Vương Gia Trang trên mặt địa cầu

Thứ Hai, 10/10/2022 00:52

Tất Phi Vũ (Bi Feiyu), sinh năm 1964 tại Hưng Hóa, Giang Tô, tốt nghiệp Học viện Sư phạm Dương Châu, là giáo sư Đại học Nam Kinh, nhà văn đương đại Trung Quốc. Ông bắt đầu sáng tác từ giữa thập niên 80 thế kỉ XX, lần lượt cho ra mắt các truyện ngắn Phụ nữ thời cho con bú, Vương Gia Trang trên mặt địa cầu... Tháng 2/1998 Tất Phi Vũ giành giải thưởng văn học Lỗ Tấn lần thứ nhất cho thể loại truyện ngắn. Tháng 3/2010, ông giành giải thưởng văn học Man Asian (Man Asian Literary Prize) với tiểu thuyết Ngọc mễ; tháng 8 năm đó ông tiếp tục giành giải thưởng văn học Mao Thuẫn lần thứ 8 với tiểu thuyết Tẩm quất. Tháng 12/2013 Tất Phi Vũ giành giải thưởng văn học Nhân Dân cho thể loại truyện ngắn. Ông là Chủ tịch Hội Nhà văn tỉnh Giang Tô từ tháng 12/2020 đến nay.

Ở Việt Nam hiện đã có hai tiểu thuyết của Tất Phi Vũ là Bình NguyênTẩm quất được dịch và giới thiệu tới bạn đọc.

*************

Tôi rất thích lũ vịt. Đội trưởng đem số vịt ấy giao cả cho tôi, rồi nói rành rọt: “Tám mươi sáu con. Mày đếm xong rồi, chỉ được thêm, không được bớt.” Tôi không cách nào đếm được. Không phải là tôi không biết đếm số, nếu như có thời gian, tôi có thể đếm được từ một đến một ngàn. Nhưng tôi không thể đếm rõ được lũ vịt này. Bọn chúng không ngừng di chuyển, không con vịt nào chịu ngoan ngoãn đứng yên dù chỉ một phút. Tôi đếm một lượt, tám mươi sáu con vịt bị tôi đếm thành một trăm lẻ hai. Con số ấy không thể tin theo được. Con số chỉ là số chết, còn lũ vịt thì sống. Cho nên con số vĩnh viễn sẽ lớn hơn số vịt.

Hàng ngày, cứ trời vừa sáng là tôi phải đi chăn vịt. Tôi lùa tám mươi sáu, cũng có thể là một trăm lẻ hai con vịt ra bờ sông, lại men theo bờ sông lùa chúng đến đầm Ô Kim. Đầm Ô Kim là một nơi rất tuyệt, nó ở ngoài cùng phía đông làng tôi. Đó là một vùng mặt nước vô cùng rộng lớn, nhưng nước rất nông. Dưới đáy nước mọc đầy rong le. Vì nước nông, nên sóng trên mặt đầm Ô Kim không lớn. Những cái lá rong le dài im lìm đứng thẳng, từng sợi từng sợi, nhờ sức nước nâng thêm càng vươn cao tăm tắp. Dưới nước không có gió, gió không thổi, nên cỏ chẳng động.

Thế giới dưới mặt nước là thiên đường của lũ vịt. Dưới đáy nước, tôm tép, cá thòng đong đếm không xuể. Cái ấy chỉ cần nhìn là thấy rõ. Lũ vịt cứ tới đầm Ô Kim là không kịp chờ đợi, vội vàng phao câu chổng lên giời, cái cổ vươn hết cỡ, dồn hết sức lực, ăn lấy ăn để dưới mặt nước. Vì sao vịt phải có một cái cổ dài? Nguyên nhân chính là ở chỗ này. Cá không có cổ, cua không có cổ, tôm cũng không có cổ. Những loài vật ở dưới nước chẳng có giống nào cần dùng đến cổ cả, chúng chỉ cần há miệng ra là được rồi. Ví dụ điển hình nhất phải kể đến con trai, toàn thân nó chỉ là một cái miệng: môi trên, môi dưới, lưỡi, thế là hết. Thế giới dưới nước là thế giới chỉ cần há miệng chờ ăn.

