Xưng “tôi” – một đặc quyền dành cho nam giới

Thứ Tư, 02/04/2025 16:11

(Đọc lại tiểu thuyết nữ đầu thế kỉ XX)

. ĐẶNG THỊ THÁI HÀ
 

Đầu thế kỉ XX là một giai đoạn đầy biến động trong lịch sử xã hội Việt Nam. Trong đó, không thể không kể tới những chuyển biến đáng kể trong cách nhìn nhận lại về vấn đề giới/giới tính cũng như việc tư duy và đặt định lại các vai trò giới. Vấn đề giới trong giai đoạn này, dù đã được cố gắng tiếp cận từ những góc độ và các cách lí giải khác nhau, nhưng việc giới thiệu thêm các lí thuyết phê bình về giới nói chung cũng như các thực hành nghiên cứu giới trong bối cảnh Việt Nam đầu thế kỉ XX nói riêng vẫn là một điều cần thiết cho những người quan tâm đến giới trong ý nghĩa là một góc tiếp cận và giải mã tác phẩm. Bài viết, bởi thế, trước hết, mong muốn giới thiệu lí thuyết của Ben Tran về mối quan hệ giữa nữ giới và ngôn ngữ (cụ thể là ngôn ngữ văn chương) trong giai đoạn đầu thế kỉ XX. Trong công trình Post-Mandarin: Masculinity and Aesthetic Modernity in Colonial Vietnam​ (Hậu khoa bảng: nam tính và mĩ học hiện đại ở Việt Nam thời thuộc địa), Ben Tran đã dành riêng một chương để bàn về vấn đề trên. Một trong những phát hiện then chốt của Ben Tran là, dù việc dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất (tôi) của các nhà văn Việt Nam thời đó thực sự đã tạo nên được một bước chuyển dịch quan trọng, ghi dấu sự xuất hiện của tinh thần cá nhân chủ nghĩa theo quan niệm phương Tây, hay nói khác đi, là một sự tuyên bố về quyền tự chủ và tự do cá nhân có khả năng bứt thoát khỏi những ràng níu của chủ nghĩa tập thể theo quan điểm Nho giáo trước đó; thế nhưng, trên văn đàn, gần như vẫn quá thiếu vắng bóng dáng cách xưng “tôi” trong tư cách các tác giả và nhân vật nữ. Với gợi ý từ cách diễn giải trên, chúng tôi tiến hành đọc lại các tác phẩm văn học được xuất bản trong giai đoạn này, tập trung xem xét lối dùng đại từ nhân xưng trong quan hệ với tính chủ thể được biểu đạt qua các văn bản. Dù vậy, nếu như Ben Tran chỉ tập trung đọc lại các tác phẩm của một số nhà văn nam như Khái Hưng, bài viết này trực tiếp làm việc với các văn bản văn học và báo chí của các cây bút nữ, cụ thể là qua hai trường hợp Đạm Phương nữ sử và Phan Thị Bạch Vân, nhằm phân tích cách hiện diện của họ qua ngôn ngữ, và từ đó, đặt vấn đề về khả năng thực sự của tiếng nói nữ quyền trong giai đoạn ấy.

Hiện tượng đầu tiên cần được nhắc đến có lẽ là sự hiện diện của từ “tôi” trong tư cách đại từ nhân xưng của cả người kể chuyện (ngầm xác định người nhận là công chúng độc giả) cũng như của nhân vật trong tác phẩm Bảo tồn Hán học của Đạm Phương nữ sử. Đây có lẽ là một trong những văn bản văn xuôi sớm nhất có hiện tượng người kể chuyện xưng “tôi” trong văn chương nữ hiện đại. Bằng việc dùng đại từ “tôi”, người viết nữ đang đặt mình vào vị trí của một người đối thoại trong tư cách cá nhân, với người nghe là một đối tượng độc giả báo chí rộng rãi chưa từng có. Đây có lẽ cũng chính là cơ hội mà một nền văn hóa in ấn hiện đại đem lại cho các chủ thể nữ; cụ thể hơn, họ được trao cơ hội để lên tiếng (qua văn bản) trước đại chúng một cách chủ động, độc lập - một điều hiếm thấy trong những giai đoạn trước. Trong văn bản này, tác giả nữ trực tiếp dùng góc nhìn của người kể chuyện xưng “tôi” để viết về những trải nghiệm, suy nghĩ và cảm xúc của mình, tự lên tiếng cho chính mình. Việc dùng từ “tôi” ở đây cũng khiến người viết nữ hiện lên với tính tự chủ để kể câu chuyện của mình, cũng như đưa ra một góc nhìn xã hội riêng và cách đánh giá của cá nhân mình. Và cũng với cái “tôi” kể chuyện ấy, Đạm Phương nói tiếng nói của chủ thể nữ, xoay quanh quan điểm, trải nghiệm, và cả dự định của người nữ thay vì được-nói-thay bởi bất cứ người đàn ông nào.

