Cô gái từ thị trấn

Thứ Bảy, 01/10/2022 00:35
Nhà văn Guzaloy Salih

Guzaloy Salih sinh năm 1984 tại vùng Khorezm, nước Cộng hòa Uzbekistan. Cô tốt nghiệp chuyên ngành Văn học hàn lâm, trường Đại học Quốc gia Uzbekistan. Học cử nhân tại Học viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Uzbekistan, học thạc sĩ tại Đại học Báo chí và Tuyên truyền Uzbekistan.
Tập thơ
Xayol so’qmog’i (Con đường của trí tưởng tượng, 2009), tuyển tập truyện ngắn Mehr rishtasi (Sự trói buộc của tình yêu, 2010) và tập truyện G’oliba (Người chiến thắng, 2019) của tác giả Guzaloy Salih đã được phát hành. Những bài thơ của cô được in trong tuyển tập Sevgi fesli (Mùa của tình yêu) được phát hành tại Azerbaijan. Cô là tác giả của tập phim tài liệu Ogahiy, Asilaning jasorati (Lòng can đảm của Asila) và bộ phim ngắn Hali urush tugamadi (Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc) nói về cuộc sống của những đứa trẻ ở Syria. Cô là hội viên của Hội nhà văn Uzbekistan.

---------------

Buổi chiều.

Chúng tôi đã có thể cảm nhận được hơi thở nóng rực của mùa hè trên làn da mình, mặc dù những ngày cuối cùng của mùa xuân vẫn còn ở lại. Mẹ tôi đang ngồi may một cái chăn dưới tán cây du. Con chó Snowy đang nằm ngủ lè lưỡi ở trong nhà. Bố tôi gọi nó là Snowy vì một lí do gì đó mà tôi không rõ; nhưng giờ chúng tôi đã quen gọi nó như thế rồi. Có lần bạn Dilfouz bảo tôi – với cái vẻ của một chuyên gia – là con chó phải được gọi là Shadow, hoặc Dusty, hay một thứ gì khác, chứ không phải Snowy. Tôi chấp nhận điều mà bạn ấy cho là có lí và bắt đầu gọi con chó là Shadow, nhưng bố tôi lại không đồng ý cho tôi đổi cách gọi con chó.

Nói thật thì lúc nào Dilfouz cũng là người phát hiện ra những điều mới lạ, trong khi đó tôi chỉ được nghe kể lại. Như một lần cô ấy học được một trò chơi mới có tên là “Chơi chuyền” khi đi thăm dì của cô ấy, và chúng tôi đã chơi trò đó từ đấy, với 5 viên đá cuội cỡ hạt mơ được đánh bóng trong tay.

Thường thì Dilfouz đến nhà tôi chơi từ sáng đến đêm mới về. Hiện tại cô ấy đang đứng đợi tôi ở bên cạnh cái ghế băng như mọi khi, và thỉnh thoảng tôi có thể nghe thấy tiếng lạch cạch của những hòn đá trong tay cô ấy. Bây giờ lẽ ra tôi đã có thể chơi cùng cô ấy, nhưng không, tôi đang phải ngồi đây và xâu một cái kim.

Tôi chỉ vừa mới liếm đầu sợi chỉ để việc xâu kim dễ hơn thì dì Bikajan, hàng xóm nhà tôi, sang chơi. Bình thường tôi không thích cách bà ấy lảm nhảm về một thứ gì đó, nhưung hiện tại bà ấy như thể là người phụ nữ tuyệt vời nhất thế giới vậy.

“Chúc cháu may mắn”, bà ấy bảo tôi, bước đi một cách khó nhọc qua khoảng sân, miệng thở hổn hển vì bệnh thừa cân của mình.

“Ồ, chào cô!” mẹ tôi vừa nói vừa đứng dậy để tiếp khách.

“Em nghĩ sẽ thật là tuyệt vời nếu em sang chơi hôm nay.”

“Cô nói phải” mẹ tôi bảo.