Đầm Ô Kim cũng là thiên đường của tôi. Tôi chèo chiếc thuyền tam bản, lướt băng băng trên mặt nước. Trên mặt nước có cả một thế giới hoàn chỉnh. Những lúc buồn tình, tôi cũng giống như một con vịt, lao ùm một cái xuống dưới mặt nước, mở to mắt, bơi như cá qua những đám rong le dưới nước nông. Cái thế giới ấy là nước làm ra, không khí cũng trong suốt, cũng thấu quang. Chúng ta hô hấp trong không khí, còn lũ cá hô hấp dưới nước, cái chúng hít vào là nước, và thở ra cũng là nước. Nhưng có một điểm không giống nhau, nếu như chúng ta khóc, thì nỗi buồn đau của chúng ta sẽ biến thành nước mắt, lăn xuôi theo hai bên má chúng ta mà chảy xuống. Còn lũ cá tôm thì khác, nước mắt của chúng là từng chuỗi từng chuỗi bọt khí, từ dưới nổi lên trên, biến thành từng cái từng cái bong bóng trên mặt nước. Khi tôi đang dừng thuyền lại trên mặt nước, tôi cảm thấy mình đang trôi nổi trên một tầng không cao vợi xa tít không gì chạm tới được. Tôi là một con chim trần trụi, tôi lại là một đóa mây gầy guộc chỉ có da bọc xương.

Tôi đã tròn tám tuổi rồi. Theo lí mà nói, tôi không phải đi chăn vịt vào lúc này, mà phải ngồi trong lớp học nghe thầy cô kể chuyện về Lưu Hồ Lan, kể chuyện về Lôi Phong. Nhưng tôi không được như vậy. Tôi phải đợi đến khi tròn mười tuổi mới có thể đến trường được. Công xã của chúng tôi có quy định, trẻ con mười tuổi đi học, mười lăm tuổi tốt nghiệp, tốt nghiệp xong sẽ là một lao động chính. Thư kí của công xã nói rồi, chế độ học tập “rút ngắn” rồi, giáo dục “cách mạng” rồi. Cách mạng không thể dây dưa được, phải nhanh, tốt nhất là phải nhanh hơn cả dao xén. “Xoạch” một cái là đâu ra đấy!

Nhưng bố tôi thì ngày càng có hứng thú nồng nàn hơn với màn đêm. Ngày nào bố tôi cũng chờ đợi, ông ấy đợi trời tối. Những ngày này bố tôi đột nhiên say mê vũ trụ. Những khi đêm khuya thanh vắng, ông ấy thích ngồi lặng trong bóng tối đặc quánh cùng với những ngôi sao ở xa tít tắp. Bố tôi đứng trên bờ ruộng, một tay cầm đèn pin, một tay cầm cuốn sách - cuốn Trong vũ trụ có gì được ông ấy mang từ thị trấn về mấy hôm trước. Suốt một đêm bố tôi cứ ngửa cổ lên, một mình đối diện với bầu trời đầy sao đó. Nhìn thấy chỗ nào quan trọng, bố tôi lại cúi xuống, bật đèn pin, lật giở những trang sách ra. Cử chỉ của bố tôi vô cùng thần bí, hành động của ông ấy khiến tôi tin rằng, vũ trụ chỉ tồn tại vào ban đêm. Trời vừa hửng, phương đông đỏ ối, mặt trời lên, vào lúc ấy vũ trụ thực sự biến mất, chỉ còn lại một thế giới đầy những lợn và lợn, chó và chó, người và người.