Tuy vậy, bên cạnh việc chiếm lĩnh cái “tôi” như một chủ thể phát ngôn trong vai trò của một người kể chuyện/tác giả, cũng cần phải kể đến cách xưng hô của các nhân vật nữ trong truyện cũng như nguy cơ việc xưng “tôi” trong các ngữ cảnh giao tiếp tiếng Việt liên tục bị mất đi tính trung tính, độc lập, mà thay vào đó, thường xuyên bị kéo vào các quan hệ thứ bậc được mở rộng từ mạng lưới xưng hô gia đình theo nhận định của Ben Tran. Cả câu chuyện xoay quanh cuộc trò chuyện của hai người đàn bà, một người kể chuyện xưng “tôi” (nhà văn) và nhân vật “người đàn bà”. Trong lời kể, tác giả dùng hai cụm từ là “người ấy” và “người đàn bà” để trỏ và kể về người phụ nữ mình gặp và nói chuyện cùng. Đây là một lối dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ ba để kể với người đọc một cách trung tính, khách quan. Tuy nhiên, khi bước vào các ngữ cảnh giao tiếp cụ thể, tính phức tạp trong cách xưng hô “tôi” được biểu lộ rõ nét. Ngay khi vừa gặp mặt, qua cách xưng hô, một trật tự thứ bậc đã được thiết lập giữa hai người. Người đàn bà đang làm công việc dủi tép kia mở đầu đối thoại, gọi người kể chuyện là “bà”. Khi dùng từ này để gọi người kể chuyện, người đàn bà có vẻ đang tự đặt mình ở một thứ bậc thấp hơn, thể hiện một sự nhận thức và dự đoán về địa vị hoặc một thái độ khiêm nhường. Đối lại, như được miêu tả trên đây, nhân vật người đàn bà dủi tép được miêu tả dưới con mắt của người kể chuyện là một người làm công việc lao động chân tay nhưng dáng vẻ không hẳn giống như nông dân mà vẫn có độ thanh tao, có phong cách quý phái riêng. Đó là lí do người kể chuyện xưng “tôi” nhưng lại dùng từ “mợ” để trỏ người đàn bà ấy mà không phải là từ nào khác. Khi người đàn bà được người kể chuyện hỏi chuyện gia đình, ngay trong lời kể của bà, đã có thể đọc ra một độ mực thước, sang trọng của một con người có học và dù không phải thuộc tầng lớp thượng lưu hay giàu có, người đọc (và có lẽ cả người kể chuyện) đều có thể tìm ra được dấu chỉ của một người có gia giáo, và cụ thể hơn, thuộc một gia đình có nền nếp Nho giáo. Điều này được biểu thị rõ nét qua việc bà dùng từ ngữ, đặc biệt qua cách gọi những người (nam giới) trong nhà bằng các đại từ ngôi thứ ba mang tính trang trọng: bà gọi cha mình là phụ thân tôi (từ Hán Việt, sang trọng), gọi chồng mình là ông giáo tôi. Sự lưu giữ Nho phong này được minh chứng một cách rõ ràng hơn qua câu chuyện của chính người đàn bà: bà là con gái của một nhà Nho học, lại lấy chồng là Nho sinh, đến thời Nho học thất sủng, “chữ Tây được trọng dụng”, người chồng theo đòi khoa cử bấy lâu không kiếm được việc làm. Người đàn bà, vì không muốn chồng phải kêu nài cầu cạnh những kẻ có quyền có tiền, để “mất cái phong khí xưa nay”, và nhất là muốn “bảo tồn lấy danh giá của người có Hán học”, đã chủ động đứng ra lao động gánh vác kinh tế chính cho cả gia đình. Tác phẩm của Đạm Phương, bởi thế, đặt ra vấn đề về tình thế của người phụ nữ trọng Nho học, giữ niềm tin và tiếp tục thực hành Nho phong trong bối cảnh chuyển đổi triệt để của xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX. Sự cố gắng duy trì trật tự Nho giáo này được thể hiện ngay trong cách người phụ nữ dùng các đại từ để gọi chồng và cha - những từ mang tính kính ngữ, thể hiện sự tôn kính. Với người chồng, bà cũng không dùng những từ ngữ thường được dùng trong quan hệ vợ chồng mà dùng từ chỉ nghề nghiệp “ông giáo”, nhấn mạnh tính chất sang trọng của nghề nghiệp.

