Nhật ký trong tù tập thơ 133 bài, viết bằng chữ Hán, Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành ngày 10-9-1943, trong khoảng thời gian 2 năm 1942 - 1943 Người bị nhà đương cục Quảng Tây (Trung Quốc) bắt giam. 70 năm là một quãng ngắn trong chiều dài lịch sử nhưng cũng đủ dài để chúng ta nhận ra vẻ đẹp của tập thơ của Người anh hùng dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Điều rất đặc biệt và khác lạ trong tác phẩm này là, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là tác giả, vừa là nhân vật, ghi lại, kể lại “chuyện trong tù” bằng thơ theo thể Nhật ký! Vậy nên, có thể xem Nhật ký trong tù là cuốn tự truyện viết bằng thơ! Nhưng chính tầm vóc của tác giả - nhân vật và giá trị cao về nghệ thuật của tác phẩm đã nâng tầm Nhật ký trong tù thành một tác phẩm sử thi.
Xét về mặt thể loại theo truyền thống thì những thành tố cơ bản để tạo nên một tác phẩm sử thi là: Thứ nhất, sự kiện lịch sử, giai đoạn lịch sử mà nhân vật đang sống và can dự là có thật và rất đặc biệt, điển hình. Thứ hai, nhân vật của sử thi rơi vào tình thế cực kỳ éo le, nguy hiểm, ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mỏng manh, tạo ra “hoàn cảnh điển hình” để “nhân vật” thi thố hết tài năng của mình. Thứ ba, nhân vật sử thi phải có những phẩm cách của người anh hùng và có những hành động anh hùng để vượt lên trên hoàn cảnh để chiến thắng trở về. Và điều cuối cùng, tác giả của tác phẩm đó phải có đủ tài, đủ tầm xây dựng nên một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao. Ngày nay, với độ nhìn mở, soi trong Nhật ký trong tù, ta thấy Nhật ký trong tù có đủ tất cả các thành tố ấy, phẩm chất ấy.
Hãy trở lại giai đoạn lịch sử năm 1942 mà nhân vật sử thi nhập cuộc. Khi đó, lực lượng cách mạng Việt Nam đang trong quá trình hình thành và phát triển sau hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tám họp tại Khuổi Nặm, Pác Bó. Cách mạng Việt Nam cần có sự ủng hộ, giúp đỡ từ bên ngoài, từ các lực lượng Đồng Minh chống phát xít, từ những người cộng sản (Qua Đảng cộng sản Trung Quốc) . Tình hình quốc tế lúc đó phe trục phát xít Đức - Ý - Nhật đang thắng thế. Tình hình Trung Quốc rất phức tạp, lực lượng “cách mạng” Việt Nam ở hải ngoại chia năm bè, bảy mối... Hồ Chí Minh hiểu sâu, hiểu kỹ những điều đó, biết những nguy hiểm, tai ương đang rập rình nhưng vì nhiệm vụ cách mạng, vì lợi ích cách mạng vẫn quyết chí ra đi, dấn bước vào nguy hiểm nơi đất khách quê người, xa cách ngàn trùng... Riêng điều đó thôi cũng đã thể hiện rõ phẩm chất người anh hùng. Và dường như số phận muốn dành cho người anh hùng có cơ hội, hoàn cảnh để bộc lộ những phẩm chất phi thường của mình. Vượt biên giới Trung Việt gần 100km - Hồ Chí Minh và người dẫn đường là Dương Đào bị bắt ở thôn Túc Vinh (huyện Thiên Bảo - tỉnh Quảng Tây). Vậy là hoàn cảnh đặc biệt đã có! Bắt đầu từ đây (ngày 29-8-1942) người anh hùng buộc phải vận hết tài năng, trí tuệ để thoát ra ngoài vòng hiểm nguy, thoát khỏi nơi tù đầy mà điều đầu tiên phải làm cho những kẻ bắt mình hiểu ra là đã bắt nhầm “người đằng minh!”. Cái trí, cái dũng của người anh hùng đã buộc chúng không dám đối xử và hành động “quá tay” với người tù. Cuộc đấu trí đầu tiên của Hồ Chí Minh với bọn Vương Chi Ngũ ở Tịnh Tây thể hiện rõ ở bài Vấn Thoại (hỏi chuyện) chứ không phải Vấn Cung (hỏi cung).
Quan rằng: Anh có tội
Phạm thưa: Tôi lương dân
Quan rằng: Anh nói dối
Phạm thưa: Thực trăm phần.
(Vấn Thoại - Bài số 10)
Tuy nhiên, bọn Vương Chi Ngũ vẫn không chịu nghe ra, quyết định giải người tù Hồ Chí Minh lên quan trên, bắt đầu cuộc hành trình đoạ đầy qua 13 huyện thị, giam trong 18 nhà lao trên đất Quảng Tây. Hồ Chí Minh biết rằng việc minh oan, tự bào chữa là hết sức khó khăn cho nên lúc nào có cơ hội, có điều kiện là Người “mở mắt” cho bọn cai ngục (và có thể là cả quan trên của chúng). Điều này lý giải tại sao trong Nhật ký trong tù có tới 16 bài mang nội dung Minh oan, với cấp độ ngày càng cao:
Cũng là đi Trùng Khánh
Cũng là bạn Trung Hoa
Anh làm khách trên sảnh
Tôi, thân tù dưới nhà.
