Nhà văn “tiên tri” độc đáo qua bộ đôi tác phẩm

Thứ Năm, 20/10/2022 05:46

Nhà văn Bồ Đào Nha đoạt giải Nobel Văn chương 1998 - José Saramago nổi tiếng với các tác phẩm đầy tính huyễn hoặc, siêu thực và nhiều ẩn dụ văn chương. Tuy thế ông cũng được biết đến như một “nhà tiên tri” vô cùng độc đáo trong bộ đôi tác phẩm Mù lòaSáng mắt được viết cách nhau gần một thập kỉ.

Mù lòa được hoàn thành vào năm 1995, thế nhưng gần đây nó lại tiên đoán một cách chính xác đến kì lạ bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong khi Sáng mắt lại tập trung hơn vào nền dân chủ và nguy cơ có thể sụp đổ của nó. Mới đây trong một khảo sát hơn 1/4 người Đức đã trả lời rằng mình hoài nghi về nền dân chủ của đất nước mình.

Nhà văn đoạt giải Nobel 2009, Herta Müller cũng đã nói rằng:“Tôi chưa bao giờ tưởng tượng nền dân chủ sẽ lại bị hoài nghi lần nữa. Tôi không muốn sống như một người hầu, cũng như không được đảm bảo về quyền bầu cử”. Tuy thế việc hoài nghi rằng sẽ có thêm một thời Holocaust như Herta Müller e ngại là không hề mới, khi trước đó gần hai thập kỉ, José Saramago cũng đã tưởng tượng và viết nên một tác phẩm vô cùng thức thời, chính là Sáng mắt.

Lấy bối cảnh 4 năm sau bệnh “mù trắng” bỗng nhiên bùng phát, tác phẩm được coi là phần tiếp theo của Mù lòa xoáy sâu vào nền chuyên chính, và những con người nắm giữ quyền lực. Saramago không đặt tên cho một vùng đất, thay vào đó bằng sự vô định danh, tác phẩm như lời nhắc nhở rằng những gì đang được viết ra có thể xảy đến ở bất kì đâu.

HAI “ĐẤU SĨ” VẬT

José Saramago dường như luôn luôn mở đầu tác phẩm của mình bằng một khải huyền. Ở Mù lòa, tác phẩm mở ra khung cảnh của một con đường kẹt dài xe cộ, rồi bỗng nhiên người tài xế nọ mất đi thị lực. Sáng mắt cũng thế. Nhưng giờ không phải là “màn sữa” mà là những thế lực đen tối, như một biểu hiện của sự trừng phạt, của ngày tận thế hệt như László một lần đã viết trong Vũ điệu của quỷ Satan.

Đó là một ngày bầu cử như hoang mạc nước, nơi mưa không ngừng trút xuống, đất không ngừng lở còn tỉ lệ cử tri vắng mặt thì không ngừng tăng. Thế nhưng như một “ơn trên”, bỗng nhiên họ ùn ùa ra khỏi nhà vào lúc 4 giờ – thời điểm không ai nhắc ai, dường như họ được kết nối từ những cảm thức kì bí nào đó. Tuy thế vấn đề không nằm ở đó, mà nằm ở cuộc bầu cử thất bại khủng khiếp, khi có đến tận 70 % là phiếu… trắng.

Nhà văn Bồ Đào Nha José Saramago.

Ngay lập tức tình hình chính trị - xã hội nan giải nhấn chìm đất nước. Những người đứng đầu của nền cộng hòa lập tức mở cuộc bầu cử tiếp theo, và bất ngờ thay, hơn hẳn con số 70, lần này lên đến 83% toàn là phiếu trắng. Đây cũng là lúc một sự e ngại tràn ngập không gian, về nỗi nghi ngại những mưu mô đang giết chết đi một nền dân chủ. Như ta sẽ thấy, khi e sợ chiếm hữu thần kinh thì con người ta sẽ ngay lập tức trở nên “mù lòa”.

