Là một nhà văn người Đức gốc Rumani, Herta Müller trong các tác phẩm của mình đã thể hiện một góc nhìn không khoan nhượng vào trong lịch sử, để từ kí ức dồn nén, bà đã tái lập nên những vết thương có phần khó nói từ trong quá khứ.
Nhịp thở chao nghiêng (nguyên tác: Atemschaukel) là cuốn tiểu thuyết được xuất bản vào năm 2009 ngay đúng thời điểm Müller được Uỷ ban Nobel vinh danh. Cốt truyện xoay quanh Leopold Auberg - một cậu thanh niên Rumani 17 tuổi bị bắt trở thành lao động cưỡng bức tại Nga khi quân Đồng minh tiến vào để “tái xây dựng” một Liên bang mới. Bằng những kí ức ở trại lao động, Herta Müller đã gợi nên nỗi đau của cơ số người khi quyền lực đổi ngôi, và các giá trị con người đi xuống thấp nhất.
Nhịp thở chao nghiêng do Phan Book và Nxb Hội Nhà Văn liên kết ấn hành. Dịch giả Đỗ Phương Thúy đã dịch từ ngôn ngữ gốc, có sự trợ giúp của chính tác giả ngay sau khi tác phẩm ra mắt
Như bà thừa nhận, Nhịp thở chao nghiêng được viết bằng những câu chuyện có phần “cấm kị” mà bà nghe lén từ trong gia đình cũng như những người hàng xóm. Tác phẩm này được viết từ những trao đổi giữa bà với Oskar Pastior - một trại nhân cùng làng. Sau khi ông qua đời, từ ba cuốn sổ chép tay, bà đã chắp bút viết nên cuốn tiểu thuyết đầy khó khăn này.
Một trong những yếu tố có phần quan trọng trong văn chương của Herta Müller là tính hình tượng, và trong Nhịp thở chao nghiêng, một lần nữa ta lại thấy được điều đó. Có lẽ bắt nguồn từ những kí ức kể lại, nên so với Thú người (nguyên tác: Herztier) được sáng tác hơn một thập kỉ trước đó, cuốn sách này của bà không có quá nhiều hình tượng.
Thú người xuất bản vào năm 1994 có thể nói là một tác phẩm bán tự truyện của chính Herta Müller, tập trung hướng vào chế độ độc tài Rumani. Trong tác phẩm trên, lối viết thi tính với các hình tượng ẩn dụ như mận xanh, dâu tằm, bím tóc, áo trắng… mang nhiều ý nghĩa và mỗi lần xuất hiện là một ý nghĩa rất khác.
Xuất thân từ vùng Banat miền tây Rumani nơi sắc dân thiểu số Schwaben sinh sống, Herta Müller có cách kết hợp cũng như sử dụng ngôn từ độc đáo. Những cụm “thú người”, “chó đất”… là thứ mà ngay cả người Đức chưa bao giờ nghe. Nó xuất phát từ sự quan sát, kết hợp những từ vựng đồng âm, đa âm của Müller nhằm mang đến một cảm giác đặc biệt khi gợi tả những sự thật trần trụi và không tuân theo những thông lệ thường.
THẦN ĐÓI TỐI CAO
Trong Nhịp thở chao nghiêng, Thần đói chính là hình tượng trở đi trở lại xuyên suốt. Ngay cả Atemschaukel cũng là một từ rất khó dịch được sang các ngôn ngữ khác, nên ở bản chuyển ngữ tiếng Anh được biết đến rộng rãi, Philip Boehm đã chuyển nó thành Hunger Angel - Thiên thần đói khát, nhấn mạnh vào chính hình tượng Müller sử dụng trong phần lớn sách.
Với các kí ức ở trại lao động cưỡng bức, Thần đói là thứ ngự trị, là một vật thể, là một phương trình mà 1 gầu than = 1 gram bánh mì. Ở đó thay vì quyền lực tối cao của tay quản trại, Müller mang đến một điều gần hơn, cần hơn và cũng dễ thấy hơn, là cái đói. Ở đó, Thần đói vừa là người bạn, vừa là một kẻ đánh cắp tâm trí, để đầu óc của những trại nhân chỉ còn mê đắm những việc xúc xẻng.
