Bậc thầy biên niên sử Hoa Kì: Người làm lịch sử sống lại

Thứ Năm, 11/08/2022 11:33

Người từng hai lần đoạt giải Pulitzer, David McCullough là tác giả có sách bán chạy nhất và đã làm sống dậy lịch sử Hoa Kỳ. Ông đã qua đời ở nhà riêng vào hôm 7/8. Gia đình của ông thông báo về cái chết nhưng không nói rõ nguyên nhân.

Ngược về thời gian khi David McCullough mới chỉ là một nghiên cứu sinh trẻ tuổi tại Cơ quan Thông tin Hoa Kì khi bước vào Thư viện Quốc hội Hoa Kì năm 1961, tại đó, ông đã bắt gặp một triển lãm nhiếp ảnh mô tả trận lụt “đẫm máu nhất trong lịch sử Hoa Kì” vào năm 1889 ở Johnstown, bang Pennsylvania, đó chính là cảm hứng cho cuốn sách đầu tiên của ông.

Ông nói bản thân đã bị “choáng ngợp bởi bạo lực và sự tàn phá. Hơn 2.200 người đã chết, và một thị trấn mạnh về phát triển than - thép đã bị nhấn chìm trong vũng bùn lầy vì các nhà công nghiệp giàu có đã bỏ bê con đập ngăn nước”.

Ở thời điểm đó ông phát hiện ra thời gian có thể làm “nhẹ” thảm kịch xuống thành kí ức khi nó trôi qua, với rất ít (nếu có) bất kì nghiên cứu học thuật nghiêm túc nào dành cho những sự kiện này. Không nản lòng với sự non tay và thiếu kinh nghiệm của chính mình, ông đã bắt tay viết nên cuốn sách về trận lụt năm đó.

David McCullough - Người viết biên niên sử vĩ đại của nước Mĩ.

Trong suốt nhiều năm, ông đã dành nhiều thời gian rảnh rỗi để nghiên cứu, phỏng vấn những người ít ỏi còn sống sót để ghi lại những kí ức về nỗi kinh hoàng, về những hành động tự cứu lấy mình một cách tuyệt vọng và nghĩa vụ khủng khiếp sau đó là xác định danh tính những người thân đã chết của họ.

The Johnstown Flood (tạm dịch: Trận lụt Johnstown) xuất bản vào năm 1968 trở thành cuốn sách bán chạy, từ đó khơi dậy mối quan tâm của quốc gia đối với thảm họa và ngay lập tức giúp ông trở thành một nhà sử học với năng khiếu khiến cho lịch sử sống dậy.

Trong sự nghiệp kéo dài hơn 5 thập kỉ của mình, McCullough đã đưa ra những chủ đề cực kì rộng lớn như hành trình xây dựng kênh đào Panama và cầu Brooklyn. Ông chú ý đến những con người vô danh nhưng phi thường. Ngoài ra, ông còn viết tiểu sử về hai vị tổng thống không được đánh giá cao là John Adams và Harry S. Truman, từ đó làm sáng tỏ những thành tựu của họ. Chính hai tác phẩm này cũng mang về cho ông hai giải thưởng Pulitzer danh giá ở mảng phi hư cấu và tiểu sử.

Theo các nhà phê bình, khi hướng sự chú ý đến các sự kiện quan trọng cũng như những vĩ nhân trong lịch sử Hoa Kì, chẳng hạn như Cách mạng Hoa Kì (1776) hay Tổng thống Theodore Roosevelt (Buổi sáng trên lưng ngựa), McCullough đã làm sống động cả thời gian và địa điểm, như cũng như những chi tiết lịch sử đầy màu sắc, đặc trưng cho kĩ năng kể chuyện được đánh giá bậc thầy của mình.

Những vinh dự mà ông nhận được là hai Giải thưởng Sách Quốc gia cũng như Huân chương Tự do của Tổng thống George W. Bush trao tặng năm 2006.

“Lịch sử thật sự quan trọng, và đó là những gì tôi đã cố gắng truyền đạt. Điều cần thiết là phải hiểu câu chuyện của đất nước chúng ta, cả điều tốt cũng như điều xấu, cả thành tựu cao cũng như những thất bại đáng tiếc. Rất nhiều câu chuyện của chúng ta vẫn chưa được kể."

Phong cách viết của McCullough rất dễ tiếp cận, thường dựa trên những năm ông khai thác các kho lưu trữ bụi bặm để sưu tập những bức thư, tài liệu hoặc bản ghi có thể mang lại một câu chuyện sống động.

Trong quá trình nghiên cứu cho cuốn Truman (1992), McCullough đã sống một khoảng thời gian thực sự ở quê nhà của vị tổng thống thứ 33 là Independence ở Missouri. Ở đó ông học được giọng địa phương và cũng thực hiện những chuyến đi bộ nhanh vào lúc sáng sớm. Nhiều năm trước đó, khi viết The Great Bridge (tạm dịch: Cây cầu hùng vĩ, 1972), ông cũng nỗ lực để hòa mình vào cuộc sống của một trong những người xây dựng cầu Brooklyn.

