‘Vành đai sao Thổ’- Con tằm của sự hủy diệt

Thứ Ba, 02/08/2022 06:47

Năm 1612, Galilei lần đầu tiên quan sát thấy các vành đai sao Thổ biến mất. Khi đó ông đã liên hệ sự kiện này với việc Satuya nuốt chửng con mình để tránh bị cướp ngai vàng trong Thần thoại Hy Lạp. Thật ra khi đó mặt phẳng chứa các vành đai hướng trực tiếp đến Trái Đất do đó chúng ta không thể thấy chúng. Tuy nhiên trong cuốn Vành đai sao Thổ, W.G.Sebald một lần nữa lặp lại bi kịch, để cho thấy con người trong vòng xoay bất di bất dịch của thời gian không bao giờ quên được những ham muốn quyền lực và sự hủy diệt đi theo sau đó.

Là tác phẩm được đánh giá phức tạp và quan trọng nhất trong văn nghiệp ngắn ngủi của W.G.Sebald, Vành đai sao Thổ được viết trong chuyến du hành dài ngày quanh hạt Suffolk thuộc miền Đông nước Anh, mà như Sebald tiết lộ trong những trang đầu tiên là vào tháng 8 năm 1992 để xua tan những nỗi trống rỗng. Có sự kết hợp của các thể loại du kí, xê dịch, ghi chép, lịch sử, tiểu sử, nghiên cứu nhân học, các ngành nhân văn… Đây là cuốn sách phá vỡ rào cản thể loại nhưng được kiểm soát chắc chắn dưới tài năng của W.G.Sebald.

Vành đai Sao Thổ là tác phẩm được chuyển ngữ sang tiếng Việt cuối cùng của W.G.Sebald do dịch giả Hương Châu chuyển ngữ, Phanbook và Nxb Hội Nhà Văn liên kết ấn hành

Hoàn thành vào năm 1995, trước Chóng mặtKý ức lạc loài, sau Austerlitz; thế nhưng ta có thể thấy những đặc trưng chủ chốt nhất của Sebald trong tác phẩm này. Vành đai sao Thổ là một nỗ lực tóm gọn thời gian, để giải mã, phân tích hướng đi; từ đó tìm đến vị thế của con người trong dòng chảy đó. Liệu có điều gì chống được thời gian? Liệu nó có lựa chọn hướng đi xoay vòng hay tuyến tính như Olga Tokarczuk nói? Và khi nó đi theo một vòng tròn, liệu nó có lặp lại những gì xuất hiện trước đó?

Vẫn là giọng văn u uất, lạnh lùng có phần tách biệt so với người đọc, Vành đai sao Thổ là chuỗi miên man những suy ngẫm trong chuyến đi bộ dài. Ở đó Sebald bằng những xung điện lan tỏa giữa các synapse thần kinh, dẫn dắt người đọc vào chuỗi những lịch sử liên hệ, từ đó tìm về quá khứ, nhận ra chính mình trong những dấu tích của sự hủy diệt. Mà dẫu đã qua biết bao thời đại, thì, nói như Flaubert, sự xuẩn ngốc vẫn còn lan tràn như cát.

TỘI ÁC

Không ít lần Sebald lạc trong một mê hồn trận là các tác phẩm của mình. Ở Chóng mặt, ta thấy ông mãi luẩn quẩn trong câu chuyện của bản thân, của Stendhal, của Kafka; thì với tác phẩm này, Sebald đã nhân mình lên, tự tạo khoảng cách, để nhìn sự thật và những gì đã qua trong khoảng cách gần. Trong Vành đai sao Thổ, Sebald không còn là mình. Ông co rút, duỗi dài chính bản thân mình, và dẫu trưng ra tấm ảnh bản thân đứng trước một cây tuyết tùng xứ Lebanon ở Ditchingham gần cuối sách, thế nhưng như không ít lần bản thân ông tự nhận mình là hồn ma, một linh hồn vẩn vơ đi lạc giữa những con đường nước Anh.

