiệm tự sự táo bạo vượt qua những ranh giới đã định sẵn của văn chương thuần túy, dẫu vẫn còn những điều dang dở cần được hoàn thiện.

Bước vào Nhà thánh, tôi nhận ra một góc khuất chưa từng được khai phá trong văn chương tâm linh đương đại. Không đơn thuần là những câu chuyện ma mị hời hợt thường thấy, lần qua từng trang viết của Vũ Thanh Lịch là bức màn phản chiếu một thế giới đền chùa miếu mạo đảo ngược - nơi thần linh không còn ngự trị trên bệ thờ tôn nghiêm mà hóa thành những oan hồn bị chính con người đày đọa. Tác giả xoay chuyển câu chuyện thành một phi vụ hoàn hảo: từ không gian linh thiêng của “nhà thánh” bỗng hóa thành “cửa hàng tạp hóa của đủ thứ đồ cung tiến” và những vị thần từ đối tượng được tôn sùng phải nhẹ nhàng rời bỏ ngai vàng của mình. Cái ẩn dụ sâu cay về bộ mặt thật của tín ngưỡng thời hiện đại, ranh giới giữa tâm linh và thương mại đã bị xóa nhòa trong màn sương mê muội của lòng tham.
Vũ Thanh Lịch biết tận dụng khả năng của mình trong việc chế tác một vũ trụ văn chương riêng biệt mà không hề rơi vào vòng xoáy của sự tự phục chế. Đọc Nhà thánh (2021), có thể thấy, chị vẫn chung thủy với miền tâm linh huyền nhiệm của mình, nhưng không ngừng khai phá những lãnh địa tinh thần mới mẻ đến bất ngờ. Mười hai truyện ngắn mở ra những luồng sáng chiếu rọi vào thế giới đền phủ miếu mạo, nơi những thanh đồng, thủ tử và những nhân vật với thân thế huyền ảo được đánh thức, hé lộ những trầm tích bí ẩn trong tiềm thức con người - một miền đất linh thiêng chỉ những cây bút thực sự tinh tế mới dám đặt chân đến. Tôi nhận thấy một điều khá nghịch lí trong truyện ngắn của Vũ Thanh Lịch khi càng cố gắng xây dựng không gian văn hóa truyền thống, nhà văn này càng để lộ ra những rạn nứt của chính không gian ấy. Câu hỏi về một khiếm khuyết tiềm ẩn đã thoáng qua tâm trí tôi trong những trang viết đầu tiên nhưng rồi đến cuối hành trình, tôi chợt ngộ ra chính những vết rạn ấy lại hóa thành mạch nguồn của một sức hút kì lạ, âm thầm tuôn chảy trong dòng văn chương của chị. Vũ Thanh Lịch đã khéo léo sử dụng những yếu tố tưởng chừng “phản văn hóa” để làm bật lên giá trị truyền thống. Trong Nhà thánh, không gian tâm linh không bị xâm lấn bởi những thế lực ngoại lai mà bị bào mòn bởi chính sự méo mó trong tâm thức của con người thời đại. Đó là góc nhìn táo bạo vạch trần sự tha hóa từ chính những kẻ ngày đêm tự xưng là “người gìn giữ văn hóa”.

Đáng nể nhất trong nghệ thuật viết của Vũ Thanh Lịch chính là cách vận dụng “kĩ thuật phản tự sự”, một thủ pháp tưởng chừng đã quen thuộc, nhưng dưới ngòi bút của chị lại trở thành “một điệu valse” bất ngờ, nơi những mảnh ghép thời-không gian được xáo trộn tài tình, vẽ nên một bức tranh đa chiều về những rung cảm trong tâm hồn nhân vật. Đặc biệt, chị tạo nên dấu ấn trong mảng truyện lịch sử khi vượt qua cái bẫy của sự đơn thuần tái hiện sự kiện. Mây vờn trên đỉnh Mã Yên là một truyện ngắn tiêu biểu, nơi mối tình tay ba Dương Vân Nga - Đinh Bộ Lĩnh - Lê Hoàn được thăng hoa thành một bản tình ca day dứt về những số phận bị giằng xé giữa bổn phận và khát vọng cá nhân, giữa đạo lí truyền thống và tiếng gọi con tim. Một điểm son thấp thoáng dưới ngòi bút của chị là khả năng điêu khắc những nhân vật nữ có chiều sâu tâm lí qua bậc mẫu nghi thiên hạ Dương Vân Nga đến những người phụ nữ bình dị. Mỗi nhân vật đều hiện lên với những rung động, những trăn trở đau đáu của kiếp người, của phận nữ nhi trong dòng chảy thời gian vô tận. Tài năng ấy còn thể hiện qua việc hình thành những tuyến nhân vật phụ đầy dấu ấn, họ không đơn thuần là những cái bóng lu mờ mà là những mảnh ghép không thể thiếu.