Minh họa: Tô Chiêm

Bố tôi là một người ít nói. Chúng tôi rất ít khi nghe thấy ông nói một câu đầy đủ. Hai câu nói mà bố tôi hay nói nhất là “Có”, và “Không”. Đối với bố tôi mà nói, hai câu mà ông ấy cần phải trả lời kì thực cũng chỉ là “Có” và “Không”. Thời gian còn lại ông đều im lặng. Trong những đêm hè im lặng ấy, bố tôi đã trở nên đam mê với vũ trụ, cũng có thể chính là những ngôi sao kia. Bầu trời sao mênh mang vô tận, sao sáng đầy trời vẫn không đủ chiếu sáng mặt đất. Những ngôi sao có màu xám bạc, nhấp nháy phát sáng, còn vũ trụ lại một màu đen kịt. Trước nay tôi vẫn không cho rằng những ngôi sao kia là hữu dụng. Dẫu cho có một số ít những ngôi sao hơi ngả sang màu đỏ, nhưng tôi vẫn một mực cho rằng chúng hoàn toàn chẳng có chút tác dụng gì cả. Vũ trụ chỉ là mặt trời. Ở trước mặt của mặt trời thì vũ trụ vĩnh viễn là cái phụ theo, thứ yếu, đèn lụi lửa tàn mà thôi.

Trong đêm tối, đôi mắt bố tôi mở căng ra rất lớn, nhưng vừa đến khi trời sáng, thì lại dại đờ cả ra. Trừ lúc ăn cơm ra thì miệng bố luôn ngậm chặt. Tất nhiên, còn cả lúc hút thuốc nữa. Bố tôi hút một cái tẩu. Lúc bố tôi cởi trần ngồi trên bờ ruộng hút thuốc, nhìn rõ ra là một người làm ruộng. Nhưng thi thoảng cũng có khi bố tôi hút một điếu thuốc lá cuốn giấy. Những khi bố tôi hút thuốc lá điếu thì lạ lẫm lắm, nhưng trái lại như vậy mới giống với chính bản thân ông ấy hơn. Bố ngồi nghiêm chỉnh ở sân giếng trời, bắt chân chữ ngũ, ngón tay vừa dài vừa trắng. Điếu thuốc lá được ông kẹp giữa hai ngón tay, lặng lẽ tỏa một làn khói xanh. Khói thuốc tan ra rồi, còn vấn vít trên trán ông mãi. Bàn tay của bố đúng là một kì tích, phơi nắng không đen, xuyên qua lớp da tôi có thể nhìn thấy những mạch máu màu xanh da trời. Da trên khắp người bố đều đen trùi trũi. Thế nhưng da trên bàn tay lại hoàn toàn cự tuyệt với ánh nắng. Tình hình cũng tương tự như vậy với da trên mông của ông ấy. Những lúc bố tôi tắm, cái mông của ông cũng bắt mắt như thế, lộ rõ ra hình dáng chiếc quần lót, trắng đến phát sáng, ngạo nghễ vô cùng, tỏa ra một vẻ ương ngạnh đến bướng bỉnh. Trên người bố vĩnh viễn có hai nơi khác hẳn với phần còn lại, đó là bàn tay và cặp mông.

Ban ngày, hai con mắt bố tôi dại lắm, ngẫu nhiên có lúc ông mở to mắt ra, thì cũng là lòng trắng thì nhiều mà lòng đen thì ít. Có một nữ nhà thơ ở Bắc Kinh, trong bài thơ của mình cô ấy viết: Đêm đen đã cho anh một đôi mắt đen/ Nhưng anh lại đem nó đổi thành đôi mắt trắng. Tôi cảm thấy cô nhà thơ ấy nói thật đúng. Tôi có cả ngàn lí do để tin rằng, người mà cô ấy đang nói chính là bố tôi.

Bố tôi đem cuốn Trong vũ trụ có gì từ thị trấn về, đồng thời mang theo về cả một tấm “Bản đồ thế giới” nữa. Bản đồ thế giới được bố tôi dán lên vách chái nhà. Chẳng ai ngờ được rằng, tấm bản đồ thế giới ấy lại gây ra một xáo động khá lớn ở Vương Gia Trang này. Đại khái sau khi ăn cơm tối xong, thì mọi người đã kéo nhau tới chen chật cả nhà tôi, chủ yếu là những người trẻ tuổi, để cùng xem thế giới. Họ không nói gì, tôi cũng không nói gì. Nhưng chuyện ấy không gây trở ngại cho nhận thức cơ bản về thế giới này của chúng tôi: Thế giới là men theo trung tâm bức xạ là “Trung Quốc” mà mở rộng ra, giống như một cục bột bị ai đó dùng chày cán bột cán mỏng ra, khiến nó lan dài tung tóe ra khắp bốn xung quanh, vì thế mà nảy sinh ra bảy châu và bốn đại dương. Cống hiến của Trung Quốc cho thế giới, chỉ cần xem tấm “Bản đồ thế giới” này là đã biết hết không thiếu điều gì rồi.

