Chúng ta đang sống trong một thế giới nghi ngờ lẫn nhau

Thứ Ba, 09/08/2022 06:53

Mohsin Hamid là nhà văn người Anh gốc Pakistan. Ông lớn lên ở Lahore từng theo học tại các đại học danh tiếng như Princeton, Harvard. Ông bắt đầu sự nghiệp văn chương từ những năm 2000 với các tác phẩm tập trung vào chính trị, nghệ thuật, xê dịch… Tác phẩm Thoát đến phương Tây của Mohsin Hamid đã lọt vào danh sách rút gọn của giải Booker 2017 và mang đến cho ông nhiều thành công trên thế giới. Tiểu luận dưới đây của Mohsin Hamid được đăng trên The Guardian nhân dịp ông ra mắt tác phẩm mới The last white man (tạm dịch: Người da trắng cuối cùng). Tiêu đề do VNQĐ đặt.

Khi chúng ta nắm lấy tư duy nhị phân của công nghệ kĩ thuật số thì sự chia rẽ giữa chúng ta ngày càng rõ rệt hơn. Liệu tiểu thuyết có giúp chúng ta hình dung một tương lai khác không?

Vào năm 2017, tôi đã xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ tư của mình, Thoát đến phương Tây và cùng lúc đó tôi đã mua một cuốn sổ nhỏ để ghi lại ý tưởng cho cuốn tiếp theo. Tôi nghĩ nó sẽ là về công nghệ. Tôi đã xem qua một bài báo của Simon DeDeo, một trợ lí giáo sư tại Đại học Carnegie Mellon, thảo luận về thí nghiệm mà ông và các đồng nghiệp đã thực hiện trong cùng năm đó. Họ đã mô phỏng sự hợp tác và cạnh tranh của các máy tính qua nhiều thế hệ. Theo đó thay vì hợp tác vì lợi ích chung giữa các bên ngang bằng, hoặc chiến đấu với các đối thủ, thì có một loại máy cụ thể đã trở nên thống trị - loại được công nhận và ưa chuộng hơn so với các bản sao của nó.

Nhà văn người Anh gốc Pakistan Mohsin Hamid.

Tôi nhớ là mình đã bị ấn tượng bởi bài báo này. Không phải vì tôi hoàn toàn hiểu cái thí nghiệm đó. Không. Tôi chỉ hiểu thứ bên trong nó thôi. Đó là xu hướng mà những khác biệt hoàn toàn không thể dung hòa, và sự chuyển đổi từ kỉ nguyên xã hội này sang kỉ nguyên xã hội tiếp theo hiếm khi là một đợt sóng nhẹ nhàng trôi qua, mà mỗi đợt sau sẽ lại “cao hơn” một chút so với trước đó. Và cũng trong quá trình này, quỹ đạo của nhân loại sẽ trên đà đi xuống nhiều hơn so với đi lên.

Những điểm này có thể thấy được một cách rõ ràng. Nhưng không phải lúc nào nó cũng rõ ràng với tôi. Từ lâu, tôi đã tin rằng mọi thứ có thể sẽ vẫn tiếp tục tốt hơn cho loài người chúng ta. Con người có thể lộn xộn một cách tàn khốc, nhưng nhiều khả năng, chúng ta rồi sẽ lại tìm ra cách để tránh chiến tranh hạt nhân, giảm thiểu biến đổi khí hậu, mở rộng bình đẳng hay là giảm được nghèo đói. Đây từng là suy nghĩ từ lâu trong tâm trí tôi, thế nhưng giờ đây thì tôi tự hỏi, liệu có bằng chứng nào cho thấy nhân loại đang “nghiệt ngã” hơn không?

Nói cho rõ hơn, tôi không nghĩ sẽ có những cuộc chiến tranh kinh hoàng hay sự di cư hàng loạt hoặc bất ổn kinh tế trong những năm tới. Nhưng bằng một cách nào đó, tôi đã tưởng tượng cả quá trình này là những bước ngoằn ngoèo đi xuống “thung lũng” trong xu hướng đi lên zigzag của loài người. Tôi không chắc niềm tin của tôi dựa vào điều gì. Chắc có lẽ là tuổi trẻ đã qua của tôi.

