Đã có rất nhiều cuốn sách tập trung khắc họa sự tàn bạo của chiến tranh, nhưng số lượng phản ánh mặt đối lập - vẻ đẹp của con người trong thời đoạn đó, thì lại dường như thường lùi về phía bóng tối. Một thư viện ở Paris của Janet Skeslien Charles là một tiểu thuyết hiếm hoi ca ngợi vẻ đẹp của sách trong thời chiến tranh loạn lạc.
Dựa trên các dữ kiện có thật trong Đệ nhị Thế Chiến về những thủ thư anh hùng của Thư viện Hoa Kì ở Paris, tiểu thuyết kể về cách mà những cuốn sách có thể bừng lên giữa đêm tối chiến tranh. Xoay quanh Odile và những thủ thư, bạn đọc… ở thư viện ấy, cuốn sách đã tái hiện sức mạnh của tri thức, của đồng cảm cũng như luôn luôn vững tin vào trong tương lai tươi sáng.
Một thư viện ở Paris do Tân Việt và Nxb Văn học liên kết ấn hành, qua bản dịch của Hàn Băng Vũ.
Theo như chia sẻ của chính tác giả, Janet Skeslien Charles đã làm việc tại Thư viện Hoa Kì ở Paris với tư cách là người quản lí chương trình vào năm 2010. Đây cũng chính là lúc cô đã khám phá ra những câu chuyện về những thủ thư dũng cảm đã chiến đấu với Đệ tam đế chế khi trong tay không có “vũ khí” nào khác ngoài những cuốn sách quý giá. Được kể song song giữa hai mạch truyện: Paris những năm 1940 và vùng Froid ở Motana, nước Mĩ những năm 1980, Janet mở ra một vòng tròn lớn và khép nó lại bằng sự chấp nhận cũng như tha thứ.
CHIẾN TRANH BAO PHỦ
Là nhân vật chính của tiểu thuyết này, Odile ngay từ rất sớm đã có tình yêu đến vô bờ bến với các giá sách thư viện. Cô yêu mọi thứ ở nơi chốn ấy. Cô đã ghi nhớ hàng ngàn con số của hệ thống phân loại Dewey Decimal, cô không vắng mặt ở bất kì buổi giảng văn học Anh nào của giáo sư Cohen, và đối với cô, thư viện cũng chính là nhà.
Tuy được sinh trưởng trong một gia đình thượng lưu danh giá, không cần phải làm bất cứ công việc nào để kiếm sống, mặc cho cha mẹ hướng cô theo lối trở thành người vợ, người mẹ, người yên bề gia thất, tuy thế Odile vẫn dũng cảm đứng lên và làm những gì mà mình yêu thích. Điều đó lí giải cho những câu hỏi về niềm say mê cũng như hiến dâng hết mình cho những thư viện, nơi hàng tá cuốn sách cũng như tờ báo được gửi đến mỗi ngày, và những người thủ thư thì không có đủ thời gian dành cho ngay cả việc thở.
Mặc cho hạnh phúc thì chẳng tày gang, thế nhưng khi chiến tranh kéo đến, tất cả mọi người ở Thư viện Hoa Kì đều hướng một lòng đến việc giữ vững thư viện. Ở đó có cô giám đốc Reeder đầy chính xác cũng như cứng rắn, có Helene vô cùng quyết tâm, có Margaret đến từ nước Anh xa xôi nhưng đã quyết tâm gắn bó đời mình cùng với thư viện, cũng như Boris đến từ giới quý tộc nước Nga không biết làm việc gì khác ngoài bước đi giữa những giá sách thư viện…
Ngay cả trong những ngày tháng Paris trở nên vắng tanh bởi những tiếng súng phát động chiến tranh, khi những người Do Thái buộc phải cài sao còn bọn SS diễu quanh khắp những con phố, thì nhịp sống ở nơi Thư viện vẫn được duy trì một cách kiên định. Giữa một thời đoạn không thể đoán trước điều gì, nơi từng đất nước tham gia tham chiến chỉ mới hôm nay còn là đồng minh thì ngay hôm sau đã là kẻ thù, những người anh hùng ở thư viện ấy vẫn tin vào sức mạnh của sách vở và nhiệm vụ của mình.