Chớp lấy cơ hội này, tôi đứng dậy, im lặng ra hiệu cho Dilfouz, và khi không ai để ý, chúng tôi trườn ra ngoài đến vùng sâu nhất của khu vườn, đến sân chơi bí mật của chúng tôi dưới bóng của một cây dâu tằm. Một nửa số cành dâu, với những quả to bằng ngón tay, ở bên sân nhà tôi, nửa còn lại mọc sang sân của Mẹ Hadicha.

Ngay khi đến chỗ cái cây của chúng tôi, Dilfouz hít một hơi thật sâu và nằm bệt xuống đất. Tôi ngồi cạnh cô ấy, rà tay qua lại trên nền cỏ. Những đám mây bụi cuộn lên, bay vào bầu không khí ấm áp, và tôi phủi chúng đi với tay còn lại. Rồi tôi đặt những hòn đá xuống.

“Cậu đã gặp bạn nữ từ trên thành phố về thăm Mẹ Hadicha chưa?” Dilfouz hỏi tôi, ngạc nhiên như thể cô ấy đang thấy thứ gì đó mà cô ấy chưa thấy bao giờ vậy. “Mẹ tớ luôn kể về sự tuyệt vời của cô ấy, về mái tóc dài óng mượt...”

Cô ấy nhìn tôi với ánh mắt tra hỏi trong khi đó tôi đang tưởng tượng ra hình ảnh một cô gái xinh đẹp trong một bộ váy màu hồng.

“Tớ gặp rồi,” Tôi nói, nửa khoe. “Ngày nào tớ cũng gặp bạn ấy.”

“Thật hả?”

“Ừ.”

“Tóc cô ấy có dài thật không?”

“Thật. Rất là dài luôn. Nó dài gần bằng bộ váy mà bạn ấy mặc, mà cái váy đấy phải dài đến đây này” tôi đứng dậy và chỉ xuống dưới đầu gối tôi. “Bạn ấy mặc một cái tạp dề trên cái váy khi làm việc nhà.”

Dilfouz mở to mắt. “Cậu nói chuyện với cô ấy bao giờ chưa?”

“Chưa, nhưng…”

“Các cậu đã làm gì? Đã chơi với nhau lần nào chưa?” Dilfouz bắt đầu mất kiên nhẫn thấy rõ.

“Bọn tớ chưa, nhưng mà…” tôi dừng lại, không biết nên nói gì, nhưng tôi tiếp tục “Tớ gặp bạn ấy mỗi ngày.”

“Bằng cách nào?” Dilfouz hỏi.

“Cậu muốn gặp bạn ấy không ? Để tớ chỉ cho.” Tôi nói.

Tôi đứng lại và bắt đầu trèo lên cây dâu tằm.

“Cậu đang làm cái gì vậy?” Dilfouz ngạc nhiên hỏi tôi.

Không nhìn lại, tôi ra hiệu cho cô ấy theo tôi. Cô ấy không hiểu rõ lắm tại sao tôi lại trèo lên cây, nhưng cô ấy vẫn theo sau tôi, trèo thoăn thoắt lên những cành cây. Tôi ngừng lại gần ngọn cây, và ngồi thoải mái ở một chỗ râm mát nơi mà những cành cây to đan lại. Từ đây chúng tôi có thể nhìn rõ được sân nhà Mẹ Hadicha và tôi còn thấy Mẹ Hadicha đang ngồi quạt cho mình. Cô gái từ thị trấn về đang quét sân.

“Bạn ấy đấy đúng không?” Dilfouz hỏi.

“Ừ,” Tôi nói thầm, như thể cô ấy có thể nghe thấy bọn tôi, nhưng cô ấy đang quá bận và ở quá xa, khó có thể nghe thấy chúng tôi nói.

Như một cô dâu mới cưới, cô ấy đội một chiếc khăn trùm đầu trên mái tóc dày và đen của mình, chúng tôi ngồi xem cô ấy cho đến khi cô ấy quét sân xong. Sau đó cô ấy cầm một cái thùng lên, nhúng nó xuống cái máng nước và chạy về phía cuối sân, vẩy nước khắp mọi nơi. Hai bàn tay của cô ấy rất nhanh nhẹn, và mỗi lần tạt, nước được rải đều ra sân, khiến nó sáng bóng lên dưới ánh mặt trời.