Trong khi ấy, Phố Cối - một tác phẩm điển hình khác trong tập truyện ngắn Nhà thánh lại mang tới luồng sinh khí mới qua cách phản ánh những vấn đề văn hóa - xã hội đương đại. Thay vì rơi vào lối mòn hoài cổ hay phê phán một chiều, Vũ Thanh Lịch đã dệt nên một tấm thảm văn hóa đa sắc màu, mỗi chi tiết đều chứa đựng những trăn trở sâu sắc về sự rời rạc của văn hóa trong tiến trình đô thị hóa khốc liệt. Điểm nhấn độc đáo của truyện ngắn này nằm ở những câu mở đầu súc tích của các đoạn. “Phố Cối.” “Đêm.” “Phấm về.” Mỗi dấu chấm ngoài kí hiệu ngắt câu còn mang những khoảng lặng đầy ý nghĩa mô tả nhịp sống gấp gáp, hổn hển của một cộng đồng đang vật lộn giữa truyền thống và hiện đại. Văn phong, ngôn ngữ của Vũ Thanh Lịch được trau chuốt kĩ càng, tỉ mỉ. Những chi tiết vụn vặt cũng để lại dấu ấn như: một tiếng chuông chùa xa vọng trong sương sớm, một cánh hoa rơi trong chiều tà hay ánh nến lung linh trong đêm trăng mờ ảo đã trở thành những nốt nhạc trầm - bổng trong bản trường ca văn hóa, một thế giới tâm linh đang dần phai nhạt trong guồng quay hiện đại. Việc trùng phức các biện pháp tu từ, nơi ẩn dụ và hoán dụ được đan cài khéo léo đẩy đưa câu chuyện thành những lớp nghĩa đa chiều, đòi hỏi người đọc phải thực sự nhạy bén mới có thể cảm nhận hết được. Nhìn tổng thể, truyện ngắn của Vũ Thanh Lịch hiện lên với những mảng màu đối lập đầy mê hoặc, vừa cổ điển vừa hiện đại, vừa hiện thực vừa hư ảo, vừa riêng tư sâu lắng vừa mang tầm vóc xã hội rộng lớn - một sự kết hợp tròn đầy đã làm mới thể loại truyện ngắn ở khía cạnh khai thác chiều sâu tâm lí nhân vật và xây dựng không gian văn hóa đặc trưng đầy sức quyến rũ.
Bước sang Nhặt bóng người (2024), ta nhận thấy một Vũ Thanh Lịch hoàn toàn khác, có phần táo bạo hơn, phức tạp hơn trong nghệ thuật tự sự. Xuyên suốt vẫn là những yếu tố quen thuộc được hiện diện rõ ràng trong cái nhập nhoạng giữa ma và người, những đêm trăng kì lạ, những nhân vật bị động kinh hay hoang tưởng. Nhưng Vũ Thanh Lịch đã đi xa hơn thế. Chị đã kéo tất cả vào kiểu tự sự đa tầng mà tôi tạm diễn nôm: nơi các tuyến truyện, các điểm nhìn chồng chéo lên nhau như những lớp đá dày hàng ngàn tấc của việc khai quật khảo cổ. Tôi bị thuyết phục bởi cách tác giả sử dụng con mắt tinh tường của nhà khảo cổ học, là phương tiện để “nhặt bóng người”. Nhân vật Trai không phải kiểu nhà khảo cổ thông thường. Anh ta còn thuộc dạng biết lắng nghe những câu chuyện dân gian, quan sát phong tục địa phương, đọc những ghi chép thô của các nhà nghiên cứu đi trước. Dừng lại ở nhân vật này, những câu hỏi về/của kí ức được đặt ra một cách rất tài: “Nếu kí ức cũng mất tăm mất tích như mấy xác hoa này... Thì sao nào... Thì sao... Có phải ai cũng có kí ức không? Có bao nhiêu người cần kí ức? Mình có cần không, mảnh đất này có cần không, mình đi tìm kí ức cho mình hay cho ai?” Đây là những trăn trở mang tính triết học phổ quát cho bản chất của kí ức và ý nghĩa trong việc lưu giữ nó.