“Bản đồ thế giới” cũng sửa lại cho chúng tôi một cách nhìn nhận sai lầm về thế giới. Về thế giới này, mọi người ở Vương Gia Trang vẫn luôn cho rằng: thế giới là một mặt phẳng hình vuông, lấy Vương Gia Trang làm trung tâm, và vươn dài ra khắp bốn hướng đông tây nam bắc. Bây giờ xem ra không đúng như thế. Sự mở rộng của thế giới khác xa rất nhiều những gì chúng tôi dự liệu, mà nó cũng không phải hình vuông, mà là một hình trái xoan. Hai hình dấu ngoặc lớn ở hai bên trái phải trên bản đồ đã nói rõ ràng vấn đề này.

Xem bản đồ xong, mọi người cùng rời khỏi nhà tôi. Chúng tôi tới ngoài cửa văn phòng đại đội, theo từng độ tuổi mà chia thành mấy nhóm nhỏ một cách rất tự nhiên. Chúng tôi bắt đầu thảo luận. Khái quát lại là nói về mấy điểm thế này: Thứ nhất, rốt cuộc thế giới lớn bằng đâu? Nó to bằng mấy cái Vương Gia Trang của chúng tôi? Trên bản đồ cái gì cũng có, thậm chí ngay cả Mĩ đế quốc, Liên Xô xét lại cũng đều có, vậy mà vì sao lại không có Vương Gia Trang của chúng tôi? Tất cả mọi người ở Vương Gia Trang đều biết Vương Gia Trang ở đâu, bản đồ kia dựa vào cái gì mà lại bỏ qua chúng tôi? Câu hỏi này chúng tôi hoàn toàn buộc phải phản ánh lên chi bộ đảng của đại đội. Thứ hai, điểm này là của Vương Ái Quốc đưa ra, Vương Ái Quốc nói, nếu như chúng ta cứ không ngừng đào sâu xuống dưới đất như đào giếng ấy, đào không nghỉ, thì chúng ta sẽ đào đến chỗ nào? Thế giới nhất định có một nền tảng, cái này là khẳng định, nhưng cái nền tảng ấy ở đâu? Cái gì đã nâng chúng ta lên? Cái gì đã chống giữ cho chúng ta? Nếu như cái vật chống đỡ cho chúng ta ấy bị mất đi, thì chúng ta sẽ rơi đến chỗ nào? Câu hỏi ấy thu hút tất cả mọi người. Mọi người cùng tụ tập lại một chỗ, hiển nhiên, bắt đầu lo lắng. Chúng tôi không thể không bộc lộ sự quan tâm sâu sắc của mình với câu hỏi này. Tất nhiên, đáp án là không có. Vì không có đáp án, nét mặt chúng tôi đều vô cùng nặng nề, có thể nói là hoàng hôn u ám. Vẫn là Vương Ái Quốc phá vỡ sự im lặng trước tiên, đưa ra một câu hỏi càng khiến người ta kinh hãi hơn - câu hỏi thứ ba: nếu như chúng ta ra khỏi cửa nhà và cứ thế đi thẳng về phía trước, thì nhất định sẽ đi đến tận cùng của thế giới, nếu là ban ngày còn đỡ, chẳng may là ban đêm, thì bước thêm một bước, chúng ta nhất định sẽ rơi xuống vực sâu không đáy. Cái vực sâu ấy chắc chắn là động không đáy không còn nghi ngờ gì nữa. Như thế cùng tức là, sau khi chúng ta rơi xuống đó, chẳng những không bị chết rơi, cũng không bị chết đuối, mà chỉ có thể không ngừng rơi, cứ rơi liên tục, rơi mãi mãi. Câu nói của Vương Ái Quốc thu hút chúng tôi vô cùng, chúng tôi cảm nhận thấy được sự sợ hãi, sợ hãi khôn cùng, sợ hãi vô biên vô tận. Vì sợ hãi, chúng tôi ngồi dúm sát lại bên nhau. Nhưng, câu nói của Vương Ái Quốc lập tức bị nghi ngờ. Vương Ái Bần nhanh chóng nói, điều ấy là không thể. Vương Ái Bần bảo, nó đã xem bản đồ vô cùng kĩ lưỡng, tận cùng của thế giới không phải là lục địa, mà chỉ là đại dương, cũng không có đường, chúng ta không thể đi tới đó được. Vương Ái Bần lại bổ sung thêm, trên bản đồ đã vẽ rất rõ ràng, bên trái của thế giới là Đại Tây Dương, bên phải của thế giới cũng là Đại Tây Dương, chúng ta làm sao có thể đi bộ ra giữa Đại Tây Dương được? Vương Ái Bần nói rất có lí. Nghe được câu nói của nó chúng tôi đều thở phào một hơi, đồng thời vô cùng cảm kích trong lòng. Nhưng Vương Ái Quốc lập tức phản bác, nó bảo, nếu như chúng tôi ngồi trên thuyền thì thế nào? Câu nói của Vương Ái Quốc lại ném chúng tôi vào vực sâu không đáy, tình thế khá là nghiêm trọng, có thể nói là nguy trong sớm tối. Phải, nếu như là chúng tôi ngồi trên thuyền thì sao? Nếu như chúng tôi ngồi thuyền, thì sẽ không chỉ có chúng tôi rơi mãi mãi, mà còn thêm cả một chiếc thuyền tam bản nữa. Tổn thất ấy sẽ không cách nào bù đắp được. Mấy đứa trẻ còn nhỏ tuổi chúng tôi đều cúi thấp đầu xuống. Nói thực là, chúng tôi đã không dám nghe thêm gì nữa rồi. Trong lúc nghiêm trọng nhất ấy, lại là Vương Ái Bần bước ra gánh vác. Vương Ái Bần không phản kích trực diện Vương Ái Quốc, mà trực tiếp đưa ra một kết luận cho chúng tôi, “Điều ấy không thể nào!” Vương Ái Quốc nói: “Vì sao lại không thể?” Vương Ái Bần hơi cười, nói, nếu như thuyền đã rơi xuống, “Vậy thì xin hỏi, nước trên khắp thế giới này đều chảy đi đâu?”

