‘Khát khao yêu đương’: Khi ghen tuông trở thành vũ khí

Thứ Bảy, 27/08/2022 06:52

Khát khao yêu đương có thể nói là một trong những tác phẩm thành công sớm nhất của Yukio Mishima. Sau sự bùng nổ của tác phẩm Lời tự thú của chiếc mặt nạ vào năm 1949, cuốn sách này là tiểu thuyết thành công tiếp theo, và được xuất bản chỉ một năm sau đó. Với cuốn sách này, ông đã chuyển chủ thể từ một người đàn ông sang một người phụ nữ, thế nhưng những cảm xúc chìm lấp, những xung đột sâu xa vẫn còn hiện diện, và rồi sẽ trở thành một trong những đặc trưng quan trọng trong các sáng tác của ông sau này.

Tác phẩm kể về Etsuko - một phụ nữ góa chồng, người có cá tính mạnh, và đã chuyển đến ở với cha chồng từ khi chồng mình qua đời do bệnh thương hàn. Tại đây cô đã trở thành tình nhân của cha, và sống vật vờ cho đến một ngày cảm nhận được sự rung động với Saburo - một cậu làm vườn giúp việc. Liệu cô sẽ dũng cảm đứng lên vì tình yêu của mình? Và liệu cô có nhẫn tâm để dẹp hết những vật cản đường?

NỘI TÂM CỦA LOÀI BỌ NGỰA

Trong tác phẩm này, có thể thấy được khả năng mô tả nội tâm vô cùng sâu sắc của Mishima. Xây dựng Etsuko như một góa phụ tuẫn tiết, thế nhưng như mặt nạ kịch Noh, ẩn sâu trong cô là những khuôn mặt, là những cá tính thay nhau biến hình. Sinh ra trong một gia đình giàu sang gốc gác tướng quân, liệu điều gì khiến một người chỉ có khả năng thích nghi với hạnh phúc như cô đến ở Maiden - một vùng nông thôn ven Osaka chán chường và đầy nghèo đói?

Khát khao yêu đương do Tao Đàn và Nxb Hội Nhà văn liên kết ấn hành, bản dịch của Phạm Phương.

Mishima đã cho thấy được một sự khai thác đi đến tận cùng của những cảm xúc phức tạp. Từng bước từng bước, ông lật giở những chiếc mặt nạ được người thiếu phụ ấy dùng, để độc giả thấy một sự đồng cảm, một sự thỏa hiệp, nhưng rồi dần dần là sự bất bình và khó chấp nhận. Bởi nhẽ, cũng như các nhân vật của thể loại tiểu thuyết, họ đều đang giả vờ trong suy nghĩ của mình.

Tuy thế, Etsuko mới thật là con người nhất trong cuốn sách này. Cô là người thiếu phụ được là mình nhất. Cô chấp nhận những phức cảm của bản thân, và không ngần ngại phô bày điều ấy, Giữa hàng rào của những ghen tị cũng như đố kị được dựng lên từ khi ngã vào một lão già đần, trong cô là những hỗn loạn cũng như giằng xé, nhưng không thiếu những động cơ, bi kịch của sự trả thù.

Tựa gốc của tác phẩm này là Ai no kawaka, trong đó "kawaki" hiểu theo nghĩa đen là một cơn khát khô hạn. Khát khao yêu đương không chỉ là những đam mê thông thường, mà đó là sự hiến mình, coi tình yêu là thiêng liêng nhất và vượt lên trên những giá trị đạo đức thông thường. Với Etsuko, tôn chỉ của cuộc đời cô là “yêu hoặc chết”, do đó, không khó để ta nhận ra sự cực đoan trong cô về những xung động tình yêu cũng như những gì mà hoa trái của niềm đắm say có thể mang lại.

