Ngày 9/12/2018, tại WBOOK Cafe 46 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội đã diễn ra buổi giao lưu thân mật với dịch giả Đinh Trần Phương và êkip thực hiện dự án sách Kịch Nō.
Sự kiện được tổ chức nhân dịp ra mắt ấn phẩm NGHỆ THUẬT KỊCH Nō: CÁC LUẬN THUYẾT CHÍNH YẾU CỦA ZEAMI, Đinh Trần Phương dịch, Nhật Chiêu hiệu đính, Sao Bắc Media & Nxb Thế Giới ấn hành tháng 12/2018.
Dịch phẩm Nghệ thuật kịch Nō dày 348 trang, khổ 15x24.
Tại buổi giao lưu, các diễn giả đã giới thiệu và đi sâu phân tích các đặc tính nghệ thuật của kịch Nō - loại hình sân khấu truyền thống nổi tiếng của Nhật Bản thông qua các luận thuyết nổi tiếng của Zeami.
Zeami Motokiyo (1363-1443) là kịch tác gia, đạo diễn, diễn viên, nhà phê bình nghệ thuật kịch Nō thiên tài của Nhật Bản, sống trong thời đại Muromachi (1336-1573). Các tác phẩm chính của Zeami gồm: Hoa truyền thư (Kadensho), Chí hoa đạo (Shikadō), Hoa kính (Kakyō), Cửu vị (Kyūi)…
Nō (能 Năng) hay Nōgaku (能楽 Năng Nhạc) là một thể loại kịch truyền thống quan trọng của Nhật Bản, phát triển từ nhiều loại hình nghệ thuật - tôn giáo, dân gian và cung đình. Nhờ công gây dựng và hoàn thiện của hai cha con Kan’ami và Zeami, kịch Nō được trình diễn kể từ thế kỷ XIV cho đến tận ngày nay, trở thành một nghệ thuật sân khấu tuyệt vời, ở đó diễn xuất, vũ đạo, thi ca và xướng ca quyện hòa tới mức vượt thắng mỗi nghệ thuật riêng lẻ, tạo cho khán giả một trải nghiệm sâu thẳm, gần như là thăng hoa tâm linh. Các vở Nō phần nhiều dựa theo các tích trong kho tàng văn chương cổ điển. Mỗi vở chỉ có một diễn viên chính shite, thường là một hồn ma, ban đầu xuất hiện trong lốt một người già, rồi sau lộ ra ở hình hài đẹp đẽ xưa kia, sống lại bi kịch của đời mình và cuối cùng được độ thoát, cả vở kịch như một giấc mộng tan đi...
Một cảnh kịch Nō. Ảnh: Internet
Dịch giả Đinh Trần Phương chia sẻ: “Cuốn sách Nghệ thuật kịch Nō tập hợp gần như đầy đủ và có hệ thống các mật luận ở đó Zeami bàn về yếu tính của loại hình nghệ thuật này, từ việc soạn tác của kịch tác gia cho đến sự trình diễn của diễn viên và thưởng thức của khán giả. Người đọc sẽ có cái hiểu về những khái niệm then chốt của mỹ học Nhật Bản và cái nhìn đối sánh giữa sân khấu kịch Nhật Bản và sân khấu kịch phương Tây. Nhìn rộng ra, nghệ thuật trình diễn trên sân khấu cũng chính là nghệ thuật sống trong cuộc đời, bởi vậy cuốn sách còn như một cánh cửa cho chúng ta thưởng ngoạn và trân trọng Cái Đẹp của đời sống”.
Dịch giả Đinh Trần Phương (ngoài cùng bên trái) và các diễn giả tại buổi giao lưu.
Trong Lời giới thiệu dịch phẩm của Đinh Trần Phương, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu - cũng là người hiệu đính cho cuốn sách - viết: “Nếu sân khấu Nō bắt nguồn từ tôn giáo, chính là Zeami đã biến tôn giáo thành nghệ thuật. Nghệ thuật của U Huyền (yūgen), khái niệm cốt tủy về Nō trong các luận thuyết của ông, sánh đôi với khái niệm khác là Hoa (hana). U Huyền là cái đẹp ẩn giấu của thế giới nội tâm được hé lộ tinh tế và Hoa là cái đẹp của kỹ năng biểu diễn xuất thần, đạt đến Diệu Hoa Phong (myōkafū). Tuyệt đỉnh của nghệ thuật Nō là dung hợp cho được U Huyền và Hoa. Nói như Zeami thì: “Khi nghệ thuật mang niềm bí ẩn thì Hoa kia hiện hữu; nếu đánh mất đi niềm bí ẩn ấy thì mất cả Hoa” [...] Nō là sân khấu của cái đẹp. Zeami và các tác giả của nó đã tạo hình cho giấc mơ, biến giấc mơ thành nghệ thuật, triết lý thành đời sống”.
TẦM THƯ
VNQD