‘Kí hoạ Venice’: Tình yêu và thân phận trong biến động thời cuộc

Thứ Hai, 29/08/2022 07:05

Nước Ý để lại trong những trang văn là một ấn tượng về tình yêu và cái đẹp. Không bất ngờ khi những bi kịch tình cảm lại ít nhiều dính dáng tới đất nước này. Đó là Chết ở Venice của Thomas Mann, là Bệnh nhân người Anh của Michael Ondaatje và mới đây nhất là Kí hoạ Venice của Rhys Bowen. Là một tiểu thuyết lịch sử - bí ẩn đậm màu lãng mạn, tác phẩm này cho thấy sự trường tồn của cái đẹp, tình yêu; cũng như cái tàn bạo của chiến tranh đã từng xảy ra những năm xưa cũ.

Là câu chuyện được kể song song giữa hai mốc thời gian 1928-1944 và 2001, tiểu thuyết dành phần lớn thời gian cho Juliet Browning - một thiếu nữ người Anh có cơ hội được đến Venice cùng với người dì Hortensia của mình. Tại đây cô đã gặp được Leo - con trưởng của nhà quý tộc Da Rossi và nảy nở tình cảm với anh.

Qua bao biến loạn, Juliet vẫn sẽ quay lại Venice trong những năm 1938 - 1939 cũng như vào năm 2001, sau sự kiện Tháp đôi tại Mĩ, thông qua thông điệp được gửi cho cô cháu gái Caroline. Liệu bà có gì vẫn chưa thực hiện ở thành phố ấy? Liệu từ cuối cùng mà bà thốt ra trước khi qua đời có ý nghĩa gì? Bằng sự đan xen quá khứ - hiện tại qua các trang nhật kí cũng như kí ức tái hiện, Kí hoạ Venice sẽ dẫn người đọc qua một bức tranh toàn cảnh của những tâm tình thiêng liêng khi bị kẹp lại trong những gông kiềm quá khứ.

Tiểu thuyết Kí hoạ Venice do Tân Việt và Nxb Văn học liên kết ấn hành, qua bản dịch của Thu Giang.

MỘT CÂU CHUYỆN TÌNH

Đúng như tên gọi của nhân vật chính, Rhys Bowen xây dựng một câu chuyện tình không có kết thúc viên mãn. Nếu trong tác phẩm của Shakespeare đôi lứa bị ngăn trở bởi những thù hằn của hai gia tộc, thì hiện đại hơn, Leo và Juliet như đại diện cho sự giàu có giữa các gia tộc. Nếu nhà Da Rossi có quyền lực lớn ở khắp Venice, thì Juliet chỉ là một nàng thiếu nữ mơ được học vẽ bằng chính số tiền mà cha mình có sau khi bị thương từ chiến trận về.

Họ cũng gặp nhau trong những tình huống được xây dựng rất đẹp, rất kịch và cũng ấn tượng. Tuy thế, trong họ vẫn là tình yêu vượt thoát khỏi những cách trở. Ở họ sự thấu hiểu vượt lên trên thứ tình cảm thông thường, để tìm thấy được niềm vui trong sự mất mát, cũng như trân quý phút giây rất đáng trân trọng.

Tác phẩm của Rhys Bowen tuy có cái kết bi kịch, thế nhưng bà không đem đến những sự chua chát cũng như cay đắng cho tác phẩm này. Cả Juliet và Leo đều là những tri thức của thời đại mình. Họ muốn được thoát ra khỏi khuôn khổ, nhưng cũng biết rằng bản thân không thể và thời đại này chưa phải là lúc. Nên mối tình câm có phần thách thức ấy cũng cho thấy được vẻ đẹp - cái đẹp của sự bất toàn.

Và chính bằng việc giảm xuống bi kịch, Rhys Bowen mang đến một làn gió mới cho tiểu thuyết lãng mạn. Vẫn là những nhân vật sở hữu vẻ đẹp cổ điển, nhưng họ không mang chủ nghĩa anh hùng. Họ thực tế, hiểu rõ bản thân và học được cách chấp nhận. Điều đó có lẽ đến từ việc bị kềm kẹp giữa hai cuộc Đại chiến Thế giới, mà Rhys Bowen đã khéo léo đan cài, từ đó càng làm rõ hơn lối sống chỉ có một lần và họ chấp nhận điều đó.

SỰ GIẢI THOÁT ĐỐI NGHỊCH

Không thể không thấy những nghiên cứu rất sâu của Rhys Bowen về đời sống của lớp thanh niên Ý giữa hai cuộc Thế chiến trong cuốn sách này. Một trong số đó là sự phản kháng những giá trị tôn giáo xưa cũ về sự liêm khiết, đức hạnh có phần trưởng giả. Như thể trong một chi tiết người cô Hortensia không cho phép Juliet ra khỏi nhà sau 10 giờ đêm, và khi nghe thấy cô đã đi thuyền cùng một người đàn ông, bà liền cho rằng cô không còn là một người đoan chính.

Những suy tư ấy phần lớn bắt nguồn từ tôn giáo có phần độc đoán như của bà chủ nhà mến khách Martinelli, hoặc từ thời thế hỗn loạn, nơi người ta không thể làm gì khác ngoài tự cứu lấy mạng sống mình, như người gia nhân Francesca. Tuy thế về phía những người trẻ, họ cảm nhận được điều này, và thứ duy nhất họ có thể làm là chấp nhận nó, từ bỏ lối sống cũ kĩ để bắt đầu một cuộc sống mới.