Cô gái đó mới chạy được nửa sân thì từ đâu đấy một con mèo chạy lại, dụi người vào chân cô ấy. Cô đặt xô nước xuống và bế con mèo lên, nhẹ nhàng và cẩn thận xoa đầu nó. Rồi cô ấy đặt con mèo lên cái ghế băng và tiếp tục với công việc của mình. Khi mọi việc đã xong, cô phủi tay trên chiếc tạp dề, bước đến chỗ dây phơi quần áo và nhẹ nhàng gỡ chúng xuống, xếp chồng lên nhau. Khá chắc là cô ấy làm cả việc giặt giũ nữa.

Ảnh minh hoạ.

Tôi vẫn đang chăm chú quan sát những cử chỉ linh hoạt của cô ấy khi Dilfouz kéo vạt áo tôi.

“Tớ chán rồi, xuống dưới chơi đi.”

Thoáng chốc chúng tôi đã quay trở lại nơi đặc biệt của chúng tôi, chơi trò chơi của quen thuộc. Tôi không nhớ chính xác chúng tôi đã chơi trong bao lâu, khi bất chợt tôi nghe thấy tiếng mẹ gọi.

“Mẹ tớ gọi đúng không ?” Tôi hỏi, nhìn về phía bạn mình.

Cô ấy lắng nghe một hồi trước khi nhún vai.

Chúng tôi lại tiếp tục chơi. Một lúc sau, tôi lại nghe thấy giọng của mẹ.

“Lần này thì đúng là mẹ tớ rồi!” Tôi nói, nhảy lên và chạy thục mạng về phía cái ghế băng.

“Mày vừa đi đâu đấy? Lại trốn dưới cây dâu tằm chứ gì ?” mẹ tôi tức giận hỏi.

Tôi cúi gằm mặt xuống, bĩu môi. Tôi không thích bị mẹ mắng trước mặt dì Bikajan. Đương nhiên, mẹ tôi để ý điều đó, và nó càng khiến mẹ khó chịu hơn với tôi.

“Đi vào rót cho mẹ ít nước đi, còn đứng đấy mà bĩu môi à” mẹ tôi bảo.

Tôi làm những gì được bảo mà không nói gì. Nhưung khi tôi bước ra ngoài từ nhà bếp, mẹ Hadicha vừa bước vào từ ngoài cổng.

“Cô đây rồi. Tôi tìm cô mãi.” Bà ấy nói với dì Bikajan.

“Vâng, con đang ở đây. Con sang đây để xem có thể giúp gì.” dì Bikajan cười và nói.

“Và em đã giúp được nhiều, nhưng mọi người không hay thấy em sang giúp tí nào.” Mẹ tôi nói với giọng trách móc.

“Cái chăn có vẻ như sắp xong rồi.” Mẹ Hadicha nói, ngồi xuống cạnh mẹ tôi trên chiếc ghế băng. Sau đó bà ấy lấy ra một chiếc váy atlas mới tinh. Cái váy như thể phát sáng dưới mặt trời vậy.

“Ồ, đẹp làm sao!” dì Bikajon nói, không thể giấu được sự ngạc nhiên. “Nói thật thì, con không nghĩ con bé có thể may váy tốt như vậy. Nó đã làm việc này một cách hoàn hảo!”

“Cô nói phải, chiếc váy thật là lộng lẫy. Con bé có thể làm một cái nữa cho con được không?” mẹ tôi nói với Mẹ Hadicha, vừa nói vừa xoay chiếc váy vài vòng.

“Đương nhiên là được rồi. Rano không bao giờ từ chối những yêu cầu này”.

Tôi ngay lập tức đoán ra là họ đang bàn về cô gái thành phố.

“Đây này, nó còn làm một cái cho Bikajan,” Mẹ Hadicha tiếp tục. “Và từ quận bên cạnh có hai cô gái mới đến. Rano cũng đã làm một cái cho họ. Và cho tôi nữa. Nó rất là đẹp; tôi sẽ cho các cô xem khi nào các cô sang chơi. Thực ra thì nó mới làm xong cái váy của Bikajan sáng nay, và giờ con bé đang nấu thứ gì đó để ăn nhẹ. Vậy nên tôi sang đây để mượn cô cái lưới lọc. Tôi quên mất chỗ tôi cất cái lưới lọc của tôi rồi.”

