Tôi gặp Sayaka Murata vào một buổi chiều tháng sáu ẩm ướt ở Tokyo. Mặt trời bị che khuất bởi một đám mây, và chúng tôi đi dạo tại Vườn Quốc gia Shinjuku Gyoen, một công viên 116 năm tuổi trở đang bị bao phủ bởi các đám đông trong mùa hoa anh đào nở. Ngày nay, du khách thưa thớt dần. Có vẻ như chúng tôi là những người duy nhất đủ ngu ngốc để ra ngoài vào buổi trưa này.
Nhìn chiếc váy đen dài có cổ và quần tất đen của Murata, tôi càng cảm thấy nóng hơn, nhưng cô ấy dường như không bị ảnh hưởng gì, ngoài trên trán lấm tấm vài hạt mồ hôi. Rốt cuộc, cô cũng không chắc cơ thể của mình hoạt động giống như là những người khác.
Murata, tác giả của hơn một chục tiểu thuyết và tập truyện ngắn nói: “Ở trường trung học, dù cố gắng thế nào, tôi cũng không thể đổ mồ hôi. Ngay cả bây giờ tôi cảm thấy như cơ thể của tôi và tôi không thể hiểu nhau".
Vào năm 2016, Murata cho xuất bản Cô nàng cửa hàng tiện ích, một cuốn tiểu thuyết được thuật lại bởi một nhân viên của cửa hàng tiện lợi Smile Mart, người luôn cảm thấy việc trở thành nhân viên bán thời gian thì tốt hơn là kết hôn hoặc là làm mẹ. Cô nàng cửa hàng tiện ích là cuốn sách bán chạy nhất ở Nhật và đã đoạt giải Akutagawa danh giá cũng trong năm đó. Sau đấy, gần như mỗi năm nó đều bán được khoảng 1.5 triệu bản trên toàn thế giới.
Earthlings, cuốn tiểu thuyết thứ hai của Murata và đã được dịch sang tiếng Anh, kể về một người phụ nữ bị xa lánh đúng theo đúng nghĩa đen. Cô ta tin rằng mình chính là một người ngoài hành tinh và đang cải trang thành một con người. Vào tháng 7 năm nay, Murata cho xuất bản Life Ceremony, một tuyển tập truyện ngắn trong đó cô thuật lại những nghi lễ xã hội kì quặc (trong câu chuyện đầu tiên, đám tang là dịp để ăn thịt người chết) để phơi bày sự phi lí của các quy tắc thông thường mà tất cả chúng ta đang dần trở nên vô cảm.
*
Các nhân vật của Murata đều có cá tính, và làm sai lệch khuôn mẫu suôn sẻ của hôn nhân, sinh con và cuộc sống gia đình. Gặp Murata, tôi trải qua một chút bất đồng về mặt nhận thức, khi biết người phụ nữ 43 tuổi ngọt ngào trước mặt tôi là tác giả của một số cảnh ăn thịt người đầy nhục cảm. Cô ấy nhỏ nhắn và thanh tú với mái tóc dài ngang cằm được uốn xoăn gọn gàng. Cô ấy thường xuyên cười khúc khích. Cách đôi mắt cô ấy tỏa sáng khiến tôi có một cảm giác dễ thương nhưng xa cách, như thể là cô thuộc về một thế giới xa xăm.
Sayaka Murata là một trong những nhà văn Nhật Bản đương đại được phương Tây chú ý.
Trong giới truyền thông Nhật Bản, Murata đôi khi được gọi là “Sayaka điên rồ” - một biệt danh được bạn bè dành cho cô một cách trìu mến. Mặc dù các biên tập viên cảnh báo cô không nên nói những điều kì lạ ở nơi công cộng, nhưng những bình luận kì lạ vẫn cứ thế tuôn ra. Một vài lần trong cuộc trò chuyện của chúng tôi, Murata bắt đầu nói điều gì đó và sau đó tự thu mình lại. Cô ấy liếc ngang như thể kiểm tra gì đó; sau đó một nụ cười bẽn lẽn thoáng qua trên khuôn mặt khi cô tiếp tục nói.
*
Từ khi còn nhỏ, Murata đã gặp rắc rối bởi một nỗ lực mãnh liệt - đôi khi là đau đớn - như cô ấy đã viết trong một bài luận vào năm 2020, để trở thành một “người bình thường”. Lớn lên tại một thành phố nhỏ ở tỉnh Chiba phía đông Tokyo, cô cô đơn và đầy nhạy cảm, và thường xuyên làm gián đoạn lớp học mẫu giáo với những cơn khóc không thể dỗ được. Cha cô, một vị thẩm phán, thường xuyên đi công tác xa, còn mẹ cô, chăm sóc cho cô và anh trai cô, lo lắng vì tính biếng ăn nhút nhát và thể chất yếu ớt của con gái mình. “Tôi chỉ muốn nhanh chóng trở thành một người lớn thôi,” Murata nói.