Lựa chọn, sắp đặt ngôn ngữ trong Nhặt bóng người là cách Vũ Thanh Lịch đem đến những điều mới mẻ, hòa quyện lối viết khoa học khi miêu tả tính chất công việc khảo cổ với chất trữ tình, huyền ảo khi đi một mạch vào thế giới tâm linh. Những trường đoạn về nghề gốm cho thấy vốn hiểu biết tường tận và niềm đam mê sáng tạo của tác giả, bởi ở đời thực Vũ Thanh Lịch là một cán bộ quản lí văn hóa chuyên trách mảng di tích, di chỉ khảo cổ ngay tại quê nhà. Mạch lõi văn chương cuốn hút giữa khoa học và tâm linh một cách tự nhiên đã tạo được ấn tượng đối với người đọc.

Điểm nhìn của nhà văn nằm ở nghệ thuật kiến tạo không gian và điều phối thời gian tương ứng. Mỗi không gian trong truyện, dù là khu khai quật khảo cổ nghiêm trang, ngôi đền Hạ cổ kính, lò gốm Diên Vĩ truyền thống hay những con phố rêu phong... đều được thổi hồn để trở thành những “thực thể sống” của câu chuyện. Ngôi đền Hạ, chẳng hạn, nơi diễn ra các nghi lễ tâm linh là tụ điểm giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, chốn dừng nghỉ để các linh hồn tìm về kể lại câu chuyện của mình. Lối tiếp cận này rất hiện đại khi không gian không còn là bối cảnh thụ động vốn dĩ mà biến thiên theo một cách rất khác, định hình số phận các nhân vật. Trong cả hai thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết, thời gian không tuân theo trật tự tuyến tính thông thường, mà trở nên đan xen, chồng chéo. Với Nhặt bóng người, các mảnh ghép thời gian ráp nối sắp xếp theo trật tự logic của kí ức và cảm xúc hơn là theo trình tự năm tháng, mang một sắc thái riêng, đâu đó một chút ma mị, hỗn độn nhưng lại rất có trật tự. Soi chiếu từ tác giả, tôi còn bắt gặp những suy ngẫm về mối quan hệ giữa con người với đất. Đất ở đây là nơi chôn giấu các di tích khảo cổ, hơn nữa là nơi lưu giữ kí ức, là chứng nhân của những số phận, những câu chuyện đã qua. Khi nhà khảo cổ Trai đào bới tìm tòi dưới những lớp đất, anh ta muốn tìm kiếm những mảnh gốm cổ và cũng là cái cớ để tìm kiếm căn nguyên của chính mình, tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi về bản sắc và nguồn cội.
Bên cạnh những thành công, tiểu thuyết Nhặt bóng người vẫn bộc lộ những hạn chế dễ thấy. Vũ Thanh Lịch dường như sa vào xây dựng tính ma mị, huyền ảo tưởng như không dứt khiến cho tác phẩm đánh mất đi sức mạnh vốn có của hiện thực. Dẫu biết đó là phong cách riêng của tác giả nhưng quá nhiều nhân vật ma, quá nhiều tình tiết siêu nhiên đã làm giảm đi tính thuyết phục xác đáng của câu chuyện. Đôi khi, những chi tiết ấy trở nên dễ đoán và mang tính công thức mặc định: mưa gió, đêm tối, hang động, lạc đường... Có cảm giác tác giả đang cố ép đưa vào hơn là phục vụ cho mạch truyện. Nhân vật Trai bị đặt vào tình thế tự mâu thuẫn khi một bên là phương pháp khoa học thực chứng của nghề khảo cổ, bên kia là những trải nghiệm siêu thực gần như không mang nghĩa lí gì. Những tưởng sẽ tạo ra sự đối trọng gay cấn nhưng chính nó lại làm suy yếu cả hai phía: khoa học mất đi tính khách quan duy lí, còn yếu tố tâm linh trở nên gượng ép, thiếu thuyết phục. Việc cố lạm dụng yếu tố ma quái đã biến một câu chuyện đáng lẽ phải đắm sâu vào mối quan hệ giữa con người với quá khứ thành “giả tưởng khảo cổ”. Có nhiều người sẽ nghĩ đây là cách tiếp cận tốt để mở rộng tâm thức tâm linh của di sản văn hóa. Nhưng tôi lại thấy ở đây dường như có một sự né tránh. Không trực tiếp đối diện với những vấn đề thực tế của việc bảo tồn di sản, qua sự xói mòn của thời gian và những xung đột lợi ích đương đại, tác giả lại chọn cách tạo lập một thế giới ma mị, nơi mọi câu trả lời dù có khó tới cỡ nào đều có thể tìm thấy thông qua những cuộc đối thoại với hồn ma. Nó đang đánh mất cơ hội để thực sự chất vấn vào những mâu thuẫn xã hội - văn hóa đương đại, thứ mà đáng lẽ phải là tâm điểm của một cuốn tiểu thuyết. Nhặt bóng người hé lộ một sự chú trọng về mặt hình thức dẫn đến làm suy giảm nội dung cốt lõi.