Nước trên khắp thế giới đều chảy đi đâu?

Chúng tôi quay ra nhìn con sông Cá Chép ở phía sau lưng. Nước vẫn nguyên dưới sông, không hề được lắp thêm đôi cánh nào, cũng không hề gầm thét lao đi, yên tĩnh như một miệng giếng. Chúng tôi đã nhìn thấy niềm hi vọng. Lòng yên dạ vững. Chúng tôi vững tin rằng, nước còn ở đây thì chúng tôi vẫn còn ở đây. Vương Ái Bần đã cứu vớt chúng tôi, đồng thời đã cứu được thế giới. Chúng tôi đều cùng nhìn Vương Ái Bần, trong lòng tràn đầy yêu mến và tôn kính. Nó đã lập nên được một công lao bất hủ cho thế giới này.

Nhưng, tôi vẫn chưa yên lòng, hoặc cũng có thể nói, tôi vẫn còn nghi hoặc. Ở bên rìa Đại Tây Dương, làm sao nước trên khắp thế giới này lại không chảy đi nhỉ? Rốt cuộc là sức mạnh nào đã gìn giữ cho Đại Tây Dương? Bỗng nhiên tôi nhớ đến tấm “Bản đồ thế giới”. Có thể khẳng định rằng, hình dạng sơ khai nhất của thế giới nhất định là một hình vuông, rìa của Đại Tây Dương chắc chắn vốn là một đường thẳng. Cái đường hình dấu ngoặc lớn trên bản đồ chỉ có thể nói rõ một vấn đề, đó là nó bị nước biển đẩy ra, giống như một vòng cung, uốn cong đi, lực uốn rất căng, có đầy nguy cơ có thể vỡ bung. Nhưng, rốt cùng thì nó vẫn chưa vỡ. Đó thực là một sức mạnh kì dị, một sức mạnh không thể nghĩ bàn, một sức mạnh mà chúng ta không dám thừa nhận. Nhưng, đó là một sức mạnh có thật.

