Dòng chảy  Văn nghệ

Lễ tưởng niệm 50 năm ngày nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý hi sinh

Thứ Sáu, 08/03/2019 23:24

Sáng 8/3/2019, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trọng thể lễ tưởng niệm 50 năm ngày nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý hi sinh (8/3/1969 - 8/3/2019). Sự kiện hiện diện đông đảo nhà văn nhiều thế hệ cùng đại diện gia đình liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý. Nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà phê bình Lê Thành Nghị điều hành buổi lễ.

Nhà báo, nhà văn, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý sinh ngày 19/4/1941 tại Hà Nội, quê gốc thôn Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Từ năm 1961 là phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam. Tháng 4/1968, chị xung phong vào chiến trường làm phóng viên tại Mặt trận Trung Trung Bộ. Ngày 8/3/1969, chị hi sinh trong một trận chống càn tại thôn 2, xã Xuyên Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Các tác phẩm chính của Dương Thị Xuân Quý gồm Chỗ đứng - 1968, Hoa rừng - 1970, Nhật kí chiến trường - 2007. Nhà văn Dương Thị Xuân Quý được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

Nhà văn, nhà báo, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý (1941-1969)

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - trong bài phát biểu khai mạc buổi lễ đã nhấn mạnh: Dương Thị Xuân Quý sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng và yêu nước. Ông nội Dương Trọng Phổ và bác ruột Dương Bá Trạc là những thủ lĩnh của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Thân sinh là nhà giáo Dương Tụ Quán - người tham gia sáng lập hai ấn phẩm văn chương nổi tiếng trước Cách mạng tháng Tám 1945 là Văn học tạp chíTri tân. Bác ruột là nhà văn hóa danh tiếng Dương Quảng Hàm. Anh con bác ruột là danh họa Dương Bích Liên nổi tiếng... Truyền thống gia đình kết hợp với lí tưởng của thời đại đã hun đúc nên những phẩm chất cao đẹp của nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý, thôi thúc chị xung phong ra mặt trận trong những năm kháng chiến cứu nước ác liệt. Một phụ nữ Thủ đô quen sống dưới ánh đèn phố thị đã âm thầm chuẩn bị cho mình một tiềm năng kì lạ để chọn “chỗ đứng” (tên một truyện ngắn của Dương Thị Xuân Quý) giữa những con người bình thường mà phi thường trong “mắt bão” chiến tranh. Chị anh dũng hi sinh khi vừa 28 tuổi. Tên tuổi, sự nghiệp của Dương Thị Xuân Quý đã đi vào kí ức của người đọc, làm vẻ vang cho thế hệ các nhà văn chống Mĩ. Chị là bông “hoa rừng” thơm ngát, đẹp mãi với thời gian...

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Bùi Dương Hương Ly (con gái của vợ chồng nhà thơ Bùi Minh Quốc - nhà văn Dương Thị Xuân Quý) và chồng bên lề buổi lễ

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà phê bình Lê Thành Nghị, nhà phê bình Ngô Thảo, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhà phê bình Tôn Phương Lan, nhà báo Nguyễn Thế Khoa, nhà thơ Thanh Thảo, nhà phê bình Đặng Hiển, nhà thơ Bùi Minh Quốc… đã có những phát biểu, nhận định, đánh giá xúc động về cuộc đời và văn nghiệp của nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý.

Nhà phê bình Ngô Thảo phát biểu: “Hi sinh ở tuổi 28, nhìn rộng ra phía trước, trong nền văn học kháng chiến, đó là tuổi của Trần Đăng, Tân Sắc-Thôi Hữu, Lê Anh Xuân. Những cuộc đời ngắn ngủi ấy mãi mãi nhắc nhớ hậu thế bài học về cuộc sống, cách sống, lối sống, và đặc biệt, “chỗ đứng” của nhà văn trong lòng cộng đồng dân tộc. Và nhờ vậy, những người như sao băng bay qua bầu trời ấy, ánh sáng còn hắt mãi vào cuộc sống hôm nay và mai sau không chỉ bằng những tác phẩm viết bằng tâm sức, tài năng và dòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, mà quan trọng hơn là cách chọn “chỗ đứng” của mình (...) Năm tháng qua đi, có dịp nhìn lại, chúng ta nhận ra, trong cái thời ngỡ là khó khăn và ngây thơ đó lại đã tồn tại một nét đẹp mà xã hội thời nào cũng ước mơ: một cuộc sống có lí tưởng và mỗi con người có ý thức hoàn thiện mình để xứng với lí tưởng đó (…) Hiện thực đó đã kịp thời được nhà văn ghi nhận bằng truyện kí và nhật kí viết trực tiếp từ những vùng đất lửa mà chị từng có mặt. Những trang viết đó, thể hiện rất rõ vị trí - “chỗ đứng” của người cầm bút: luôn có mặt ở những nơi quyết liệt, sôi động nhất. Và không khó hiểu, khi chị đã quyết định xung phong vào chiến trường lúc con gái lớn Bùi Dương Hương Ly mới 16 tháng tuổi và chồng là nhà thơ Bùi Minh Quốc đã đi chiến trường trước đó (…) Để có những trang viết về nhân dân và đất nước những năm tháng chiến tranh, các anh chị đã trả bằng chính cuộc đời trẻ tuổi giàu lí tưởng của mình. Cao hơn cả trang viết, đó chính là sự xác định vị trí người cầm bút, vị trí nhà văn trong cuộc đấu tranh giành độc lập - thống nhất cho đất nước, cho dân tộc. Nhờ đó mà văn học và nhà văn Việt Nam đã từng có một vị trí vinh dự trong lòng dân tộc và đất nước. Các nhà văn Chu Cẩm Phong, Nguyễn Thi, nhà thơ Lê Anh Xuân đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng. Tiếp tục đề nghị tuyên dương Anh hùng cho nhà văn, nhà báo, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý là một việc mà Hội Nhà văn Việt Nam cần tiến hành…”.

Nhà báo, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa (Tổng biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam) phát biểu: “Dù chỉ sống chưa đến 28 năm như một số tài năng văn chương lớn của nước nhà, nhưng cũng như những tài năng lớn đó, nhà văn Dương Thị Xuân Quý đã kịp để lại cho hậu thế những tác phẩm xứng đáng với tài năng, khát vọng, ý chí và sự hi sinh phi thường của mình. Đặc biệt, 200 trang sách Nhật kí chiến trường của nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý là một trong những tác phẩm thật nhất, người nhất, gây xúc động mạnh mẽ nhất về cuộc kháng chiến chống Mĩ vĩ đại. Cần phải coi đây là một tác phẩm "đặc biệt xuất sắc, phục vụ đắc lực sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc", tức là một tác phẩm rất xứng đáng được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh...”.

Tác phẩm Nhật kí chiến trường của nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý vừa được Nxb Văn hoá - Văn nghệ tái bản nhân dịp kỉ niệm 50 năm ngày tác giả hi sinh

Nhà thơ Bùi Minh Quốc thay lời gia đình cảm ơn lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, các đồng nghiệp và công chúng có mặt tại buổi lễ.

Tổng kết buổi lễ, nhà thơ Hữu Thỉnh xúc động nói: Buổi lễ hôm nay mang một không khí nghiêm trang chưa từng thấy trong các sự kiện do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức từ trước đến nay. Việc đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ, nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý đã được Hội Nhà văn Việt Nam khởi động từ nhiều năm trước và Hội sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị hoàn thiện hồ sơ thủ tục để đề nghị trên sớm trở thành hiện thực.

HỮU - VŨ

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)