Sách về nhà số 4

Tiểu thuyết mới của Hồ Anh Thái tiếp tục đề tài Ấn Độ

Thứ Tư, 04/05/2022 16:51

Là một nhà văn có phong độ sáng tác đều nhất trên văn đàn Việt, nhà văn Hồ Anh Thái sáng tác chuyên nghiệp và ra tác phẩm thường xuyên. Đặc biệt, những năm gần đây, đề tài Ấn Độ được nhà văn khai thác trong nhiều tác phẩm. Là tác giả của gần 50 đầu sách, Hồ Anh Thái đồng thời là nhà nghiên cứu văn hóa và từng có thời gian làm công tác ngoại giao ở Ấn Độ.

Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên là cuốn tiểu thuyết nối dài niềm đam mê với đề tài Ấn Độ của Hồ Anh Thái, trước đó phải kể tới cuốn tiểu thuyết đầy ma lực Đức Phật, nàng Savitri và tôi - tái hiện cuộc đời Đức Phật Thích Ca với nhiều chi tiết đặc sắc, ít được biết tới - và tập truyện ngắn xuất sắc lấy bối cảnh Ấn Độ Tiếng thở dài qua rừng kim tước.

Về đề tài Ấn Độ, Hồ Anh Thái từng chia sẻ trong những trang viết của mình: “Bập vào Ấn Độ như một lần trót thử ma túy. Nghiện. Ám ảnh. Hành. Nhớ quay nhớ quắt. Một thứ ma lực hút ta vào và đời ta mãi mãi không thể nào bình yên được nữa”. Ở cuốn tiểu thuyết mới nhất này, độc giả được gặp lại một Hồ Anh Thái sắc sảo, khúc chiết, với những con chữ kết tinh cao độ; nhịp văn nhanh, hoạt, nhưng dồn nén được một trữ lượng nội dung không hề nhỏ. Viết về một chủ đề không mới nhưng qua sức tưởng tượng độc đáo và xen lẫn tinh thần hài hước khoan hòa của một nhà văn nhà nghề, tác giả đã tái hiện không khí Ấn Độ cổ đại tại tiểu quốc Vamsa, với đầy đủ những sắc thái tôn giáo đặc thù và đặc biệt là cả những góc khuất trong hoạt động của Giáo đoàn buổi ban đầu. Ngay từ nhan đề tác phẩm, Đức Phật, Nữ chúa và điệp viên, tác giả đã tạo ra được một ấn tượng về những tuyến nhân vật trái chiều, giữa tinh và thô, giữa thiện và ác, giữa thiêng và phàm.

Đi vào đề tài Ấn Độ, ngòi bút Hồ Anh Thái thể hiện khả năng sử dụng chất liệu lịch sử nhuần nhuyễn, một số nhân vật trong truyện là những nhân vật lịch sử: Đức Phật, Vua xứ Vamsa, Hoàng hậu,… Ngay cả những nhân vật hư cấu, ở một mức độ nào đó, cũng đều mang nhiều thân phận lịch sử có thật. Và dù cho, xuyên suốt câu chuyện là những mối quan hệ chồng chéo giữa nhiều phương diện, nhưng sau cùng vẫn bật lên nỗi trăn trở nhân sinh mang tầm phổ quát, vượt thoát khỏi khuôn khổ lãnh thổ địa lí và thời gian lịch sử.

Về tiểu thuyết mới của Hồ Anh Thái, nhà nghiên cứu văn học Lê Thị Hường nhận xét “Tiểu thuyết Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên viết về lịch sử nhưng không lệ thuộc sự kiện mà nhà văn đã trình hiện lịch sử theo cách của một cái-tôi-văn-hóa. Lịch sử cho thấy căn tính của một dân tộc. Tiểu thuyết lịch sử cho thấy trí lực và tầm văn hóa của một nhà văn”.

Tác phẩm do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành.

Thông tin từ Nxb Trẻ

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Những người phụ nữ của Eliot trong "Vùng đất hoang"

Những người phụ nữ của Eliot trong "Vùng đất hoang"

Xuất bản lần đầu cách đây 100 năm trên tạp chí văn học Criterion, trường ca dài 434 dòng của Eliot ngay lập tức nổi tiếng... (BÌNH NGUYÊN)

Nỗi khắc khoải  khi môi trường bị bức hại

Nỗi khắc khoải khi môi trường bị bức hại

Những nhân vật, tất nhiên, được khúc xạ để khi bước vào tác phẩm khiến độc giả cảm thấy sự khác lạ, hấp dẫn, thông qua việc “làm mới” bằng cách dồn vài tính cách vào một để họ trở thành nhân vật điển hình của cuốn sách... (NGUYỄN VĂN HỌC)

Tiếng cười ngân dài từ tuổi thơ mình vọng lại

Tiếng cười ngân dài từ tuổi thơ mình vọng lại

Với con gái của nhạc sĩ Phạm Tuyên, các tác phẩm của ông viết cho thiếu nhi chính là câu chuyện cuộc đời của chị. Thế nhưng, hoá ra, đó cũng lại là câu chuyện cuộc đời của mỗi chúng tôi, những đứa trẻ sinh ra vào cuối chiến tranh và lớn lên qua thời bao cấp.

Bố tôi từ cuộc đời bước vào trang thơ

Bố tôi từ cuộc đời bước vào trang thơ

Những điệu chèo, câu văn của cha ông từ nghìn xưa đã thấm vào tôi từ tấm bé, để sau này lớn lên tôi làm thơ, những câu thơ lục bát mang âm hưởng hát chèo, hát văn thật lấp lánh và rõ rệt vô cùng... (HOÀNG ANH TUẤN)