Emi Yagi là biên tập viên cho một tạp chí dành cho phụ nữ nổi tiếng tại Nhật Bản. Đêm về, cô dành thời gian để viết cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình"Diary of a Void". Năm 2020, sách đã nhận được giải thưởng Osamu Dazai danh giá nhờ cái nhìn sâu sắc về cuộc sống lao động và kì vọng giới ở Nhật Bản.
Nhà văn Emi Yagi
Trong một cuộc phỏng vấn với The Japan Times gần đây, Yagi chia sẻ cuộc sống của cô không có nhiều thay đổi kể từ khi xuất bản cuốn tiểu thuyết của mình. Ban ngày, cô vẫn làm việc toàn thời gian tại tạp chí, và khi về nhà, cô sẽ tung tẩy với công việc viết lách.
Diary of a Void được David Boyd và Lucy North dịch sang tiếng Anh và được Viking phát hành gần đây, có thể không làm thay đổi rõ rệt cuộc sống của độc giả, nhưng nó đã mở ra nhiều góc nhìn về việc tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, về tình mẫu tử, về sự cô đơn theo những cách vừa đơn giản vừa sâu sắc.
Yagi nói về cuốn sách của mình: “Cuốn sách đề cập tới những vấn đề mà phụ nữ phải đối mặt trong đó có cả nỗi cô đơn. Tôi muốn viết một câu chuyện, ở đó người phụ nữ không nên cảm thấy mình bị ràng buộc vào một số vai trò nhất định - như nhân viên văn phòng, làm người vợ, người mẹ. Và qua cuốn sách, chúng ta sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc chia sẻ và cảm thông với người khác. Chúng ta không nên đánh giá mọi người qua vẻ bề ngoài, cho dù họ đã kết hôn hay độc thân, mà hãy cố gắng đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu được những suy nghĩ, cảm xúc của họ, thay vì chỉ nhìn thấy và đánh giá người khác qua vẻ ngoài”.
Bìa cuốn sách Diary of a Void.
Người kể chuyện ở Diary of a Void là Shibata, một nữ nhân viên điển hình trong giới kinh doanh Nhật Bản. Để tránh bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc cũ của mình, Shibata đã tìm một công việc mới tại một công ti sản xuất ống các tông. Cô muốn khởi đầu công việc mới của mình với tốc độ chậm hơn và ít lăn xả hơn. Nhưng chẳng bao lâu, cô đã bắt đầu bực bội khi làm việc giữa một tập thể hầu hết là nam giới, họ kì vọng đối với cô - với tư cách là người phụ nữ duy nhất trong bộ phận của mình, sẽ vừa làm việc, vừa đảm đương các chuyện lặt vặt như phục vụ trà, cà phê tại các cuộc họp và dọn dẹp...
Một ngày nọ, Shibata từ chối lau rửa những chiếc cốc bẩn của đồng nghiệp với lí do rằng mình mang thai và bị ốm nghén. Lí do này đem lại những lợi ích khác cho Shibata: được rời văn phòng sớm mỗi ngày như bất kì phụ nữ mang thai nào. Sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của Shibata được cải thiện đáng kể - ngoại trừ việc cô không thực sự mang thai.
“Những gì tôi đã làm không được cho là một hành động nổi loạn – mà giống như một thử nghiệm nhỏ,” Shibata nói trong cuốn tiểu thuyết. “Tôi muốn xem liệu có bất kì đồng nghiệp nào của tôi, ai đó có mặt trong cuộc họp, có thể dọn dẹp hay không”. Bằng giọng điệu được tiết chế một cách hoàn hảo trong bản dịch của Boyd và North, những quan sát và lựa chọn của Shibata vừa dễ hiểu vừa hài hước.
