Đối với nhiều người, “ngôi nhà ma ám” là một nơi nên tránh. Nhưng vào năm 1859, Charles Dickens đã tích cực tìm kiếm một nơi mà mình có thể bị một hồn ma "quấy rối".
Dickens có một niềm đam mê suốt đời với những điều huyền bí - sự quan tâm đó đã được phản ánh trong việc đưa các linh hồn, bóng ma vào những câu chuyện của mình. Tháng 10 năm nay, cuộc triển lãm tại ngôi nhà ở trung tâm London mà ông và gia đình từng sinh sống vào cuối những năm 1830, nay là Bảo tàng Charles Dickens, sẽ mở chửa chào đón du khách tham quan.
Phòng ăn của Bảo tàng Dickens và một trong những bức chân dung của ông.
Trong cuộc triển lãm này, bức thư chưa từng công bố trước đây của Dickens gửi cho William Howitt sẽ được trưng bày. Khi đó, Dickens đã hỏi liệu nhà tâm linh và nhà văn đồng nghiệp có thể gợi ý cho ông “bất kì ngôi nhà ma ám nào trong nước Anh này mà không một ai có thể sống, ăn, uống, đứng, nằm hoặc ngủ mà không bị quấy rầy” mà ông và người bạn John Hollingshead có thể đến thăm.
Khi đó, Howitt đã giới thiệu cho ông một quán trọ ở Holborn, nơi Hollingshead đã ghé thăm rồi chỉ thấy nó là một “nơi tồi tàn… của các nhà sản xuất và chưng cất bia”. Một ngôi nhà có vẻ như bị ma ám khác ở Cheshunt, Hertfordshire cũng được Dickens, Hollingshead và tiểu thuyết gia Wilkie Collins đến thăm. Thế nhưng cuối cùng hóa ra địa chỉ này không hề tồn tại. Emily Dunbar, người phụ trách triển lãm cho biết, “bộ ba săn ma cà rồng” sau đó đã có một bữa trưa ngon lành sau cuộc hành trình vô vọng.
Tuy nhiên những thất vọng này không làm giảm sút sự quan tâm của Dickens đối với các vấn đề siêu nhiên, và nó vốn dĩ bắt đầu khi ông còn là một đứa trẻ. Cô bảo mẫu của ông, Mercy, đã kể cho ông nghe những câu chuyện ma, từ đó ông trở nên say mê đọc tạp chí kinh dị hàng tuần trên tờ The Terrific Register, và rồi thừa nhận là nó đã “làm tôi hoảng sợ lúc ban đầu”.
Dunbar nói: “Ông ấy bị cuốn hút, nhưng chúng tôi thích gọi Dickens là người hoài-nghi-bị-cuốn-hút hơn. Mặc dù ông thực sự quan tâm đến những hồn ma, nhưng tôi sẽ không nói rằng ông thực sự tin vào sự tồn tại của chúng. Dù thế ông thích ý tưởng về việc mọi người sợ hãi những câu chuyện ma quái”.
Bản thảo cuốn The Haunted Man có thủ bút của chính Dickens.
Sau cái chết của Dickens vào năm 1870, người bạn và người viết tiểu sử John Forster của ông đã tiết lộ rằng Dickens đã rất “khao khát được gặp những hồn ma” và sẽ “rơi vào tình trạng mê muội của thuyết tâm linh” nếu không có “sức mạnh kiềm chế mạnh mẽ của sự tỉnh táo và dũng cảm”.
Các tác phẩm của ông bao gồm 20 cuốn sách và truyện kể về những lần xuất hiện ma quái, bao gồm A Christmas Carol, The Pickwick Papers, The Signal Man và The Haunted Man. Ông thích thú khi trình diễn trước công chúng những câu chuyện ma quái của mình, và từng khoe khoang trong một bức thư gửi cho vợ mình là Catherine, rằng một thính giả đã “thổn thức không che giấu và khóc trên ghế sofa khi anh đọc”.
Không nghi ngờ gì nữa, có một yếu tố mang lại cho người đọc những gì khiến họ sửng sốt, Dunbar nói. “Dickens là một con người của thời đại mình. Ông biết chính xác những gì mình làm. Ông thích được gần gũi với độc giả của mình. Ông đã tiếp xúc với nền văn hóa đại chúng của thời điểm đó, và đã hoà mình vào nó”.
Triển lãm lần này cũng bao gồm bản sao có chú thích của chính Dickens về tác phẩm The Haunted Man (tạm dịch: Người đàn ông bị ma ám) mà ông đã đọc trong các buổi biểu diễn trước công chúng. Các loại mực có màu khác nhau cho biết các thao tác xóa và nhấn mạnh các đoạn văn đầy cảm xúc. Các đồ vật, áp phích, thư và sách sẽ minh họa cho sự hiểu biết của Dickens về sức mạnh của những yếu tố siêu nhiên.
Dunbar cũng cho biết thêm về niềm đam mê của người Victoria đối với ma và các linh hồn đã tồn tại một thời gian dài. Trong quá trình nghiên cứu cho cuộc triển lãm, bảo tàng đã phát hiện rằng “nhiều người tin vào ma hơn ta nghĩ - đặc biệt là khi ta mở rộng nó ra với những điều không nhất thiết phải giải thích được. Nếu ai đó có một câu chuyện ma, hầu hết mọi người thực sự thích nghe nó, ngay cả khi họ sợ nó.”
Cầu thang chính của Bảo tàng Charles Dickens.
Bảo tàng Charles Dickens tọa lạc tại số 48 Phố Doughty, là ngôi nhà mà Dickens đã ở tại London từ năm 1837-1839. Ông đã từng sống ở đây với vợ và con trai cả Charlie của mình. Khi sống ở đây, ông đã hoàn thành The Pickwick Papers, Nicholas Nickleby và nổi tiếng nhất là Oliver Twist. Những tác phẩm này đã khiến Dickens trở nên nổi tiếng, và ngay cả Nữ hoàng Victoria cũng là một người hâm mộ của ông.
Sau khi nhà Dickens rời khỏi Phố Doughty, thì dinh thự này đã được sử dụng làm nhà trọ cho đến khi Hội đồng hương Dickens mua nó làm trụ sở chính vào năm 1923. Ngôi nhà mở cửa cho công chúng vào năm 1925 và sở hữu một bộ sưu tập quan trọng liên quan đến Dickens và các tác phẩm của ông. Ngày nay, nó vẫn được giữ gìn như thể ông vừa mới rời đi.
Một chuyến thăm bảo tàng sẽ cho phép người xem quay trở lại năm 1837 và nhìn thấy một thế giới vừa quen thuộc vừa gần gũi nhưng lại khác lạ một cách đáng kinh ngạc. Thế giới mà một trong những nhà văn vĩ đại nhất viết bằng tiếng Anh đã tìm thấy nguồn cảm hứng của mình.
THUẬN NGÔ Dịch theo The Guardian.
VNQD