Chúng ta hoàn toàn có thể giả thiết rằng, một khi rìa của Đại Tây Dương bị vỡ ra, nước biển sẽ giống như những ngôi sao băng trên trời, biến mất trong màn đêm vô tận. Nước lúc nào cũng dắt tay nhau, chúng chỉ cần nhận ra có chỗ vỡ là tất cả nước trên khắp thế giới này đều bị chỗ vỡ ấy hút sạch, nước của sông Cá Chép ở Vương Gia Trang chúng tôi cũng sẽ ào ào kéo nhau đi hết. Đến khi ấy, đáy sông huyền bí chắc chắn sẽ lộ rõ ra trước mắt chúng tôi, trên đáy sông khắp nơi đều là rong le, tôm cá, cua, trai, lươn, thuyền và vịt, có khi chỗ bến thuyền nhà tôi còn lộ diện ra đồng năm hào mà năm ngoái tôi đánh rơi xuống dưới đó. Nhưng, năm hào có thể mua lại được tất cả nước trên khắp thế giới này không? Không hết hai ngày là thế giới này mùi hôi thối sẽ bốc lên tận trời rồi. Tôi ngây ra ở đó. Lòng tôi tựa như vũ trụ trong đêm mùa hạ, mỗi một ngôi sao chính là một cái hang sâu.

Tôi chưa về nhà, mà tìm thẳng tới chỗ bố tôi. Tôi muốn tìm thấy đáp án, tìm sự an toàn từ chỗ bố. Bố tôi đứng trên bờ ruộng, một tay cầm sách, một tay cầm đèn pin, ngửa mặt, dồn hết tâm trí vào một việc ấy. Ánh sao đầy trời, soi ánh lẫn nhau, cả thế giới này chỉ còn lại tôi và bố. Tôi gọi: “Bố ơi!” Bố không để ý tới tôi. Rất lâu sau, bố tôi mới nói: “Chúng ta qua đây xem chòm sao Đại Hùng. Đây là Dao Quang, đây là Khai Dương, lần lượt tới Ngọc Hành, Thiên Quyền, Thiên Cơ, Thiên Tuyền, Thiên Xu, Bắc Đẩu thất tinh chính là bảy ngôi sao này. Con trai, bây giờ chúng ta men theo hai sao Thiên Tuyền và Thiên Xu với năm lần khoảng cách ấy. Đây! Cái này! Ngôi sao sáng nhất ấy!” Bố tôi vừa nói, vừa bật cái đèn pin trong tay ông. Bầu trời đêm lập tức xuất hiện một cột sáng thẳng tắp màu xám bạc, biến mất ở nơi xa tít không nhìn thấy được bên lề vũ trụ. Bố tôi nói: “Có trông thấy không? Đó chính là Bắc Đẩu.” Tôi không trông thấy. Tôi không đủ nhẫn nại để quan tâm đến câu hỏi này. Tôi nói: “Vương Gia Trang rốt cuộc ở đâu?” Bố nói: “Chúng ta ở trên địa cầu. Địa cầu cũng là một ngôi sao trong vũ trụ.” Tôi ngẩng đầu lên nhìn vào bầu trời đêm. Tôi nhất định phải tìm thấy địa cầu ở trong vũ trụ, xem xem địa cầu tỏa sáng ở đâu. Tôi cầm lấy cái đèn pin từ trong tay bố, soi rọi khắp nơi, tìm kiếm khắp nơi, sao sáng lung linh, nhưng không có một chỗ nào ánh đèn pin bị phản quang trở lại. Không có ánh sáng phản quang lại thì đèn pin cũng mất hết ý nghĩa. Tôi lo lắng, nói: “Địa cầu ở đâu?” Bố tôi bật cười. Trong tiếng cười của bố có một niềm hạnh phúc khác thường, giống như ánh sáng từ những ngôi sao. Có một chút mềm yếu, có một chút miễn cưỡng. Bố xoa xoa đầu tôi, nói: “Về đi ngủ thôi!” Tôi nói: “Địa cầu ở đâu ạ?” Bố bảo: “Địa cầu không thể dùng mắt mà tìm được, phải dùng chân của con để tìm.” Bố tôi nhìn ra màn đêm đen bốn phía xung quanh, đưa tay phẩy phẩy những con đom đóm bên cạnh mình, do dự hồi lâu, mới nói: “Chúng ta không nói những chuyện trên địa cầu.” Tôi dúi cái đèn pin vào tay bố, quay ngoắt đầu chạy đi. Chạy cách rất xa rồi, tôi mới quay về phía bố tôi mắng một câu lớn: “Bảo rồi, bố đúng là bị thần kinh!”