NHỮNG ANH HÙNG “TAY KHÔNG TẤC SẮT”
Đối với họ, sách vở như những món đồ kim khí của Thần thợ rèn Hephaistos, những vật ngay cả những vị thần chiến tranh như Ares hay Athena cũng không thể chạm vào được. Thư viên là nơi bắt đầu của những tình bạn tâm giao, là nơi những người li hương cảm nhận nỗi nhớ nhà như đang gần lại. Ở thư viện ấy, bên cạnh Odile, tất cả mọi người đều phục vụ sách vở cho những người lính. Họ soạn sách cho các bệnh viện cũng như căng tin dã chiến. Họ tổ chức quyên góp cũng như viết thư cho nhà tài trợ. Hàng ngày họ đã phải đóng hàng vạn cuốn sách để gửi đến những vùng xa xôi cho các quân đội Anh, Pháp, Tiệp Khắc và những nước khác.
Họ có những chồng sách cao lên đến tận nhà, họ có hàng tá hàng tá những tình nguyện viên cũng như hàng nghìn cuốn sách liên tục đổ đến. Như cô Reeder nói, thư viện chính là lá phổi, và những cuốn sách góp phần đem lại không khí tươi mới giúp cho các trái tim duy trì nhịp đập, giúp cho bộ não tưởng tượng cũng như duy trì những khát vọng sống. Những người lính bị thương coi chúng như bạn đồng hành trước khi nhắm mắt một lần mãi mãi. Trong những chiến hào, giữa các đêm trường lạnh giá, sách là người bạn và cũng là nguồn an ủi duy nhất khiến họ thấy mình vẫn đang tồn tại.
Nguyên mẫu của các nhân vật trong Một thư viện ở Paris.
Bạn đọc cũng dựa vào đó để nắm được các tin tức. Ở xa ngoài kia tận nơi chiến trường, các chiến sĩ cần sách để mà biết rằng bạn bè, quê hương cũng như tổ quốc của họ ở nơi thư viện vẫn còn quan tâm đến mình. Thư viện cũng chính là nơi bám giữ, thắp sáng lên những hi vọng cho quân đội. Do đó với bọn SS, thư viện là nơi tối quan trọng cho chúng để tâm. Ở đó chúng tịch thu các tác phẩm khoa học, văn học và triết học của từng quốc gia. Chúng ăn cắp các bộ sưu tập cá nhân của các gia đình Do Thái nổi tiếng. Chúng xông vào như bão và cuỗm sạch toàn bộ các bộ sưu tập... để xóa sổ hết những nền văn hóa của các quốc gia một cách nhanh nhất.
Do đó chúng đã chiếm đóng Thư viện Ba Lan, Thư viện Nga, Thư viện Tiệp Khắc, Thư viện Ukraine… và nhiều nơi chốn khác nữa. Tuy nhiên không gian sách vở chiếm giữ vai trò vô cùng to lớn, để mặc cho những tội ác mà chúng giáng xuống cho nhân loại, thì các Bibliotheksschutz hay “Người kiểm tra” như Tiến sĩ Fuchs cũng đã dũng cảm nhận ra tình yêu văn chương gắn kết những người thủ thư lại cùng với nhau. Mặc cho đà tiến của quân SS, Fuchs đã kịp cảnh báo cho cô Reeder về những “thư quạ”, về những loại sách cũng như các bức tranh châm biếm đang bị chỉ điểm cũng như cần kíp gỡ xuống.
Sự thống nhất trong tâm trạng ấy không kéo dài lâu, khi giờ đây bọn Đức Quốc xã cũng đã tước đoạt đến những khoảnh khắc tuyệt vọng cũng như hạnh phúc dẫu chỉ là trong những cuốn nhật kí. Khi bạn đọc Do Thái bị cấm đến các Thư viện, Odile và những người bạn của mình đã kịp vận chuyển những tác phẩm mà họ mong muốn đến nhà của họ. Tuy là những việc làm vô cùng khó khăn cũng như bị kiểm soát vô cùng gắt gao, thế nhưng họ luôn vững tin vào hành động đó, về cây cầu nối với thế giới, cũng như sinh khí của những “lá phổi” khiến con người ta còn sống trong niềm hi vọng.
