Ngày 19/9/2019, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Viện Sư phạm Xã hội, Trường Đại học Vinh đã đăng cai tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Đổi mới hoạt động đào tạo và bồi dưỡng giáo viên Ngữ văn đáp ứng mô hình giáo dục phát triển năng lực". Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động kỉ niệm 60 năm ngày thành lập Khoa Ngữ văn - Ngành Sư phạm Ngữ văn nói riêng, Trường Đại học Vinh nói chung (1959 - 2019).
Mục đích của Hội thảo là tạo điều kiện cho các nhà khoa học, các thầy cô giáo nghiên cứu, trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm đổi mới dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông theo định hướng tiếp cận năng lực, đáp ứng yêu cầu giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn trong bối cảnh mới.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh nền giáo dục cả nước đang có những chuyển biến quan trọng, từng bước thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện được khởi xướng từ Hội nghị lần thứ 8 khóa 11 (năm 2013) của Trung ương Đảng, và cụ thể hóa bằng Nghị quyết 88 (năm 2014) của Quốc hội về đổi mới Chương trình và sách giáo khoa phổ thông, Quyết định 404 (năm 2015) của Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Hội thảo có sự hiện diện đông đảo các nhà khoa học ở Viện nghiên cứu giáo dục, các nhà giáo ở các khoa đào tạo sư phạm, các giáo viên ở các trường phổ thông… trên cả nước. Vì vậy, Hội thảo được nghe nhiều ý kiến thiết thực và bổ ích, được đúc kết qua nghiên cứu lí thuyết, qua tiếp xúc với các thông tin khoa học giáo dục sư phạm tiên tiến trên thế giới cũng như từ quá trình thực nghiệm, thực tế của những người trực tiếp đứng lớp.
Nội dung các tham luận tại Hội thảo có thể chia ra làm hai mảng lớn: 1/ những vấn đề chung về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Ngữ văn đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình mới; và 2/ những vấn đề cụ thể trong dạy học Ngữ văn phát triển năng lực học sinh.
Từ chủ đề của Hội thảo, một số nhà khoa học đã nhận thấy, muốn thực sự đổi mới môn Ngữ văn ở trường phổ thông, nhất thiết phải bắt đầu từ việc nhận thức đúng đắn bản chất của môn học. Đổi mới chương trình và sách giáo khoa, phải luôn bám sát tiền đề đó. “Giữa môn Văn học là nhân học với giáo dục là dạy người có nhiều điểm liên hệ sâu sắc hơn người ta tưởng” - GS.TS.NGND Trần Đình Sử phát biểu. Theo GS: “Mục tiêu của đổi mới giáo dục phải là thay đổi cách đào tạo để có những chủ thể mới, biết sáng tạo. Sáng tạo đây được hiểu là những người biết phá cái cũ, làm ra sản phẩm mới có giá trị và ý nghĩa nhân sinh. Phải có những người như thế thì mới có thể làm cho đất nước ta mạnh giàu, cường thịnh, bảo vệ vững chắc đất nước do tổ tiện để lại”.
“Năng lực” là từ khóa quan trọng nhất, xuất hiện với tần số cao nhất trong hầu hết các tham luận Hội thảo lần này. Những gợi dẫn từ hệ thống năng lực được trình bày trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng như Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn mới chỉ là những ý cơ bản có thể tham chiếu, cho nên, không dừng lại ở đó, những người nghiên cứu về dạy học Ngữ văn đã nỗ lực nhận thức đầy đủ hơn nội hàm của khái niệm này. Có cách lí giải mang tính hàn lâm, có cách cắt nghĩa xuất phát từ nhận thức, chiêm nghiệm của cá nhân người nghiên cứu, song tất cả đều góp phần minh định một trong những khái niệm then chốt, gắn với đặc thù bộ môn, từ đó, triển khai ý tưởng khoa học trong các tham luận.
