19 bức phù điêu ảnh, gần 80 bức ảnh về kiến trúc đặc trưng và cuộc sống sôi động của người dân phố cổ đã được giới thiệu trong triển lãm “Hà Nội - Một bảo tàng sống”.
Triển lãm sẽ mở cửa đến hết ngày 11-5, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ Hà Nội.
Triển lãm do Ban quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức, với hai bộ tác phẩm: “Tôi đi tìm ngôi nhà chung” và “Nhà tây biến hình” của hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn – giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Với “Tôi đi tìm ngôi nhà chung”, khán giả sẽ được chiêm ngưỡng các bức ảnh và tìm hiểu sâu về các ngôi đình thờ tổ nghề trong 36 phố phường Hà Nội.
Còn với “Nhà tây biến hình”, người xem lại được thưởng thức những cảm xúc, chiêm nghiệm của tác giả về sự biển đổi của các ngôi biệt thự Pháp cổ tại Hà Nội, do ảnh hưởng của sự phát triển đô thị ngày nay.
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết: “Hà Nội là thành phố có một lịch sử hình thành và phát triển rất lâu đời.
Nhìn vào những dấu hiệu đứt gãy, những âm hưởng còn sót lại của một Hà Nội xưa pha trộn cùng với các biểu tượng, hình ảnh của thời đại mới khiến tôi có cảm giác như đang lần đọc các lớp lịch sử của đô thị.
Vì vậy tôi nghĩ Hà Nội giống như một bảo tàng sống, lưu trữ đầy đủ cả ký ức của quá khứ và nhịp sống của hiện tại đang đổi thay từng ngày từng giờ”.
Cũng trong dịp chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975 đến 30-4-2015) và ngày Quốc tế Lao động 1-5, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật và trưng bày triển lãm tại Ngôi nhà di sản (87 Mã Mây) giới thiệu những hiện vật cổ trong đời sống Việt; tại đình Kim Ngân (42 - 44 Hàng Bạc) tổ chức tuần lễ giới thiệu nghề kim hoàn; tại đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào) sẽ có chương trình giới thiệu sản phẩm lụa trong đời sống Việt xưa và nay.
Nguồn: Ban quản lý Phố cổ Hà Nội