Phạm Tiến Duật - một tài năng độc đáo

Thứ Năm, 17/04/2025 05:08

. GS.TS. MÃ GIANG LÂN

Nhiều cá nhân, tổ chức đã tôn vinh Phạm Tiến Duật với tình cảm chân thành tốt đẹp nhất, cảm động nhất: Người lĩnh xướng của dàn thơ chống Mỹ, ngọn cờ thơ chống Mỹ, người đưa thơ chống Mỹ lên đỉnh cao, nhà thơ lớn của đất nước, là phượng hoàng mới xuất hiện, là hiện tượng lớn trong đời sống văn học, rất nhiều năm sau khó có thể thấy… Tôi nghĩ Phạm Tiến Duật là một tài năng độc đáo, sớm định hình và có sức tỏa sáng lâu dài. Một tài năng xuất hiện đúng lúc, đúng yêu cầu của lịch sử đất nước.

Cả dân tộc “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” cần có tiếng hát, tiếng kèn xung trận lạc quan lôi cuốn, thơ Phạm Tiến Duật đáp ứng được yêu cầu đó. Từ một điểm nhìn nữa, không có cuộc chiến đấu của dân tộc, không có thời đại và nhân dân anh hùng, không có con đường Trường Sơn huyền thoại, không thể có thơ Phạm Tiến Duật. Chính Phạm Tiến Duật đã tự bạch: “Trường Sơn không phải chỉ là một dãy núi mà là những cánh quân đông đảo hàng triệu người ra trận. Tôi gắn bó máu thịt với Trường Sơn và có thể nói Trường Sơn đã sinh ra nhà thơ Phạm Tiến Duật. Trước đây, bây giờ và sau này, nếu tôi viết được gì neo lại trong lòng bạn đọc chính là nhờ những năm tháng ở Trường Sơn”*. Muốn là tài năng, điều không thể thiếu là phải có tài năng. Bao nhiêu lời vàng ngọc đã thống nhất: Phạm Tiến Duật là một người thông minh, sắc sảo, tài hoa, hoạt bát, dí dỏm… Một nhà thơ đã trở thành huyền thoại. Vậy Phạm Tiến Duật, thơ Phạm Tiến Duật không thể thoát khỏi phẩm chất cá nhân, môi trường xã hội và thời đại. Thời đại của ông chính là những năm tháng chiến tranh, là tư tưởng lớn chi phối mọi hành động “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Những điều tưởng đã quen lại thấy lộ ra thuyết phục ở Phạm Tiến Duật. Năng khiếu, tài năng vốn quý, trời đất, bố mẹ ban cho, nhưng phát lộ, phát sinh, phát triển phải có môi trường thích hợp. Trường Sơn, người lính, thanh niên xung phong, nhân dân tuyến lửa chính là nơi để thơ Phạm Tiến Duật đâm bông kết quả. Cứ đọc những bài thơ ông viết khi chưa sống, chưa gắn bó với Trường Sơn thì rõ và đọc thêm những bài thơ của các nhà thơ cùng trang lứa viết vào thời kỳ ấy càng thấy đúng. Nhật ký yêu đương (1963), Nối những đường dây (1963), Cái cầu (1964), Em gái văn công (1965), Ga xép (1966)… là những bài thơ chưa có gì đặc sắc, vẫn theo lối diễn đạt quen thuộc, chưa có nét riêng Tìm anh trời tối lâu rồi/ Anh còn lái máy trên đồi xa xa/ Sáng ngời đôi ngọn đèn pha/ Song song xem thể đôi ta bước cùng. Ngọt ngào duyên dáng ví von theo lối dân gian những giãi bày chưa được cá thể hóa. Viết về chiến tranh, không khí chiến tranh: Buổi sáng ta bắn chìm tàu giặc/ Chiều đã qua nghe em hát sóng ngời xa/ Náo nức cả hạm tàu chiến thắng/ Thủy thủ sáng bừng đôi mắt biển bao la. Thơ nghiêng về tường thuật, cảm nghĩ riêng lẻ những sự kiện cụ thể của đời sống chiến tranh có phần đẹp, thơ mộng. Cùng thời, Lưu Quang Vũ trong Đêm hành quân tự cảm: Anh nghĩ gì trong đêm hành quân; Ngụy trang reo như rừng gió chuyển/ Bước quân đi cuồn cuộn đường dài. Và tâm nguyện: Làm kẻ sinh sau giữa đời rộng mở/ Mang khối căm hờn ngày trước chưa tan/ Hờn căm mới lại chồng lên nợ cũ/ Lửa cháy bom rơi… ta cầm súng lên đường (1966). Một tác giả khác, Thái Giang từng trải hơn, viết về chiến tranh, chủ yếu vẫn là bộc lộ cảm xúc, cảm nghĩ về cuộc sống, phẩm chất anh hùng của nhân dân bằng những sự kiện, chi tiết tiêu biểu Phà ta đi - im lặng vào đêm/ Chào lau lách vì ta che nắng gắt/ Chào vách đá lên màu rêu ngăn giặc/ Đã đến giờ phà cưỡi sóng về sông…/ Và pháo sáng bủa lòa bốn phía/ Và bom nổ, nước tràn, đạn xé/ Ta quen rồi khi làm chủ mặt sông/ Khi quyết lòng giữ mạch máu giao thông (Vào đêm - 1965). Tất cả các bài thơ trên như cùng chung giọng điệu, vần điệu… quen thuộc. Hiện thực, dù chiến tranh vẫn hiện lên trong dáng vẻ bình tĩnh của nhịp sống thường ngày. Ý thức hay không đều lạc quan tin tưởng, đều thể hiện tinh thần chung của thời đại.

