Ống kính nhà văn

Miền thơ Tây Tiến, dữ dội và trữ tình

Chủ Nhật, 28/05/2023 01:45

Tây Tiến của Quang Dũng - một tác phẩm văn học thời chống Pháp đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường từ nhiều năm nay và trở nên quen thuộc với các thế hệ học trò. Những địa danh được nhắc đến trong bài thơ khiến những tên đất, tên làng nơi góc trời xa ngái trở nên gần gũi, dù cho đến nay rất ít người đã đặt chân đến nơi này. 
Những ngày cuối tháng 5 chúng tôi đã có dịp lên Mường Lát, theo dấu chân đoàn quân Tây Tiến năm xưa, tìm về những ngọn núi, những cung đường đã đi vào lịch sử văn học Việt. Mỗi bước đi khám phá vùng đất phía Tây bắc Thanh Hoá lại mở ra trước chúng tôi những cảnh sắc của miền thơ Tây Tiến vừa dữ dội, khốc liệt nhưng cũng rất đỗi trữ tình. 

Xã Tén Tằn giáp biên giới Việt - Lào là nơi con sông Mã từ Lào chảy vào đất Việt. Sông Mã khởi nguồn từ Điện Biên, chảy qua Sơn La, sang đất Lào rồi trở lại Việt Nam tại Thanh Hóa sau đó về xuôi qua các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy... rồi về đồng bằng và ra biển. Đây là con sông gắn với hình tượng "sông Mã gầm lên khúc độc hành" trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, địa danh Sông Mã cũng được Quang Dũng dùng để mở đầu bài thơ.
Những thửa ruộng ven đường lên cửa khẩu Tén Tằn đang vào mùa thu hoạch tạo nên những sắc vàng no ấm khắp một dải biên cương.

Bà con Mường Lát thu hoạch lúa. Mường Lát hôm nay đã là thị trấn giáp biên sầm uất. Địa danh này đã đi vào thơ Quang Dũng khiến rất nhiều người dù chưa từng đến Mường Lát cũng biết đến qua câu thơ Mường Lát hoa về trong đêm hơi.

Nhịp điệu Mường Lát.
Dọc theo đường tỉnh 520, vượt qua những cung đường trữ tình với ruộng bậc thang tràn lúa chín là cửa khẩu Mường Chanh với dòng suối Tút trong xanh vắt ngang biên giới.
Những chú gà rừng vẫn hiện diện ở vùng đất này.
Nhịp sống vùng biên thư thả và bình an, tưởng như những xô bồ của thời hội nhập không chạm đến.
Ở một hướng khác, từ thị trấn Mường Lát qua xã Mường Lý, lên các bản Chiềng Nưa, Sài Khao thiên nhiên bộc lộ nét khốc liệt và dữ dội. Dòng sông Mã co mình giữa núi đồi trọc lốc hoang tàn như sa mạc.
Suốt cả chặng đường dài là những dải núi khô khát, thiên nhiên nơi đây không còn vẻ trù phú xanh tươi.
Những vách đá ven đường dọc bờ sông Mã hấp nhiệt hắt ra hơi nóng hầm hập. Bất chấp sự khốc liệt ấy, cây cối vẫn vặn mình nảy lộc đơm hoa.
Khắp hai bờ sông Mã là màu cỏ cháy và mùi khét nắng từ đất nỏ như rang.
Những loài thực vật mỏng manh không thể trụ lại dưới chảo lửa của mùa khô và gió Lào táp thổi.
Những bông hoa khô tự nhiên quắt lại như một sự tận hiến làm nên vẻ đẹp khắc nghiệt của dải đất nhiều nắng gió.
Đây đó vẫn còn những mảng xanh mượt mà như một sự bảo lưu cho những mùa vụ tiếp nối.
Sau những lớp núi kế tiếp, từ hướng Sài Khao có thể thấy đỉnh Pha Luông xa xa phía ranh giới giữa Lào với đất Sơn La. Đoàn quân Tây Tiến từng hành quân qua cung đường này, trong đó có tác giả bài thơ nổi tiếng, để rồi ông có những câu thơ sống mãi: Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi...
Đỉnh núi Pha Luông không giống những đỉnh núi khác. Theo những người Mông địa phương, núi Pha Luông có hình dáng giống một con bò đang nằm nên người bản địa phía Sơn La còn gọi nôm na là núi Con Bò. Giờ đây, ngọn núi ấy đã trở thành một điểm du lịch cho dân phượt mê trekking.
Tại bản Sài Khao hiện nay, một bức phù điêu lưu dấu đoàn quân Tây Tiến đã được xây dựng để tưởng nhớ những người lính Trung đoàn 52 năm xưa.
Nằm kề khu lưu niệm nhỏ là Điểm trường mầm son khu Sài Khao (thuộc Trường mầm non Tây Tiến) và trường tiểu học phục vụ việc học tập của con em các dân tộc trong khu vực.
Xen lẫn những vạt núi cháy khô vẫn còn đó những khung cảnh hữu tình khiến người ta dễ liên tưởng đến miền thơ Tây Tiến năm xưa.
Từ Mường Lý, qua xã Tam Chung, vượt quãng đường chừng 20 cây số sẽ đến điểm giao giữa Thanh Hóa - Sơn La trên đường biên giới Việt - Lào. Ở cung đường này núi đồi cũng hiền hòa hơn và màu xanh đã trở lại ven các thung lũng nhỏ giữa các quả núi.
Nhờ có việc bảo vệ rừng quốc phòng và rừng phòng hộ mà những cánh rừng nơi đây vẫn giữ được vẻ nguyên sơ và sự yên lành vốn dĩ. Một khung hình nên thơ ở khu rừng kề cột mốc 270 tại Bản Ón.
Bản Ón, thuộc xã Tam Chung, chính là bản địa đầu của Thanh Hóa, tiếp giáp với Sơn La. Bản gồm hơn một trăm hộ dân, chủ yếu là người Mông di cư từ các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Lào Cai đến.
Từ Sài Khao, vượt qua quãng đường bộ gần 40 cây số, chúng tôi đã đến sát núi Pha Luông - núi Con Bò, tưởng như có thể với tới được địa danh trong thơ Quang Dũng.
Buổi sớm lặng yên nơi góc trời Tây Tiến.

Những con đường đã được mở dọc vành đai biên giới. Hiện nay và sau này, việc đi lại sẽ dễ dàng hơn, đây là điều kiện thuận lợi để những người yêu thơ, yêu cảnh sắc thiên nhiên, yêu lịch sử văn học chiến tranh cách mạng có cơ hội chạm vào miền thơ Tây Tiến trong đời thực.
Với việc bảo vệ và trồng mới rừng biên giới, hi vọng những cánh rừng Mường Lát sẽ sớm hồi sinh, để miền thơ Tây Tiến mãi được bảo tồn qua những cửa sổ xanh trong sự phát triển của Thanh Hóa và cả nước.
Tổ chức trang: VŨ THÀNH DUY
Thực hiện: BẢO AN
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)