Từ kết quả nghiên cứu về nội dung, giá trị tư tưởng, nghệ thuật, tính nguyên gốc, độc đáo của thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, các nhà nghiên cứu cho rằng hệ thống thơ văn này hoàn toàn xứng đáng được UNESCO vinh danh là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới.
Thơ được chạm khắc tinh tế trên liên ba của gian chính trung điện Thái Hòa. Ảnh: VGP/Thế Phong
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, hệ thống thơ văn này được tuyển chọn từ trước tác của các vị hoàng đế, thân vương, quan lại triều Nguyễn, được chạm khắc, khảm, tráng men hay đắp nổi trên các vật liệu khác nhau như gỗ, xà cừ, pháp lam (đồ đồng tráng men), sành sứ… thuộc các công trình kiến trúc cung đình tại Huế trong giai đoạn 1802-1945.
Trải qua thời gian, hiện nay trên các kiến trúc cung đình Huế vẫn còn một hệ thống thơ văn khá đồ sộ với 2.967 ô thơ chạm khắc, sơn thếp, cẩn (khảm) xà cừ trên gỗ; 146 ô thơ văn viết tráng men thành pháp lam; 78 đơn vị ô học, câu đối,...
Điều đặc biệt là tất cả các ô thơ văn này đều nguyên bản bởi theo các tài liệu ghi chép về những lần trùng tu di tích từ xưa đến nay đều chưa hề thay đổi những ô thơ văn này. Đó thật sự là một bảo tàng sống về văn chương thời Nguyễn, một thời kỳ phát triển rực rỡ của văn học trung đại Việt Nam.
Điển hình như ở Hoàng Thành, điện Thái Hòa có 242 ô thơ; tiếp đến là Thế Miếu với 679 ô thơ; Hưng Miếu có 110 ô; Triệu Miếu có 62 ô thơ và tất cả đều được sơn son thếp vàng. Các lăng Minh Mạng, Thiệu Trị, Đồng Khánh, hay các di tích khác như Quốc Tử Giám - Tân Thơ Viện... cũng được trang trí bằng những ô thơ, sơn son thếp vàng với số lượng lớn.
Với số lượng vô cùng phong phú, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế có giá trị nội dung, giá trị tư tưởng, phẩm chất nghệ thuật, thể hiện nhiều chủ đề nội dung khác nhau như: ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị, đất nước độc lập, bờ cõi thống nhất, ca ngợi cảnh đẹp vùng đất đế đô, vẻ đẹp của thiên nhiên, khuyến khích nông nghiệp, chia sẻ nỗi niềm với người dân…
Đặc biệt 3 bài thơ khắc ở gian chính trung trên điện Thái Hòa, có giá trị như tuyên ngôn của triều Nguyễn với cái nhìn so sánh lịch đại, khẳng định chủ quyền đất nước, cũng như khả năng xây dựng và bảo vệ non sông gấm vóc của dân tộc.
Đơn cử bài thứ nhất viết:
''Văn hiến thiên niên quốc
Xa thư vạn lý đồ
Hồng Bàng khai tịch hậu
Nam phục nhất Đường Ngu''.
Tạm dịch:
''Nước ngàn năm văn hiến
Đất vạn dặm hợp cùng
Đã mở mang lớn mạnh
Đường Ngu ở Nam phương''
GS.TS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia khẳng định: Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế - một loại hình di sản tư liệu có tầm quốc gia và quốc tế, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để được vinh danh là di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới.
Đặc biệt, về tính xác thực, hệ thống thơ văn này được khẳng định bởi giá trị bản gốc, độc bản, chưa bị sửa chữa, thay đổi hay làm mới. Tính xác thực còn vì các áng văn đó do chính các vị vua và các văn nhân nổi tiếng của triều Nguyễn sáng tác, với con người cụ thể, niên hiệu cụ thể.
Hệ thống thơ văn này quả thực là một hình thức xuất bản và lưu trữ tư liệu hết sức độc đáo, duy nhất và hiếm có. Thông thường, tư liệu được cất giữ trong các thư viện, phòng lưu trữ, hay tại bảo tàng; nhưng hàng ngàn bài văn, bài thơ, câu đối được chọn lọc kỹ càng từ những áng văn thơ của các vị vua triều Nguyễn và của những danh nhân uyên bác về thơ văn thời kỳ này lại được lưu giữ trên các liên ba, đố bản, vách ván… của các kiến trúc cung đình.
Phong cách trang trí thi họa thường thấy trên kiến trúc cung đình Huế. Ảnh: VGP/Thế Phong
Không những thế, những áng văn thơ này được nghệ thuật hóa, kỹ thuật hóa bằng chạm khắc, khảm (cẩn), tráng men, đắp nổi một cách tinh tế, điệu luyện tạo thành tác phẩm nghệ thuật đa màu sắc, có sức hấp dẫn để trang trí cho các công trình kiến trúc. Cách trang trí một ô thơ hoặc một đại tự đi liền với ô họa tạo nên lối trang trí mỹ thuật kiến trúc “nhất thi nhất hoa”, “nhất tự nhất họa” phổ biến, riêng có ở các công trình kiến trúc trong di tích Cố đô Huế.
Theo GS.TS Lưu Trần Tiêu, không có một di tích lịch sử - văn hóa nào ở Việt Nam có hình thức trang trí trên công trình kiến trúc độc đáo như ở Cố đô Huế bởi đây là phong cách riêng có của kiến trúc cung đình Huế. Ở góc độ nhìn ra thế giới, những ký ức con người được ghi khắc lại trên gỗ khá phổ biến. Tuy nhiên, các chủ đề, cách trang trí của các nước trên thế giới hoàn toàn khác. Trong khi đó, cách thức trang trí trên di tích kiến trúc cung đình Huế mang những đặc trưng riêng biệt, tạo phong cách riêng.
Trên cơ sở phân tích 7 đặc trưng quan trọng của hệ thống di văn trên kiến trúc cung đình Huế, TS Nguyễn Tuấn Cường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho rằng hệ thống di văn trên kiến trúc cung đình Huế là một di sản vô giá dành cho thế hệ sau. Tuy nhiên, di sản này đang đứng trước nguy cơ bị mai một, hư hại, cần được quản lý, bảo tồn, tu bổ và khai thác đúng cách.
Để bảo tồn và phát huy giá trị to lớn về nhiều mặt của hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, TS Vũ Thị Minh Hương, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Ký ức thế giới Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới KV Châu Á - Thái Bình Dương đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di tích Cô đô Huế bám sát các tiêu chí và hướng dẫn của UNESCO để hoàn chỉnh hồ sơ “Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế”, trong đó phải chú ý tính đa dạng và riêng có của di sản.
TS Vũ Thị Minh Hương tin tưởng rằng, hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế sẽ sớm được vinh danh là di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới của UNESCO.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ (Thế Phong)