Cái đói giờ đây chiếm lấy uy quyền của mọi quyền lực. Không cần bạo lực, độc tài… nó len lỏi phá hủy con người từ tận bên trong, khiến họ sau cơn sôi máu không thể kiểm soát, và bỗng nhận thấy mình không còn là con người theo mọi khía cạnh. Müller không viết những chuyện đao to búa lớn, từ những dòng nhánh chủ lưu, bà viết về những kí ức bị kiểm soát, bị nhấn chìm bởi một vị Thần, mà giờ đây trong cơn điên loạn, người ta cho rằng nó là một thứ vật chất.
“Cái đói không bao giờ cũ cứ lớn lên mãi không đủ no, chen vào cái đói cũ mèm mà người ta vất vả lắm mới thuần dưỡng được. Làm thế nào để mãi lang thang trong thế giới này khi người ta không biết nói gì với bản thân ngoài việc mình đang đói?” Thần đói chi phối mọi thứ, và khiến trại nhân hóa điên cũng như giúp cho những nỗi khiếp đảm có thể trưởng thành.
Bởi sự thiếu thốn nên người ta phải cân nhắc xem có nên ăn hết một mẫu bánh mì cho suốt cả ngày vào buổi sáng không? Ở đó họ phải liên tục nhìn ngắm gương mặt xinh đẹp của người phân phát - mụ Fenja xấu đau xấu đớn, mà vì 800 gram bánh mì hằng ngày với xúp rau củ nhạt toẹt, người ta bỗng thấy mụ ấy duyên dáng xinh đẹp quá chừng. Và đó cũng là nguyên do khiến cho người ta nổi lên máu điên, để rồi “tòa án bánh mì” cũng không chứa đựng ngay cả những thứ đạo đức thâm căn cố đế.
Thần đói xoay quanh mỗi một người, để khích bác và phá hủy họ. Thần đói khiến cho bọn họ cảm thấy kém cỏi, và ngay cả Leo cũng không đành lòng nhận lấy chiếc khăn mùi xoa của người phụ nữ Nga có con cũng bị bắt đi giống y hệt cậu. Cái đói khiến cho vợ chồng lục đục, khiến người chồng Gaston ăn từng phần xúp của chính vợ mình. Trong khi bà Gaston vì quá kinh hoàng, vì quá hoảng loạn, đã không thể làm gì khác ngoài việc chấp nhận điều ấy như thể hiển nhiên.
Tuy thế trong những kí ức, cái nhân văn đôi khi vẫn còn tồn tại, và là khoảnh khắc lóe sáng của những đức tin vào những mệnh đề đạo đức căn bản nhất. Người ta thương hại Kati điên loạn bị lừa lấy mẩu bánh mì, hay đó là ranh giới duy nhất họ còn cảm thấy? Những trại nhân ấy nhớ lại thực đơn của những thức ngon từ trong quá khứ làm thành câu chuyện tiếu lâm nhại lại Thần chết. Họ kể ra các nguyên liệu như một vở kịch có nhiều kịch tính, họ tưởng tượng những con đường mùi hương, họ thấy từng khu trại là một món ăn…
Dẫu cho những trò “chơi khăm” tưởng như tươi sáng, những sự giành giật chính nghĩa tưởng như nhân văn… nhưng thật ra họ đang bị dồn vào đến chân tường, và những tưởng tượng một lần từng có chỉ như khoảnh khắc lóe lên ở trước cái chết. Ở đó họ được nhớ lại tương lai tươi sáng, họ được về lại mảnh đất thiêng liêng, mà dường như đã qua quá lâu khiến họ đôi khi không còn muốn về. Cái đói không những phá hủy con người từ tận bên trong, mà nó còn làm nên những định nghĩa có phần mới mẻ.
