ZEAMI và sân khấu của U Huyền

Thứ Hai, 25/02/2019 09:35

NHẬT CHIÊU.

Có nguồn gốc từ ca múa dân gian, lễ hội nông nghiệp và tôn giáo, đến giữa thế kỉ XIV, nền sân khấu cũ được một diễn viên và kịch tác gia lỗi lạc là Kan’ami cách tân theo hướng hiện thực. Và nó tiếp tục đổi mới dưới bàn tay thiên tài của Zeami (1363-1443), ông cũng chính là người con trai của Kan’ami. Đạo diễn, nhà biên kịch, nhà thơ, diễn viên, nhà phê bình… bao nhiêu tài năng dung hợp nơi con người này. Từ năm 1963, kỉ niệm 600 năm ngày sinh của ông, Zeami được xưng tụng là “siêu sao sân khấu quốc tế của muôn đời” (a universal, ageless theatrical superstar).
Nếu sân khấu Nô bắt nguồn từ tôn giáo, chính là Zeami đã biến tôn giáo thành nghệ thuật. Nghệ thuật của U Huyền (yúgen), khái niệm cốt tủy về Nô trong các luận thuyết của ông, sánh đôi với khái niệm khác là Hoa (hana). U Huyền là cái đẹp ẩn giấu của thế giới nội tâm được hé lộ tinh tế và Hoa là cái đẹp của kĩ năng biểu diễn xuất thần, đạt đến Diệu Hoa Phong (myókafú). Tuyệt đỉnh của nghệ thuật Nô là dung hợp cho được U Huyền và Hoa. Nói như Zeami thì, “khi nghệ thuật mang niềm bí ẩn thì Hoa kia hiện hữu; nếu đánh mất đi niềm bí ẩn ấy thì mất cả Hoa”. Trong các luận thuyết của mình, mà chủ yếu là Hoa Truyền Thư (Kadensho), Zeami chú trọng đến diễn xuất và thưởng ngoạn: kịch được diễn như thế nào và được khán giả xem như thế nào. Rất khác với Aristotle của Hi Lạp, trong Thi pháp (Poetics), chỉ phân tích cấu trúc kịch: kịch được viết như thế nào. Ngoài ra, Aristotle quan tâm đến “cốt truyện” (fabula, mythos) trong khi Zeami chú trọng đến “thể” (tai) tức thể tính nằm trong nhân vật. Tam Thể (santai) tiêu biểu cho ba phẩm chất, ba thái độ của con người khi đối diện với thế giới:
1. Lão Thể (rôtai): lão trượng có phẩm chất xuất thế, trầm tư.
2. Quân Thể (guntai): anh hùng có phẩm chất hành động, nhiệt tâm.
3. Nữ Thể (nyotai): giai nhân có phẩm chất dịu dàng, hòa điệu, có cái tĩnh của Lão Thể và cái động của Quân Thể.
Ngoài khái niệm Hoa và U Huyền, Zeami còn đóng góp cho mĩ học Nhật Bản một khái niệm sâu thẳm khác là Li Kiến (riken), nói đầy đủ là “li kiến chi kiến” (riken no ken), một cái nhìn sáng tạo ra cái gọi là U Huyền. Vì U Huyền không phải là nhìn thấy cái gì mà là nhìn thấy như thế nào, Li Kiến chỉ cái nhìn mang tính vô ngã và li thoát, không bị ràng buộc trong dục vọng, thành kiến, không lệ thuộc. Li Kiến là không nhìn bằng con mắt tục mà nhìn xa hơn, sâu hơn. Nói như Zeami, “nhìn thấy với linh hồn là nắm bắt được Thể, nhìn bằng mắt thì chỉ thấy được Dụng”. Nhưng không phải là không cần con mắt tục, mà chỉ là chuyển “tục” thành ra “diệu”. Li Kiến là “thanh tẩy” ngay trong diễn xuất và thưởng ngoạn.
Cái nhìn đó đặc biệt thích hợp với sân khấu Nô, nơi diễn ra sự chuyển động từ thế giới này đến thế giới khác, từ thực đến ảo. Nhân vật chính (shite) của Nô thường là hồn ma (anh hùng hay giai nhân). Tuồng Nô lấy “tích” từ văn học quá khứ bao gồm mọi thể loại và đề tài, từ thơ tanka truyền thống, từ thần thoại, truyền thuyết, truyện về nhân vật đào hoa Narihira, từ kiệt tác Truyện Genji với các giai nhân, từ Truyện Heike với các anh hùng, cho đến các giai thoại về những nhà thơ nữ tài sắc như Komachi hay Izumi… Từ những chất liệu ấy, Nô tạo ra một thế giới mới của thơ ca và huyễn tưởng. Như vở Hajitomi (Cửa chớp) lấy tích là nhân vật Ygao, người yêu của Genji. Genji không cứu được nàng khi nàng bị “hồn ma sống” ghen tuông ám hại. Trên sân khấu Nô, Ygao đầu tiên xuất hiện như một người phụ nữ trẻ đến chùa dâng cúng loài hoa tên là ygao (tịch nhan):
Một bông hoa trắng mỉm
cười thầm với chính mình.
Nhà sư ở đấy nghe nàng nói:
Tôi đến đây
từ bóng của hoa này.
Cứ như nàng là một hồn hoa chứ không phải là người tình đã chết của hoàng tử Genji, thuở gặp chàng, nàng rất đẹp:
Mở cánh cửa chớp
phủ đầy tịch nhan hoa
nàng nhẹ bước, bước ra
bóng dáng nàng diễm ảo
ứa lệ ai chiều tà.
Nhà sư gặp lại nàng khi ông lên kinh, hồn ma “sống lại” một thời đẹp và yêu:
Làm sao biết được
núi có tình không
trăng hỡi?
và trăng thất lạc
vào bầu hư không.
Trong Nô, cuộc gặp gỡ của nhà sư và hồn ma được sửa soạn cho một sự siêu thăng. Nhân vật đã chết sẽ tự cứu mình, tự độ mà siêu thoát, bằng cách sống lại bi kịch của đời mình. Rồi “thoát mơ”:
Trước khi ánh ngày rạng
trên ngôi nhà tịch nhan
Tôi đi - nàng nói thế
và một lần nữa nàng
sau cửa chớp biến tan
chẳng còn gì để lại
ngoài một giấc mơ tan.
Nô là sân khấu của cái đẹp. Zeami và các tác giả của nó đã tạo hình cho giấc mơ, biến giấc mơ thành nghệ thuật, triết lí thành đời sống
N.C

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)