‘Bán mạng’ - Cối xay cợt nhả của Mishima

Chủ Nhật, 07/08/2022 16:12

Yukio Mishima là một trong những nhà văn Nhật Bản nổi tiếng nhất trong thế hệ mình. Những tác phẩm của ông không chỉ được yêu thích tại Nhật Bản, châu Á mà còn được chuyển ngữ sang châu Âu. Khác những tác phẩm nổi tiếng như Tiếng triều dâng, Kim các tự, Chết giữa mùa hè… Bán mạng là một tác phẩm hài - kinh dị đầy độc đáo và ấn tượng, nhắm thẳng vào chủ nghĩa tư bản hiện đại và các truyền thống Đông phương mục rữa.

Xoay quanh nhân vật là người đàn ông trẻ Yamada Hanio có công việc ổn định, lương cao, ngoại hình ưa nhìn đang làm công việc quảng cáo, bỗng một ngày lên kế hoạch tự tử như một chuyến dã ngoại. Như anh ta nói, động cơ tự tử là bởi “chẳng có lí do nào để không tự tử”. Tuy nhiên lần tự tử đó lại diễn ra thất bại. Từ đó anh nuôi ý chí “bán mạng”, khi treo tấm biển “Tôi bán mạng - Cứ dùng nó như bạn muốn” để hủy hoại chính mình cho một mục đích chủ động.

Tiểu thuyết Bán mạng của Yukio Mishima do Tao Đàn và Nxb Hội nhà văn liên kết ấn hành, bản dịch của Mai Đỗ.

Được viết theo kiểu hài kịch đen trong các chi tiết được sắp đặt vô cùng ấn tượng theo trường phái pop-art có phần độc đáo; Bán mạng là một tác phẩm phi lí, được dựng trên một hỗn hợp đầy cợt nhả như chiếc cối xay hòa trộn những yếu tố đương đại nhất: quỷ hút máu, ma cà rồng, James Bond, tổ chức tội phạm… trong một mục đích biểu đạt thầm kín nhất, hướng về cái chết thanh cao của sự tự giải phóng, của một con người theo chủ nghĩa hư vô toàn diện. Với Bán mạng, Mishima mang đến một không gian bức bối của bức tranh xã hội hỗn loạn, từ đó với con người, cái chết là giải pháp duy nhất, và cũng thật đẹp trong sự tự hủy.

TÍNH ĐƯƠNG ĐẠI 

Trong tác phẩm Cửa hiệu tự sát của Jean Teulé, tất cả nhân vật đều được đặt tên theo những người nổi tiếng đã tự sát. Và Mishima là tên của ông chủ cửa hàng. Trong tác phẩm này, vật dụng đậm tính Mishima nhất là thanh kiếm để cho những ai muốn tự sát theo kiểu mổ bụng seppuku, và do đó hình tượng Mishima thường gắn liền với cái chết. Cũng giống như tác phẩm kia, Mishima viết Bán mạng trong một phong thái đầy ngạo nghễ và chếnh choáng của cơn say, khi ông phối trộn rất nhiều chi tiết không liên quan đến nhau để tạo nên một tác phẩm nhìn chung là phi lí.

Có thể thấy rằng Mishima không bao giờ khoác lên dáng vẻ nghiêm túc cho những lần bán mạng, như hẳn ông biết nó sẽ không bao giờ thành công. Không chỉ một mà tận ba lần Hanio muốn chết trong sự khoái lạc, lúc đang làm tình, vì theo anh nói, đó là trạng thái thật nhất và thoải mái nhất mà cuộc đời này có thể mang đến được. Cho nên những cuộc ngã giá ấy vừa có không gian của sự kinh hãi, gây sợ nhưng đâu đó cũng là sự hài hước bao trùm, bởi việc sử dụng linh hoạt các “họa tiết ba xu” đến độ không tưởng.

Và đó là “ải mĩ nhân" của những người phụ nữ như tình nhân của James Bond, trong khi chính Hanio cũng đang kẹt lại trong một mưu đồ của tổ chức phi pháp. Hình tượng Hanio ngồi phá án cho các vị Đại sứ bằng cách nhai rau ráu cà rốt cũng là hình ảnh khiến cho người đọc phải bật cười, vì sự ngớ ngẩn mà đầy trêu ngươi cũng như thách thức người đọc của Mishia. Ông muốn bằng hình tượng đó, nói rằng cái chết thật ra có đáng sợ gì đâu, rằng nó là thứ hư vô và rồi sẽ luôn chờ đợi chúng ta cho đến cuối đường. Nhưng thật ra không hẳn như thế.

NHỮNG CẤP ĐỘ CỦA CÁI CHẾT

Ngay từ đầu tiểu thuyết, Mishima đã rất quả quyết cho nhân vật của mình một kế hoạch tự tử rất rõ ràng. Rằng anh ta phải đi xem ba bộ phim, kịp vào quán bar và chơi vài ván pachinko để tận hưởng những giây sau cùng. Tuy nhiên sau đó, bởi sự bất thành trong vụ tự tử, anh đành đoạn tuyệt tháng ngày và nảy ra ý tưởng bán mạng.

