Cứ chiều thứ 5 hàng tuần, người ta lại thấy những chàng trai vận áo nâu sồng, những cô gái trong trang phục váy đụp truyền thống cất cao các làn điệu ví dặm xứ Nghệ tại đình Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội).
Đây là một trong những hoạt động được tổ chức bởi Câu lạc bộ UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ, tiền thân là Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xứ Nghệ tại Hà Nội, được bảo trợ bởi Liên hiệp UNESCO Việt Nam.
Đồng thời, có sự tư vấn, chỉ đạo nghệ thuật của Trung tâm phát triển âm nhạc nghệ thuật Việt Nam và Trung tâm bảo tồn phát huy di sản dân ca xứ Nghệ.
Hiện nay, câu lạc bộ có gần 100 thành viên bao gồm các nghệ sĩ biểu diễn chính thức, các hội viên liên kết từ các hội, nhóm khác cũng như các bạn trẻ đến từ Nghệ An, Hà Tĩnh và cả những người đam mê loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Ngoài những buổi học hát các làn điệu, thì các buổi trải nghiệm, biểu diễn thử luôn được đầu tư công phu. Mục đích là giúp các bạn trẻ hiểu cặn kẽ hơn về tính chất biểu cảm, không gian diễn xướng của ví, giặm chứ không đơn thuần là học hát các làn điệu.
Nội dung các buổi sinh hoạt được đem về gần không gian xưa với 3 chặng hát: hát chào, hát đố - hát xe kết và hát tiễn.
Để phục vụ tốt hơn cho việc sinh hoạt, biểu diễn của câu lạc bộ, ban chủ nhiệm thường tìm đến những nghệ nhân, nghệ sĩ ưu tú để chép lời, học thêm những làn điệu ví, giặm cổ.
Những buổi trải nghiệm giúp các bạn trẻ phát huy tính sáng tạo, hát ứng khẩu, thử tài thông minh khi vận dụng hát ví vào cuộc sống thường ngày.
Vì thế, các buổi sinh hoạt của CLB UNESCO Dân ca xứ Nghệ luôn hấp dẫn, thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của các thành viên cũng như các khán giả.
Trong tương lai mục tiêu của câu lạc bộ là tăng cường việc quảng bá nét đẹp của ví giặm tới người dân thủ đô cũng như du khách nước ngoài, để di sản này được phổ biến ngày càng sâu rộng trong và ngoài nước, đồng thời hướng tới việc nhân rộng mô hình này tại các tỉnh, thành cũng như trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