Với cô, cuộc tình với người chồng Ryosuke đã hủy hoại cô, đã cho cô biết thế nào là sự ghen tuông, thế nào là lòng chiếm hữu và cô biết ơn điều đó. Thay vì khóc lóc cầu xin, cô cực đoan hơn, muốn tự tử bằng thuốc độc, và không chỉ riêng một lần để níu giữ người chồng đào hoa của mình. Căn bệnh thương hàn mà anh mắc phải, tuy được phỏng đoán là bởi uống phải nước giếng nhiễm độc, nhưng không có gì khẳng định điều ấy, nhất là với một người “thạo” thuốc như Etsuko.

Etsuko mang đến cho ta cảm giác như là tập tính của loài bọ ngựa, nơi những con cái xơi tái đối tác sau cơn giao hợp, để có sinh lực hồi sức và mang cái thai chung. Theo tranh Shunga của Nhật, Etsuko là loài mà nửa thân dưới đã bị chiếm cứ bởi loài bạch tuộc, để hợp nhất mình và để nắm giữ những sự oán hận, những sự độc đoán cũng như ghen tuông và sự chiếm hữu với chồng của mình. Cô căm thù 4 người phụ nữ đến thăm anh ta, cô ngăn họ lại. Và dù biết sẽ đau khổ, nhưng cô vẫn cố tìm kiếm những sự phản ứng dù là nhỏ nhất của từng người trong số họ, để thấy được bản thân mình đang bị khinh rẻ.

Đối với cô, “cuộc sống này thì vô hạn, đầy rác rưởi lênh đênh, dễ đổi thay, tràn lan bạo lực nhưng vì lẽ gì lại luôn như một mặt biển tràn đầy một màu xanh trong sạch như thế. Và để lí giải điều đó, cô chấp nhận đến nhà Sugimoto để tăng cấp độ trả thù của mình. Để phát nát tan gia đình đã làm hại cô, để ngủ với chính cha chồng, tạo ra những sự bất ổn, vì cô đã ngửi quá lâu thứ mùi lưu cữu bệnh tật. Với cô, thứ mùi khử trùng ở trong bệnh viện là “mùi của sự sống. Thứ mùi đặc trưng mang theo sự tàn nhẫn và quyết liệt ấy gây ra kích thích đầy khoái cảm trong khoang mũi cô, như thể đang hít vào một cơn gió buốt buổi sớm”.

Tuy thế khi tiếp cận với nhà Sugimoto, cô lại gặp phải những con bọ ngựa đực vô dụng và đầy chán ghét. Đó là bố chồng Yakichi, người ích kỉ, trống rỗng và vẫn mơ về cuộc sống cao ngạo của giới thượng lưu, nhưng luôn giữ cho bản thân mình một sự độc đoán của người điền viên. Đó còn là anh chị cả, những người tuân theo chủ nghĩa thuận tự nhiên, tồn tại một sự hoài nghi và thích châm biến những người xa lạ, mặc cho không thể hiểu được bản thân mình cũng đáng khinh bỉ.

Cả nhà Sugimoto ấy gieo xuống hạt giống ưu phiền ở nơi Etsuko. Sống ở nơi đó, sự ghen tuông khi thiêu xác chồng vẫn không xẹp xuống. Nó như là loài virus, cưỡng đoạt xác thịt, cưỡng loạn tinh thần, cưỡng đoạt xương cốt. Nếu mất nó đi, bản thân của cô cũng chẳng khác nào một chiếc quan tài. Và giờ đây chính sự ghen tuông ấy đã nổi loạn trong cô thành một khoái cảm kì lạ.

GHEN TUÔNG TRỞ THÀNH VŨ KHÍ

Do đó cô cần một đối tượng mới - một nhánh tầm gửi - một con bọ ngựa đực xứng tầm, để cô có thể đùa bỡn với sự ghen tuông trước khi tiêu hóa nó. Và đó là khi cô gặp Saburo - một cậu chàng 20, một người đơn thuần, chất phác và có vài điểm cũng giống như cô. Qua những miêu tả của Mishima, thật không khó thấy những điểm chung chạ như cả hai người đều chán ghét ngày nghỉ, chán nản du xuân… không phải là những nguồn cơn đích thực cho một cuộc tình.