Phải nói, Nhặt bóng người là một tác phẩm văn học đầy ám ảnh. Dĩ nhiên, từ một góc độ tổng quát, có thể so sánh việc chuyển mình từ truyện ngắn sang tiểu thuyết giống như quá trình mở rộng một bức tranh nhỏ bé thành một tấm đại cảnh. Trong truyện ngắn, người viết phải tinh giản và cô đọng, bắt buộc tạo ra một cái khung giới hạn để mọi chi tiết đều có ý nghĩa. Còn ở tiểu thuyết, tác giả tự do thả mình vào không gian rộng lớn hơn để khám phá nhân vật, thế giới theo nhiều ý đồ. Truyện ngắn Nhà thánh của Vũ Thanh Lịch với kết cấu gọn ghẽ đẩy người đọc vào luồng trạng thái suy nghĩ về niềm tin và sự thực dụng. Trái ngược lại, ở Nhặt bóng người, không gian câu chuyện được mở rộng nhưng không hẳn đạt được hiệu quả tương tự. Việc sử dụng nhiều điểm nhìn tự sự khác nhau, ở nhân vật Trai hay những hồn ma là một thủ pháp đầy sáng tạo nhưng đôi khi làm đứt gãy đi tính nhất quán của mạch truyện. Tôi muốn nhấn mạnh đến sự đứt gãy - một biểu tượng phản ánh rõ rệt hơn về bản chất của kí ức và con người trong thời đại mà thông tin, hình ảnh và cảm xúc bị phân mảnh, biến đổi nhanh chóng. Sự kết nối giữa con người với quá khứ qua những biểu tượng tâm linh có còn phù hợp hay không, khi chính cái thế giới mà chúng ta đang sống đã không còn tin tưởng vào những mạch nối như thế nữa?
Sự đồng hiện giữa thế giới sống và chết, thực và ảo đưa người đọc tới một bầu không khí mơ hồ, hệt những lớp đất khảo cổ mà Trai phải đào xới. Sống trong thời đại mới, con người hiện đại phải đối diện với câu hỏi “Chúng ta là ai?” khi mọi khái niệm về bản sắc quốc gia, dân tộc, truyền thống đều trở nên linh hoạt, dễ bị thay đổi. Công việc của Trai mang sức nặng của hành trình đi tìm chính mình giữa một thế giới mà các khái niệm về bản thể luôn bị dịch chuyển và tái định nghĩa.
Ở Nhặt bóng người, sự phân tách giữa hiện thực và hư cấu, mặc dù được tác giả cố ý xây dựng nhưng đôi khi lại làm độc giả cảm thấy lạc lối. Một trong những điểm ở Nhặt bóng người chưa thực sự hoàn thiện so với Nhà thánh là ở tính cách nhân vật. Lật lại Nhà thánh, các nhân vật dù không quá nhiều nhưng được khắc họa rõ ràng, đầy cá tính, mỗi người đều có vị trí và vai trò nhất định trong câu chuyện. Chuyển sang Trai là nhân vật trung tâm nhưng sự phát triển tâm lí của anh chưa đủ sâu để có một sợi dây kết nối mạnh mẽ với độc giả. Việc anh chìm đắm trong thế giới khảo cổ cùng những cuộc đối thoại chẳng khác gì một kẻ cô độc, thiếu đi một “cái chạm” thực sự để đồng cảm mạnh mẽ. Rõ ràng, tác giả đã rất thành công trong không gian ma mị bao trùm những hình ảnh ám ảnh, những viên gạch cổ, những bóng người lập lờ trong cơn sốt của Trai. Liệu nó trở nên quá tải hay không? So với Nhà thánh, vốn có sự cân bằng tốt hơn giữa yếu tố tâm linh và hiện thực, Nhặt bóng người dường như đẩy quá xa vào cõi siêu thực làm cho nhạt nhòa tính hiện thực.
Việc bước sang địa hạt tiểu thuyết yêu cầu một sự cân nhắc kĩ lưỡng hơn về cấu trúc truyện kể và cách phát triển nhân vật, và trong trường hợp Vũ Thanh Lịch, tôi cảm thấy vẫn còn thiếu một chút tinh tế để chinh phục độc giả ở một tác phẩm có dung lượng dài hơn, phức tạp hơn. Dẫu vậy, với nỗ lực và khả năng văn chương của mình, ở chị hứa hẹn những thành tựu mới trong những dự án tiểu thuyết sau này.
V.M.C
VNQD