Tấm lòng Bác với các hoạ sỹ

Thứ Hai, 04/03/2019 00:07

. NGUYỄN THANH TÚ


Họa sỹ Tô Ngọc Thành con trai của danh họa Tô Ngọc Vân kể năm 1951, nhân Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, cha tôi thay mặt anh chị em hoạ sĩ viết giấy mời Bác Hồ đến dự khai mạc triển lãm. Nhưng Bác bận không đến được. Bác có ghi mấy câu bên cạnh lá thư đó: "Chú Lành (tức nhà thơ Tố Hữu), chú nói với chú Vân, Bác bận không đến được". Ký bên dưới Bác Hồ” . Điều này cho thấy một thái độ trân trọng, quý mến anh chị em nghệ sỹ của Bác Hồ. Câu chuyện của đồng chí Lê Đức Thọ còn cho thấy người nghệ sỹ Hồ Chí Minh ân tình, một tấm lòng rất yêu quý nghệ thuật. Lời kể của họa sỹ Diệp Minh Châu: “Hai năm sau (tức là năm 1949), đồng chí Lê Đức Thọ dẫn đầu một phái đoàn của Trung ương vào Nam Bộ, có cho người tìm tôi. Gặp tôi, đồng chí Thọ tỏ ra mừng rỡ:


- Tôi tìm anh mãi. Trước khi lên đường vào Nam, Bác có dặn tôi tìm gặp cho được anh và chuyển lời Bác cám ơn anh về bức vẽ tặng Bác... Thế là nhiệm vụ của tôi đã hoàn thành đấy nhé!” .


Giữa năm 1948, hưởng ứng cuộc thi báo tường của Phòng Tuyên huấn quân đội. Bác Hồ xem tờ được giải nhất. Tờ báo có bức vẽ vẽ cảnh một nhạc binh lớn tuổi tát một nhạc sinh quân trong lúc học. Bác Hồ đã viết lá thư cho Ban chỉ huy Đoàn nhạc binh, có câu: “Dạy dỗ, dìu dắt các em nhỏ là nhiệm vụ của những người anh lớn tuổi... Bác cấm các chú từ nay về sau không được có hành động quân phiệt với các em nhỏ nữa” . Đó chính là tinh thần dân chủ, tình thương con người, giáo dục ý thức kỷ luật, nhiệm vụ giáo dục, nâng đỡ con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, đối với ngành hội họa nói riêng.


Chi tiết này lại cho thấy tinh thần tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc mà Bác yêu cầu các họa sỹ phải phấn đấu, rèn luyện. Năm 1951 xem mẫu tiền ngân hàng Việt Nam in ở Trung Quốc, thấy mẫu vẽ trên tờ giấy bạc một người mặc áo bông giống như người Trung Quốc, Bác nói: “- Ta cũng có họa sỹ tại sao không để họa sỹ ta vẽ!”.


Bác Hồ là nhà thơ, đồng thời cũng là một họa sỹ. Hai nghệ sỹ ấy thống nhất hài hòa tạo nên một chân dung rất đẹp về một CON NGƯỜI. Thơ của Người giàu chất hội họa (thi trung hữu họa), họa của người lại đậm chất thơ của một đời sống thực (họa trung hữu thi). Chúng tôi cho rằng mình đã có công phát hiện ra một khoảnh khắc hai nghệ sỹ ấy gặp nhau trong con người Bác, ở một tình huống qua lời kể của họa sỹ Diệp Minh Châu: “Tôi đã đợi chờ đến lúc, và tôi đã vẽ một quang cảnh núi rừng chỗ Bác làm việc: một dốc núi rêu xanh, một chiếc cầu nhỏ bắc qua con suối chảy lấp loáng như bạc, những tia nắng rực rỡ chiếu xuyên qua kẽ lá dày đặc tuôn vàng lên nền đá dốc và Bác đang đi qua cầu. Xem bức tranh này, Bác ngâm:


Rừng thông chen chúc cành lau
Bên cầu thấp thoáng người đâu đi về.

Bác hỏi tôi:
- Chú biết hai câu thơ đó ở đâu không?
Tôi thưa là tôi chỉ nhớ hai câu thơ đó trong một tác phẩm văn học cổ điển, nhưng không nhớ rõ tác phẩm nào.


