Abdulrazak Gurnah: Kẻ phiêu du giữa những định danh

Thứ Năm, 01/09/2022 06:00

Ngay từ lần đầu được phỏng vấn xoay quanh cuốn tiểu thuyết đầu tay ra mắt vào năm 1988, Abdulrazak Gurnah đã phải đối mặt với những nỗ lực cố gắng “phân loại” ông và các tác phẩm của mình. Liệu ông là một nhà văn châu Phi hay là một nhà văn Anh? Ông đang đại diện cho ai: nhóm sắc dân này hay nhóm thiểu số kia?

Ngay cả sau khi đoạt giải Nobel Văn chương năm ngoái - giải thưởng chỉ được trao cho bốn nhà văn gốc Phi khác trước ông, ông lại tiếp tục được hỏi về “cuộc tranh cãi danh tính”. Mọi người rõ ràng đã bối rối về cách “phân loại” ông. "Cần gì phải tranh cãi?" ông nhớ lại mình đã trả lời như thế. "Tôi biết bản thân mình là ai!"

Nhà văn Abdulrazak Gurnah, người từ chối bị định danh.

MỘT GIỌNG NÓI CỦA NHIỀU NGƯỜI

Gurnah, 73 tuổi, di cư đến Anh từ Zanzibar - nơi ông sinh ra vào năm 1968. Trong nhiều thập kỉ sau đó, ông đã trau dồi nghiệp viết và cuối cùng cũng được công nhận là một tiểu thuyết gia. Các cuốn sách của ông thường đề cập đến thời kì thuộc địa của Đông Phi và hậu quả sau đó, cũng như trải nghiệm của người nhập cư đến Anh, hoặc là cả hai - và kết quả là đôi khi là ông phải chống lại ý tưởng rằng ông đang nói thay cho bất kì ai khác ngoài chính mình.

“Tôi phản đối ý tưởng mà một nhà văn thường phải đại diện cho những người khác. Tôi đại diện cho chính mình. Tôi đại diện cho những gì tôi nghĩ và những gì tôi có, những gì liên quan đến tôi và những gì tôi muốn viết về”. Ông cũng nói thêm: “Khi tôi nói, tôi đang nói như một giọng nói của nhiều người, và nếu bạn nghe thấy tiếng vọng trong trải nghiệm của mình, thì đó là một điều tuyệt vời”. Ngay cả ở những tác phẩm lấy chủ đề hậu thuộc địa, ông cũng nói rằng chúng là về “các trải nghiệm và những gì đã từng xảy ra, chứ không tập trung vào bất cứ phương diện địa lí nào”.

Quả là như vậy, độc giả trên khắp thế giới đã tìm thấy một mối liên hệ sâu sắc với các tác phẩm của ông bất kể họ xuất thân từ đâu. Gurnah đã được trao giải Nobel cho di sản của mình của mình bao gồm 10 cuốn tiểu thuyết. Trong đó có By the Sea (tạm dịch: Bên bờ biển) kể về một người tị nạn lớn tuổi cố gắng xây dựng cuộc sống của mình ở bờ biển phía nam nước Anh, và Paradise (tạm dịch: Thiên đường) đã lọt vào danh sách đề cử của giải Booker vào năm 1994.

Bìa tác phẩm By the Sea của Abdulrazak Gurnah.

Trước khi giải Nobel được công bố, nhiều cuốn sách của ông đã không còn bản in ở Hoa Kì, và đã phải chờ để được tái bản. Chúng đã được dịch sang 38 ngôn ngữ, bao gồm cả tiếng Swahili, ngôn ngữ chính ở nơi mà ông sinh ra. Ngồi trên ghế vào một buổi sáng trong phòng khách nhà mình ở thị trấn Sturry, miền đông nam nước Anh với những bức tường được trang trí bằng giấy dán hình cọ và những bức tranh của bạn bè mình, ông cho biết bản thân đang mong đợi việc phát hành cuốn tiểu thuyết mới trong tháng này bằng tiếng Estonia, Ba Lan và Séc.

“Tôi không hề bị cô lập,” Gurnah nói. “Trải nghiệm của tôi đã được chia sẻ bởi hàng triệu người, bằng cách này hay cách khác. Một số khía cạnh trong trải nghiệm của tôi thật ra tương đồng với bất kì ai, cho dù đó là một người xa lạ ở một đất nước khác, một người Hồi giáo hay là ai đó đã 70 tuổi”.