Tuy nhiên sau 4 thương vụ liên tiếp bất thành, trong anh có một điều gì đó dần dần ngộ ra, vì bản chất của cuộc đời này, về cách đối phó với nó, liệu chúng ta nên buông xuôi hay là chống lại? Do đó từ những ước nguyện ban đầu như muốn những người ở lại nuôi mèo xiêm, cá sấu, vượn để nhớ đến mình… dần dần chi phí của những cuộc ngã giá tăng lên, từ 200 nghìn lên đến 2 triệu yên, và đó là khi Hanio nhận thấy một điều gì đó khác, hẳn nhiên không phải là anh thấy thích cuộc sống, mà anh nhận ra ước muốn của mình chỉ là giả vờ.

Khi tiếp xúc với người phụ nữ mắc bệnh Reiko, anh mới ngộ ra không rõ ai mới là người điên cuồng trong cuộc đời này. Sợ hãi khung cảnh bị gắn chặt với các trách nhiệm gia đình, vợ chồng, con cái… anh thoát khỏi người phụ nữ đó. Nhưng hơn hết, mục đích của hai người họ hoàn toàn khác nhau. Nếu người thiếu phụ nghiện LSD muốn bán mạng một cách thụ động, thì Hanio hoàn toàn ngược lại, muốn mình chết có chủ đích và hoàn toàn chủ động.

Như anh nói: “Mọi thứ đều bắt nguồn từ sự vô nghĩa, rồi sống một cách tự do trên những thứ có ý nghĩa được tạo ra từ đó. Những người bắt đầu từ một hành động có ý nghĩa, khi thất bại, tuyệt vọng, sau đó là đối diện với cái vô nghĩa chỉ là những người đa cảm. Là đám người ham sống sợ chết”. Và Hanio không muốn điều đó. Anh không muốn bản thân bị giết một cách bị động, hay nói cách khác, anh không muốn người khác quyết định số phận cho mình. Anh muốn có được tự do để chết, để không ai oán, không hờn giận và không có gì để lại.

Nhà văn Yukio Mishima.

Rõ ràng ý định ấy bắt đầu từ một bối cảnh, mà như anh gọi là “dưa muối cuộc đời”. Khi sống trong một cuộc sống màu hồng, “mong muốn được sống sẽ làm cho chúng ta nhìn mọi sự việc trở nên phức tạp và kì lạ”. Nó làm anh mệt mỏi với sự sống cũng như việc chết. Nó khiến anh thấy những con gián ở khắp mọi nơi, khi xã hội này là một bải thải ô uế của những định kiến mà nhìn đâu cũng thấy những hàng rào chặn lại. Và treo trên đó là những tội lỗi của hàng đoàn người đang lũ lượt bồng bế dắt nhau men theo đường biên cuộc đời, bởi vì ai ai cũng đang mang theo tội lỗi bên mình.

Nên việc thoát khỏi khuôn khổ ấy là điều anh hằng mong muốn. Nhưng nếu chết bị động, chết hời hợt; chính anh cũng tự mang theo một tội ác khác dù cho không đi theo một tôn giáo nào. Anh tuân theo những ảo tượng mong manh của chủ nghĩa hư vô. Anh tin rằng đời sống này chỉ có cám dỗ mà không có khoái lạc, và kiểu sống buông thả như của những người hippie cũng là một sự cố ý thật tình, nó không thuần chất và không phù hợp với tinh thần mình.

Cho đến cuối cùng, Hanio, Mishima hay độc giả của cuốn sách này, đều tìm kiếm một sự tự do thoát khỏi lối mòn nhưng dường như nó không bao giờ tồn tại. Và khi đó chỉ còn một con đường duy nhất để quay về, là ham sống trở lại, là gục khóc cầu xin, và gia nhập bầu đoàn người dắt díu nhau, trong những hàng rào ngày càng cao lên bởi tội lỗi chồng chất.

NƯỚC NHẬT RỆU RÃ

Thông qua Bán mạng, Mishima cũng đồng thời họa nên một xã hội xuống cấp, thiếu tôn trọng tự do cá nhân trong khi những mối quan hệ thì rời rạc và có phần xa cách. Ở đó, các định kiến, khuôn thước định hình nền móng của một xã hội được xem là chuẩn, bằng việc có nơi ở, có gia đình, có công việc thì mới được coi trọng và chấp nhận, còn nếu không thì họ sẽ là cặn bã của xã hội đó.

Tuy nhiên khi những cột trụ đó sụp đổ, khi nằm ở vũ trụ này và vũ trụ khác, con người cũng sẽ nhìn thấy cùng một “bầu trời sao” giống nhau, cho nên việc đòi hỏi một cái chết, một cuộc sống… cũng hoàn toàn vô nghĩa như việc bán mạng. Là vì “Xã hội vẫn đang được vận hành trơn tru là bởi chẳng ai nhận ra mùi của mình. Mọi người đang tạo ra thứ mùi của mình mà chẳng chút nghi ngại”.

Với Bán mạng, Mishima đã viết nên một cuộc sống hướng tới tự do, nhưng ông cũng cho thấy rằng con đường đó không hề dễ dàng. Xây dựng hành trình phá vỡ địa đàng trần gian bằng những nhận thức của chủ nghĩa hư vô, Mishima mang đến người đọc sự thật về thế gian này, về tính đồng nhất, về sự lặp lại và những gì vĩnh hằng không thể thay đổi khi đã thuộc về bản chất con người. Bán mạng là cuốn tiểu thuyết độc đáo, sáng tạo với các ảnh hưởng xuyên qua biên giới nhưng cũng không ít lần khiến độc giả phải lặng mình lắng nghe một Mishima rất khác.

NGÔ THUẬN PHÁT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)