Nhận thức được sự yếu đuối của mình khiến cô trở nên nổi bật, cô đã cố gắng duy trì chính thể trạng ấy. Thế nhưng áp lực khi phải giả vờ hàng ngày giống như những "vết cắt nhỏ" đối với trái tim cô. Cô ấy thường trốn trong phòng tắm của trường tiểu học và khóc cho đến khi thôi. Cô nói khi mình 8 tuổi, một người ngoài hành tinh đã đến thông qua cửa sổ phòng ngủ. Họ đưa cô đến một nơi mà mình không cần phải “diễn”, nơi cô cảm thấy mình được chấp nhận. Cô đã kết bạn với nhiều người bạn tưởng tượng hơn trong những năm qua và hiện đã đếm được có 30 người trong số bọn họ. "Ba mươi?" Tôi lặp lại. “Tôi không thể chỉ có một hoặc hai,” cô nói. Những sinh linh này đã trông chừng cô từ khi còn nhỏ, chơi với cô ấy và nắm lấy tay khi cô chìm vào giấc ngủ.
Khi cô 10 tuổi, Murata bắt đầu viết truyện theo phong cách huyền bí và giả tưởng shoujo rất phổ biến vào thời điểm đó. Mẹ cô đã mua cho cô một máy đánh chữ, và Murata nghĩ rằng đó là một cỗ máy ma thuật mà thông qua đó, vị thần của những tiểu thuyết sẽ biến trang giấy của cô thành những cuốn sách. Cô nói: “Ở trường tiểu học, tôi đã đến hiệu sách để tìm kiếm những câu chuyện của riêng mình. Nhưng tôi không thể tìm thấy chúng”.
Cuộc đấu tranh của Murata ở trường tiếp tục kéo dài đến hết trung học cơ sở. Cô ấy đã bị xa lánh bởi bạn bè cùng lớp, những người đã bảo cô ấy cút xéo và đi chết đi. Cô bắt đầu giữ một cuốn lịch đếm ngược đến "ngày mất" của mình, mà cô đánh dấu là sau khi tốt nghiệp. Khi ngày tháng trôi qua - 120, 119 - cô cảm thấy cùng với ý nghĩ tự tử, một khát vọng sống mãnh liệt trào dâng trong mình. Trong thời gian đó, viết lách trở thành “một loại hình cầu nguyện”. Vào ngày tốt nghiệp, Murata chạy về nhà, xé đồng phục và ném tờ lịch ra ngoài cửa sổ.
Khi cô học trung học, gia đình Murata chuyển đến Tokyo. Trong môi trường mới, cô có thể kết bạn với mọi người và cô bắt đầu muốn được đến trường. Nhưng Sayaka mới hòa đồng này cũng lại là một “chiêu bài khác”. Murata từ lâu đã cảm thấy rằng cô không có một nhân cách duy nhất. Cô luôn thấy mình như một “dàn nhân vật” luân phiên thay đổi để mà phù hợp với bối cảnh xung quanh. Nhìn từ bên ngoài, có vẻ như đó là sự thông thạo xã hội mới bắt đầu. Tuy nhiên có một cách khác để nói điều đó, đó là cô ấy đang học cách diễn xuất như một phần con người.
Cô đã ngừng viết truyện khi vào đại học. Nhưng vào năm thứ hai, cô đã gặp tiểu thuyết gia Akio Miyahara, và cảm động trước sự chính xác về mặt tâm lí trong các tác phẩm của ông, và cô lại bắt đầu viết. Trong thời gian học đại học, Murata làm việc tại một cửa hàng tiện lợi. Tại đây, lần đầu tiên cô cảm thấy mình đã “thoát khỏi vai trò của một phụ nữ”. Ở đó những người đàn ông cũng như phụ nữ mặc đồng phục giống nhau, và cô dễ dàng hình thành mối quan hệ tốt đẹp với các đồng nghiệp nam. Thế giới ở đó thì rất đơn giản, tuy có nhiều quy tắc nhưng tất cả đều được nêu trong sổ tay của công ti, và có hướng dẫn để mà làm theo. Sau 5 hoặc 6 năm, cửa hàng đóng cửa, nhưng Murata vẫn tiếp tục làm việc tại 5 chiếc xe bán hàng ven đường khác trong vòng 18 năm sau đó.