Trở về với Phạm Tiến Duật chúng ta nhận ra một bứt phá, quyết liệt, khác biệt, mạnh mẽ đập vào giác quan và tình cảm người đọc, khi cuộc sống chiến tranh vào thơ ông. Khi ông thực sự sống trong chiến tranh. Cùng với chuyển đổi về nội dung cảm hứng là cách nghĩ, câu chữ, giọng điệu Qua một mảnh trời thành phố Vinh (11-1965).

Cao xạ thình lình điểm đầu canh ba

Giật mình thức giấc nhìn lên mái nhà

Ngói vỡ bởi bom rung hở một mảnh trời nho nhỏ

Qua mảnh trời ngói vỡ

Thấy ánh đạn ta bay trên đó

Cũng đủ nhìn sao đứng sao sa

Cũng đủ để gió sông Lam vào nhà

Ru ta ngủ lại

Rất khác lạ với những gì Phạm Tiến Duật đã viết. Một bài thơ hay, gọn, mà gợi, gây ấn tượng, không tả mà suy tưởng, toát lên cái tư thế của người làm chủ hoàn cảnh. Đến chùm thơ 4 bài Lửa đèn (1967), Gửi em cô thanh niên xung phong (1968), Bài thơ về tiểu đội xe không kính (1969), Nhớ (1969) giành giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1969 thực sự tạo một rung động mạnh cho thơ chống Mỹ và dư chấn lâu dài. Không thể khác, chính Trường Sơn, chính cuộc chiến đấu của dân tộc làm nên diện mạo sắc thái, hồn thơ Phạm Tiến Duật. Lửa đèn tài hoa, suy tưởng bằng cảm giác, ấn tượng, điều ít gặp trong thơ Phạm Tiến Duật lúc này. Âm thanh nhịp điệu uyển chuyển, hình ảnh bay lượn nhịp nhàng. Từ hình ảnh cụ thể của ngọn đèn Kéo quân gợi đến sự vận chuyển của vạn vật, của quy luật, từ bóng tối ra ánh sáng, từ khó khăn đến thắng lợi. Hình ảnh được cách điệu hóa, hư thực qua những liên tưởng thú vị.