Thành thật mà nói, tôi đã “quay cuồng” kể từ ngày 11 tháng 9 năm 2001, và việc di chuyển đến một đất nước nào đó như “một Pakistan được dân chủ hóa, với việc mở rộng quyền tự do ngôn luận và pháp quyền”, đã không diễn ra suôn sẻ như tôi mong đợi. Năm 2016 quê hương cũ của tôi là Anh bỏ phiếu Brexit, năm tiếp theo sau đó, cố hương của tôi là Mĩ cũng bỏ phiếu cho Trump. Cứ như tôi đang đi vào vũ trụ nào đó và nói rằng: “Hãy cho tôi sự bi quan”. Rồi nó đáp lại “vẫn chưa đâu”. Sau cùng, cái vũ trụ ấy đã tát cho tôi một cái rõ đau, và cũng nói rằng: “Bây giờ mới là đúng lúc”.

*

Nước Mĩ đang dần suy tàn. Có thể là một điều tốt đối với người Mĩ và cả những người không phải người Mĩ. Giống những cỗ máy của DeDeo sau một quá trình hợp tác ngang hàng, chúng bỗng nhận ra những sự khác biệt không thể dung hòa. Nó cũng giống như khi các đế chế có nhiều dân cư đa dạng tan rã thì khả năng xảy ra xung đột là rất, rất cao. Chẳng phải nước Anh ở thuộc địa Ấn Độ đã sản sinh ra các chủ nghĩa bè phái bạo lực đó sao? Hay Ottoman và các đế chế Áo-Hung, Liên Xô… cũng làm như vậy. Đế quốc Mĩ hùng mạnh và rộng hơn bao giờ hết, và khi nó dần mất đi quyền lực thì xung đột giữa các giáo phái là không tránh khỏi.

Tôi tưởng tượng ra những chiếc máy tính trong mô phỏng của DeDeo ngày càng làm tốt (và rất xuất sắc) ba việc sau đây: xác định những điểm khác biệt cho phép phân biệt hai loại danh mục: giống-ta và không-giống-ta, từ đó hợp nhất những người giống-ta, và tiêu diệt những kẻ không-giống-ta. Tương tự, loài người đã dần trở nên vô cùng thành thạo trong việc hợp tác (hàng nghìn người ở hàng chục quốc gia đã cùng sản xuất nên chiếc máy tính mà tôi đang viết bài này). Chúng ta cũng đã phát triển từ khả năng giết người dọc theo nhiều ngành khoa học (vũ khí hạt nhân, hóa học, sinh học…) cho đến ám sát (lặng lẽ làm cho những kẻ gây rối biến mất). Đó rõ ràng là một mối quan tâm cấp bách và thực sự vẫn đang tồn tại.

Sự kết thúc của đế chế Mĩ trùng với thời đại người máy. Tôi đã dành phần lớn những năm 1970 khi còn là một đứa trẻ ở Thung lũng Silicon, khi cha tôi là một sinh viên mới vừa tốt nghiệp ra trường, còn mẹ tôi có một công việc sơ cấp tại một công ti công nghệ (họ đã sản xuất ra băng cassette). Những phim khoa học viễn tưởng mà tôi từng xem đã gợi ý rằng tương lai sẽ có những người giống như chúng ta chơi đùa với các chùm tia mang nhiều năng lượng, cũng như siêu sóng và ngư lôi photon. Nhưng không có điều gì trong số đó đã thực sự xảy ra: chúng ta vẫn là thế giới của ô tô chứ không phải của máy bay tốc độ ánh sáng, chúng ta chỉ có súng trường chứ không phải là loại súng laze. Nhưng có một sự biến đổi xứng danh khoa học viễn tưởng nào đó vẫn đang xảy ra bất chấp những hiện thực này. Đó là chúng ta ngày càng gắn bó sâu sắc với màn hình của mình, và hòa nhập với văn hóa máy móc đằng sau những màn hình đó.

Thế giới máy móc là một thế giới nhị phân, và điều đó khiến tôi kinh ngạc khi thấy rằng chúng ta đã học được cách áp dụng những con số 0 vào trong suy nghĩ, từ đó thúc đẩy một sự thôi thúc phân loại giống-ta và không-giống-ta. Và đó là thời điểm tồi tệ nhất có thể xảy ra.

Kết quả như chúng ta thấy, là sự kết hợp tai hại của sự phân cực, của chủ nghĩa quân phiệt, của rối loạn dân chủ và sự coi thường môi trường. Thật là tai hại một khi chúng ta trở thành những người hung hăng cố gắng xác định ai là số 0.