Trong cuốn hồi kí Thế giới những ngày qua, Stefan Zweig đã viết rằng: “Rất nhanh chóng, thế hệ sau chiến tranh được giải phóng một cách tàn nhẫn khỏi những gì đã được coi là có giá trị và quay lưng lại với mọi truyền thống, quyết tâm nắm lấy số mệnh của mình bằng cách xa rời tất cả quá khứ và lao vào tương lai với một cái đà lớn. Với nó phải bắt đầu một thế giới tuyệt đối mới, một trật tự hoàn toàn khác, trong mọi lĩnh vực của cuộc sống; và tất nhiên tất cả những thứ đó đề bắt đầu bằng những phóng đại dữ dội. Bất kỳ ai, bất kỳ cái gì không ‘cùng tuổi’ với họ đều bị cho là cổ hủ”.

Do đó độc giả đã được chứng kiến cách mà Juliet buông mình xuống thuyền đáy bằng để đến triển lãm Biennale cùng Leo, hay người thiếu nữ mạnh mẽ buông bỏ những gì ổn định nhưng lại nhàm chán và khá nhạt nhẽo để lên đường đến Venice sau một thập kỉ, từ đó nối lại những gì đã mất. Cặp vợ chồng quyền quý Leo và Bianca cũng cho thấy rõ lựa chọn của mình, rằng tuy bị gán vào một ràng buộc không thể thay đổi, nhưng họ chấp nhận và tôn trọng lẫn nhau. Một khác biệt lớn trước những truyền thống trước đó của cha mẹ họ.

Tác giả Rhys Bowen.

Một điều khác nữa cũng được thể hiện là nằm ở mặt hội hoạ. Zweig từng nói ở thời điểm đó “mỗi biểu hiện của cuộc sống mới tự khẳng định mình một cách khiêu khích. Hội họa mới tuyên bố tất cả những gì mà Rembrandt, Holbein và Vélazquez sáng tạo ra là lỗi thời, và tiến hành những thử nghiệm lập thể và siêu thực điên rồ. Khắp nơi người ta bài trừ những thứ có-thể-hiểu-được: giai điệu trong âm nhạc, sự giống nhau trong một chân dung…" Do đó không ít lần hội hoạ trừu tượng của Picasso bị coi là rẻ tiền, còn những phong cảnh đồng quê mới xứng đáng có một chỗ đứng. Những người trẻ của thế hệ sau đã nỗ lực xoá bỏ điều đó. Họ sống trong thời đại của riêng bản thân và tự kiến thiết chính mình thành con người mới. Tuy nhiên bi kịch vẫn đeo bám họ, và họ chọn cách chấp nhận, để được sống như những gì sau cuối bản thân có thể hướng đến.

VẺ ĐẸP Ý

Đặt bối cảnh vào cảnh quan Venice mê hoặc lòng người, Kí hoạ Venice bên cạnh một câu chuyện tình phi thời gian, nó cũng cho thấy cái đẹp ở rất nhiều mặt, từ con người, cảnh quan cho đến thức ăn và bầu không khí. Ở đó lặn ngụp giữa những chiếc thuyền đáy bằng là hệ thống phố hẹp, kênh đào đặc trưng. Xuôi theo dòng nước là những cây cầu bắc qua hai bờ, trong khi xa xa là những cung điện, nhà thờ ẩn chìm trong bầu trời xanh.

Venice còn là nơi chốn của những lễ hội, các cuộc triển lãm nghệ thuật, cũng như những món trên các bàn ăn vô cùng đặc sắc. Mỗi một bữa tối ở nhà nữ bá tước Fiorito hay cuộc gặp gỡ của riêng “đôi bồ câu trẻ” đều là một bàn đầy những mĩ vị ngào ngạt. Rhys Bowen đặc tả những chi tiết này để mang về lại một Venice của những thập niên 1920 phù hoa, nơi hưởng lạc là thứ mà những tri thức cần có trong đời sống đậm đặc nghệ thuật của họ.

Và cái đẹp ấy còn là tình người, là tính nhân văn của những con người chịu chung bi kịch. Đó là nữ bá tước Fiorito - một người hết lòng vì nghệ thuật và bè bạn, đã giúp những hoạ sĩ Do Thái tài năng ẩn náu trong nhà của mình. Bà quý trọng tài năng của họ, và đôi khi còn là một sự đồng cảm, bởi chính bà cũng là một người buộc phải gắn Ngôi sao. Đấy còn là Juliet cùng với cô bé Hanni trong quá trình chạy đến Thuỵ Sĩ - một con người vô tội mà tội lỗi duy nhất là biết tiếng Yiddish. Hay nổi bật nhất, là Leo và Juliet - những người không từ cả tính mạng mình để mơ đời sống thoát khỏi những trại tập trung. Nhưng đời sống cùng những tàn bạo không để họ yên, mà đến sau cuối thì cái chết vẫn mãi đón chờ.

Kí hoạ Venice có thể nói là một cuốn sách đẹp, yên bình và cũng chứa đựng rất nhiều phản kháng. Trong những ngày yên ả, nó cho thấy vẻ đẹp của con người, văn hoá cũng như tình yêu nghệ thuật. Tuy thế, những khi triều dâng như thể lòng tham quyền lực lên ngôi, nó cũng nổi sóng đánh úp con người. Nhưng dù cho có chìm trong bao cơn bĩ cực rồi thì họ cũng sẽ tìm thấy nhau, đến được với nhau và khép lại vòng tròn của mình. Một cuốn sách nhẹ nhàng, day dứt nhưng cũng phản ánh chính xác về một thời đoạn biến động không ngừng.

NGÔ THUẬN PHÁT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)