Bí mật của Naoko, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”?

Thứ Sáu, 14/10/2022 00:25

Là tác phẩm đưa tới cho Higashino Keigo giải thưởng Tác giả truyện trinh thám Nhật Bản lần thứ 52 cho hạng mục Tiểu thuyết Xuất sắc nhất, Bí mật của Naoko đi sâu vào những khuất khúc trong tâm hồn con người. Để độc giả nhận ra, trong bi kịch, chẳng ai là không khổ đau.

Một tai nạn xe khách thảm khốc diễn ra ở vùng núi nước Nhật. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc tài xế lao lực dẫn đến không thể làm chủ tay lái. Gần như toàn bộ người đi trên chuyến xe đó, cả hành khách lẫn tài xế, đều đã thiệt mạng. Chỉ trừ cô bé có tên Monami, con gái kĩ sư Heisuke còn sống sót do được người mẹ Naoko che chở. Với Heisuke, dù mất vợ nhưng vẫn cứu được con gái, có lẽ cũng là một dạng may mắn trong bất hạnh. Nhưng may mắn thật không hay chỉ là sự kéo dài vô tận nỗi thống khổ, khi thân xác Monami đấy mà linh hồn lại là Naoko?

Một cuốn tiểu thuyết nghiệt ngã không hẳn là trinh thám

Trước hết, cần phải nói một điều rằng, xếp Bí mật của Naoko vào thể loại trinh thám là sự sắp xếp có phần khiên cưỡng. Bởi nhân vật chính không phải cảnh sát hay thám tử. Câu chuyện có một vụ tai nạn nhưng lại không cấu thành lên án mạng cần lực lượng chức năng điều tra, truy vết trong nhiều ngày, càng không nhằm tìm kiếm bí ẩn của tội phạm trong một cốt truyện căng thẳng gay cấn.

Tuy nhiên, Bí mật của Naoko lại là cuốn tiểu thuyết gần như mẫu mực của thể loại kì bí Higashino Keigo viết lên. Khi ở đó, chứa đựng hàng loạt bí ẩn trùng điệp và tác giả đã đi vào sâu vào từng bí ẩn đó, từ đấy khắc họa sâu sắc muôn mặt nội tâm nhân vật giằng xé, đau đớn cùng cả bầu không khí đậm chất “Nhật Bản” những năm cuối thế kỉ XX, tiệm cận thế kỉ XXI.

Và nếu cố gắng kiếm tìm yếu tố trinh thám, phá án ở đâu trong cuốn sách này, có lẽ chỉ có thể kể tới hành trình Heisuke tìm hiểu nguyên nhân vì đâu người lái chuyến xe định mệnh ngày đấy lại làm việc quá sức. Nhất là vào bối cảnh, dù lao lực tới tận lúc ra đi, cuộc sống anh ta vẫn rất khó khăn dù số tiền anh ta kiếm ra không hề nhỏ.

Song cuối cùng, đây cũng không phải vấn đề nổi bật ở Bí mật của Naoko. Vì Heisuke chỉ tìm hiểu bí ẩn đó một cách nửa chừng. Anh không có nhu cầu tìm đến chân tướng, càng không có nhu cầu bóc trần sự thật để lật tẩy ai. Cốt truyện tác phẩm này, tập trung xoay quanh những biến đổi trong gia đình Heisuke sau vụ tai nạn, lúc linh hồn Naoko đã nhập vào thân xác Monami.

Ảnh minh hoạ.

Bằng lối dẫn truyện tự nhiên, tác giả Higashino Keigo đã khắc họa một cách chân thực, thấm thía đến nghiệt ngã bi kịch cá nhân, bi kịch gia đình, và rộng hơn, có lẽ là bi kịch cả một xã hội đang dần chuyển mỉnh sang thế kế kỉ mới.

