Người kể “hiểu chuyện” trong “Ai nói & tại sao lại nói như thế” của Văn Giá

Chủ Nhật, 13/04/2025 00:23

. CAO KIM LAN
 

Tập truyện có một cái nhan đề lạ và đầy thách thức: Ai nói & tại sao lại nói như thế (Nxb Hội Nhà văn, 2024). Thực ra đó thường là câu hỏi đầu tiên của những người nghiên cứu tự sự nhằm tiếp cận với kĩ thuật và hình thức truyện kể để khám phá sức hấp dẫn bí ẩn của nó. Tuy nhiên, tôi chưa thấy nhà văn nào lại “dám” trực diện phô bày câu hỏi về hình thức và kĩ thuật kể như thế. Nó giống như con dao hai lưỡi. Bởi thực tế không nhà văn nào muốn nói về kĩ thuật kể chuyện của mình hoặc đề cập đến nó trong tác phẩm. Họ chỉ muốn trình ra (showing) với bạn đọc một sự thật nào đó cùng sự hấp dẫn như một thứ “ma lực thần bí” của thế giới ngôn từ. Tuy nhiên, Văn Giá đã làm ngược lại và thẳng thắn đề cập đến kĩ thuật của nghề viết. Điều đó khiến tôi cảm thấy tò mò xen lẫn thích thú. Và tất nhiên, với cái nhìn mặc định của những kẻ chuyên đi tìm cái đẹp từ những khám phá hình thức của việc sử dụng ngôn từ, tác giả bài viết này cũng muốn nương theo chủ ý mà chính nhà văn đã trình hiện và “thách thức” bạn đọc ngay từ cái tên của tập truyện.

Trong mỗi truyện kể, có hai “kẻ” sẽ nói, đó là người kể chuyện và nhân vật. Tuy nhiên, nhân vật thuộc về thế giới truyện kể và việc anh ta được nói gìkhông nói gì lại phụ thuộc vào nhân tố khác, đó chính là người kể chuyện. Vậy người kể chuyện của Văn Giá là ai? Phẩm chất của anh ta ra sao? Anh ta có đáng tin cậy hay không và quyền năng của anh ta trong truyện kể thế nào?

Trên thực tế, mỗi truyện kể bao giờ cũng phải có một người kể chuyện. Anh ta chính là công cụ đắc lực nhất của nhà văn, thể hiện sự độc đáo trong kĩ thuật tự sự và là kẻ chuyển tải nhiều nhất tư tưởng tác giả. Mỗi nhà văn thường sẽ chọn cho mình một kiểu người kể chuyện nào đó, có thể là kiểu người kể tự ý thức về bản thân và đáng tin cậy như một chứng nhân (như trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh), có thể là người đầy bất trắc và không đáng tin cậy (trong Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp), hoặc là một kẻ điên (trong AQ chính truyện của Lỗ Tấn), hay là kiểu người kể chuyện vị kỉ (trong Một ví dụ xoàng của Nguyễn Bình Phương)(1)… Như thế, có bao nhiêu truyện kể thì sẽ có bấy nhiêu người kể chuyện. Đối với truyện kể của Văn Giá, có một điểm nổi trội tạo thành nét riêng trong truyện ngắn của anh: người kể chuyện (người nói) dù ở ngôi thứ ba hay ngôi thứ nhất thì anh ta luôn tỏ ra hiểu chuyện, sâu sắc và khá trầm lắng.

Đi tìm cái riêng của Văn Giá, đọc hết tập truyện của anh, tôi chợt nhận ra, với cái gợi ý lộ liễu từ chính nhan đề, nhà văn đã kiến tạo một kiểu người kể chuyện có thể chuyển tải nhiều nhất “cái tôi” thứ hai của mình, đó chính là việc sử dụng kiểu người kể hiểu chuyện. Bởi, chỉ có hiểu thì mới có cái nhìn đó, giọng kể đó và có những chiêm nghiệm cũng như những bình luận sâu sắc đó trong truyện kể.