*

Một điều kì lạ là khi chúng ta đọc tiểu thuyết, chúng ta đồng thời là mình và cũng không phải là mình. Chúng ta là chính mình bởi vì cô độc và không có ai cạnh bên. Nhưng chúng ta cũng là ai khác bởi chứa đựng trong ta là ý thức của một ai đó - nhà văn. Ý thức này được truyền đi dưới dạng ngôn từ, từ đó chuyển tải thành các cảm xúc, hình ảnh, sự kiện… Đọc một tiểu thuyết là trải nghiệm hai ý thức hiện diện trong cùng cơ thể, khi đó người đọc cũng như người viết đồng sáng tạo ra một tác phẩm. Và đó là phiên bản duy nhất của mỗi cặp người đọc-người viết, của cặp 0-0, nơi không phân chia và không có 1.

*

Trong cuốn tiểu thuyết mới của tôi, The last white man (tạm dịch: Người da trắng cuối cùng), nhân vật chính Anders thức dậy vào một buổi sáng và thấy làn da của mình sạm lại. Sau đó tình trạng tương tự lan rộng. Và đó là một thế giới hỗn loạn liên tục biến đổi.

Tác phẩm The Last White Man của Mohsin Hamid vừa mới ra mắt.

Tôi đã được hỏi cuốn sách bắt nguồn từ đâu và tại sao tôi lại cảm thấy cần phải viết nó. Thật ra tôi không hoàn toàn biết rõ cuốn sách của mình như thế. Tôi chỉ biết nó đã trải qua hai thập kỉ thai nghén, và sự khởi đầu có thể bắt nguồn từ ngày 11 tháng 9. Sau ngày hôm đó, nhiều thứ đã thay đổi. Tôi không còn bị giữ lại khi qua sân bay mà thay vào đó là bị thẩm vấn trong nhiều giờ liền. Tôi luôn được chọn để kiểm tra an ninh bổ sung trước chuyến bay, trong khi việc xin thị thực thì khó khăn hơn. Những hành khách trên xe buýt và xe lửa tỏ ra không mấy thoải mái khi thấy tôi với chiếc ba lô; thỉnh thoảng họ đứng dậy và chuyển chỗ ngồi. Những người mà tôi không quen thường có xu hướng không thích và sợ hãi tôi.

Khi đó tôi 30 và đã sống 18 năm ở phương Tây, tôi gần như đã là một công dân Mĩ (và gần đây là một người Anh). Nhưng tôi vẫn luôn là người đàn ông da nâu với một cái tên Hồi giáo. Điều đó không bao giờ thay đổi được. Tôi đã mất một cái gì đó thật sự sâu sắc. Tôi đã đau buồn, tức giận cũng như bối rối trước cảnh huống này. Nhưng phải mất một quãng thời gian thì tôi mới hiểu đó là điều gì: Tôi đã mất đi sự “trắng” của mình. Không phải vì tôi thực sự là người da trắng, nhưng tôi đủ “trắng” - với tư cách là một cư dân được trả lương tương đối cao, có trình độ đại học được chấp nhận ở các thành phố quốc tế - để tham gia vào nhiều nhóm lợi ích chung của người da trắng. Và giờ đây với tư cách là một thành viên của cộng đồng chung, tôi bị thải hồi.

Tất nhiên có những màu da sáng và tối hơn tôi, nhưng tự nó không có ý nghĩa hơn nhóm máu hay là điều gì. Chính chúng ta là người phát minh ra chủng tộc và những ý nghĩa khủng khiếp của nó. Thế nhưng dù cho nó có hiệu quả, thì các phát minh này luôn không ổn định. Chúng xuất hiện mới, liên tục thay đổi, và rồi một ngày sẽ lại biến mất.

Tôi viết cuốn tiểu thuyết này để khám phá xem bản thân mình là ai, và cũng để khám phá xem sẽ như thế nào khi trở thành một ai đó khác. Tôi muốn nó là phương tiện để độc giả cũng làm được điều tương tự. Chúng ta có nguy cơ bị mắc kẹt trong một chế độ độc tài nguy hiểm và suy đồi của các hệ nhị phân. Có lẽ cuốn tiểu thuyết này sẽ giúp chúng ta điều tra không gian giữa 0 và 1, không gian mà hiện tại dường như trống rỗng. Nhưng sau đó, khi bước vào trong, nó rất có thể sẽ bộc lộ khả năng bất ngờ vì sẽ bao gồm tất cả chúng ta - cả một thế giới nghi ngờ lẫn nhau.

THUẬN NGÔ lược dịch từ The Guardian

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)