BI KỊCH CÁ NHÂN
Nhưng rõ ràng hành động nào rồi cũng phải trả giá, và với cuốn tiểu thuyết này, Janet đã hướng nó vào các bi kịch gia đình, để cho thấy rằng cuộc đời vốn luôn bất công và không thể đạt được những điều tốt đẹp vào cùng một lúc. Paris vốn là thành phố của các độc giả, của ẩm thực, là nơi chất chứa những câu chuyện ngân nga giai điệu… nhưng kể từ khi những khẩu súng cất lời, nó đã là nơi của những bạo tàn cũng như mất hết nhân tính. Con người ở thời điểm đó buộc phải lựa chọn giữa bản thân mình và những việc làm dù là “khốn khổ khốn nạn” nhằm để bảo vệ gia đình, hay vẫn giữ vững khí tiết để rồi mọi người rồi sẽ tan hoang.
Do đó bố của Odile mang danh là một cảnh sát thế nhưng cuối cùng vẫn phải lựa chọn làm tay sai cho bọn SS để giữ vững cũng như nuôi sống trọn vẹn gia đình. Ông là người nghiên cứu các lá “thư quạ” - các bức tố cáo đa phần ẩn danh những thông tin mật cho bọn SS. Cũng tương tự thế là Margaret, người bạn thân thiết đến từ nước Anh, phải chọn ở cùng Felix - tên lính phục vụ cho Đệ tam Đế chế, để nuôi sống mình, cung cấp thực phẩm cho nhà Odile cũng như đảm bảo cho cá nhân cô trong một thời điểm biến chuyển từng ngày.
Nhà văn Janet Skeslien Charles.
Những con người ấy đã phải lựa chọn ở ngã ba đường, trong thế lưỡng nan không có kết quả nào thật tối ưu. Do đó trong những mối quan hệ gia đình, họ đã lựa chọn đứng bên những người mà mình thân thiết, mặc cho là những điều tiếng lưu truyền cho đến sau cuối. Nó có thể là những rạn nứt quan hệ, nhưng cũng có thế đầy tàn bạo hơn, với sự điên cuồng trả đũa, với con người ở vị thế bị trị giờ đây vùng lên không còn lí trí để mà trả thù.
Janet không chỉ đơn thuần ca ngợi những vị “anh hùng” với các việc làm của họ, mà cô cũng đồng thời cho thấy những góc khuất cũng như các lựa chọn mà họ phải chịu. Thông qua các chi tiết ấy, Một thư viện ở Paris phần nào cũng cho thấy sự vươn lên của tính nữ trong việc giành giật cũng như lựa chọn cuộc sống của riêng mình. Thập niên 40 - 50 ở giai đoạn ấy là nơi theo truyền thống Anh phụ nữ không thể bàn chuyện gì khác ngoài việc bếp núc trong khi đàn ông chỉ toàn nói chuyện đao to búa lớn.
Đối với những phụ nữ trẻ như Odile, cô không chỉ phải chịu đựng ách gông kiềm của cha mình - một ông già lỗi thời - trong việc yên phận gia đình cũng như kiếm được người chồng có phần xứng đáng; mà đó còn là ánh mắt nghi ngại của những người đàn ông khi cô dám đặt mình vào vị trí nguy hiểm khi cùng vận hành thư viện qua thời chiến tranh. Janet qua cuốn sách này cũng cho thấy được những sự cổ hủ ở thời kì ấy, với việc li hôn như một tội ác tôn giáo, và Odile chính là điển hình cho những con người mạnh mẽ với ý tưởng lớn, biết mình là ai, dám làm và khao khát làm.
Với Một thư viện ở Paris, Janet Skeslien Charles đã cho thấy được ánh sáng qua những đêm trường tối tăm, với những cuốn sách, với sự đồng cảm của những con người thầm lặng. Là một tác phẩm lịch sử - lãng mạn, cuốn tiểu thuyết này dịu dàng và cũng đẹp đẽ một cách dễ chịu.
NGÔ THUẬN PHÁT
VNQD