Alexandra Pringle, biên tập viên người Anh lâu năm của Gurnah, cho biết cuốn sách mới nhất - Afterlives (tạm dịch: Những kiếp sau), cho thấy khả năng kể chuyện có một không hai “về những sự kiện lịch sử to lớn bằng những số phận nhỏ nhoi thông qua chất liệu văn xuôi tinh tế” của ông. Nhiều độc giả vẫn nuôi định kiến rằng ​​các tác giả châu Phi phải thật xuất sắc trong cách viết của mình, thế nhưng Pringle nói thêm. “Đó không phải là trường hợp của Abdulrazak”.

Bạn bè và những người ngưỡng mộ đã đồng ý với nhận định này. Maaza Mengiste - nữ tác giả cũng được đề cử vào giải Booker năm 2020, tình cờ đã nhìn thấy ông đang ăn trưa sau khi đoạt giải Nobel, và nói rằng ông “lịch thiệp và tử tế như những cuốn sách của mình, nhưng cũng rất hài hước”.

KHÔNG XÁC ĐỊNH BẤT KÌ THỨ GÌ

Gurnah lớn lên ở Zanzibar khi nó vừa là thuộc địa của Anh và vừa là vương quốc độc lập. Cha của ông buôn bán cá khô bắt được ở Ấn Độ Dương, và phần lớn thời gian tuổi thơ của ông dành cho bờ biển gần nhà mình. Trong Map Reading (tạm dịch: Đọc bản đồ), một tuyển tập ngắn và các bài tiểu luận của Gurnah sẽ phát hành vào ngày 24 tháng 11 tới đây, ông đã mô tả phong cảnh mà hầu như vào mỗi tháng 11 đều có rất nhiều thuyền buồm tập trung vào bến cảng, còn các thủy thủ tấp nập qua lại trong khi hàng hóa thì được chất đầy.

Thời thơ ấu của ông bị gián đoạn lần đầu tiên vào năm 1964, khi quân nổi dậy lật đổ chính phủ phần lớn là người Ả Rập của Zanzibar. Gurnah đang đi nghỉ cùng gia đình mình ở Dar es Salaam, thành phố lớn nhất Tanzania, vào ngày diễn ra cuộc cách mạng đó, nhưng đã chứng kiến ​​“cảnh tượng đáng thương” khi quốc vương của Zanzibar và các cựu quan chức Anh chạy trốn. Khi trở lại Zanzibar, cả gia đình lái xe ngang qua “những ngôi nhà đã cháy rụi, những vết đạn sượt trên tường” và nhận ra điều gì đó khủng khiếp đã xảy ra. Gurnah không tự mình chứng kiến ​​bất kì vụ bạo lực nào, nhưng ông nói, "bạn không cần phải chứng kiến ​​nó, bạn chỉ cần liên tục nghe về nó thôi".

Chính phủ mới đóng cửa các trường học, sau đó mở cửa trở lại chỉ để yêu cầu sinh viên tốt nghiệp trở thành giáo viên và phần lớn được đưa về các vùng nông thôn. Tự nhận thấy rằng mình không có tương lai ở đất nước này, Gurnah và anh trai đã rời đến Anh, nơi có một người anh họ du học. Họ chỉ mang theo 400 bảng Anh để tồn tại.

Gurnah cho biết đã có một sự “vỡ mộng” ngay khi đến Anh. Suy nghĩ đầu tiên của ông là, “Ồ, mình đã làm gì thế này?” Ông nói. "Mình đã để lại gì ở phía sau lưng?""Tại sao mình lại ở đây?". Ở Anh, ông rơi vào trong làn sóng phân biệt chủng tộc thường xuyên. Bất chấp những biến động như vậy, những năm đầu của ông ở Anh dường như lại rất có ý nghĩa.

Tại nhà của mình, trên bức tường cạnh bên bàn làm việc, Gurnah có một bức ảnh đen trắng chụp ông và anh trai mình trong năm đầu tiên ở Anh. Trong đó, hai người đàn ông trẻ tuổi đang cười rạng rỡ hạnh phúc trước ống kính. Bức ảnh được chụp bởi một người bạn da trắng mà ông đơn giản chỉ gọi là John. Trong Margate, một bài luận của mình, ông viết John là người chống lại phân biệt chủng tộc, dù cho bản thân anh ấy cũng thường phân biệt chủng tộc.

Trên góc bàn làm việc của Abdulrazak Gurnah, nơi treo bức ảnh thuở thiếu thời ông chụp cùng anh trai khi họ mới di cư tới Anh. 
"Tại nhà của mình, trên bức tường cạnh bên bàn làm việc, Gurnah có một bức ảnh đen trắng chụp ông và anh trai mình trong năm đầu tiên ở Anh. Trong đó, hai người đàn ông trẻ tuổi đang cười rạng rỡ hạnh phúc trước ống kính. Bức ảnh được chụp bởi một người bạn da trắng mà ông đơn giản chỉ gọi là John. Trong Margate, một bài luận của mình, ông viết John là người chống lại phân biệt chủng tộc, dù cho bản thân anh ấy cũng thường phân biệt chủng tộc".