Đối lại, nhìn từ phía người kể chuyện, ngay sau khi nghe người đàn bà kia kể rằng mình là vợ của một “ông giáo”, nhân vật xưng “tôi” lập tức chuyển cách xưng hô: không còn xưng “mợ” - “tôi” khi trò chuyện mà đổi qua xưng “tôi” - “bà”. Sự thay đổi cách xưng hô này trong cuộc chuyện trò giữa hai người nữ đánh dấu một sự chuyển đổi thái độ. Trong mắt người kể chuyện (nữ), vì là vợ của một “ông giáo”, người đàn bà kia đã ở một tầng lớp khác, và đáng nhận được một sự tôn trọng, đề cao hơn khi trò chuyện. Tuy nhiên, hình dung về “ông giáo” giữa người phát và người nhận trong cuộc đối thoại dường như có độ vênh lệch. Người kể chuyện xưng “tôi” gọi chồng người đàn bà là “quan giáo”, và đặt ra ngay câu hỏi: “Chớ bây giờ ngài dạy trường nào?” Dùng từ “ngài” ở đây, nhân vật xưng “tôi” biểu lộ rõ một sự trọng vọng. Nhưng trong hình dung của nhân vật “tôi” khi ấy, hình ảnh “ông giáo” có vẻ như lập tức gợi đến một thầy giáo trường Tây, một vị quan đốc học (“quan giáo”). Điều này, bởi thế, ngầm tiết lộ cho người đọc rằng, nhân vật xưng “tôi” là một phụ nữ đã quá quen với một nền giáo dục Tây học và hệ thống trường Tây. Tuy vậy, “ông giáo” hay người chồng trong câu chuyện của người đàn bà lại là kẻ Nho học thuần túy, không biết “chữ Tây”, và bị từ chối khỏi cả hệ thống trường Pháp lẫn khỏi hệ thống viên chức trong bối cảnh thuộc địa. Cả câu chuyện, bởi thế, là đối thoại giữa hai người phụ nữ đại diện cho hai mẫu hình phụ nữ trong bối cảnh chuyển đổi của xã hội Việt Nam đầu thế kỉ - một người còn tuân thủ và chủ động giữ gìn truyền thống Nho gia, một người kể chuyện xưng “tôi” hé lộ những tư tưởng rất khác và mong đợi rất khác về đời sống xã hội và cả về nam giới và nữ giới giai đoạn đó. Cho dù trò chuyện thêm và vỡ lẽ ra rằng chồng người đàn bà kia là một “ông giáo” theo nghĩa thầy đồ chứ không phải một quan thầy trường Tây, nhân vật nữ xưng “tôi” vẫn tiếp tục gọi người đàn bà kia là “bà”. Điều này vừa thể hiện một sự tôn trọng, trân trọng sự kiên tâm của người phụ nữ còn giữ tư tưởng bảo tồn những nề nếp cũ, một mình đứng ra gánh vác trọng trách ấy thay các bậc nam nhi; vừa bộc lộ một sự xót xa thương cảm cho gánh nặng văn hoá đang đè nặng lên vai người phụ nữ. Từ cuộc nói chuyện xuyên suốt tác phẩm, còn có thể nhận ra, người kể chuyện nữ xưng “tôi” kia, khác với người đàn bà dủi tép, đang ở một vị thế rất khác, là một người được hưởng những đặc quyền đặc lợi nhiều hơn trong bối cảnh giao thời, và cũng có một độ mở về tư duy hơn, quen thuộc nhiều hơn với nền giáo dục mới. Tuy vậy, sự tôn trọng nhất định dành cho “Nho phong” vẫn còn.