Trái nhót như bóng đèn tín hiệu

Trỏ lối sang mùa hè

Quả cà chua như cái đèn lồng nhỏ xíu

Thắp mùa đông ấm những đêm thâu

Quả ớt như ngọn đèn dầu

Chạm đầu lưỡi chạm vào sức nóng…

Bài thơ giàu cảm xúc giàu sức gợi tinh tế Bóng tối che rồi/ Cây trúc làm duyên phải nhờ gió thổi/ Cô gái làm duyên phải dùng giọng nói/ Bông hoa làm duyên phải lụy hương bay. Không chú ý miêu tả cái khốc liệt dữ dội của chiến tranh mà chủ yếu nhà thơ thể hiện tinh thần của thế hệ trẻ Việt Nam thời chống Mỹ: quả cảm lạc quan yêu đời yêu sống. Đọc tiếp bài thơ Gửi em cô thanh niên xung phong, Trường Sơn đông, Trường Sơn tây càng rõ. Nhà thơ khám phá vẻ đẹp con người trong cuộc sống chiến trường bằng những chi tiết ngổn ngang bề bộn phong phú mà khái quát được đặc trưng tâm hồn của một thế hệ. Hai bài thơ rất tiêu biểu cho thơ Phạm Tiến Duật, trẻ trung, tinh nghịch, hoạt bát, lém lỉnh. Gửi em cô thanh niên xung phong Trường Sơn đông, Trường Sơn tây là hai bài thơ tình? Thơ tình của cả lứa tuổi, không riêng của một cá nhân cá thể nào. “Anh”, “em” mang ý nghĩa giới tính, chưa phải là cá tính, giống như ở ca dao dân ca. Xưng “anh” bất cứ người lính nào cũng có thể nhận ra mình ở đó, gọi “em”, cô gái thanh niên xung phong nào cũng thấy có mình tham dự. “Anh”, “em” chỉ chung cho cả thế hệ thanh niên lúc ấy, ai cũng là người trong cuộc, đang tâm tình nhớ nhung lưu luyến. Giọng “ghẹo” của ca dao dân ca chấp chới suốt cả hai bài thơ này: Có lẽ nào anh lại mê em/ Một cô gái không nhìn rõ mặt; Anh đã tìm em tìm em rất lâu; Tên em đã thành tên chung anh gọi/ Em là cô thanh niên xung phong; Trường Sơn tây, anh đi thương em/ Bên ấy mưa nhiều con đường gánh gạo/ Muỗi bay rừng già cho dài tay áo/ Rau hết rồi em có lấy măng không; Từ nơi em gửi đến nơi anh/ Những đoàn quân trùng trùng ra trận/ Như tình yêu nối lời vô tận/ Đông Trường Sơn, cô gái “ba sẵn sàng” xanh áo/ Tây Trường Sơn bộ đội áo màu xanh. Giọng điệu mượt mà, da diết rất hợp với lứa tuổi đang yêu. Thơ như thế đã nằm lòng các chàng trai cô gái không chỉ ở Trường Sơn mà lan tỏa rộng xa hơn rất nhiều.

Sức hấp dẫn độc đáo của thơ Phạm Tiến Duật theo tôi, trước hết là chất liệu cuộc sống mới lạ, cách nói sinh động trẻ trung, ngôn ngữ đời thường, phóng khoáng. Phạm Tiến Duật đã tạo được giọng thơ riêng của mình. Ở chiến trường ông sớm nhận ra: giao tiếp trực tiếp là yêu cầu, nhu cầu thiết yếu nhất trong đời sống tinh thần và tình cảm của người lính, người lính lạc quan, hồn nhiên, coi thường gian khổ hy sinh. Cách nghĩ lính, ngôn ngữ lính cười đùa phớt hết đạn bom. Là người lính, làm thơ cho lính đọc ông biết chọn cách nói, chọn ngôn ngữ giản dị gây ấn tượng mạnh. Dùng giọng lính nói với lính, giọng bạn bè nói với bạn bè tự nhiên thân tình: Đạn một trăm linh năm milimet xếp ngang/ Đạn cao xạ một trăm xếp dọc/ Súng bắn tỉa để riêng một góc/ Xếp ra ngoài hòm thuốc nổ, chuyển ngang (Nghe hò đêm bốc vác). Ở chiến trường yếu tố “nói”, yếu tố miệng, giàu lượng thông tin được coi trọng. Từ cách nói bất cần “cái vết thương xoàng mà đưa viện” đến cái giọng bất chấp “không có kính, ừ thì có bụi”, từ cách tự vấn thật thà rất lính. “Có lẽ nào anh lại mê em” đến một trách cứ nhẹ nhàng “Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói Thạch Nhọn”. Từ một thông báo bình thường “Cạnh giếng nước có bom từ trường” đến lời bình phẩm rất lính “Nghe em hát mà anh buồn cười - Nhịp với phách xem chừng sai cả” và một câu hỏi thân tình “Rau hết rồi, em có lấy măng không”…, tất cả đều rất tự nhiên, mang sắc thái ngôn ngữ nói, có khi như lời nói thường, chỉ cần tăng được hàm lượng hiện thực cho thơ, khiến thơ chấp nhận và mở rộng chất liệu hiện thực.

Lời nói thường ít chất thơ, trước đấy khó được chấp nhận, đến Phạm Tiến Duật thành một kiểu nói mới, một giọng điệu rất lạ, rất khác, không mượt mà uyển chuyển, gây sự chú ý.

Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn

Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để

Tranh thủ có ánh sáng đèn dù

Anh vội nhìn em và bạn em khắp lượt

Mọi người cùng tò mò nhìn anh

(Gửi em cô thanh niên xung phong)

Phía trước là ngã ba Đồng Lộc

Hố bom dày như lỗ hà ăn chân

(Qua cầu Tùng Cốc)

Sống giữa chiến trường, cuộc sống hàng ngày hàng giờ luôn biến động, luôn có những bất ngờ, bất trắc với vô vàn cái lạ cái khác, vừa tác động tới tình cảm của tuổi trẻ vừa lý thú. Tiếc năm ngoái anh không tới đây/ Mười bảy trận bom Mỹ dội một ngày/ Vải dù pháo sáng dùng không hết/ Thừa thãi ống bom bi thùng rốc két/ Thả sức cưa làm cốc làm ca…/ Đồng chí coi kho cười ha hả/ Chẳng có tiếng cười nào/ Vang hơn tiếng cười trong hang đá (Tiếng cười của đồng chí coi kho). Cạnh giếng nước có bom từ trường/ Em không rửa ngủ ngày chân lấm/ Ngày em phá nhiều bom nổ chậm/ Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà (Gửi em cô thanh niên xung phong). Nhưng không phải chỉ thế, sống, trải nghiệm với hiện thực gian khổ khắc nghiệt, cái đầu thông minh và trái tim nhạy cảm của nhà thơ luôn phát hiện những vấn đề có ý nghĩa quan trọng Thế đấy giữa chiến trường/ Nghe tiếng bom rất nhỏ (Tiếng bom ở Seng Phan), Bao nhiêu người làm thơ Đèo Ngang/ Mà không biết con đèo chạy dọc” (Đèo Ngang). Trong một không gian vừa dữ dội vừa thanh bình, vừa ác liệt vừa bình tĩnh lạc quan Và vầng trăng, vầng trăng Đất nước/ Vượt qua quầng lửa, mọc lên cao (Vầng trăng và những quầng lửa). Thấy được nhiệm vụ hiện tại, vừa chiến đấu chống Mỹ vừa lo cho cả mai sau: Bộ thông sử hoàn thành/ Trang cuối cùng viết trong hầm trú ẩn/ Chồng bản thảo rời khu sơ tán/ Chở trên xe xích lô/ Lọc cọc xe qua trận đồ cao xạ/ Các chiến sĩ những người làm sử/ Nhìn những chồng giấy cao/ Hiện tại mỉm cười cùng quá khứ (Công việc hôm nay).

Sau 1975, thơ Phạm Tiến Duật thưa thoáng, chúng ta hiểu và thông cảm bởi những lý do từ khách quan và cả chủ quan. Đến năm 1997, trường ca Tiếng bom và tiếng chuông chùa của ông lại lôi kéo, nhắc nhở người đọc trở về với những tháng ngày bi tráng Trường Sơn của những người lính, những cô thanh niên xung phong và những thua thiệt mà các cô đang gánh chịu “quên mình để cống hiến nốt phần còn lại của cuộc đời mình cho thập phương”. Chương cuối trường ca là những khúc tưởng niệm với sự hiện về của bao nhiêu bạn bè, đồng đội của nhà thơ từng chung những ngày tháng gian truân ở Trường Sơn: Đại tá Đặng Tính, Chính ủy Bộ Tư lệnh 559, nhạc sĩ Trịnh Quý, Đoàn trưởng Đoàn văn công Trường Sơn, phóng viên Phương Nam của Báo Tiền phong… Đấy là những người mà theo tác giả “lẽ ra phải có những ngôi đình riêng để thờ họ” “Người có công với nước thì khi chết sẽ thành thánh”.

Cứ chiều hôm lại sáng cuối trời xa

(Tiếng bom và tiếng chuông chùa)

Ở đây chúng ta gặp lại Phạm Tiến Duật của Trường Sơn ác liệt nhưng bình tĩnh, từng trải, chủ động, cảm thông và phán xét. Phạm Tiến Duật sắc sảo, linh hoạt trước các tình huống, chi tiết bề bộn của hiện thực, tạo nên một trường ca hấp dẫn, độc đáo, một trường ca về Trường Sơn mang rõ dấu ấn Phạm Tiến Duật.

M.G.L

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)