Nhưng thế nào là “hiểu chuyện”? Hiểu thực ra là một khái niệm khá trừu tượng khi nó được định nghĩa là nhận ra ý nghĩa, bản chất, lí lẽ của cái gì đó bằng sự vận dụng trí tuệ, hoặc biết được ý nghĩa, tình cảm, quan điểm của người khác. Như thế, kể ra “hiểu” được cái gì đến đầu đến đũa không hề dễ. Tuy nhiên, khả năng hiểu hiểu chuyện ở đây không nên nhầm lẫn với kiểu người kể chuyện toàn tri với cái nhìn toàn năng thấu suốt như Chúa Trời - người có năng lực hiểu biết và kiến thức đầy đủ về các sự kiện của câu chuyện cùng với động cơ cũng như suy nghĩ chưa được làm sáng tỏ của các nhân vật khác nhau. Thậm chí, một người kể chuyện toàn tri có thể biết và nói với độc giả những điều về các nhân vật mà chính họ còn không biết hoặc chưa nhận ra. Cái gọi là hiểu chuyện trong tự sự của Văn Giá không phải như thế. Đó là cái hiểu đầy chất người, gắn liền với những trải nghiệm, chiêm nghiệm và suy ngẫm. Người kể có thể không thấu suốt mọi chuyện, anh ta chỉ nhìn được một chiều kích nào đó của cuộc sống, luôn nhận ra những giới hạn, nhưng dường như chính những sống trải của một tấm lòng nhân hậu đã tạo nên một hình tượng người kể có nhận thức sâu sắc, chạm đến chiều sâu nhiều giá trị nhân văn.

Cụ thể, người kể “hiểu chuyện” này trong tự sự của Văn Giá trước hết được xác định như cái nhìn của người trong cuộc, hiển lộ ở hệ thống đại từ nhân xưng. Vì “hiểu” hoặc để có thể dễ hiểu nên người kể chuyện thường xuất hiện ở vai vế như bạn bè, kể về nhân vật theo kiểu ngôn ngữ thân mật, suồng sã: gọi là “thằng” (Ăn sáng café), “đứa”/ “hai đứa” (Chân phờ zờ sờ), “thằng này”, “con mẹ này” (Ba chuyện tầm phơ), “lão” (Bức tường rào); hoặc gọi theo tuổi tác: “ông già”, “đứa con gái”, “gái”; hoặc là người kể chuyện xưng “tôi” trong Một góc trời xa, Người chú họ ở làng ngoài, xưng “mình” trong Mình đã “giề” rồi; hoặc định vị theo nghề nghiệp: “chú đi bộ đội”, “chú đi công nhân”, “bà thím chú đi công nhân”, “bà thím chú đi bộ đội” (Bức tường rào), “thị bảo hiểm”, “thị ghi đề”, “chồng của con mẹ ghi đề”, “chồng của thị bảo hiểm” (Ba chuyền tầm phơ)…

