‘Điều thuộc về em’ - Góc nhìn khác về tính nam nhạy cảm

Thứ Tư, 27/07/2022 06:25

Hiếm có tác giả nào giành được vô số giải thưởng ngay từ tiểu thuyết đầu tay như Garth Greenwell. Là một giọng văn vô cùng khác biệt và tinh tế, từ truyện ngắn đầu tay Mitko - một phần của tiểu thuyết hoàn thiện Điều thuộc về em, Greenwell đã là một viên ngọc sáng của giới văn chương viết tiếng Anh. Có gì đặc biệt ở giọng văn này?

Điều thuộc về em đã chiến thắng giải British Book Award cho tác phẩm đầu tay, được đề cử giải sách Quốc gia cũng như giải PEN/Faulkner… Nói một cách khác, đây là màn chào sân ấn tượng của Greenwell, và ít nhiều đặt anh vào danh sách một trong những giọng văn phi giới tính bừng sáng và vô cùng lấp lánh của nền văn học hiện nay.

Tiểu thuyết lấy bối cảnh Bulgaria, theo chân một giáo viên trẻ tuổi người Mĩ đến làm việc và sinh sống tại đất nước hậu Xô Viết. Trong cảnh nhàm chán cũng như những thôi thúc dục tình, anh đã tìm đến tầng hầm của Cung văn hóa Quốc gia và gặp Mitko ở đó. Nơi đây là chỗ tập trung của những giao dịch - mua bán, thường là nhanh chóng, của thuốc phiện và mại dâm đồng giới. Nhiều lần trở thành thói quen, Mitko và nhân vật chính đã trải qua nhiều biến động, dẫn đến cái kết chia tay và những nhận thức sâu sắc hơn về sự quyến luyến cũng như tình cảm thật sự lần đầu cảm thấy.

TÍNH NAM NHẠY CẢM

Có thể thấy được một góc nhìn khác trong việc đặc tả tính nam ở văn chương của Greenwell. Yếu tố này từ trước đến nay vẫn thường ít thấy trong văn chương đương đại, vì lẽ đương nhiên, nó là cột trụ luôn được ngầm hiểu là lẽ hiển nhiên và không nhiều người bận tâm khai quật làm lộ thiên. Nếu Mario Vargas Llosa là người chạm được cho đến tận cùng của cái bạo tàn, với dòng nhựa sống cùng những hormone testosterone không ngừng gia tăng trong Thành phố và Lũ chó thì phía ngược lại, Greenwell khai thác một khía cạnh mới hơn, lạ hơn cũng của đàn ông: sự nhạy cảm.

Tiểu thuyết Điều thuộc về em do Huy Hoàng và Nxb Phụ nữ Việt Nam liên kết ấn hành, qua bản dịch của Jack Frogg.

Nói thế không có nghĩa vì đây là tiểu thuyết đồng tính mà tính nam nhạy cảm mới được bộc lộ. Trong tác phẩm này, Greenwell không chủ trương “lãng mạn hóa” hay tạo hình tượng đẹp đẽ kiểu Hy Lạp xưa ở vẻ bề ngoài, mà cốt truyện của anh vẫn hàm chứa đủ những thách thức: từ bạo lực, đói nghèo, bội phản, bị dồn ép, khủng hoảng cho đến bệnh truyền nhiễm, lạm dụng và sự chối bỏ của xã hội ở tận bên trong. Greenwell khai thác một khía cạnh nhẹ nhàng hơn, bớt cọc cằn và gai góc hơn Llosa, nhưng từ đó điểm chung vẫn được hiện lên, đó là mất mát và sự thiếu khuyết luôn đẩy người ta đến ngưỡng chịu đựng.

Điều thuộc về em tinh tế trong cách khai thác, từ sự cuốn hút lẫn nhau không bởi ngoại hình, mà còn là sự chấp nhận những khác biệt lớn. Đó là hình tượng một chàng giáo viên người Mĩ và cậu trai bán thân người Bulgaria. Đó còn là khoảng cách kinh tế, với một người giàu có của laptop, iphone, ipad… và một người lao động phổ thông với công việc xây dựng lang thang khắp chốn để tìm miếng ăn.

Lặn sâu vào trong nội tâm, Greenwell chia câu chuyện này thành hai mảng màu, của một bên tươi sáng, giàu sang; và một bên đen tối, ngột ngạt. Thế nhưng hệt như bản chất, sự gắn bó của họ dường như không thể gọi tên, nơi tự do đặt lên trên hết. Đó là lí do vì sao Greenwell chọn cách tiếp cận của mối quan hệ không “chuẩn”, của những mẫu thử có thể cho ra những sự sai khác, và nhân vật chính của anh, của tiểu thuyết này, chấp nhận điều đó và coi nó như một lẽ đương nhiên.

Sự nhạy cảm được Greenwell đặt ra để bẫy câu hỏi lưỡng nan: tình cảm của họ dựa trên dục tính chia đều cả hai hay duy ý chí của người lớn hơn, giàu có hơn và tinh tế hơn đơn phương áp đặt. Ẩn trong những mô tả đầy sự thi vị, ta thấy Greenwell cho nhân vật của mình tiếp xúc với tuổi thanh xuân tươi đẹp, của một Mitko ngây ngô, phóng khoáng với sự xấc xược trẻ ranh. Tình cảm cũng như khoảng cách khiến cậu chàng ấy tận hưởng những thứ của thiên hạ một cách tự do. Thế nhưng cậu vẫn chừa lại cho bản thân mình những bí mật, khi vừa phơi bày mà cũng lại vừa cất giấu mình.

