Circe – Cõi nhân gian với lòng tham quyền lực

Thứ Sáu, 30/09/2022 06:14

7 năm sau Trường ca Achilles, Madeline Miller tiếp tục “tái ngộ” độc giả với cuốn tiểu thuyết thứ hai của mình mang tên Circe. Các tác phẩm của Miller thường xuyên sử dụng thần thoại Hy Lạp để viết lại một câu chuyện mang nhiều sức nặng, nhưng có cá tính và hơi thở riêng. Một trong những điểm mạnh mà Miller liên tục triển khai là bám theo những nhân vật ít ai để ý trong các sử thi, nhưng bản thân họ lại chứa bí mật khổng lồ.

Nếu ở tác phẩm trước Miller tập trung nhiều vào Patroclus – tình nhân của Achilles, vị anh hùng mạnh nhất Hi Lạp cổ xưa để viết về mối tình đẹp nhưng nhiều bi kịch, thì Circe viết về nữ phù thủy của đảo Aiaia cùng tên, là con của Thần Mặt trời Helios và Tiên biển Perse. Đáng nói so với cha mình (Helios) cũng như em trai Aeetes (người sở hữu bộ lông cừu vàng) và em gái Pasiphaë (vợ của Vua Minos và là mẹ của quái vật đầu bò Minotaur), Circe dường như chìm khuất và thường không được nhớ đến nếu so với các nhân vật kể trên.

Tuy nhiên dưới ngòi bút của Miller, Circe bỗng chốc hiện lên và là hiện thân cho sự “điên loạn” của cõi con người và phi – con người. Khi Trường ca Achilles ra đời và được trao giải Orange 2012 (tiền thân của giải Women’s Prize for Fiction ngày nay), người ta vẫn hay đánh giá thấp những tác phẩm này. Với Achilles đã quá nổi trội và cuộc chiến thành Troy nổi bật qua bao thế hệ, không khó hiểu khi người ta xem tác phẩm đó của cô như một “fan-fic” tập tành sáng tạo lại Odyssey. Nhưng bằng Circe, Miller đập tan điều đó, để cho thấy rằng Circe tự thân là một tác phẩm thực sự.

Có sức bao quát và hướng ra ngoài nhiều hơn Trường ca Achilles, Circe lướt qua rất nhiều sự kiện quan trọng của Thần thoại Hy Lạp nhưng được nhìn theo một góc độ khác. Từ màn “tra tấn” Prometheus vì dám cướp lửa về cho con người cho đến sự xuất hiện của các quái vật Minotaur, Scylla, và màn gặp gỡ có phần định mệnh với Odysseus… Với những câu chuyện riêng rẽ mờ mờ ẩn hiện, Madeline Miller đã lập nên một bi kịch về những tham vọng quyền lực và cách con người bước ra khỏi đó.

NHÂN VẬT ĐỘC ĐÁO

Tác phẩm Circe của Madeline Miller do Wingsbooks ấn hành, bản dịch của Jack Frogg.

Như đã nói trên, cách lựa chọn nhân vật ở hai tiểu thuyết của Miller có phần giống nhau. Cả Patroclus và Circe đều là nhân vật không hề nổi bật trong các truyện cổ để lại, hoặc là những áng sử thi như Iliad và Odyssey. Tuy thế trong họ là những cá tính khác biệt, để thay vì bị cuốn vào “bàn cờ quyền lực” nhuốm máu, họ lại đứng lên và giữ vững mình như là bản chất.

Circe từ khi sinh ra đã là một "con cừu đen” trong vương quốc của Helios. Cô bị bỏ mặt với đôi mắt vàng và tiếng khóc lạ lùng như Chim ưng. Khi hai đứa em “chồn sương” ra đời, cô liền bị cho ra rìa và ngày càng bị đối xử ghét bỏ. Mặc cho thế, với tâm hồn thuần khiết, cô vẫn yêu thích sảnh đường và lúc nào cũng bám lấy cha. Khi nhận ra rằng bản thân không thể tiếp tục với đời sống này, cô muốn thoát ly nhưng lại không thể, để rồi cả đời phải sống cùng với bi kịch.

Do đó không lạ khi Circe là một cá tính vô cùng độc đáo và cũng độc lập. Khi chứng kiến Promethesus bị trừng phạt bởi Nữ thần cuồng nộ Fury, cô đã lén mang thần tửu cũng như trò chuyện với vị Titan nhân hậu. Và đó cũng là lí do vì sao cô bị thu hút bởi một người phàm mắt thịt như Glaucos, từ đó dùng những bông hoa để biến Scylla thành con quái vật xấu xa.

Như trong phần lớn sự thật để lại, bất cứ người phàm hay là Thánh thần thì cũng không thể đảo ngược khung dệt của 3 chị em số phận, do đó Circe đã được đặt để như một bàn cân để tìm lại tính người trong cơn điên loạn. Bị trừng phạt vì nỗi ghen tuông với Scylla trong tình yêu với Glaucos, cô đã bị đày đến đảo Aiaia và trở thành bà tổ của thuật phù thủy cũng như bùa chú. Cũng tại nơi đây cô đã gặp được Hermes và có những cuộc tình với y, bởi cả hai người đều là những “con rắn độc” và họ thỏa mãn với nhau theo phương cách đó.