Sáng mắt được Saramago đặt ra như một tựa đề tương phản hoàn toàn với Mù lòa trước đó, thế nhưng câu hỏi rằng “nhìn có nghĩa là gì?” vẫn đang thôi thúc người đọc trả lời. Trong cuốn trước đó ông đã từng viết: “Chúng ta mù nhưng thấy. Người mù có thể nhìn nhưng không thấy”. Có thể lí giải việc mù không nằm ở nơi đôi mắt, mà chính là sự cảm nhận. Và tình thế này cũng là một ẩn dụ sâu xa hơn thế, nơi sự e ngại thứ không bình thường dần dần trở thành “mù lòa”.

Ở cuốn sách này, Saramago một lần nữa đào sâu vào nền chuyên chính, và đặt ra câu hỏi, rốt cuộc vai trò của người đứng đầu đất nước có thể là gì? 4 năm trước, trong bệnh “mù trắng” họ đã bỏ rơi nhân dân của mình. Thì 4 năm sau, cũng một bệnh khác – “bóng ma phiếu trắng”, họ sẽ giải cứu đất nước của mình ra sao?

Như một mâu thuẫn giữa hai tình trạng xoáy vào nông – sâu khác nhau, nếu Mù lòa cho thấy bản chất con người trong những bi kịch, thì Sáng mắt rộng và bao quát hơn, cho thấy lực lượng giữa hai phe phái: nhân dân và nhà nước, dân chủ và chuyên quyền, tìm cách và phá hoại…

Đối với Saramago cả hai như trận giao đấu của hai đối thủ ngang tài ngang sức, nơi họ đẩy nhau một khắc và rồi sẽ phải lùi lại. Cả hai không thể dung hòa, không thể phân tranh, và luôn chuyển động như như một con lắc dao động tuần hoàn không thể ngừng nghỉ, qua điểm cân bằng là một thế giới utopia không thể có thật.

NHỮNG LEO THANG MỚI

Cho những cư dân lợi thế như người sáng mắt, Saramago ngày càng đục sâu vào trong sự kiện, để nâng cấp lên một trạng thái mới, nơi người ta có mắt như mù, chứ không phải mù vì không nhìn thấy. Nhân dân nơi thủ đô ấy đang phải chịu lại dịch bệnh “mù trắng” khác, nơi nhà nước đã chuyển thủ đô như sự trừng phạt cho những công dân “không biết điều”. Thực phẩm của họ cũng phải chờ đợi những đòn xe tải và rồi cuối cùng, là bị canh giữ giữa những biên giới.

Có thể thấy rằng nếu Mù lòa đậm đặc tính chất huyền ảo, thì Saramago xây dựng Sáng mắt hiện thực hơn thế. Hơn ai hết, ông biết rõ trạng thái đỉnh cao về một xã hội công bằng không thể đạt được, nên những cư dân ở nơi chốn ấy dường như họ quá khích trước bất cứ điều gì.

Tác phẩm Sáng mắt của nhà văn José Saramago.

Họ mưu cầu chính quyền rời khỏi nơi đây, họ bỏ phiếu trắng, họ đón những người từ vùng biên giới bị sự thao túng trở về trong niềm hòa thuận… Tuy thế không rõ họ đang thuận tình hay là cố ý. Saramago cho hầu hết cư dân ở nơi chốn ấy dường như vắng mặt. Họ chỉ im lặng ẩn mình đằng sau những tấm rèm cửa.

Do đó Sáng mắt không hẳn là một tác phẩm đả đảo chính quyền chuyên chế vế những con sâu “bù nhìn” như Peru của Mario Vargas Llosa, nó cũng không quá tập trung vào sự tài phiệt của một nhóm người giành lấy quyền uy như trong tác phẩm của Alejo Carpentio… mà nói sâu hơn, đó là xu hướng của sự dửng dưng trong việc bất tuân và bất tin tưởng vào lực lượng chính trị nào.