Tác phẩm thứ hai được lựa chọn khảo sát phân tích trong bài viết này là Lâm Kiều-Loan của Phan Thị Bạch Vân. Cũng ra đời trong thập niên 30 thế kỉ XX, nhưng tiểu thuyết này có thể xem là một đối trọng với các tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn. Nếu như trong tiểu thuyết của các tác giả Tự lực văn đoàn, như Ben Tran nhận ra, gần như không thể bắt gặp người kể chuyện nữ xưng “tôi”, thì trong Lâm Kiều-Loan, nhân vật nữ chính, và đồng thời cũng là người kể chuyện xuyên suốt tác phẩm, đã dõng dạc xưng “tôi” ngay từ những trang viết đầu tiên. Ngay từ những dòng đầu, đã là lời kể trực tiếp từ phía Kiều Loan: “Tôi, Kiều-Loan, vốn sanh trong nhà thi lễ.” Người viết, ngay từ đầu, cũng đã rất rõ ràng về đối tượng độc giả mình hướng tới, hay nói cách khác, về cuộc đối thoại/chuyện trò mình đang kể qua văn chương này hướng tới đối tượng nghe nào: “Lời quê mượn ngòi bút thảo ra những câu chuyện cũ, hiến các bạn đài gương xem với.” Việc xác định đối tượng tiếp nhận này vừa thiết lập một không gian của sự chia sẻ tâm tình giữa những người nữ với nhau, vừa hứa hẹn một góc nhìn khác, biệt lập với tư tưởng nam quyền, về những vai giới truyền thống và sự thay đổi trong cách nhìn về quyền phụ nữ. Cũng giống như nhân vật Yến Nương trong truyện của Đạm Phương vừa được nhắc tới trên đây, Kiều Loan cũng đứng giữa và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những biến chuyển của thời đại. Kiều Loan là cô con gái duy nhất trong một gia đình Nho học, từ nhỏ đã được nuôi dạy theo nề nếp xưa của con nhà khuê các. Nhưng điểm khác biệt là Kiều Loan không xa lạ mà được dự phần vào nền giáo dục mới. Dù vậy, nói như Ben Tran, Kiều Loan cũng như bao người phụ nữ khác, bị loại khỏi những bước tiến hiện đại hóa (được đi học và khao khát tri thức, khao khát học lên nhưng chỉ được dừng ở sơ học bởi mẹ thúc ép lấy chồng); tuy nhiên, những ba động của thời đại tác động sâu sắc đến họ và bằng những cách riêng của mình, những người phụ nữ ấy vẫn thực hiện những bước tiến “hiện đại”, xoay xở để khẳng định tiếng nói và quyền cá nhân theo cách của riêng mình. Bằng việc dùng lời kể chuyện ngôi thứ nhất xưng “tôi”, Phan Thị Bạch Vân đặt nhân vật của mình vào một thế đối thoại, cụ thể là đối thoại trực tiếp với các quan niệm và tín điều cũ, đặc biệt là những quan niệm về giới: “Tôi nghe mấy lời mẹ dạy mà tủi thầm cho cái thân nhi nữ. Mình cũng mắt cũng tai cũng đầu óc như Nam-nhi, cớ sao Nam-nhi người ta lại có quyền vùng vẫy nơi bể học rừng văn, còn mình lại buộc trở về toan đi nương thân gửi phận, chực bám vào người ta là cớ làm sao?”

Không chỉ thế, cách nhân vật “tôi” xưng hô với các nhân vật khác trong truyện tiết lộ nhiều điều về tính khí, cảm xúc, và góc nhìn của nhân vật nữ chính. Ban đầu, kể về tình chị em gắn kết với Kim Hoa, người bạn gái kém Kiều Loan một tuổi, nhân vật “tôi” dùng từ “cô” để trỏ người con gái trẻ, trong xưng hô giữa hai người lại dùng cặp từ “chị” - “em” để tỏ tình thân thắm thiết không khác nào tình cốt nhục. Thế nhưng khi nhận ra Kim Hoa chính là kẻ dan díu với chồng mình, phá hoại hạnh phúc của mình, Kiều Loan đổi qua dùng “tao” - “mầy” như một cách cắt đứt tình nghĩa, trong khi đó, dù người chồng có phụ bạc mình, người kể chuyện vẫn nhất nhất gọi y là “Lang-quân tôi”, và khi xưng hô vẫn một “chàng” hai “thiếp”. Điều này phần nào có thể được đọc như một minh chứng cho “nền nếp gia phong” Nho giáo từng được giáo dục, uốn nắn từ khi còn nhỏ đã ăn sâu vào nhân vật nữ chính.