Tôi ngồi trên chiếc thuyền tam bản, tám mươi sáu, cũng có thể là một trăm lẻ hai con vịt vây bốn xung quanh tôi. Chúng đang ra sức ăn, ra sức uống. Chúng hoàn toàn không hiểu được nỗi lo lắng trong lòng tôi. Muôn dặm không mây, vũ trụ đã không còn nữa rồi, trên trời chỉ còn một vừng mặt trời. Nước trên đầm Ô Kim phản chiếu ánh mặt trời, tỏa sáng lên người tôi. Khắp trên người tôi đầy những ngấn nước, những ngấn nước màu đen, rung rinh lay động. Nhưng, điều ấy chẳng thể nói lên được mảy may gì, rằng khắp nơi trong người tôi đều là ánh sáng thấu qua. Trên đầm Ô Kim chỉ có tôi, cùng với tám mươi sáu, cũng có thể là một trăm lẻ hai con vịt của mình. Tôi thừa nhận là tôi hơi sợ. Vì tôi đang ở trên mặt nước, đang ở trên thuyền. Tôi rất lo sợ nước trên đầm Ô Kim chuyển động, tôi lo sợ nó sẽ ào ào quên mình đổ về một nơi xa. Đối với nước mà nói, tôi biết rõ lắm, một khi chúng đã trở nên chuyển động, thì chỉ nháy mắt sẽ biến thành một con lươn trơn tuồn tuột, mà anh có ra sức thế nào cũng chẳng thể tóm chặt chúng lại được. Cuối cùng, anh chỉ có thể đứng nhìn chúng kéo nhau đi xa, với hai bàn tay không.

Tất cả những điều ấy đều do tấm “Bản đồ thế giới” gây ra. Nhưng tôi không định oán trách gì tấm “Bản đồ thế giới” ấy. Dầu cho không có tấm bản đồ đáng chết ấy, thì thế giới có thế nào cũng nhất định vẫn như thế thôi. Những nguy hiểm vẫn thực sự tồn tại. Tôi thậm chí còn giận lây cả bố tôi, nỗi phiền phức của nhân gian to lớn như vậy, mà bố vẫn chẳng thèm hỏi chẳng thèm lo, lại còn đi có tâm trạng đi xem việc vũ trụ để làm gì? Sao Bắc Đẩu có sáng hơn nữa cũng chỉ là một cái mụn của bầu trời đêm, nó vĩnh viễn không thể biến thành tài sản của tập thể, vĩnh viễn không thể biến thành con vịt thứ tám mươi bảy hoặc là một trăm lẻ ba. Thậm chí không thể biến thành cái hạt vừng thứ tám mươi bảy hoặc là một trăm lẻ ba được.

Nhưng, nguy hiểm trong bất kì lúc nào cũng có sức mê hoặc. Nó khiến tôi rơi vào một sự tưởng tượng không ngừng không nghỉ. Ý nghĩ của tôi men theo mặt nước đầm Ô Kim điên cuồng tiến về phía trước, như gió xô chớp giật, chạy thẳng tới Đại Tây Dương. Đại Tây Dương rất lớn, lớn hơn cả đầm Ô Kim với hồ Đại Túng, đột nhiên, nước biển bẻ cong một góc chín mươi độ, lao thẳng xuống phía dưới. Khi ấy tất nhiên anh chỉ mong ước mình biến thành một con chim, rồi men theo mặt cắt của Đại Tây Dương, cũng là mép ngoài của thế giới, mà bay thẳng xuống. Anh sẽ nhìn thấy cá hố, cua ghẹ, cá heo, cá mập yêu tinh, cá mực, cá dưa, chúng ở dưới đáy sâu của Đại Tây Dương bơi lội rất ung dung. Chúng lượn lờ ở bên rìa của thế giới, ý chừng muốn xông ra ngoài. Nhưng, rìa thế giới đã chặn chúng lại. Những con cá lao vào “choang” một cái, bị bật ngược trở lại, giống như con chim sẻ trong lớp học bị ô cửa kính chặn lại vậy. Dựa vào đó, tôi phát hiện, rìa của thế giới nhất định là được một loại vật chất tương tự như thủy tinh cố định chặn lại. Vật chất ấy cũng thấu quang như thủy tinh, cũng kín mít ngăn được gió như thủy tinh. Có thể khẳng định, loại vật chất ấy là băng. Chính là băng đã ngăn chặn nước biển chảy ra ngoài, là băng đã giữ gìn sự ổn định vững chắc cho thế giới.