- Trong Chinh phụ ngâm đấy. Bác sửa đi một ít. Nguyên câu của nó là:
Ngàn thông chen chúc chòm lau
Cách duềnh thấp thoáng người đâu đi về
.
Có mấy ý nghĩa toát ra từ lời kể này: Bác rất thuộc văn học cổ điển, đặc biệt là những tác phẩm lớn; ở Bác có sự nhạy cảm thường trực về cảm hứng, về vốn sống ở cả hai thể loại thơ và họa, thấy cảnh mà nảy thơ; khả năng ứng tác rất cao...


Cuộc chuyện trò dưới đây của Bác với họa sỹ Trần Văn Cẩn toát lên ba vấn đề lớn mang tính chiến lược của nghệ thuật tạo hình, một là về nội dung: phải có “tình người”; hai là chăm lo đào tạo đội ngũ kế cận, chú ý phát triển sức sáng tạo; ba là duy trì, phát triển nghệ thuật cổ truyền. Năm 1963, Bác có đến thăm triển lãm nghệ thuật tạo hình trưng bầy ở phố Tràng Tiền. Sau khi xem Bác có nhận xét:
“- Các chú làm việc tốt đấy. Tranh, tượng thế là có tình người.
Sau đó Bác hỏi chúng tôi về phong trào mỹ thuật, về đội ngũ sáng tác mỹ thuật (có bao nhiêu nữ, bao nhiêu anh chị em người dân tộc, bao nhiêu anh chị em trẻ...), rồi Bác bảo:
- Các chú là lớp người đi trước, nên dìu dắt anh chị em lớp trẻ; có kinh nghiệm gì thì phải tận tình bày vẽ cho anh chị em. Nhưng cũng phải cẩn thận, chú ý đừng để mất khiếu sáng tạo của họ.


Xem tranh sơn mài, Bác khuyên chúng tôi nên nghiên cứu sao cho chất liệu này giữ được bền hơn nữa. Về nghệ thuật khảm trai, Bác cũng có ý kiến:
- Các chú cần cố gắng duy trì loại này. Nó quý lắm. Nó là cái vốn nghệ thuật cổ truyền của cha ông ta xưa, phải phát triển nó lên” .
Chúng tôi xin bổ sung nhấn mạnh ý của Bác về phát triển nghệ thuật truyền thống. Đồng chí Giôhanna Grôttơvôn vợ cố Chủ tịch Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức thuật lại: “Nói chuyện về hội hoạ, nhà tôi tỏ ra rất hâm mộ nghệ thuật sơn mài của Việt Nam… Bác nói: “Mai kia, trong những điều kiện thuận lợi, nghệ thuật sơn mài sẽ phát triển hơn nữa…” .


Ngày 7-10-1945 Người dự Lễ Khai mạc triển lãm Văn hóa, xem tranh của Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Người nhận xét: “Những bức tranh này tỏ rõ các nghệ sỹ của ta lâu nay đều cố gắng tìm một con đường đi. Nhưng tiếc một điều là không muốn đi ở dưới đất mà cứ muốn vụt lên trời; chất mơ mộng nhiều quá, mà cái chất thật của sự sinh hoạt lại quá ít” . Tức là Người phê bình tính chất thoát ly thiếu thực tế dẫn đến thiếu sức sống của hội họa.


Người có những nhận xét tinh tế về nghệ thuật biểu hiện: “Chúng tôi và Bác cùng đi xem từng tác phẩm một rất chậm rãi. Bác nhận xét một bức tranh sơn mài đại ý là các chú vẽ vẫn chưa hợp lý lắm. Ví dụ, núi xanh, trời đỏ, có đám mây vàng mà vẽ đồi lại đúng màu đất là chưa đúng với tinh thần của tác phẩm. Đã cách điệu là phải cách điệu hết. Cứ như thế Bác cùng chúng tôi xem hết toàn bộ tác phẩm gồm cả sơn mài, lụa, gốm, thổ cẩm. Và hầu như tác phẩm nào Bác cũng có những nhận xét rất chuẩn như vậy” . Đây là câu chuyện Bác đến thăm một xưởng gốm: “Bộ phận Bác đi lướt qua là bộ phận xoa hoa. Hôm ấy làm những con mèo sứ bé nhỏ xinh xinh theo phương pháp làm của Trung Quốc. Ở Trung Quốc người ta sản xuất loại mèo đơn hoặc mèo đôi. Hình các chú mèo ngộ nghĩnh được tráng men. Riêng phần thân, sau khi tráng men rắc một lớp cát sứ, sau khi nung ở nhiệt độ 1.3700C thì đưa về bộ phận này để vẽ mắt xoa màu trên lưng. Bác gọi ngay là tổ mèo chuột. Mẫu này anh Hoàng Minh Kao nặn lại theo sản phẩm của Trung Quốc. Chỉ có mèo không có chuột và tôi cũng tưởng như vậy. Tôi ở phân xưởng cũng không mấy quan tâm. Khi Bác nói "tổ mèo chuột" tôi ngớ ra. Nhìn kỹ vào sản phẩm thì thấy hình chuột rõ ràng. Bác nói được rất nhanh "mèo chuột" là từ ý nghĩa xưa nay hình ảnh con mèo đi liền với bóng dáng con chuột. Tranh dân gian Đông Hồ chẳng từng diễn tả "đám cưới chuột" dâng lễ vật cho ông mèo đó sao” . Đúng là nhà phê bình phải có vốn hiểu biết sâu sắc văn nghệ truyền thống dân tộc!