Trong thời gian này, cô đã viết Cô nàng cửa hàng tiện ích. Cuốn sách được kể dưới góc nhìn của Keiko, một người phụ nữ 36 tuổi, chưa từng có một công việc “thực sự” và không có hứng thú nào có phần đặc biệt với cả hai giới. Keiko thật sự hạnh phúc cũng như mãn nguyện, nhưng gia đình cô ấy lo lắng về điều này. Để khiến họ yên tâm, cô bắt đầu một mối quan hệ giả tạo với một đồng nghiệp mà mình ghét bỏ.
Tác phẩm Cô nàng cửa hàng tiện ích đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt. Nguồn ảnh: xuxudocsach
Keiko, với tư cách là một “nhân vật nguyên mẫu” của Murata, giống như người ngoài hành tinh lặng lẽ mắc kẹt lại trong cơ thể một người phụ nữ. Những kẻ chống đối với nhân vật ấy không phải là các nhà lãnh đạo chính phủ hay là luật pháp; mà chính là thành viên của gia đình của cô ấy, những người luôn tìm cách duy trì thứ vẫn được gọi như là “bình thường”.
Trong tác phẩm khác, chẳng hạn Earthlings, Murata lại tập trung vào các chiều không gian có phần lạ hơn. Trong cuốn sách này, một người phụ nữ tên Natsuki nuôi dưỡng một sự hoang tưởng sâu sắc rằng xã hội là tấm bình phong cho thứ gọi là “Nhà máy”, nơi hút những người trưởng thành và đẻ ra trẻ sơ sinh. Áp lực trở thành một phần hệ thống là "một bản án tù không bao giờ kết thúc" mà Natsuki cố gắng trốn thoát, giống như Keiko, khi bước vào một cuộc hôn nhân giả. Các nhân vật của Murata không thể từ chối hoàn toàn xã hội, vì vậy họ sống không thoải mái trong đó. Họ hoạt động như thể họ bỏ lỡ một điều gì đó.
Nhiều câu chuyện của Murata chống lại kì vọng rằng tình yêu, tình dục và sinh sản đều đến dễ dàng và tự nhiên trong một mối quan hệ duy nhất. Khi đưa ra những kịch bản phóng đại như vậy, Murata đã phơi bày sự điên rồ của những chuẩn mực mà chúng ta luôn luôn tuân theo. Điều gì sẽ xảy ra nếu cơ thể con người được sử dụng làm vật thí nghiệm giống như là các loài khác? Điều gì sẽ xảy ra nếu trẻ em nuôi người lớn làm thú cưng? Trong một trăm năm nữa, điều gì bị cấm và không bị cấm? Cảm giác cả đời là một người xa lạ đã cho cô ấy một viễn cảnh để tạo ra thế giới của mình. Cô nói: “Điều này giúp tôi có thể nhìn thấy rõ ràng sự ghê tởm của con người, để mổ xẻ sự thô lỗ của họ.
*
Murata thường xuyên đi dạo ở Shinjuku Gyoen. Cô ấy sống gần đây, trong cùng khu vực mà cô ấy đã ở từ thời đại học. Nhịp sống hàng ngày ở các cửa hàng tiện lợi của cô đều đặn và thoải mái: thức dậy lúc 2 giờ sáng, viết, đi làm ở quán cà phê, đến quán cà phê để viết, đi ngủ lúc 8 hoặc 9 giờ. Bây giờ cô ấy giữ nghiêm ngặt lịch làm việc tại ba hoặc bốn quán cà phê lân cận. Thế giới của cô có thể thu gọn lại thành con đường giới hạn chỉ trong bán kính 1 dặm.
Nhiều lúc, cô vẫn cảm thấy mình phải nghiên cứu cẩm nang đối nhân xử thế. Tại các sự kiện văn học mà cô tham gia ở tận châu Âu, cô đã quan sát thấy tư thế đứng thẳng như cây gậy của mình nhô ra khỏi những diễn giả khác, những người ngồi thụp hẳn xuống và đầy ủ rũ. Tuy nhiên, nhìn chung, Murata không còn thấy mình như kẻ quái dị nữa. “Tôi là một con người hoàn toàn bình thường,” cô nói. Thế giới đầy rẫy những người giống như cô, những người tuyệt vọng để hiểu các quy tắc mà mọi người khác tuân theo, những người cố gắng vượt qua “tư cách” là một thành viên loài người.
THUẬN NGÔ Lược dịch theo Wired, bài viết của Thu-Huong Ha
VNQD