Tôi cầm cây sào tre lên, đập một cái xuống mặt nước. Mặt nước “thùm” một tiếng, lũ vịt vươn cao cổ lên, hốt hoảng bỏ chạy về phía trước. Tôi phải mang theo lũ vịt của mình, cùng đi một chuyến đến bên rìa của thế giới, xem thử thế nào.

Tôi lùa lũ vịt ra khỏi đầm Ô Kim, đến hồ Đại Túng. Hồ Đại Túng nhìn không thấy bờ đâu, tôi tin chắc rằng, xuyên qua hồ Đại Túng, chỉ cần vượt tiếp qua Thái Bình Dương, tôi sẽ có thể tới được Đại Tây Dương.

Tôi không thể đi xuyên qua hồ Đại Túng. Sự thực là, tiến vào hồ Đại Túng không bao lâu, tôi đã hoàn toàn mất phương hướng. Tôi vẫn tràn trề hăng hái, tràn trề quyết tâm, chỉ có điều không tìm được phương hướng. Nhìn ra mặt hồ mênh mông, tôi thở dài một tiếng, bao nhiêu hăng hái quyết tâm đều rơi tuột hết sạch.

Sáng hôm sau, tôi được hai người xã viên dùng một chiếc thuyền tam bản khác kéo về. Lũ vịt không còn. Lần thám hiểm không thành công ấy đã tổn thất nặng nề, nó khiến cho đội sản xuất số hai chúng tôi vĩnh viễn mất đi tám mươi sáu cũng có thể là một trăm lẻ hai con vịt. Hai người xã viên không giao tôi cho bố, mà trực tiếp giao tôi cho đội trưởng. Đội trưởng đưa một tay, xách tai tôi lên, kéo vào văn phòng đại đội. Bí thư chi bộ đại đội ở đó. Bố tôi cũng ở đó. Bố vô cùng khiêm nhường, đang mời thuốc tất cả mọi người, châm thuốc cho tất cả mọi người. Bố vừa trông thấy tôi lập tức chạy lại, lớn tiếng hỏi: “Vịt đâu?” Tôi lấy hết sức trợn trừng hai mắt, nói: “Rơi hết xuống rồi.” Bố tôi nhìn sang đội trưởng, lại quay sang nhìn bí thư chi bộ đại đội, quát to: “Rơi đi đâu?” Tôi nói: “Rơi xuống rồi. Vẫn đang tiếp tục rơi xuống.” Bố nhìn vào tôi thật kĩ, sờ sờ tay lên trên trán tôi. Tay bố rất trắng, lạnh ngắt. Bố giáng cho tôi một cái bạt tai. Tôi ngã vật xuống đất, đồng thời chìm luôn vào giấc ngủ. Nghe mọi người ở trong thôn nói, sau khi tôi ngã xuống đất bố còn đá cho tôi một cái vào người, và nói với bí thư chi bộ đại đội rằng tôi có bệnh thần kinh. Sau đó, người ở Vương Gia Trang đều gọi tôi là “thằng thần kinh”. “Thằng thần kinh” từ đó thành tên của tôi, tôi vô cùng thích thú. Chí ít, nó đã nói lên một điểm rằng, vào năm tám tuổi, tôi đã được ngang hàng với bố mình rồi.

Châu Hải Đường dịch từ nguyên bản tiếng Hoa

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)