“Con bé đang làm món gì thế? Một cái bánh à?” dì Bikajan hỏi.

“Tôi không rõ. Hình như nó là một loại kẹo của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng tôi quên mất.” Mẹ Hadicha nhíu mày, xong quay về phía tôi. “Con có biết nó được gọi là gì không ?”

Tôi đáp lại bằng cách nhún vai, mắt tôi vẫn dán vào chiếc váy.

Mẹ tôi trả lời hộ tôi “Sao mẹ lại hỏi nó? Nó thì biết gì? Suốt ngày chỉ biết đi chơi thôi” Mẹ nói, rồi quay sang nói với tôi “Bằng tuổi mà thấy người ta làm được gì chưa? Đi lấy cái lưới đi!” mẹ tôi quát.

Tôi lấy cái lưới lọc từ trong bếp và đưa cho Mẹ Hadicha rồi chạy về phía cây dâu tằm khi mẹ tôi còn bận tiếp khách.

Sáng hôm sau, Mẹ Hadicha mang trả nhà tôi cái lưới lọc cùng một túi kẹo Thổ Nhĩ Kỳ đó. Tôi cầm lấy phần của tôi và chạy ra cây dâu để chia cho Dilfouz. Loại kẹo có hạt óc chó ở trên như tan chảy trong miệng tôi.

Vào buổi tối, nhà của dì Bikajan chật kín khách. Trên sân đầy trẻ con chơi với nhau. Đám con trai chơi đánh trận giả hoặc trốn tìm, trong khi đó đám con gái bọn tôi ngồi quây lại thành một vòng tròn để chơi trò chơi yêu thích của chúng tôi: chơi chuyền. Đột nhiên Iqbol, một đứa con của Giáo mục Madrim, thục khuỷu tay nó vào người tôi.

“Nhìn kìa! Tớ thấy bạn ấy trên TiVi. Bạn ấy được giải nhất môn Sinh học.” Cậu ấy chỉ về phía cô gái, người đang đứng dựa vào cái cổng, xem đám trẻ con chơi đùa.

“Thật hả?” tôi nói một cách ngờ vực. “Có thật là bạn ấy được lên TiVi không?”

“Ừ. Bố tớ bảo thế. Ông ấy còn bảo bạn ấy có thể nói được 3 thứ tiếng nữa ngoài tiếng Uzbek.”

Tôi nhìn về phía cô gái kia khi nghe bạn tôi kể chuyện, cảm thấy ghen tị với sự thành công của cô ấy, và có vẻ như cô ấy đã nhận ra chúng tôi đang nói chuyện về cô ấy. Mặt cô ấy đỏ bừng lên và cô ấy quay đi chỗ khác. Nhưng một vài phút sau, cô ấy quay lại. Trong đôi mắt của cô ấy có một thứ gì đó giống như nỗi buồn kết hợp với hi vọng vậy. Tôi đoán là bạn ấy muốn chơi cùng chúng tôi, nên tôi mới vẫy tay, ra hiệu gọi bạn ấy đến chơi cùng. Thấy tôi làm vậy, những đứa con gái còn lại cũng bắt đầu vẫy gọi bạn ấy. Lúc đầu thì cô gái thành thị không biết phải làm gì, sau đó cô ấy mới ngại ngùng tiến lại chỗ chúng tôi.

“Cậu có muốn chơi với bọn tớ không?” Dilfouz hỏi cô ấy. Cô gái thành thị gật đầu.

“Đây ngồi cạnh tớ này. Cậu có biết chơi trò này không ?”

“Tớ không biết…” cô bé nói, chớp đôi mắt khi ngồi xuống cạnh Dilfouz.

“Nhìn này.” Dilfouz chìa mấy hòn đá trong tay ra. “Có 5 viên đá, đấy là lí do tại sao trò chơi này lại được gọi như vậy. Hiện tại tớ đang có 6 điểm và đang đến lượt của mình. Cậu sẽ hiểu cách chơi khi cậu nhìn mình. Khi đến lượt của cậu, cậu sẽ bắt đầu với 1 viên đá, vì cậu vào chơi sau.”