Etsuko chọn Saburo có thể vì căn nhà ấy không còn ai khác. Yakichi đã quá già và đụng vào cô như bộ xương cốt, trong khi chỉ Saburo có thể mang đến cho cô một sự ghen tuông, bởi ở anh ta, những sự cách xa về mặt giáo dục, trưởng thành, giai cấp… tất cả đều không tác thành cho hai người. Qua Saburo, cô được sống với nỗi ghen tuông khi Miyo mang thai đứa con của anh, cô được sống với nỗi bất an mỗi khi chàng trai đi xa khỏi nhà… Và hơn thế nữa, là cô được sống như chính là mình, một ả bọ ngựa cái lẳng lơ, khát khao khoái cảm và luôn tận hiến.

Nhà văn Yukio Mishima.

Những ngày đó đối với cô không còn là những ngày mai tối tăm, ảm đảm và không biết phải đi đâu về đâu. Đó cũng không còn là sự lang thang vô định, mà cô đã có thêm hai sợi dây để mình bám vào, là hai đôi tất, để cô được nỗi ghen tuông cũng như dục vọng xâm chiếm. Bởi cô biết rằng, khi mình ẩn thân dưới sự bị động, thì bất cứ người đàn ông nào cũng như khúc thịt thối rữa “lập tức sẽ bỏ rơi tôi, lại theo thủy triều đi ra phía biển xa vô tận, không bao giờ quay lại”.

Do đó cô nhẫn tâm với cuộc đời này. Cô tự làm khổ bản thân để mà duy trì ảo ảnh hạnh phúc. Cô đồng cảm với con bé con Nobuko - người rót nước nóng vào trong tổ kiến để hủy hoại nó. Cô trở thành cô gái mới lớn khi trao tất cho Saburo, cô phụng phịu, tự hạ thấp mình thành dạng nữ nô để so sánh bản thân với Miyo và rồi lập nên mưu kế ngây thơ, âm mưu thù địch… để hãm hại cô gái trẻ trung, nồng nhiệt nhưng nghèo khổ và đáng yêu ấy.

Không dưới một lần cô hỏi Saburo ngây thơ về một chữ “yêu”. Cô muốn được nghe từ chính miệng cậu về một tâm trạng không thể giải thích. Cô không cần thật tâm, cô chỉ cần những lời mê hoặc. Cô chờ nghe Saburo nói rằng mình không hề yêu Miyo, và tuy sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm cho cái thai ấy, nhưng anh vẫn không yêu cô. Do đó bi kịch sau cuối ở khu vườn nho, khi bị Saburo cưỡng hiếp, thay vì một sự thỏa lòng vốn dĩ bao năm, Etsuko lại phản kháng, la lớn dẫn đến cái kết bất ngờ không thể ngờ tới.

Chỉ có thể biết rằng đó là trạng thái nhập định của sự chờ đợi. Chờ đợi một con mồi mới, một con bọ ngựa đực khác, xứng tầm và đáng để cô dấn thân. Liệu đó là Yakichi hoảng sợ, hay bởi Etsuko đã quá hài lòng với cuộc chơi trên, để khép lại cuốn sách là những tiếng ngáy bình yên vô sự.

Với Khát khao yêu đương, Yukio Mishima đã viết nên một bi kịch về sự bất toàn, về nỗi ghen tuông và những tác hại của nó. Nó có thể làm con người ta suy sụp hoặc mạnh mẽ hơn. Mạnh mẽ trong việc tìm kiếm một bến đỗ khác, hay là nhận thức mọi chuyện sẽ không thể khác, để đón đầu, chủ động và kiểm soát nó. Etsuko là một nhân vật vô cùng độc đáo, mà thông qua đó Mishima cũng cảnh báo với ta về sự hiểm nguy của ghen tuông và sự trả thù lên đến tàn bạo. Một tác phẩm “noir” đúng nghĩa đặt trong những những mặt nạ liên tục chồng lớp.

NGÔ THUẬN PHÁT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)