Dự án kéo dài 3 năm nhằm đưa các tác phẩm kinh điển đã ngừng xuất bản (trong đó có 6 nhà văn chiến thắng giải thưởng Miles Franklin danh giá nhất nước Úc) trở lại lưu hành dưới định dạng sách điện tử mới đây đã chính thức hoàn thành.
Những cuốn sách trở lại
Trong kế hoạch này, hơn 160 cuốn sách đã được trở lại. Trong đó đa số là những tác phẩm đã ngừng xuất bản trong rất nhiều năm của các nhà văn như Thea Astley, Mem Fox, Charmian Clift và Anita Heiss. Lần trở lại này, chúng không xuất hiện dưới dạng bản in vật lí mà thay vào đó là phiên bản sách điện tử. Đây cũng là lần đầu tiên mà những tác phẩm này ra mắt phiên bản e-book.
Trong đó đáng chú ý nhất có thể kể đến 5 tập thơ và cuốn thơ-văn xuôi của Dorothy Porter, cũng như 4 tựa trong loạt truyện trinh thám Wyatt của Garry Disher. Đây là dự án mang tên Untapped, được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu của Trường Luật Melbourne và Trường Kinh doanh Macquarie. Nỗ lực này cũng không thể không kể đến đội ngũ tư vấn là những tác giả, các nhà bán sách, thư viện, Hiệp hội Nhà văn Úc và nền tảng xuất bản kĩ thuật số Ligature Press.
Qua dự án này, các thông tin về cách mà người Úc “phản ứng” với sách điện tử vốn được coi là một thị trường tiềm năng cũng được thu thập. Được biết dựa vào đây, trong tương lai, các nhà xuất bản sẽ có những quyết định đúng đắn và kịp thời hơn trong một thị trường mà các trào lưu và xu hướng đọc sách liên tục thay đổi.
6 tiểu thuyết đoạt giải Miles Franklin được hồi sinh trở lại.
Theo nhiều nguồn tin, cảm hứng của dự án này đến từ việc 6 tác phẩm đoạt giải thưởng Miles Franklin danh giá nhất nước Úc đã không còn được lưu hành và không thể tìm thấy ở bất cứ nhà sách nào. Chúng là The Big Fellow (1959) của Vance Palmer, The Cupboard under the Stairs (1962) của George Turner, The Well Dressed Explorer (1962) và The Acolyte (1972) của Thea Astley, Oceana Fine (1989) của Tom Flood và tác phẩm gây tranh cãi vì sự sáng tạo The Hand that Signed the Paper ra mắt năm 1994 của Helen Dale.
Paul Crosby – một trong những người đứng sau dự án, cho biết: “Những cuốn sách này tuy không mang lại bất kì khoản tiền nào cho tác giả suốt các năm qua nhưng lại là những đóng góp quan trọng cho di sản văn học Úc. Với dự án này, họ không chỉ nhận được tiền bản quyền từ các phiên bản sách điện tử mới mà còn là phí hoa hồng từ các thư viện. Những tác giả (nếu muốn) sẽ được ứng trước cả tiền bản quyền. Những điều này là không thể có trong thời gian trước”.
Được biết chiếm phần lớn trong tổng số 161 đầu sách mà Untapped “hồi sinh” là những tác phẩm được xuất bản trước rất nhiều năm mà các thiết bị đọc sách như Kindle hay Kobo ra đời. Theo nền tảng dữ liệu và thông tin kinh doanh Statista, doanh thu dự kiến của thị trường sách điện tử Úc dự kiến sẽ đạt gần 320 triệu USD vào năm 2025. Trong khi đến năm 2027, ước tính sẽ có 3,6 triệu người Úc quan tâm hơn nữa đến sách điện tử.
Nói về quy trình của dự án này, Crosby, Rebecca Giblin - Phó giáo sư tại Trường Luật Melbourne thuộc Đại học Melbourne và các cộng sự cho biết đã tham khảo ý kiến của các thư viện, tác giả đương đại cũng như dư luận trước khi thu hẹp danh sách “hồi sinh”. Sau đó dựa vào các điều kiện pháp lí hiện thời, 160 cuốn sách cuối cùng cũng đã được chốt.
Theo đó ở Úc, hầu hết các hợp đồng xuất bản đều yêu cầu tác giả chuyển nhượng quyền xuất bản của mình cho nhà xuất bản trong toàn bộ thời hạn bản quyền, có thể kéo dài trong một thế kỉ hoặc là lâu hơn (thường là 70 năm sau khi tác giả qua đời). Tuy nhiên, hầu hết các hợp đồng không có điều khoản nào quy định các nhà xuất bản sẽ phải trả lại quyền sở hữu cho tác giả nếu họ không còn ý định phát hành chúng nữa. Crosby cho biết chính những thỏa thuận bản quyền cứng nhắc như vậy là nguyên nhân chính khiến di sản văn học của Úc dần dần biến mất.