Sau đó Dilfouz bắt đầu chơi. Một lúc sau là đến lượt của cô bé thành thị. Cô ấy nhặt những hòn đá lên, nhưng cô ấy lại dừng, không rõ phải làm gì. Dilfouz lấy lại những hòn đá từ cô bé và dạy cô ấy cách chơi một lần nữa. Cô gái thành thị được nhận lại chỗ đá, nhưng lại dừng lại.

“Hay chúng mình chơi bài đi.” Dilfouz gợi ý sau khi thấy tình cảnh của cô bé. Cậu ấy quay sang hỏi cô gái thành thị. “Cậu có biết chơi bài không?”

Cô gái ấy lắc đầu.

“Thế còn trèo lên cây Poplar trắng thì sao?”

“Không.”

“Chạy ba chân?”

“Không.”

“Ít nhất thì cậu phải biết môn chơi Cá sấu lên bờ chứ?”

“Tớ không biết…”

“Thế có trò nào cậu biết chơi không?” Dilfouz nói ngắn gọn, bực mình thấy rõ.

Cô gái thành phố im bặt, nhìn xuống những hòn đá trong tay mình. Tôi thấy rất tội cho bạn ấy.

“Chơi chuyền đi. Nó dễ hơn, và bạn ấy có thể học nó từ từ.” Tôi vừa nói vừa nhìn Dilfouz.

“Nhìn này” tôi nói với cô gái thành phố. “Đầu tiên cậu nhặt một viên đá lên, sau đó tăng dần lên 2 viên, rồi 3 viên. Tiếp tục như vậy với 4 viên. Sau đó cậu chơi một ván cuối cùng. Ở ván này cậu tung tất cả chỗ đá đó lên không và đỡ chúng bằng mu bàn tay. Cậu càng bắt được nhiều đá cậu càng được nhiều điểm. Cậu hiểu chưa?”

Cô ấy nhìn tôi như cách cậu bạn cùng lớp Sharif nhìn tôi mỗi lần tôi dạy cậu ấy toán vậy: cậu ấy gật đầu như thể cậu ấy hiểu, nhưng thật ra cậu ấy chả hiểu gì cả. Ngay lúc này bạn ấy đang gật đầu y như Sharif vậy.

Chúng tôi bắt đầu chơi. Khi đến lượt của cô gái thành thị, cô ấy nhặt chỗ đá lên, nhưng lại giữ yên chúng. Tôi giục cô ấy bắt đầu, và sau khi được tôi hối, cô ấy chia chỗ đá ra như thể cô ấy định chơi vậy. Sau đó cô ấy gom chúng lại, rồi lại chia chúng ra. Cuối cùng, cô ấy nắm chúng chặt đến nỗi chúng tôi có thể thấy gân tay cô ấy nổi lên và nghe thấy mấy hòn đá cọ vào nhau ken két.

Cô gái thành thị nghĩ một hồi, đưa ánh mắt bối rối về phía tôi và tôi còn chưa kịp mở mồm ra thì đám con gái còn lại đã xông về phía cô ấy. “Tại sao cậu lại không biết chơi trò này?..” “Cậu phải làm như thế này này…” “Đây! Phải làm như thế này!..” “Cậu ném nó lên không trung…” “Sao cậu không học được?..” “Cậu chưa chơi trò nào bao giờ à?..”

Giữa tiếng ồn ào, cô gái thị trấn nhìn từ người này đến người khác, sau đó cô ấy che mặt lại bằng hai tay và òa khóc. Đột nhiên, cô ấy bật dậy và chạy vào trong nhà, bỏ lại chúng tôi đứng nhìn, ngoác miệng ngạc nhiên.

“Sao cậu ấy lại khóc?” bọn tôi hỏi nhau.

Chúng tôi nhìn nhau và nhún vai, không hiểu chuyện gì vừa xảy ra.

NGUYỄN KHOA dịch từ bản tiếng Anh

 

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)