Trong một câu dẫn, ông nói: “Nếu chúng ta quan sát chính mình từ chỗ nào đó thật cao, chúng ta sẽ thấy thật đáng sợ khi nhận ra mình hiểu biết ít về giống loài mình, mục đích của mình, và kết cục của mình nhiều như thế nào”. Nên có thể nói Vành đai sao Thổ là một nỗ lực thấu hiểu những điều kể trên. Là góc nhìn từ một cao điểm, nhưng cao điểm nào, để tìm về những gì đã qua? Ngập ngụa trong những kí ức kinh hoàng mà bản thân tìm thấy, Sebald nhìn dòng thời gian như một đối tượng cần nghiên cứu, từ đó ông thấy những vòng tròn tội lỗi lan ra đồng tâm, cũng như bao nhiêu thời đại đã chồng lấp lên nhau từ những phế tích của một nền văn minh tuyệt diệt.

Ngay từ những mô tả ban đầu về Thomas Browne - người neo giữ toàn bộ câu chuyện bằng những di sản của mình, Sebald đã cho thấy thời gian có thể dễ dàng đoán định đến như thế nào. Xoay quanh hộp sọ mà chính Brownie đã dự đoán từ trước rồi sẽ bị gặm ra khỏi nấm mồ như một bi kịch kinh tởm, Sebald cho thấy thời gian tuần hành trở lại theo một vòng lặp, và bởi chúng sẽ quay về cùng điểm khởi phát, nên những đoán định trước đó của Browne là không khó hiểu.

Chẳng phải cuộc chiến vịnh Sole khi quân Hà Lan tấn công nước Anh ở thế kỉ 17 rồi sẽ lặp lại khi Hoàng tử Áo Franz Ferdinand bị ám sát để rồi thổi bùng nên cuộc Đại chiến Thế giới ở thế kỉ 20 hay sao? Và cũng chẳng phải sự vụ Từ Hy Thái Hậu nắm quyền nhiếp chính và thuộc địa Congo bị khai thác một cách tàn bạo bởi thực dân da trắng trước sự chứng kiến của Conrad… đều là một sự lặp lại theo cùng nguyên nhân đó sao? Khả năng luân hồi của thời gian này, như Browne hay Sebald cố tìm ra được một sự liên kết, có chút kì bí hệt loài sâu bướm. Và chẳng phải bởi Lịch sử đôi khi lp lại những ý niệm lạ lùng của nó”, mà ta thấy được chính mình ở đó, với những bi kịch và nỗi bất hạnh thông qua những tội ác lớn đó sao?

Ở đó “sự quên lãng bất công mù quáng gieo rắc hạt anh túc của nó”, thế nhưng nhờ những người như Sebald, đôi khi ta thấy lịch sử là một hiện thân đòi hỏi một sự bóp méo điểm nhìn, và nhìn ta với chút mỉa mai. Dù có khả năng biến đổi muôn hình vạn trạng, thế nhưng tội ác và sự thống lĩnh của con người, nơi mà trong điển tích về vị thánh Sebolt cũng mang cùng tên với Sebald, đã cho thấy được lí lẽ vốn đầy bệnh hoạn của con người. Rằng đó là một giống loài tranh thủ những loài được xem là thấp kém hơn để làm lợi cho mình. Tuy nhiên chính dòng giống ấy lại luôn rơi vào một cơn khủng hoảng cũng như bất an, bởi như Sebald chỉ ra “Điểm gây bất an ở gương soi và hành vi giao hợp là nó nhân bội số con người lên”.

Đó là lí do mà những trận không kích xuống nước Đức trong những kí ức của Williams Hazel lại trùng khớp lạ kì với Michael Denver - người mà kí ức và quê hương của ông chỉ vừa đủ để viết nên bài phúng điếu cho cuộc đời mình. Và vạn vật được cho là bất di bất dịch, sống đời vĩnh cửu như thể trạng ngũ chiếu hay loài cá trích có thể sinh sản vô độ, cũng bị dìm chết dưới những sinh vật đậm chất thần thoại như rồng, kì lân… khi thế ngũ chiếu bị phá vỡ. Hay loài cá trích đi đến tuyệt diệt bởi sự thừa mứa của chính tự nhiên, chưa kể là những chất độc, phân bón hóa học đầy đủ từ chì đến cadimi… mà con người đổ ra biển cả, từ đó làm nên những loài dị dạng dị hình, mà không bất ngờ khi trạng thái ngũ chiếu tiếp tục biến ảo và không trường tồn.

Do đó trước những ước muốn có phần viển vông, Sebald đã cho thấy rằng không có gì là tự nhiên và không có gì thực sự trường tồn. Tưởng như ánh sáng phát quang từ vảy cá trích là phát hiện lớn của con người ngày nay, thế nhưng những đám cháy mùa hè, những trận hỏa hạn của miền nhiệt đới… càng làm rõ hơn “nguyên lí thiêu đốt” chính là nền tảng của mọi thứ tạo tác trong thời đại chúng ta: Sinh ra từ hủy diệt, rồi chết đi cũng từ hủy diệt.

NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN BẬC THẦY

Xuôi theo vùng đất nước Anh đầy những điểm đến, Sebald trước mắt người đọc là những dòng văn cùng những kí ức tuôn ra bất tận. Đứng trước dinh thự đã bị phá hủy, đứng trước kỉ niệm đâu đó từng có hay là chiến trường của những thí nghiệm tuyệt diệt con người… trong ông là những kí ức, hồi ức tuôn ra dằng dặc. Chúng nối với nhau qua những mấu chốt, và ở đây là các di sản của Thomas Browne cũng như những cá nhân, cá thể trên đường đi tới.

Ta thấy Sebald đã không ít lần tự mình cảm thấy một sự trùng hợp có phần kì lạ giữa các sự kiện cũng như sự việc trên con đường đi. Đó là những sự tương đồng về chính ông - Sebald, vị Thánh Sebolt và lão Sebolt - bậc thầy thuốc nhuộm của nghề nuôi tằm. Đó còn là trong ý niệm giữa sao Thổ (Saturn) và loài ngài hoàng đế (Saturnia pavonia), và bất ngờ thay nó đều nằm trong bảo tàng Phong kín của chính Thomas Browne.

Nhà văn người Đức W.G.Sebald.

Những loài bướm đêm hay sâu bọ đó, hóa ra không chỉ thu hút Browne mà còn là cả Từ Hy Thái Hậu, người đàn bà tham quyền nhiếp chính, và không tin ai ngoài những con vật không thể nói lời, không thể làm gì khác ngoài việc đan dệt cái kén của mình. Sebald viết trong chương 6 khi đứng trước đoàn tàu nay đã hoen gỉ được đặt hàng từ Trung Hoa như sau: “Ngày ngày Từ Hy đi qua những hành lang thoáng đãng cùng các tùy nữ mặc áo trắng để giám sát tiến độ công việc. Và khi đêm xuống, bà đặc biệt thích ngồi một mình giữa các khung cửa, lắng nghe thanh âm khe khẽ, đều đều, dịu dàng thăm thẳm của vô số con tằm đang gặm lá dâu non.

Những sinh vật nhợt nhạt, gần như trong suốt, sẽ hiến cuộc đời cho thứ tơ sợi thanh nhã mà chúng đang se. Bà xem chúng là những tùy tùng trung thành đích thực của mình. Với bà, chúng có vẻ là những thần dân lí tưởng, cần mẫn phục dịch, sẵn sàng chịu chết, có khả năng nhân lên gấp bội chỉ trong thời gian ngắn ngủi, và bám chặt vào mục tiêu tiền định duy nhất của chúng, hoàn toàn khác với con người, những kẻ mà căn bản bà chẳng thể nào trông cậy”.

Và loài người lặn giữa phế tích trong cuốn sách này của Sebald cũng như những con tằm ấy - vô tri, vô nghĩa, tự mình tiêu diệt và rồi sẽ bị tiêu diệt. Sebald băng qua những vùng địa lí, liên kết không - thời gian trong màn sa mỏng không rõ mơ - thực; để chụp X-ray quá khứ, hiện tại, tương lai và rồi xếp chồng lên nhau để tìm những điểm tương đồng, những chỗ nứt gẫy báo hiệu những sự tuyệt diệt.

Những tấm phim ấy có thể khác nhau về những vị trí hay là đường viền, như rõ ràng chung nhất và trọng tâm nhất, chúng sẽ ẩn chứa tội ác như nhau, lòng tham quyền lực như nhau, những phế tích giống nhau và qua bao thời gian, chúng sẽ ăn sâu vào nhau và trở thành hư không như cái quyến rũ của hạt anh túc.

Và bởi cơn nghiện là khó chối bỏ, nên Sebald là một hiện diện rất cần trên cõi đời này, để nhắc nhớ, cảnh báo và hơn hết là cho thấy lại vị trí của con người giữa cảnh hoang toàn. Một tác phẩm xuất sắc và rất đáng nhớ của người nghệ sĩ phá vỡ định kiến, tìm lại trong mình một bản thể người, và đưa nó đến đông đảo độc giả.

NGÔ THUẬN PHÁT 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)