(Các báo đăng tin: HỘI HỌP LỚN HOAN NGHÊNH UY KI - Bài số 35)
và
Đôi ta cảnh ngộ vốn không khác
Cảnh ngộ giờ đây khác bội phần
Tôi, chốn lao tù người bạn hữu,
Anh, trong gông xích bọn cừu nhân.
(Gửi NERU (II) - Bài số 88)
Lời minh oan trở nên phẫn uất, truy hỏi:
Quảng Tây giải khắp mười ba huyện
Mười tám nhà lao đã ở qua
Phạm tội gì đây? ta thử hỏi
Tội trung với nước, với dân à?
(ĐẾN CỤC CHÍNH TRỊ ĐỆ TỨ CHIẾN KHU - Bài số 108)
Đọc những bài thơ “phản kháng”, “minh oan” ta không hề thấy giọng điệu Đại Thanh, Tật hô (hô to, gọi giật) mà chỉ thấy những lời nhẹ nhàng, ý vị, thâm thuý... nhưng chứa trong đó sức công phá lớn - Đó chính là những vần thơ thép “Vần thơ của Bác, vần thơ thép/ Mà vẫn mênh mông bát ngát tình” (thơ Hoàng trung Thông).
Trong cuộc chiến giành sự sống, giành tự do trong những điều kiện và trạng huống nguy hiểm tột cùng ta không nghe thấy tiếng gươm đao, tiếng ngựa hí; Không có những trận thư hùng, quyết chiến mà chỉ thấy những trận đấu tình, đấu lý - bằng thơ nhiều cung bậc khác nhau với vũ khí trong tay là ngọn bút. Chất anh hùng ca vốn là thuộc tính cơ bản của sử thi đã chảy dưới mạch ngầm của những vần thơ thép, góp phần làm nên chiến thắng.
Nói đến tự do là nói đến cái đích cuối cùng của cuộc đấu tranh, nhưng dưới chế độ hà khắc, tàn độc của nhà tù Tưởng Giới Thạch, con đường đi tới tự do quả là dài, quả là gian nguy, đi tới đó trước hết phải giữ được mạng sống - tức là phải sống! Cuộc chiến phải sống hiện ra trong những bài thơ rất cụ thể: chống chọi với cái đói, với bệnh tật, với cuộc sống trong giam phòng chật chội, bẩn thỉu...Ở phương diện này thì giữ được mạng sống trong tù đã là chiến thắng! Người tù - Nhà thơ Hồ Chí Minh hiểu rất rõ điều đó và đã làm được điều đó, tạo cở sở để giành chiến thắng cuối cùng trở về với tổ quốc với dân tộc.
May mà:
Kiên trì và nhẫn nại
Không chịu lùi một phân
Vật chất tuy đau khổ
Không nao núng tinh thần.
(Bốn tháng rồi - Bài số 102)
Sẽ là khiếm khuyết khi chỉ nói đến những vần thơ minh oan, những vần thơ phản kháng, những vần thơ phải sống mà quên những vần thơ tả cảnh, tả tình trong Nhật ký trong tù. Đó là những " điệu tâm hồn" của một nhà thơ yêu nước (Ái Quốc); Quang minh, chính đại (Chí Minh) trong những "Bước gian truân". Những vần thơ đó đã giúp nhà thơ - Người tù "Cân bằng" tinh thần, làm tâm hồn thư thái, minh mẫn, tỉnh táo để "Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ/ Kiên quyết không ngừng thế tấn công" (HỌC ĐÁNH CỜ II - Bài thơ số 18). Nhìn nhận như vậy thì những bài thơ tả cảnh, tả tình hay, những bài thơ ngắm trăng, vịnh cảnh... cũng là vũ khí, là xung lực góp phần làm nên chiến thắng.
Đặt Nhật ký trong tù trong giai đoạn lịch sử 1942 - 1943 để mà luận bàn, chiêm nghiệm sẽ thấy chất anh hùng ca, chất sử thi dần dần hiện rõ... điều không phải bây giờ mới nói mà từ trước đó rất lâu, nhiều ý kiến đã nhắc đến chất sử thi của Nhật ký trong tù. “Có thể nói rằng quyển Nhật ký ấy là một đoạn trong lịch sử hơn 40 năm đấu tranh cách mạng của Bác Hồ" (Nguyễn Tâm - Một bút danh của Bác Hồ). "Tập thơ ấy, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần, đó không đơn thuần là thơ mà là một bộ sử thi" (Quách Mạt Nhược - nhà thơ Trung Quốc.). "Các bài thơ trong ngục của Hồ Chí Minh có thể nói là một tập sử thi" (Hoàng Tranh - nhà sử học Trung Quốc).v.v.