Cái gọi là hiểu chuyện của người kể trong truyện của Văn Giá bộc lộ ở nhiều khía cạnh khác nhau, nằm ở lời. Chẳng hạn, ở vị thế ngang hàng với nhân vật nên lời kể, lời dẫn chuyện, lời bình luận của người kể chuyện đầy tính đối thoại. Nhà văn đã tạo ra một lối kể và dẫn chuyện khá bất ngờ. Thông thường lời nhân vật và lời kể, lời dẫn hay lời bình luận (của người kể chuyện, của tác giả) được phân tách rạch ròi bằng hình thức xuống dòng, gạch đầu dòng. Nhưng trong mạch truyện của Văn Giá, những chỗ cuốn hút, lạ và hấp dẫn nhất lại là những đoạn văn trộn lẫn tất cả, cả lời dẫn, đối thoại của nhân vật và lời bình luận. Thủ pháp này vừa lược bớt tối đa những lời dẫn rườm rà, vừa mờ hóa “lời của nhân vật”, như trong Diễn ngôn. Ở đó, nhà văn tạo ra một bản tổng phổ kết hợp nhiều âm thanh, hòa lẫn nhiều tiếng nói, ồn ào, nhốn nháo. Nhưng thật lạ là người đọc vẫn hình dung rõ mồn một từng gương mặt, từng tiếng nói trong đám đông xô bồ bát nháo ấy của đời sống hiện đại. Cũng có khi tác giả in nghiêng để phân biệt hội thoại giữa hai hoặc nhiều nhân vật; hoặc đâu là lời của nhân vật và đâu là tiếng nói đối thoại vọng tới. Thủ pháp trộn lẫn lời dẫn truyện, lời nhân vật và lời bình luận này không chỉ tạo ra một hình thức mới của diễn ngôn mà nó hoàn toàn lược bỏ những yếu tố rườm rà, không cần thiết, khiến mạch truyện dồn nén. Diễn ngôn thực sự là một lối kể chuyện gây sốc. Cái chết của đứa con gái 13 tuổi cuối truyện Diễn ngôn không chỉ là cái kết thúc bi thảm của những hổ lốn, nhốn nháo, nhộn nhạo mà còn là lời cảnh tỉnh cho những cuộc đời cứ trượt dài trong những méo mó, dị hợm và vô tâm. Hội/ Hậu trường cũng dày đặc lối kể như thế.

Từ lời của người kể chuyện, có thể nhận ra hai mạch ngầm cứ trở đi trở lại như một thứ ám ảnh trong những thiên truyện của Văn Giá.

Trước hết đó là những suy ngẫm về những thứ “quyền uy” trong xã hội. Trong truyện của Văn Giá, cái sức mạnh của uy quyền không hiển lộ một cách trực diện mà cứ nằm rải rác trong những mẩu chuyện vụn vặt về nhân tình thế thái. Từ câu chuyện ngã ngựa của quan chức trong lời bàn của mấy ông già về hưu đến những suy ngẫm về sức mạnh của tiền trong Về nơi chốn mới, Chân phờ zờ sờ. Tiền bạc và sự phai lạt tình người ám ảnh, day dứt theo một cách rất lạ trong các truyện Bức tường rào, Người chú họ ở làng ngoài. Dường như con người rất khó có thể thoát ra khỏi sự hấp dẫn của quyền lực, danh tiếng, người ta sẽ tìm đủ mọi cách để thỏa mãn cái thói/ thứ tưởng như hư vinh/ hư ảo đó. Tuy nhiên, tất cả những điều này không được mô tả theo kiểu cực đoan, lạnh lùng hay cay nghiệt. Bởi là người hiểu chuyện nên mọi lát cắt trong đời sống nhân tình thế thái đều được kể lại khá ôn hòa, tạo thành nét riêng thâm thúy mà sâu sắc.

Trong truyện của Văn Giá cũng không có những lời giáo huấn đao to búa lớn, phần lớn chỉ là những cách hành xử lặng lẽ: một ông bạn lặng lẽ rời nhóm, “sững người không nói gì” khi chứng kiến cách hành xử của bạn mình (Ăn sáng café), một ông giáo sư kín đáo di chúc một phần tài sản cho cô giúp việc (Chăm người bệnh), một lời trách móc nhẹ nhàng “se thắt” trái tim trước sự vô tình của con người (Một góc trời xa).