Muốn hình thành và phát huy được năng lực của học sinh thì trước hết, người giáo viên phải thực sự có năng lực. Đây là quan điểm được nhiều nhà nghiên cứu, nhà sư phạm tham gia Hội thảo nhấn mạnh. Các tham luận trình bày về nội dung này khá phong phú, xuất phát từ vị trí công tác khác nhau của người viết. Có người từng tham gia xây dựng chương trình đào tạo sư phạm thuộc các bậc học khác nhau ở nhiều thời kì, dày dạn kinh nghiệm trong đào tạo giáo viên trình độ đại học và sau đại học, biên soạn nhiều giáo trình, chủ trì nhiều cuộc hội thảo về dạy học Ngữ văn; có người giữ vị trí quan trọng trong đội ngũ tham gia xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn; có người đã từng cất lên tiếng nói rất có sức nặng trong những cuộc họp thẩm định chương trình; một số người hiện nay đang tham gia biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn mới; có người ở cương vị quản lí chuyên môn ở các cấp; rất nhiều người là giáo viên đang trực tiếp thực hiện chương trình hiện hành và chờ đợi sự ra đời của những bộ sách giáo khoa Ngữ văn mới với những kì vọng xen lẫn lo âu…
Một mô hình đầy đủ, hoàn chỉnh về hệ thống năng lực của người giáo viên Ngữ văn phổ thông vẫn còn ở phía trước, nhưng những ý kiến trình bày về khía cạnh này hay khía cạnh khác đều thể hiện những trăn trở của chính người trong cuộc. Chúng được thể hiện bằng các kiến giải và đề xuất rất cụ thể. Một nhận thức về sự chuyển hướng căn bản trong đào tạo sư phạm lấy chuẩn đầu ra làm thước đo sản phẩm; một chương trình đào tạo đại học đang được xây dựng đáp ứng chuẩn nghề nghiệp, tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế; một hình dung về phẩm chất và năng lực của người giáo viên Ngữ văn đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình mới; một hướng giảng dạy học phần cụ thể trong chương trình đào tạo giáo viên với nhiều ý tưởng mới mẻ; một sáng kiến cải tiến cách thức bồi dưỡng giáo viên Ngữ văn…
Những tham luận nêu và giải quyết những vấn đề trên đều gắn với địa chỉ cụ thể, với những điều kiện dạy học cụ thể, nhưng có thể tìm thấy ở đó những giá trị khoa học có tính phổ quát, chạm vào những điểm nóng nhất, thiết yếu nhất trong nỗ lực đổi mới đào tạo và bồi dưỡng giáo viên hiện nay, do đó, có thể thể nghiệm đi đến áp dụng rộng rãi cho nhiều cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong cả nước. Việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm đang là mối quan tâm hàng đầu hiện nay của lãnh đạo ngành. Tuy nhiên, sự sống còn của các cơ sở đào tạo sư phạm lại là ở chiến lược phát triển của nó, mà yếu tố then chốt là chất lượng đào tạo. Nhiều tham luận tại Hội thảo mong muốn có tác động tích cực nhằm cải thiện một thực trạng bấy lâu gây bất an cho xã hội nói chung, ngành giáo dục nói riêng.
Một nội dung nổi cộm trong nhiều tham luận là những vấn đề cụ thể trong dạy học Ngữ văn theo hướng phát triển năng lực học sinh. Giữa dạy học theo hướng tiếp cận nội dung, cung cấp tri thức với hướng tiếp cận năng lực khác nhau căn bản ở chỗ nào? Làm sao để vận dụng những hiểu biết có tính lí thuyết về dạy học phát triển năng lực vào giải quyết nội dung dạy học ở từng tiết học? Đâu là mô hình hợp lí của một bản thiết kế giáo án kiểu mới? Bằng cách nào để giải quyết mối quan hệ giữa tri thức cần kiến tạo và năng lực cần phát triển qua mỗi giờ dạy? Khả năng phát triển năng lực học sinh ở từng loại bài dạy, ở từng thể loại văn học là như thế nào? Dạng câu hỏi kiểm tra, đánh giá năng lực có diện mạo ra sao?... Đây vừa là điểm mấu chốt cần được nhận thức sâu sắc, đầy đủ, vừa là những nan giải, thách thức mà người giáo viên trực tiếp đứng lớp phải thường xuyên đối mặt.
So với những lần thay đổi chương trình và sách giáo khoa trước đây, lần thay đổi này khác hẳn: nó mở ra một hướng dạy học mới, với những yêu cầu mới khiến cho những thế mạnh, những kinh nghiệm trước đó của không ít giáo viên có lúc vô dụng, thậm chí biến thành trở lực. Chính vì nhận thức được những khó khăn đặc biệt trong lần thay đổi này, một số đại biểu thể hiện sự băn khoăn, lo lắng khi dự cảm con đường trước mặt tiềm ẩn những nguy cơ, thách thức. Đó là nguy cơ “lãng quên” mục tiêu phát triển năng lực; nguy cơ chệch hướng hoặc xa rời bản chất thẩm mĩ của văn học; nguy cơ biến giờ dạy văn thành một giờ dạy đạo đức theo kiểu so sánh, liên hệ xã hội học dung tục… Một số hiện tượng như: học sinh dễ lẫn lộn, mơ hồ về lịch sử văn học; giờ dạy Ngữ văn dễ rơi vào thực hiện các thao tác cơ giới, máy móc, hệ quả tất yếu sẽ là sự hời hợt, vô cảm; tán loạn ở cả hai loại hoạt động dạy - học và đánh giá… có thể xảy ra nếu người dạy thiếu viễn kiến, không có tri thức nền tảng vững vàng.
Trong tham luận của mình, PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống cho rằng: để thực hiện Chương trình mới, đang tồn tại một khoảng trống trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên Ngữ văn. Muốn lấp đầy khoảng trống đó, dĩ nhiên cần một chính sách đồng bộ, sự phối hợp của nhiều lực lượng, nỗ lực của đội ngũ giáo viên, sự cộng hưởng của toàn xã hội.
Xét trong tương quan đó, Hội thảo khoa học quốc gia "Đổi mới hoạt động đào tạo và bồi dưỡng giáo viên Ngữ văn đáp ứng mô hình giáo dục phát triển năng lực" do Ngành Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Vinh tổ chức đã thể hiện một nỗ lực góp phần khắc phục cái khoảng trống trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên Ngữ văn nói trên.
THIỀU QUANG
VNQD