TỪ ĐIỂN CỦA NHỮNG TRẠI NHÂN
Trong năm năm ở lại trại lao động ấy, Leo đã nhìn thấy những thứ không còn như mình từng biết. Ở đó xi măng xây nhà cho các quan chức Liên bang đã bị đánh tráo khái niệm. Xi măng không còn là một vật chất để mà xây nhà, mà thay vào đó, nó là xi măng của Thần đói, xi măng của nhuốc nhơ, xi măng của phản trắc.
Nhà văn đoạt giải Nobel 2009 Herta Müller.
Bà viết “Chúng tôi sống theo ý xi măng. Chính nó mới là tên trộm, chính nó ăn trộm của chúng tôi. Không chỉ có vậy, xi măng còn khiến người ta trở nên xấu tính. Xi măng sẽ rất ngờ vực bằng cách bay đi tản tác, chính nó mới là kẻ mưu mô”. Tương tự với gạch bê tông, gạch nung đỏ, cát vàng… đặt trong những lớp nghĩa mới, những khía cạnh mới… mà ở đó chúng phá hủy con người bằng những đòn roi, bằng cái đói và bằng bạo lực.
Ở những trại cưỡng bức, họ bị ru ngủ bởi sự mất mát danh tính, và họ liên tục thay đổi chủ thể - bởi vị Thần đói và bởi chính mình. Ở đó họ luôn hoảng sợ trong những đêm trắng bị thức gọi dậy đến nơi nào đó. Vì sao loài cây hắc dương thân trắng giống như bạch dương nhưng lại chứa tiền tố gợi tả màu đen? Từ những trải nghiệm của người đứng chờ xử bắn trong đêm, Leo thấy chúng và hiểu điều đó. Thế giới của họ thuộc về Thần đói, để việc mà họ tin vào chính là Thần bói bài với Thần thời gian - là chiếc đồng hồ quả lắc ngân mãi câu hỏi: “Cúc cu ơi, chúng tôi còn sống được đến bao lâu?”
Tình yêu ở Zeppelin cũng không còn đúng như là bản chất của nó. Thay vì tình cảm to lớn như chiếc tàu bay thay đổi lịch sử, giờ đây chúng là địa điểm của những tình đêm trong trại lao động cưỡng chế. Ở đó đàn ông Rumani cảm thấy thua kém người Đức, bởi họ là những đối tượng thường trực được phụ nữ chọn. Cái chết giờ đây với họ không còn là những nhịp thở chao nghiêng, mà đó là việc đi móc những ổ bánh mì ở trong vỏ gối người chết mà họ hành động với một cảm giác bàng quang ổn định, không cảm thấy gì.
Và sau những sự bẻ gãy nhân tính, những trại nhân ấy khi trở về nhà không còn là mình. Nhà đã không còn như nơi trước đó. Họ một lần nữa mong muốn thoát li, bởi thị trấn ấy là cái đê khâu, nơi mỗi hòn đá đều có hàng ngàn con mắt. Nỗi đau từ trong quá khứ ám đến suốt họ, buộc họ phải nhớ. Đó là những thứ trong trại lao động quay về lũ lượt và phục kích họ. Đó là bầy thú trong mỗi người họ. Chúng chế ngự, trả thù, bóp họ cho đến nghẹt thở. Không chỉ Thần đói, giờ đây kí ức mang đến cho họ nhịp thở chao nghiêng - thứ hơi mỏng manh đang lan nhanh dần và rồi tan biến vào trong hư không.
Với Nhịp thở chao nghiêng, Herta Müller đã viết nên một tiểu thuyết vô cùng cá nhân, vô cùng ấn tượng mà đầy chấn động về những năm tháng lên xuống của dòng lịch sử. Bằng hai hình tượng xuất hiện chủ chốt Thần đói và Nhịp thở chao nghiêng, cuốn sách này cho thấy sự nhẫn tâm, tàn bạo cũng như thương tổn không thể nào nguôi từ trong lịch sử. Herta Müller đã quyết không để lịch sử chìm lấp với áng văn đầy mạnh mẽ và cũng đầy chất thơ, việc sáng tạo từ ngữ cũng như những liên tưởng vô cùng mê hoặc.
NGÔ THUẬN PHÁT
VNQD