Aiaia cũng là nơi Odysseus đi qua sau một thập kỉ chinh chiến ở Troy, và Circe lần đầu đã được Homer ghi nhận trong khoảng thời gian này. Trong các ghi chép để lại, Circe thường được mô tả như một phù thủy có những phương thuốc vô cùng cao cường, nhưng không tàn độc, nhiều khi yếu lòng và có tình người. Câu chuyện nổi tiếng gắn liền với cô là việc biến hình những tên thủy thủ thành ra loài lợn để trừng phạt lòng tham và những dục vọng đen tối của chúng. Tuy thế mới tình với Odysseus vẫn quan trọng hơn cả, và cũng là nơi cô đã có với vị anh hùng ấy một người con trai trong bí ẩn, Telegonus.

Aiaia là trung tâm của thế giới, là nơi Circe gặp gỡ cháu gái Medea và người anh hùng Jason trong hành trình đoạt lấy bộ lông cừu vàng. Đó cũng là nơi cô đã gặp được người tình nhân đầu tiên của mình, thợ kĩ nghệ Daedalus khi em gái độc ác Pasiphae của cô triệu hồi. Và quan trọng hơn, đó cũng là chốn cô đã dũng cảm chiến đấu chống lại Athena và quyền lực của ả, trong việc nối dài con đường duy trì quyền thế của mình, với các con trai của Odysseus.

QUYỀN LỰC ĐIÊN LOẠN

Xây dựng nhân vật trung tâm thắm đẫm “tính người”, khác với Trường ca Achilles khi cho Patroclus như một đối trọng của Achilles trong việc giành lấy uy quyền, danh tiếng cũng như đảo điên về nó, Circe là một bức tranh của những động cơ, mưu mô, nó cho thấy mặt xấu của bất kì ai, từ phàm nhân, á thần, Titan cho đến các vị thần trên đỉnh Olympus. Bằng ngòi bút sắc sảo và có chọn lọc, Madeline Miller cho thấy người có quyền lực chưa bao giờ là dễ đối phó.

Chẳng phải xuất phát từ lòng ghen tuông, từ việc ham muốn một tình yêu đơn sơ thuần khiết, mà chính Circe đã phạm những tội tày đình đó sao? Thế nhưng cần gì để phải trừng phạt một “phù thủy” với những “biệt tài” điều chế thảo mộc tự phát như là Circe? Chính ở chỗ này, Madeline Miller đã khắc họa những sự đối đàu, những nền hòa bình “tạm thời” vốn dĩ được sắp đặt muôn đời giữa các Titan và những vị Thần ngồi trên đỉnh cao. Circe chỉ là chốt thí, là cách mà các Titan phô triển quyền lực, để Zeus và những người khác luôn không thể quên về sức mạnh của mình, về nguồn gốc của y và một cuộc chiến luôn luôn trên đà bùng nổ.

Trên đà tiến ấy, Miller ngược về thời gian ở với Titan của Circe để cho thấy được những lời xu nịnh, những âm mưu phản phúc cũng như những sự khoái chá khi chứng kiến những màn trừng phạt của những Titan. Bởi nhẽ “Hận thù của các thần cũng bất tử như da thịt của họ”. Các thần ngự trên những đỉnh núi cao cũng không gì hơn, khi Athena luôn phải sống giữa trung tâm của mọi hành động, ả ta phải được tỏa sáng cũng như đánh bóng, ả không bao giờ buông tay với các kho báo, dẫn đến bi kịch xảy ra với Odysseus cũng như hai cậu con trai, Telemachus và Telegonus.

Nhà văn Madeline Miller.

Không chỉ quyền lực, những vị thần ấy khao khát danh tiếng và sự thờ phụng đến muôn ngàn đời. Nữ thần Mặt trăng Artemis trong cơn nóng giận có thể chém chết Ariadne không một lý do, trong khi các thần trừng phạt người phàm để được thờ phụng, để cho Scylla hay Minotaur tự tung tự tác trong những ngày ấy, dẫu cho hoàn toàn có thể giết chết những con quái vật.

Á thần cũng sống trong những vòng xoay đam mê bất tận như thế. Là Pasiphaë trong cơn ghen tuông trừng phạt Minos để tạo ra Minotaur, là muốn trừng phạt Circe mà bắt những người thủy thủ vô danh phải đi qua biển có Scylla, để rồi những gì còn lại là nấm mồ tươi. Những vị anh hùng, những người từng được Homer ghi danh vang lừng sử sách, như Odysseus, như Jason, như Achilles… rồi liệu có thật là những anh hùng? Đến cuối cùng thì Anh hùng không là anh hùng, Thánh thần mất đi uy nghiêm, Á thần bị người phỉ nhổ.

Như một câu viết “Dưới vẻ bề ngoài phẳng lặng, quen thuộc của vạn vật là một diện mạo khác đang chờ đợi để xé đôi thế giới”, bằng một nhân vật nằm ở bên lền, Madeline Miller đã khắc họa nên bức tranh của những tham tàn, chém giết, đấu tranh… cũng như những dục vọng xô lấy con người. Circe là một cái bóng bất động trong bức tranh đó, để mở ra một góc nhìn khác có phần xấu xí về các vị Thần, về quyền lực cùng những “sơn son thiếp vàng” ta vẫn thường nghĩ.

Với ngòi bút sắc sảo và cách kết nối những câu chuyện cổ, Circe là cuốn sách lớn và đầy mê đắm về thế giới quyền lực, và là hành trình tìm lại tính người.

LINH TRANG 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)