Tôi nghĩ, chất anh hùng ca, chất sử thi của Nhật ký trong tù không biểu hiện một cách rõ ràng mà ẩn dưới một mạch ngầm chảy lặng lẽ. Để phát lộ, chúng ta cần nghiên cứu thơ Nhật ký trong tù với mối quan hệ với lịch sử. Đi theo hướng nghiên cứu ấy tôi đã sang Trung Quốc nhiều lần, khảo sát hành trình tù đầy của người tù Hồ Chí Minh trên đất Quảng Tây, nghiên cứu những tài liệu lịch sử liên quan đến những hoạt động của Bác Hồ trên đất Quảng Tây, nghiên cứu văn hoá, phong tục, tập quán của người Quảng Tây... và đã “ngộ” ra nhiều điều. Có tìm hiểu, nghiên cứu tôi mới hiểu rằng câu “Huyện trưởng thiêu đăng biện công sự” có nghĩa là: Huyện trưởng đốt đèn hút thuốc phiện! Mới biết Tây Phong Lĩnh là ngọn núi Bác Hồ đặt tên (Quảng Tây không có ngọn Tây Phong Lĩnh mà chỉ có núi Ngư Phong). Hiểu được hiện thực trong câu thơ “cô em xóm núi xay ngô tối!”. Mới hiểu được việc Bác Hồ đã dụng Tôn Tử binh pháp và Tam thập lục kế để chiến thắng kẻ thù trở về tổ quốc... Độ đúng sai trong những nhận xét, kết luận của tôi còn phụ thuộc vào thời gian và bạn đọc - Rất mong các bậc trưởng lão chỉ giáo để tôi hiểu, có thêm nhiệt tình đi tiếp trên con đường nghiên cứu Nhật ký trong tù, nghiên cứu thơ, văn Hồ Chí Minh theo mạch đi của văn học và lịch sử. Tổng hoà và trọn vẹn. Bởi vì, Nhật ký trong tù còn chứa đựng nhiều điều bí ẩn, nhiều điều tưởng như mới mà không mới mà Hồ Chí Minh đã chỉ rõ ít ra là từ 70 năm trước! Chẳng hạn, nói về quan hệ quốc tế, về quan hệ giữa các quốc gia, giữa các dân tộc, về sự bình đẳng:
Kháng Nhật, cờ bay khắp Á Châu,
Cờ to, cờ nhỏ chẳng đều nhau,
Cờ to đã hẳn là nên có
Cờ nhỏ dù sao, thiếu được đâu.
(Ngày 11 tháng 11 (III) - Bài số 74)
Vậy nên việc nghiên cứu, khám phá vẻ đẹp Nhật ký trong tù vẫn tiếp tục như cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng chiêm nghiệm và nhắc nhở: “Tập thơ “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh là một kho tàng về biết bao khía cạnh của cuộc đời, con người và nghệ thuật mà sự phong phú còn cần được tiếp tục nghiên cứu”.
Một chút về nghệ thuật thơ Nhật ký trong tù. Hẳn nhiên đó là một tác phẩm đỉnh cao đậm chất Đường thi, đậm chất Uy Mua... điều đã được nhiều học giả, nhà lý luận - phê bình văn học phân tích ở bề rộng và cả chiều sâu. Tôi chỉ xin có một suy nghĩ nhỏ: Trong con người Hồ Chí Minh, trong tư tưởng, văn hoá Hồ Chí Minh có Khổng Tử, có chúa Giê Su, có Các Mác - Lê Nin, có Tôn Dật Tiên, có Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du và cả Trạng Quỳnh, Hồ Xuân Hương... Mà nổi bật trong Nhật ký trong tù là tinh hoa trí tuệ của 2 ông Trạng Trình và Trạng Quỳnh đó chính là chiếc chìa khoá mở vào cõi thơ Nhật ký trong tù.
Giá trị và ảnh hưởng của Nhật ký trong tù sẽ còn được xác lập và lan toả mãi. Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, nhưng nội dung học tập chỉ bó gọn trong chữ Nhân mà chưa đề cập tới chữ Trí, chữ Dũng. Trong xã hội hiện nay, trong hội nhập quốc tế không chỉ có Nhân là đủ mà cần chú trọng tới cả Trí, và Dũng , những yếu tố quyết định làm nên chiến thắng. Nghiên cứu, học tập Nhật ký trong tù là ta học tập những tinh hoa của một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng. Thiết thực và giản dị như chính lời khuyên của Bác Hồ: “Học tập chí khí phấn đấu, tinh thần kiên nhẫn đạo đức cách mạng của Bác, đó là một thứ quà tốt đẹp mà thanh niên chúng ta kính dâng lên Bác Hồ”.
Nhật Ký Trong Tù - một tác phẩm đỉnh cao. Dưới ánh sáng sử thi vẻ đẹp Nhật ký trong tù càng hiện lên với tầm vóc mới, giá trị mới, lung linh như viên ngọc quí, càng mài càng sáng.
HOÀNG QUẢNG UYÊN
VNQD