Thứ hai là những âm sắc của bản năng tính dục. Thực ra, các yếu tố tính dục trong truyện kể hiện đại không phải là điều gì quá mới, nó gần như là một chủ đề muôn thuở, tuy nhiên, sử dụng những yếu tố này như thế nào để chuyển tải được thông điệp của nhà văn thì không ai giống ai. Trong truyện của Văn Giá, sex như một mạch ngầm và tự nhiên như hơi thở vậy. Nó ngấm sâu trong ngôn từ và hành vi. Trong lời dẫn của người kể và lời thoại của nhân vật, đó là cách sử dụng những ám chỉ, ẩn dụ, tiếng lóng để kiến tạo nghĩa mới. Ở đó, chính người kể chuyện cũng phải thừa nhận sự “kì diệu” cũng như “xảo trá” của ngôn ngữ: “Cái tiếng Việt ta nó kì diệu thế. Vừa kì diệu vừa xảo trá. Vừa ỡm ờ, vừa dâm dục. Nhà nghỉ có ở bất cứ nơi nào” (Ba chuyện tầm phơ). Quả thực, tìm thấy sự thú vị và cả thừa nhận sự “dâm dục” của ngôn ngữ, Văn Giá đã để cho người kể chuyện mặc sức dẫn dụ và bình luận về cái thế giới Ngườithế giới Con của nhân vật/ của loài người. Để làm được điều này thực không hề dễ. Nhà văn không chỉ cấp cho các diễn ngôn một tầng nghĩa mới, ở đây, bản năng tính dục còn trở thành một kiểu kết cấu ngầm ẩn trong nhiều truyện kể. Sex hiện hữu như một ám thị hoặc liên tưởng tạo thành cấu trúc bề sâu trong nhiều truyện của Văn Giá. Chẳng hạn, ngay cả ở truyện Mình đã “giề” rồi, với kết cấu bề mặt là đủ sự thú nhận về cái sự “giề” (già) với dấu hiệu của tuổi tác: “mặt già khú đế”, “gọi là chú” “là bác” “xưng con”… muốn “đĩ miệng” cũng không được, rồi đến những nỗi sợ “khi về già” với đủ thứ nhầm lẫn, “không điều khiển được ngón tay như ý muốn”, là “cơm và vào miệng cứ vãi xuống nền nhà như vãi cho gà ăn”, là “kiến trúc thượng tầng” (trên) chỉ đạo, ra lệnh, nhưng ở dưới tự dưng “giở chứng”... Tuy nhiên, cái thú vị và hấp dẫn của một câu chuyện với kết cấu bề mặt dựa trên nỗi “sợ hãi” tuổi tác này lại được ghim bằng một mạch ngầm của sex. Nút thắt và là đỉnh điểm trong mạch truyện vẫn là tình dục bởi kết thúc là cuộc truy hoan cùng một gái trẻ với những âm thanh đầy dục vọng đàn bà. Hay ở truyện Ba chuyện tầm phơ, hóa ra cái sự ngoại tình chỉ cần kiểm chứng bằng “khả năng” của ông chồng. Khi “cái của mày rũ ra như con đỉa chết ấy hả” cũng là lúc sự thật được phơi bày. Ở một số truyện kể khác, dường như tất cả những nỗi sợ hãi, ham muốn, dục vọng, cuối cùng cũng quy lại và được đo đếm bằng sex. Người kể chuyện của Văn Giá đã biết khai thác yếu tố này rất cao tay. Không chỉ nhận ra sự thú vị và cả sự xảo trá của ngôn ngữ (trong tập hợp “Nhà mình. Nhà bạn. Nhà quê. Nhà phố. Nhà nghỉ. Nhà cái. Nhà nước. Nhà mồ” - Trêndưới), mà trong đời sống, những chỉ số thuộc về phần con cũng sẽ chuyển tải nhiều thông điệp. Hóa ra, đó mới là con người. Mọi tranh giành quyền lực, mọi đố kị ghen ghét cuối cùng cũng chỉ dẫn con người đến những trải nghiệm thể xác với đủ các hạng người, đủ các cung bậc. Trong truyện của Văn Giá không có những mô tả các cung bậc của tình yêu nhưng sex thì hiện hữu ở đủ các tình huống, trong diễn ngôn của những đứa trẻ 13 tuổi dậy thì sớm (Diễn ngôn), cho đến những người đàn bà nạ dòng và cả những ông lão U60-70 (Ba chuyện tầm phơ).