Qua lời kể của họa sỹ Phan Kế An cho thấy sự phê bình cũng căn cứ vào trình độ tiếp nhận của quần chúng, phải “giản dị và có thần”: “Tôi được ở với Bác và vẽ Bác đã hơn 2 tuần lễ… Tôi nghĩ đến số báo Sự thật tới cần có tranh chân dung Bác nên tôi xin về cơ quan. Bác bảo tôi treo tất cả tranh đã vẽ lên tấm liếp… và mời tất cả anh chị em trong cơ quan đến xem. Thế là thành một cuộc triển lãm rồi. Cuối cùng, Bác chỉ vào một bức ký họa vẽ đơn sơ mấy nét bằng bút sắt mực đen, Bác nói: “Nếu in báo thì lấy bức này, vẽ giản dị và có thần”.


Từ sự kể lại của họa sỹ Diệp Minh Châu lại thấy Bác có yêu cầu cao với họa sỹ là phải có cái lạ, tức phong cách riêng. Muốn thế phải học tập, rèn luyện mà trước hết là tư tưởng tốt: “- Chú cố vẽ đi nhé! Nhưng phải nhớ học tập chính trị và rèn luyện tư tưởng cho tốt. Có tư tưởng chính trị tốt thì vẽ mới chóng tiến bộ được.


Tiếng Bác ấm cúng lạ thường. Tôi cứ đứng nhìn Bác mãi, bàn tay cầm lấy bức ký họa run run. Tôi nhìn Bác rất kỹ nhưng lòng xao xuyến quá.


... Mấy hôm sau, nhân đi thăm các đại biểu, Bác đến xem tranh tôi vẽ Đại hội. Tôi đánh bạo:
- Thưa Bác, cháu muốn Bác phê bình tranh vẽ của cháu ạ.
Bác xem tranh, lại nhìn sang anh Trường Chinh và anh Phạm Văn Đồng rồi cười nói:
- Chú Châu vẽ có cái lạ… không đề tên cũng nhận được người.
Tất cả chúng tôi đều cười vui vẻ trước câu nói dí dỏm của Bác. Được Bác động viên, tôi rất phấn khởi và thêm mạnh dạn trong ý định xin ở gần Bác để vẽ Bác” .


Chúng tôi thấy sâu sắc nhất là Bác quan niệm về sự đầm ấm, tươi tắn, sinh động, vui vẻ của cảnh vật trong tranh:
“Những lúc nghỉ việc, Bác hay đến xem tôi vẽ. Có lần, xem một bức tranh, Bác nói:
- Bác có ý kiến, chú đồng ý không?
- Cháu xin Bác cho ý kiến...


Bác chỉ vào tranh:
- Chú vẽ nhà Bác chỗ này còn trống quá. Chú cho thêm con chó nhỏ của Bác vào đây nhé. Thường ngày nó vẫn nằm đây. Có người có vật cho nó vui... Để Bác giữ nó lại cho chú vẽ nhé...
Nói xong, Bác vuốt ve con chó để nó nằm yên xuống cho tôi vẽ. Sợ mất thì giờ của Bác, tôi chỉ chấm màu vẽ qua một vòng tròn làm dấu để vẽ kỹ sau.
- Thưa Bác xong rồi ạ!
- Không, chú cứ vẽ nữa đi, để Bác ngồi giữ nó lại đây cho...” .
Qua đây còn cho thấy Bác là người cẩn thận, chu đáo rất mực.
Tấm lòng Bác với các hoạ sỹ, vượt lên tấm lòng của một đòng nghiệp, thật sự là tấm lòng của người Cha, người Bác, người Anh, “Quả tim lớn lọc trăm dòng máu đỏ”.

NTT

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)