Greenwell không ngại phơi bày khía cạnh “vật chất” trong mối quan hệ. Vì quá nhạy cảm nên không thể không ý thức được sự gắn kết của hai con người chỉ như một quyền sở hữu với một hợp đồng được thỏa thuận giữa hai bên. Ở đó Mitko có thể có được những gì mình muốn từ các priyateli - từ chỉ đối tượng vừa là bạn bè, vừa là khách hàng. Còn người giáo viên không có khả năng can thiệp. Như chính một câu ở cuối tiểu thuyết mà Greenwell thừa nhận, dẫu cho tình cảm của họ có lớn đến đâu, thì giữa hai tình nhân ấy vẫn có khoảng cách không rời ra được, của sự khác biệt, của niềm chia tách; dẫu cho họ hiểu, bấu víu vào nhau.

ẢNH HƯỞNG TỪ W.G.SEBALD?

Mối quan hệ nhạy cảm ấy không chỉ thể hiện ở những đối tác trong chuyện yêu đương, mà như Greenwell thừa nhận, nó còn là sự tách biệt lắm lúc hội tụ, lắm khi phân kì của chuyện gia đình. Câu chuyện về tuổi thơ với người cha tránh né và người bạn chối từ, liệu có mang ý gì khác về sự khớp nối lỏng lẻo của các mối quan hệ, về sự bất toàn, về sự thừa kế… dẫu theo huyết thống; mà bất cứ ai và bất cứ tình trạng có thể gọi tên nào ít nhiều cũng từng tồn tại.

Tình cảm giữa người giáo viên và cha của mình như một phản đề Oedipus, nó đặt ra trạng thái mới nơi một người con khát khao cha mình đơn thuần vì sự ngưỡng mộ, hay cũng có thể là bởi tập tính sinh học, của những đứa trẻ thường ưa bắt chước những gì chúng thấy. Trong khi tình cảm dồn nén với K. cho thấy một khía cạnh khác của sự vỡ mộng tự nhìn lại mình. Đó là không khí của sự ghét bỏ, của những kí ức tưởng như vĩnh hằng dần nhòe trước mắt… đặt trong cảnh huống của sự không chuẩn cũng như lệch lạc.

Nhà văn Garth Greenwell.

Nhưng như thế nào mới là lệch lạc? Greenwell lí luận bằng chuyện trở ngược về cây gia phả của gia đình mình, nơi ông bố cùng những tấm ảnh khỏa thân trên những trang web kì lạ truyền sang người con tìm đến Cung văn hóa Quốc gia để tìm những chàng trai trẻ. Đó còn là nơi mà bà nội là một quả bom tai tiếng khi có đến tận 3 người con gái không ai cùng cha, và người con út, G., cởi mở, tự hiến dâng mình ở tuổi 14... Greenwell phân rã cấu trúc gia đình, để đặt những sự ràng buộc về mặt huyết thống ngang với nhận thức giới của xã hội này. Từ đó đem về tiếng nói của sự so sánh có “chuẩn” hay không của một con người mong muốn thoát khỏi khuôn mẫu.

Khép lại tác phẩm, anh cho nhân vật của mình tự giải phóng bản thân, không dằn vặt, không tiếc nuối, không gán ý chí của mình vào ai cũng như không tự áp đặt… Và đó cũng là biểu hiện vi mô cho sự thay đổi sau bao biến động. Hướng vào bên trong, khảo sát bản thân, Greenwell khép lại cuốn sách bằng một nỗi buồn riêng tư mà cũng cô độc trong sự luyến tiếc thoáng nhẹ mà không nặng nề.

Damon Galgut, nhà văn đoạt giải Booker 2021, cho rằng phong cách của Greenwell phần nhiều tương đồng với W.G.Sebald hơn là Nabokov. Và hẳn nhiên Điều thuộc về em thể hiện rõ điều đó. Bằng những chuyển cảnh vô cùng êm ái bởi các tình tiết cũng như các mối quan hệ không tồn tại ranh giới, Greenwell thêm thắt vào những khởi đầu của sự hủy diệt một mối tương quan. Giữa nhân vật chính và Mitko dẫu vẫn còn đó một sự cuồng loạn như Lolita, nhưng họ lại đầy kiểm soát và có lí trí trong một khuôn khổ trường tồn cho phép. Greenwell đi giữa hai nhà văn lớn, tự tạo phong cách cho mình và biến nó thành khác biệt.

Điều thuộc về em là một trải nghiệm vô cùng độc đáo lướt qua tính nam với một khía cạnh vốn không thường được nhắc đến. Bằng sự nhạy cảm trong những suy ngẫm cùng nét tinh tế trong ngôn ngữ viết, Garth Greenwell đã cho thấy được cơ cấu lỏng lẻo của những mối quan hệ đời người, từ đó định kiến về sự “lệch lạc” hay “không lệch chuẩn” cũng được chú ý và quan sát thêm.

NGÔ THUẬN PHÁT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)