Tiểu thuyết được trình bày dưới dạng nhật kí, là 40 tuần mưu kế của người kể chuyện. Từ lời nói dối ban đầu, Shibata nhanh chóng quyết định giả danh người mang bầu. Cô tải và cài ứng dụng mang thai trên điện thoại, tham gia lớp thể dục nhịp điệu trước khi sinh, ăn những thực phẩm lành mạnh hơn cho em bé - và tăng cân đều đặn. Khi lời nói dối của cô tăng dần theo những tuần trôi qua, câu chuyện thay đổi khi cả Shibata và người đọc bắt đầu tin vào việc cô mang thai. Yagi khéo léo sắp xếp các khoảnh khắc của cuộc trò chuyện siêu thực với Đức mẹ Đồng trinh Mary, hay những phép màu hàng ngày khi sinh ra một đứa trẻ bởi Shibata bắt đầu cảm thấy cuộc sống bên trong cô ấy đang chuyển động.
Có một cuộc sống mới đang phát triển bên trong cô ấy, ít nhất là về mặt ẩn dụ. “Ngay cả khi đó là lời nói dối, thì vị trí đó vẫn thuộc về riêng tôi,” Shibata nói trong cuốn tiểu thuyết. “Đấy là lí do tại sao tôi sẽ giấu kín. Nó không cần phải là một lời nói dối lớn - chỉ đủ lớn để một người có thể phù hợp. Và nếu tôi có thể giấu kín lời nói dối đó trong trái tim mình, biết đâu cuộc sống có thể dẫn tôi đến một nơi nào đó. Ở một nơi khác, một nơi nào đó khác”.
Trung tâm của câu chuyện là sự cân nhắc hài hước, tréo ngoe của Yagi về cách một người phụ nữ, bị mắc kẹt trong mạng lưới lừa dối do mình tạo nên, cố gắng đấu tranh để sống một cuộc sống có ý nghĩa thông qua công việc và các mối quan hệ với những người khác.
Yagi chia sẻ, việc đọc cuốn There’s No such Thing as an Easy Job của Kikuko Tsumura (xuất bản lần đầu tại Nhật năm 2015) đã ảnh hưởng đến việc khám phá về những người lao động tại Nhật Bản. “Tsumura khiến tôi suy nghĩ về ý nghĩa của công việc, rằng công việc không chỉ để hoàn thành để nhận lương, mà còn về quá trình bạn lao động, bạn nghĩ về điều gì, có cảm xúc thế nào, có thoải mái và yêu thích nó hay không”, Yagi nói. "Tất cả những điều này có ảnh hưởng quan trọng đến cách bạn thực hiện công việc của mình".
Diary of a Void không chỉ tập trung vào những vấn đề mà phụ nữ phải vật lộn trong công việc; nó còn mời gọi suy nghĩ về những kì vọng của phụ nữ và nam giới phải đối mặt. Giống như câu chuyện về một đồng nghiệp nam của Shibata thường xuyên bị bắt nạt tại nơi làm việc nhưng vẫn phải kiên trì làm việc để duy trì cuộc sống. Sách cũng không chỉ đề cập tới văn hóa làm việc của Nhật Bản, mà còn sinh động, thiết thực với những người lao động toàn cầu. Đối với nhiều phụ nữ trên khắp thế giới, việc cá nhân tìm kiếm ý nghĩa và sự thỏa mãn trong cuộc sống là một vấn đề khó khăn và phức tạp, do áp lực xã hội buộc người phụ nữ phải hướng tới các vai trò giới truyền thống, đặc biệt là ở Nhật Bản, nơi những kì vọng về giới được coi là chuẩn mực.
“Tôi có nhiều cơ hội để nói chuyện với phụ nữ lớn tuổi, ở độ tuổi khoảng 40, 50. Nhiều người trong số họ không ra ngoài làm việc mà sẽ làm việc tại nhà, làm việc nhà, chăm sóc con cái, cha mẹ già, phát triển sở thích cá nhân... Tôi cảm thấy công việc của họ thiết thực và quan trọng, thậm chí hơn cả làm việc ở một công ti lớn, và những câu chuyện của họ cũng góp phần giúp tôi viết nên cuốn sách này”, Yagi nói.
THÀNH NAM theo The Japan Times
VNQD