Có thể nói, David Foenkinos là một trong những nhà văn hàng đầu của nền văn học đương đại Pháp qua những tác phẩm như: Sự đảo ngược của chứng ngu, Chỉ tại vợ tôi gợi tình, Những lần ta chia tay, Mối tình Paris, Charlotte (tác phẩm này đã nhận được hai giải thưởng văn học danh giá là Renaudot và Goncourt des lycéens).
Ở Việt Nam, bạn đọc đặc biệt yêu mến ông qua tiểu thuyết Mối tình Paris. Trong nhiều bài trò chuyện nhà văn cũng thừa nhận tác phẩm này là một thành công lớn của mình. Một câu chuyện được viết với văn phong nhẹ nhàng, dịu êm ngay cả trong những biến cố xảy đến với các nhân vật chính. Qua lối viết tự nhiên, độc giả nắm bắt được những bước chuyển đầy tinh tế của các cung bậc cảm xúc và cảm thấy như đó chính là những tình cảm trong con người mình. Trong các tác phẩm của mình, Foenkinos thường viết về những câu chuyện, những số phận với nỗi buồn, tình yêu và thất vọng để rồi từ đó làm sống dậy những niềm hi vọng. Bìa cuốn sách Mối tình Paris
Tại buổi giao lưu, nhà văn David Foenkinos bày tỏ niềm vui của mình khi đến Việt Nam: “Đây là cơ may của tôi và cho những tác phẩm của tôi. Điều này sẽ cho tôi niềm hứng khởi lớn trong sáng tạo. Tôi yêu văn hóa, yêu văn học. Trải qua giây phút cận kề cái chết vào năm 16 tuổi, tôi đã nhận ra cuộc sống thật ý nghĩa. Tôi đã viết để lưu lại vẻ đẹp của cuộc sống. Văn chương đã thực sự là nguồn sống của tôi”.
Một điều phải kể đến nữa là, David Foenkinos cũng được biết đến là một nhà biên kịch, một đạo diễn thành công. Ông chuyển thể một số tiểu thuyết của mình thành phim điện ảnh. “Dù là chuyển thể, nhưng tôi muốn văn chương và điện ảnh của tôi có đời sống độc lập, không ảnh hưởng nhau, không làm khó nhau. Có chăng là sự cộng hưởng”, nhà văn chia sẻ.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, người tham gia điều phối buổi giao lưu cho rằng: Trong văn chương của Foenkinos mang đậm chất điện ảnh, và ngược lại, trong điện ảnh của ông rất giàu chất văn chương. Ở Việt Nam, các nhà văn thường ngại tự viết kịch bản, tự chuyển thể kịch bản vì nghĩ rằng họ đã sáng tạo hết mình cho văn chương nên cần một nguồn năng lượng mới để chuyển thể hay viết kịch bản. Với Foenkinos dường như năng lượng sáng tạo trong ông quá dồi dào và bất tận. Bản thân nhà văn cũng cho biết, ông luôn bận rộn, quá bận rộn nhưng ông làm việc theo cách tận dụng cuộc sống, tận hưởng cuộc sống. Và ông yêu viết đến nỗi không thể dừng lại.
Thành công ở cả hai lĩnh vực văn chương và điện ảnh, Foenkinos đã cho bạn đọc và khán giả của mình thấy một năng lực tuyệt vời, một niềm say mê văn chương và điện ảnh đáng kinh ngạc. Ông viết hằng ngày và ham thích làm việc với những người dựng phim, quay phim, diễn viên... Và cách để văn chương và điện ảnh của ông luôn có một đời sống riêng biệt đó là, “tác giả nên phản bội lại mình, nên làm khác đi khi chuyển thể. Nó không phải sự sao chép mà điện ảnh nên làm sống động văn chương, văn chương là cốt lõi của điện ảnh”. Khi được hỏi, nếu phải lựa chọn, hoặc điện ảnh hoặc văn chương, nhà văn đã không ngần ngại khẳng định chọn văn chương, vì chỉ với văn chương ông mới thỏa mãn được mình.
Buổi giao lưu với nhà văn David Foenkinos diễn ra trong khuôn khổ Tuần Văn học Pháp tại Việt Nam với chủ đề Từ trang sách đến màn ảnh. Cũng tại Trung tâm văn hóa Pháp sẽ diễn ra các buổi chiếu phim của nhà văn này.
TUẤN LAM