Tính đến năm 2020, có 10 trong số 62 cuốn sách từng đoạt giải Miles Franklin hiện không có sẵn để các độc giả có thể tiếp cận dù dưới bất kì hình thức nào. Trong khi đó, có 23 cuốn sách không có định dạng sách nói và 40 cuốn không có định dạng sách điện tử.
Nghịch lí giữa bán và thuê
Trong 3 năm qua, 161 đầu sách được Untapped thu thập và được Ligature Press số hóa đã có mặt trong các danh mục của thư viện trên khắp đất nước. Theo các thống kê gửi về, trong vòng 12 tháng sau khi “hồi sinh”, những phiên bản sách điện tử này đã có tổng số lượng phát hành là 15.688 bản và khoảng 40 lượt mượn mỗi ngày từ các thư viện (tính bình quân).
Bộ sách Wyatt của Garry Disher nhận được sự chú ý sau khi hồi sinh.
Sách điện tử được mượn nhiều nhất cũng được xác định. Đó là Kickback - cuốn sách đầu tiên trong loạt sách trinh thám Wyatt của Disher khi được mượn hơn 1.700 lần từ các thư viện. Điều này cho thấy một cuốn sách xuất bản lần đầu năm 1991 và đã bị nhà xuất bản “vứt bỏ từ lâu” thì vẫn có được khả năng công chúng đón nhận. Không dừng ở đó, các báo cáo cũng cho thấy rằng từ số lượt mượn tăng lên không làm ảnh hưởng đến nhu cầu sở hữu chúng.
Nói về lượt mua, tuy đa số những đầu sách này ghi nhận nhiều lượt mượn hơn từ các thư viện, nhưng cũng đã có hơn 6.000 bản ebook được mua trong vòng 12 tháng sau khi các tác phẩm xuất hiện trên các trang web thương mại điện tử như Amazon, Apple và Kobo. Điều này cũng đưa ra lời giải đáp cho việc Amazon – đơn vị phát hành ebook lớn nhất thế giới - không khuyến khích các tác giả và nhà xuất bản phân phối sách điện tử cho các thư viện vì cho rằng việc này làm giảm doanh thu của “ông lớn” này.
Theo chương trình Lưu trữ điện tử quốc gia có hiệu lực theo luật pháp Úc vào năm 2019, nghĩa vụ duy nhất mà các nhà xuất bản cần làm đối với thư viện là cung cấp một bản sao của mọi bản sách điện tử cho Thư viện Quốc gia Úc và cho mỗi thư viện tiểu bang, vùng lãnh thổ cho mục đích lưu trữ. Crosby cho biết một trong những câu hỏi mà dự án Untapped muốn trả lời là liệu những tuyên bố về sự "hủy hoại" nguồn thu của Amazon là có đúng không.
Từ các số liệu thu được, ông cho biết: “Những hoài nghi trên là không có cơ sở. Về mặt doanh số, vì là đơn vị sở hữu bản quyền nên chúng tôi có thể biết rõ có bao nhiêu bản đang được mượn ở các thư viện, cũng như có bao nhiêu cuốn đã được bán ra. Theo đó, có thể khẳng định việc mượn sách từ thư viện không hề làm giảm doanh thu của các nhà phát hành trên các nền tảng thương mại điện tử”.
Song song với đó, Crosby cũng tin rằng dự án Untapped đã cung cấp bằng chứng thuyết phục cho các nhà lập pháp rằng luật bản quyền của Úc cần phải được cải cách. Ông nói: “Điều chúng tôi muốn thấy là có thêm những điều khoản đưa ra một số giới hạn về mặt thời gian nhất định. Qua đó để cam kết rằng nếu nhà xuất bản không tiến hành in ấn và cho ra mắt tác phẩm, thì sẽ có những nơi khác tiếp tục duy trì và cho ra mắt”.
Nếu điều này thành công, thì cải cách ấy không chỉ có lợi cho độc giả Úc mà còn cho cả các tác giả Úc bằng cách tạo ra thêm nguồn thu nhập cho bản thân họ. Theo số liệu năm 2022, các tác giả Úc kiếm được trung bình 18.200 AUD (khoảng hơn 280 triệu VNĐ) một năm từ công việc viết lách của mình. Với các điểm mới của Untapped, tất cả các nhà văn thuộc dự án này đã được nhận thêm một khoản tổng cộng 120.000 AUD (khoảng 1,8 tỉ VNĐ) trong 12 tháng đầu tiên của dự án, gồm tiền bản quyền sách điện tử từ cả doanh số bán lẻ và các thư viện.
NGÔ THUẬN PHÁT dịch từ The Guardian
VNQD