*

David Gaub McCullough là con thứ ba trong số bốn người con trai, sinh ra tại Pittsburgh vào ngày 7 tháng 7 năm 1933. Cha ông là một doanh nhân, còn mẹ là người nội trợ. Ông tốt nghiệp năm 1951 tại Học viện Shady Side, sau đó vào Đại học Yale, nơi ông theo học ngành Văn học Anh.

Sau khi nhận bằng vào năm 1955, ông McCullough viết báo cho tờ Sports Illustrated, Architectural Forum và tạp chí Time trước khi tham gia vào Cơ quan Thông tin Hoa Kì vào năm 1961. Sau đó, khi đang làm việc tại American Heritage Publishing ở New York, ông cho ra mắt The Johnstown Flood, và chính thành công đầu tiên này đã giúp ông có đủ điều kiện để tập trung toàn thời gian vào những cuốn sách của mình.

Ý tưởng tiếp theo đến vào một bữa trưa ở Lower East Side tại Manhattan, khi những người bạn ăn tối của ông bao gồm cả những kĩ sư, bắt đầu thảo luận về cây cầu Brooklyn gần đó như một kì tích xây dựng của thế kỉ 19.

Trong The Great Bridge, McCullough đã khám phá những thách thức về công nghệ, âm mưu chính trị cũng như rất nhiều sự việc vẫn còn ẩn giấu - bao gồm cả những tai nạn cũng như dịch bệnh đã giết chết đi rất nhiều nhân công xây dựng - đằng sau cây cầu treo tráng lệ nhất thế giới này.

Vài năm sau, ông gặp Burns, người rồi sau đây sẽ biến The Great Bridge thành phim tài liệu đầu tiên của mình. Brooklyn Bridge được cho ra mắt vào năm 1981 với McCullough là người dẫn chuyện. Thành công ở bước đầu đó giúp ông tham gia vào nhiều loạt phim tiếp theo, một trong số đó cũng giành được giải Emmy.

Tác phẩm tiếp theo đoạt giải Sách quốc gia The Path Between the Seas (tạm dịch: Con đường giữa biển, 1977), viết về kênh đào Panama, từ đó đã truyền cảm hứng cho sự quan tâm sâu sắc của ông đến Theodore Roosevelt, một nhân vật quan trọng trong lịch sử hình thành kênh đào. Nghiên cứu của McCullough về thời thơ ấu, thời niên thiếu và quá trình trưởng thành của Roosevelt đã trở thành tác phẩm Mornings on Horseback (tạm dịch: Buổi sáng trên lưng ngựa, 1981) liên tiếp giành Giải Sách Quốc gia cũng như lọt vào chung khảo Giải Pulitzer.

Các tác phẩm  của David McCullough đã được chuyển ngữ tại Việt Nam.

Đôi khi sự tình cờ cũng đóng vai trò có phần quan trọng trong công việc của ông với tư cách là nhà sử học. Theo đó ông từng dự định viết một cuốn sách về Pablo Picasso, nhưng sau vài tháng nghiên cứu, ông kết luận rằng mình “ghét” Picasso. Trong một cuộc thảo luận với biên tập viên tại Simon & Schuster, McCullough nảy ra ý định rồi đây sẽ khiến ông tập trung hết mình để viết nên cuốn tiểu sử dài nghìn trang nói về Truman.

Nói về lí do chọn tổng thống này, ông nói: “Có thể là bởi ông ấy là vị tổng thống đầu tiên mà tôi nhìn thấy bằng xương bằng thịt. Năm 1956 khi mới đến New York và bắt đầu công việc đầu tiên của mình tại tạp chí Sports Illustrated, tôi đã thấy một đám đông nhỏ tụ tập chờ đợi thống đốc, người đang tham dự một bữa tiệc tối. Sau đó từ cửa của chiếc limousine, Harry Truman bước ra và suy nghĩ đầu tiên của tôi là, 'Chúa ơi, ông ta thật hào nhoáng!'”

Những cuốn sách tiếp theo của ông bao gồm 1776 (2005) là một cái nhìn thực tế về cuộc Nội chiến Hoa Kì với những cá nhân gan dạ cũng như dũng cảm đã chiến đấu ở cả hai phe. Ngoài ra còn là The Greater Journey: Americans in Paris (tạm dịch: Hành trình vĩ đại: Người Mĩ ở Paris) xuất bản vào năm 2011, nói về ảnh hưởng của văn hóa và tư tưởng Pháp đối với các nhà văn, nghệ sĩ, nhạc sĩ, bác sĩ và trí thức Mĩ thế kỉ 19. Tác phẩm sau cùng Anh em nhà Wright được viết vào năm 2015, kể về cuộc đời và những đổi mới của hai nhà tiên phong hàng không người Mĩ.

THUẬN NGÔ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)