Cuối cùng, cũng bởi hiểu chuyện nên người kể của Văn Giá sẵn sàng “lộ diện”, trình bày, thanh minh, diễn giải với người đọc, kể cả khi đang kể ở ngôi thứ ba. Kiểu kết cấu lộ diện này đã từng thấy rất sớm ở Nguyễn Huy Thiệp, nhưng đến Văn Giá, cái tâm thế đã khác hẳn, không đem đến sự bất tín mà kiếm tìm sự đồng cảm. Có thể nhìn thấy, thấp thoáng ở vài ba truyện, xuất hiện những lời dặn dò chân tình: “Bạn đọc nhớ cho, câu chuyện đang kể thuộc vào những năm tám mươi của thế kỉ trước, chưa hề có điện thoại di động, đi lại đang còn cực kì khó khăn…” (Một góc trời xa); hoặc lộ diện, thanh minh giãi bày với độc giả: “Trong trí nhớ chắp vá của tôi, người viết truyện này, nay cũng đã vào tuổi hưu, được coi là thuộc người già…” (Người chú họ ở làng ngoài). Cũng có khi, người kể lộ diện để chỉ rõ lời kể đã bị khúc xạ bởi hai cái nhìn: “U tôi là người thật thà, có thế nào kể thế nấy, hơi lộn xộn. Giống như người kể chuyện vụng, để lộ ra phần kết” và “Tôi chỉ là người cố gắng ghi lại một cách thật chính xác câu chuyện này từ những lời u tôi kể. Mỗi khi nhớ về u…”.

Như thế, với người kể hiểu chuyện, trong cả tập truyện, có đủ thứ nội dung/ chuyện, vụn vặt, lắt nhắt, rất khó định hình Văn Giá thiên về kiểu người nào và chủ đề gì. Tuy nhiên, nếu gom lại hoặc trình hiện chúng theo một cách thức nhất định, chúng ta sẽ nhận ra vô số góc khuất trong những khối hình muôn mặt của đời sống. Và hơn hết, phải có một cái nhìn trải đời, thấm thía được mất, thấu hiểu sự hữu hạn và vô nghĩa của đời người, nhà văn mới kể được như thế. Sử dụng kiểu người kể hiểu chuyện, chúng ta không nghe thấy giọng nói to tát và cay nghiệt. Mọi thứ xấu - tốt, đen - trắng, sạch sẽ - bẩn thỉu, đúng - sai... được nhìn bằng sự bao dung, không hẳn là trào lộng hay chấm biếm, nhưng rõ là cái nhìn trải đời và thấu hiểu. Dường như bất kì ai ở tầng lớp được gọi là trí thức nơi xã hội này cũng có thể thấy ít nhiều bóng dáng mình ở trong đó. Văn Giá không đi tìm một chủ đề mới lạ, tất cả rất gần gũi, giản dị mà sắc lẹm.

Tôi muốn nhắc lại câu hỏi rất khó đưa ra lời giải thích cuối cùng ở nhan đề của tập truyện: Tại sao lại nói như thế? Câu hỏi tại sao truy nguyên không chỉ lí do ngầm ẩn đang chi phối cách mà người kể chuyện đang kể, cái anh ta nhìn thấy và nội dung anh ta muốn truyền đạt, mà còn kì vọng chạm đến tư tưởng của nhà văn từ góc nhìn đó. Trong tập truyện này, nhà văn đã trao cho người kể một quyền uy khá lớn khi anh ta luôn hiện diện như một người “hiểu chuyện”. Mặc dù không ai có thể trả lời chính xác cho câu hỏi tại sao và có thể lí giải đến tận cùng những điều được trình hiện/ phô bày trong tác phẩm, tuy nhiên, đến với Văn Giá, người đọc sẽ có cơ hội nhìn rõ hơn những phận người và những cuộc đời - nơi một vẻ đẹp khác của ngôn ngữ văn chương hiện hữu và khiến tất cả trở nên sống động với những tầng ý nghĩa mới.

C.K.L

1. Xem thêm: Cao Kim Lan, “Người kể chuyện tự ý thức trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh” (2019); “Giá trị luân lí đạo đức của truyện kể nhìn từ lí thuyết tu từ học (trường hợp Nguyễn Huy Thiệp)” (2015) và “Đa dạng hóa người kể chuyện trong Một ví dụ xoàng của Nguyễn Bình Phương” (2024).

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)