Trạng thái trung tính và vô chính phủ không chỉ “tiên tri” một cách kì lạ cuộc sống hướng vào cá nhân, mà mặt nào đó nó còn làm nổi bật lên rất nhiều cố gắng đến mức điên loạn của chính quyền nước nhà, với những trò đánh bom liều chết, vu khống bịa đặt và hơn hết là “hành hình phù thủy”.

Toàn bộ nền chuyên chính ấy như một con sán xơ mít với những chiếc tua là những vòi xịt bơm chất tẩy não, mà bất cứ người chiếm giữ ghế cao vọng trọng, như Thủ tướng, như Tổng thống, như Bộ trưởng… đều bị thao túng và rồi trở thành một con rối người, nơi mà lòng tham quyền lực đã chiếm đầu não. Thế nhưng những vật chủ này luôn thực bào nhau, đấu tranh với nhau… để cho đến cuối, cảnh huống hỗn mang là thứ duy nhất vẫn còn tồn tại.

CÁCH VIẾT ĐỘC ĐÁO

Ở tác phẩm này, Saramago sử dụng linh hoạt góc nhìn từ ngôi thứ 3 để chuyển cảnh trí một cách liên tục từ cả hai bên, từ đó là nổi bật thêm tình thế hỗn mang và sự linh hoạt. Sử dụng thuần thục cách viết giễu nhại thông qua nhân vật là người sĩ quan bị ám ảnh bởi sự chính xác của từ ngữ, dễ thấy nhiều tương đồng với các nhân vật của George Simenon, Agatha Christine hay Raymond Chandler… khi tuy xuề xòa nhưng là hiện thân của niềm hi vọng giữa cảnh tối tăm.

Bị ám ảnh bởi sự chính xác của từ ngữ, anh ta phân vân giữa hai con đường – bảo vệ cuộc sống, sự nghiệp và gia đình mình; hay là phơi bày nhà nước mục ruỗng? Khung cảnh ngồi dưới vòm nước của người phụ nữ với chiếc bình rỗng như đang gợi nhắc về Thánh Elisha ở trong Kinh Thánh. Rằng khi được nhờ bảo vệ hai người con trai thoát khỏi tình cảnh nô lệ, người đàn bà góa đã được vị Thánh chỉ giúp đi tìm những chiếc bình rỗng, đổ dầu là thứ tài sản duy nhất mà bà đương có, để rồi từ đó mọc ra những bình dầu đầy, và họ thoát khỏi cảnh huống giam cầm.

Cũng tương tự thế, người sĩ quan ở nơi giếng nước cũng đã đổ đầy những giọt nước mắt. Từ sự đồng cảm với người đàn bà trở thành “con dê tế thần” cho đến nhìn thấy con chó lau đi nước mắt trong kì đại họa, dầu với người vợ góa hay là nước mắt với người sĩ quan đều là “nguyên chất” giữ cho ngọn đèn minh triết cháy mãi không ngừng.

Tuy thế sự thật thường khó đảo chiều, và người đàn ông với cà vạt xanh chấm những bi trắng – như đang đại diện cho thứ gạch azulejo cổ điển hai màu của Bồ Đào Nha, và là chính quyền của đất nước ấy, cũng đã thực hiện hành động sau cuối không quá khó đoán, càng khẳng định thêm về sự mục ruỗng cũng như tan nát của thời chuyên chế.

Câu hỏi về việc “liệu nhìn có nghĩa là gì” cho đến cuối cùng vẫn không có được lời giải. Thế nhưng cần gì những sự logic, khi mà đi đến tận cùng, José Saramago đã cảnh báo được bản chất con người “là chuỗi những xoắn ốc bổ khuyết mà chúng ta vẫn còn chưa moi ra được tí thông tin nào, bất chấp bao nhiêu nhà tâm lí học đã bỏ công tìm kiếm”. Không rõ nguồn gốc, không có nguyên do, bản chất con người cuối cùng vẫn luôn bị che mờ mắt, và rồi ẩn chứa một thứ “bệnh dịch”, như là Mù lòa, như là Sáng mắt.

LINH TRANG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)