Cuối cùng, một trong những chi tiết đặc biệt ấn tượng trong tác phẩm này của Phan Thị Bạch Vân là ngay chính trong một tác phẩm được viết bởi một người nữ, với người kể chuyện - nhân vật chính là cái “tôi” nữ giới, bà đồng thời cũng viết về sự cấm đoán và sự cố ý làm cho câm tiếng những tiếng nói nữ. Như trong câu chuyện nhân vật “tôi” được nghe từ một nhân vật nữ khác về Bích Ngọc. Bích Ngọc là một người vợ có tiếng “biết điều” (tuân thủ những quan niệm cũ), không nề hà việc chồng trăng hoa thê thiếp. Nhưng cuối cùng, chứng kiến chồng có những hành động bại hoại, lại đối xử tàn tệ với mình, trong khi chính mẹ ruột không cho mình được tháo cũi sổ lồng mà li dị. Nếu như Kiều Loan sau khi li dị người chồng tệ bạc gặp được những người chị em tốt, được giúp đỡ san sẻ, thì nỗi bất hạnh của Bích Ngọc là bị giam cầm trong hôn nhân, dưới mái nhà gia trưởng, và bị bóp nghẹt khả năng giải toả và chia sẻ qua việc viết. Phan Thị Bạch Vân dường như đang chạm tới một lịch sử đầy thương tâm của những người nữ, nhưng lại bị trấn áp, bị làm cho câm tiếng, khiến những chủ thể nữ muốn vùng thoát mà không thể, muốn cất lời mà bị cấm đoán, vùi dập. Trong Lâm Kiều-Loan, Phan Thị Bạch Vân để cho rất nhiều lần người nữ chiếm lĩnh vị trí người kể chuyện, người phát ngôn; để qua đó, ngầm gửi gắm một tiếng nói giải phóng. Chẳng hạn, truyện trong truyện của Bích Liên, em gái Bích Ngọc kể về chị mình cũng được thực hiện từ nhân vật/người kể nữ, và cũng được kể từ góc nhìn ngôi thứ nhất số ít xưng “tôi”: “Tôi thiệt không dám trách má tôi, vì bởi người giữ theo thói xưa tục cũ, chớ chẳng phải là ghét bỏ chi chị tôi. Song tôi chỉ hờn cho thói tục xưa nay của mình, trăm việc, việc gì cũng đè nén người đàn bà.” Việc trao quyền phát ngôn cho người nữ trong tác phẩm, bởi thế, thể hiện một đề xuất quyền lên tiếng cân bằng hơn cho chủ thể nữ từ các cây viết nữ.

Bài viết đã phân tích cách những tiếng nói nữ được cất lên dưới ngòi bút của chính các tác giả nữ đầu thế kỉ XX (từ đoản thiên tiểu thuyết, tiểu thuyết dài, đến xã thuyết và du kí), đôi khi được thực hiện dưới sự đối sánh với các diễn ngôn “nam giả giọng nữ” đương thời. Việc lựa chọn xem xét các đại từ nhân xưng của người trần thuật cũng như của các nhân vật theo gợi ý của Ben Tran, theo người viết, là một cách hữu hiệu để “đọc” ra được vị thế phát ngôn, và hơn cả, sự uyển chuyển và nỗ lực của nữ giới trong việc thiết lập một vị thế phát ngôn bình đẳng. Đặc biệt, đại từ nhân xưng “tôi”, dù trong ngôn ngữ thường nhật đã được ghi nhận ngay từ những từ điển quốc ngữ đầu tiên, nhưng hành trình của nó trong văn chương, đặc biệt khi gắn với người phát ngôn nữ, thực sự đáng lưu tâm và nghiên cứu. Bài viết này có thể được xem như một thực hành mang tính nền tảng, với việc lựa chọn một số trường hợp điển hình, để từ đó, mở ra tiến hành những thực hành đọc sâu hơn với diện khảo sát rộng hơn về văn học nữ Việt Nam.

Đ.T.T.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)