Tối Chủ nhật 10/3/2019, Cà phê Điện ảnh (3A Ngô Quyền, Hà Nội) đã tổ chức chiếu bộ phim DESIREE - MỐI TÌNH ĐẦU CỦA NAPOLEON và trò chuyện về bộ phim cùng khách mời là nhà báo Trương Anh Ngọc - một người nghiên cứu về Napoleon và đã đặt chân tới nhiều chiến trường xưa của Napoleon; dẫn chương trình là nhà văn Trần Thị Trường. Đây là hoạt động nằm trong chủ đề Phim danh nhân của Cà phê Điện ảnh.
DESIREE - MỐI TÌNH ĐẦU CỦA NAPOLEON là bộ phim do Mĩ sản xuất năm 1954, dựa theo tác phẩm văn học ăn khách cùng tên của nữ nhà văn người Áo Annemarie Selinko. Bộ phim do đạo diễn Henry Koster thực hiện với sự tham gia của hai diễn viên chính là Marlon Brando (Napoleon Bonaparte) và Jean Simmons (Desiree Clary). Bộ phim đã nhận được đề cử giải Oscar cho các hạng mục Thiết kế phục trang đẹp nhất và Thiết kế sản xuất xuất sắc nhất.
Hai diễn viên Marlon Brando và Jean Simmons trong phim
Napoleon vừa là một nhân vật lịch sử, vừa là một nhân vật huyền thoại và đôi khi, khó lòng tách biệt hai đặc tính này, cuộc đời ông cũng giống như một cuốn tiểu thuyết, hay nói như Puskin, “Napoleon là người đã được thiên định để chấp hành những định mệnh bí ẩn của lịch sử”. Vì vậy đã có rất nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh, sân khấu lấy cảm hứng từ/về hình tượng, cuộc đời, sự nghiệp của Napoleon. Cuốn tiểu thuyết DESIREE - MỐI TÌNH ĐẦU CỦA NAPOLEON và bộ phim cùng tên khai thác nhân vật Napoleon từ mối tình đầu tươi đẹp và lãng mạn mà ông đã bội ước, và chính điều này cũng tạo nên bi kịch của cuộc đời ông.
Nhà báo Trương Anh Ngọc nhận định: DESIREE - MỐI TÌNH ĐẦU CỦA NAPOLEON, cả tiểu thuyết cả phim, đều là hư cấu nhiều hơn sự thực (bởi trên thực tế thì Desiree là nhân vật mờ nhạt nhất trong số những người tình của Napoleon) nhưng lại dọi sáng được một sự thực lịch sử cuối thế kỉ 18 đầu thế kỉ 19 ở Pháp nói riêng, ở châu Âu nói chung, đó là số phận những nhân vật lịch sử luôn gắn với những người phụ nữ. Đúng như lời thoại trong phim: “Lịch sử của một đế chế phụ thuộc vào những điều lặt vặt và lịch sử của một đời người cũng vậy”.
Desiree Clary - cô bé thành Marseille - là mối tình đầu của Napoleon Bonaparte, về sau lại là vợ thống chế Jean Baptiste Bernadotte và trở thành hoàng hậu Thụy Điển. Có ai ngờ, một người con gái thấp bé, vốn sống co mình, lại có thể đóng những vai trò lịch sử lớn lao đối với sự thịnh - suy của triều đại Bonaparte đệ nhất.
Nếu nói lịch sử là công bằng thì lịch sử đã không công bằng với Desiree. Nhân vật này là nhân chứng lịch sử, là người phán xét lịch sử, can dự vào lịch sử nhưng bị lu mờ dưới lớp bụi thời gian và vai trò lịch sử của bà chưa thật sự được đánh giá một cách thỏa đáng. Chỉ đến khi đi vào tiểu thuyết và điện ảnh, bà trở thành đại diện cho kiểu nhân vật lí tưởng “tròn trĩnh” nhất, toàn vẹn nhất.
Nhà báo Trương Anh Ngọc tại sự kiện
Nhà văn Trần Thị Trường chia sẻ: Nhân vật lịch sử Napoleon đã đi vào nhiều tác phẩm văn chương và điện ảnh, nhưng tôi thích góc nhìn nhân văn nhân bản của DESIREE - MỐI TÌNH ĐẦU CỦA NAPOLEON, cả tiểu thuyết lẫn phim. Ở đây, nhà tiểu thuyết và nhà điện ảnh đã nhìn nhân vật lịch sử từ góc nhìn phi lịch sử, mà lịch sử chắc gì đã là sự thật.
Desiree vốn là một công dân bình thường (bình dân) nhưng đủ sức hấp dẫn danh nhân. Ai có thể ngờ người yêu đầu đời của bà trở thành hoàng đế Pháp và chồng của bà trở thành hoàng đế Thuỵ Điển. Hai nhân vật vĩ đại nhất của thời đại đã cùng yêu một cô gái bình dân. Napoleon khi trao kiếm đầu hàng quân đồng minh không trao cho ai mà trao cho Desiree - mối tình đầu của mình.
Lịch sử ưu tiên viết về giới quý tộc, nhà văn Annemarie Selinko và đạo diễn Henry Koster lại tập trung viết về người bình dân, xây dựng Desiree thành nhân vật trung tâm trong tác phẩm của mình.
Nói riêng về bộ phim DESIREE - MỐI TÌNH ĐẦU CỦA NAPOLEON, nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Văn Thành phát biểu: Phim diễn tả sự khác biệt của hai nhân vật tướng quân là Napoleon Bonaparte và Jean Baptiste Bernadotte từ đầu đến cuối, diễn tả một cách hợp lí sự thay đổi của nhân vật theo biến cố thời gian. Tuy xa cách với nguyên mẫu nhưng đây là một bộ phim có chiều sâu, kéo Napoleon gần với đời thường.
HUYỀN ANH
VNQD