Sau khi hoàn thành chương trình tương đương trung học ở Anh, Gurnah đã làm việc ở một bệnh viện trước khi theo học đại học. Và cuối cùng ông bắt đầu viết - những hồi tưởng đầu tiên là về quê hương, sau đó là những cuốn tiểu thuyết đầy đủ. Gurnah nói: “Một trong những điều tôi đang cố gắng dạy cho học viên của mình là không xác định bất kì thứ gì”.

Ông nói thêm, cuốn sách đầu tiên đã phản ánh những gì đã xảy ra ở Zanzibar, nhưng nội dung trong các cuốn khác đã nhanh chóng tăng lên thêm, bao gồm các vấn đề về chủ nghĩa thực dân và di sản của nó, cũng như quá trình sống sót của ông ở Anh. Những người hâm mộ của Gurnah cho rằng tính nhân văn trong tác phẩm của ông là một trong những điểm mạnh. Mengiste cho biết tiểu thuyết của ông cho thấy “mọi người có thể tồn tại trong những thảm họa hoặc là hệ thống chính trị đang dần sụp đổ; nhưng vẫn giữ được nhân tính của mình. Họ vẫn yêu và vẫn là những nòng cốt gia đình”. Đó là “một kiểu tuyên ngôn chính trị tế nhị”, cô nói.

Tác phẩm được hoan nghênh nhất của ông phản ánh cách tiếp cận đó. Paradise được ra mắt sau khi Gurnah được phép quay trở lại Zanzibar lần đầu tiên vào năm 1984. Một ngày nọ, ông đứng bên cửa sổ và nhìn cha mình đi đến một nhà thờ Hồi giáo. Gurnah nói rằng ông “tự hỏi điều đó sẽ như thế nào đối với một đứa trẻ, khi nó bắt đầu nhận ra những người xa lạ đã đến chiếm lấy cuộc sống của nó”. Các cuốn tiểu thuyết mà ông đã viết cũng giống như câu chuyện về tuổi mới lớn của cậu bé đó, và cũng là của những đứa trẻ đã từng bị dùng như tài sản thế chấp cho các khoản nợ, và về chủ nghĩa thực dân.

Các tác phẩm nổi bật của Abdulrazak Gurnah.

Afterlives, cuốn sách mới nhất, đã được bắt nguồn từ những khát khao muốn viết về sự bành trướng của Anh và Đức ở Đông Phi như thế, mà trước đây đã được miêu tả trong các tiểu thuyết khác của ông. Một trong những nhân vật trung tâm của nó, Hamza, người đã gia nhập vào Quân đội Đức, để rồi mắc kẹt trong quân ngũ dù sớm nhận ra sai lầm của mình. Cuối cùng khi thoát được ra, anh ta đã là một người xa lạ với quê hương của mình. Thế nhưng số phận tiếp tục trêu ngươi, anh lại bị cuốn vào một mối tình lãng mạn khác.

*

Giành giải Nobel và có danh tiếng đòi hỏi một số điều chỉnh: Ông không còn nhiều thời gian để viết như trước. Lịch trình của ông dày đặc với các cuộc phỏng vấn và cũng thỉnh thoảng có các chuyến đi nước ngoài, bao gồm cả việc trở lại Zanzibar, nơi ông được coi như một người hùng, mặc cho có rất ít sách của ông ở đó.

Denise deCaires Narai, vợ của Gurnah, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, rằng ông là một người trầm tính và khá tự nhiên. Bà nói đã có những yêu cầu muốn ông đại diện cho các quốc gia và các tôn giáo - chẳng hạn như là Châu Phi, Zanzibar, Hồi giáo…, nhưng ông không muốn “đi lang thang với những gì mà mọi người gán cho mình”.

Giờ đây Gurnah đang ngồi trong nhà với nền nhạc cổ điển được chơi nhẹ nhàng, và nói đùa rằng ông có rất nhiều chiến lược để mà đối phó những câu hỏi khó. Tại một thời điểm, ông kể về những người phỏng vấn cố gắng để ông thảo luận về các chủ đề đang gây tranh cãi. “Có một chút áp lực để trả lời họ. Nhưng sau đó, cậu chỉ cần dành một hoặc hai phút để suy nghĩ thôi,” ông nói, và “rồi sau đó, tìm cách thoát khỏi nó”.

THUẬN NGÔ Dịch theo The New York Times

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)