Tựa cuộc sống chảy trôi không ngừng, qua hình thức truyện lồng truyện lớp lang đầy biến hóa, Bí mật của Naoko đi tới từng góc khuất trong tình tiết ở mỗi câu chuyện nhỏ giữa tổng thể cả câu chuyện lớn. Và cách Keigo tiên sinh hé mở sự thật như cách con người, dần dần nhận thức được cuộc sống cùng những điều nghiệt ngã trong cuộc đời. Giống với Heisuke, dù không chủ định tìm tới tận cùng mọi ẩn số, thì bức màn bí ẩn chứa đựng hiện thực tàn khốc, vẫn sé hé mở với anh.

Thực sự, có lẽ số phận, cuộc đời đã đối xử quá tàn nhẫn với Heisuke. Tai nạn qua đi, anh tưởng mất vợ còn con thì cuối cùng lại nhận ra cả hai vẫn sống nhưng lại tồn tại trong cùng một thân xác. Vốn nghĩ đấy là hạnh phúc mà rồi những mâu thuẫn cứ như vậy nảy sinh, khoảng cách giữa hai người vốn từng là vợ chồng thân thiết ngày một hóa thành hố sâu không thể khỏa lấp. Khi vấn đề sinh lí cùng hạnh phúc cá nhân của Heisuke luôn không thể vượt thoát được vấn đề tình cảm, đạo đức, luân thường thì tuổi tác người đàn ông này đã dần lăn tới sườn dốc phía sau đời người. Còn vợ anh, Naoko trong thân xác con gái, lại có được cả tuổi trẻ phía trước.

Nguyên nhân vụ tai nạn, nguyên nhân dẫn đến thống khổ Heisuke phải trải qua, vốn chỉ có thể đổ cho người tài xế gây tai nạn. Nhưng rồi anh đổ lỗi làm sao khi con người kia lao lực đến thế, tất cả cũng chỉ vì hai từ lòng tốt và trách nhiệm. Để đến tận cùng nỗi đau, chính là lúc Heisuke nhận ra anh đã đánh mất tất cả. Cả thời gian, hạnh phúc của anh lẫn người vợ và con gái anh hằng nâng niu, bảo vệ. Heisuke chỉ còn biết bất lực nhìn Naoko bước tới cuộc sống mới mà cay đắng nhận về nỗi cô đơn khắc khoải cùng tuổi già treo lơ lửng trên đầu. Trong một bí mật, mãi mãi sẽ chôn vùi vào quá khứ.

Tình tiết truyện cứ “nhẹ nhàng” trôi đi giữa chất tâm lý, xã hội đậm đặc. Mâu thuẫn cuộc sống với đủ những vụn vặt cá nhân hiện lên trọn vẹn vào câu chuyện một gia đình dưới không gian hẹp: thu về một mái nhà cùng trong nội tâm con người. Từ mâu thuẫn, buộc người ta phải chọn lựa cách mà tiếp tục sống. Nhưng có sống ra sao, cũng thật khó để đi tới một “nghiệm” khả thi nhất. Bởi “Hồn Trương Ba” đang tồn tại trong “Da hàng thịt”; hồn Naoko, thân xác con gái Monami. Ích kỷ hay hi sinh, sự thật hay lừa lối, hiện tại hay tương lai? Có làm thế nào, cũng chỉ đổi lấy đắng cay, bi kịch về một mái ấm, tan vỡ.

Ích kỉ và hi sinh cá nhân

Gắn liền với bối cảnh nước Nhật những năm 90, gợi lên câu hỏi về trách nhiệm của cá nhân trước ngã rẽ đầy nghiệt ngã: quá khứ - hiện tại – tương lai, ở Bí mật của Naoko, mỗi nhân vật đều mang một nỗi niềm. Không riêng gì Naoko với bí mật giữa linh hồn và thể xác mà chính người lái xe gây ra tai nạn Kajikawa cũng ôm theo một ẩn số đến lúc lìa đời. Hay một Heisuke với sự dồn nén tình cảm cùng bao giằng xé, mâu thuẫn nội tâm gay gắt chẳng thể kể với ai, chẳng ai có thể hiểu, ngay cả Naoko trong hình hài đứa trẻ... Vì thế, họ đều khổ đau, cuộc đời họ, sau tất cả vẫn luôn nhuốm màu bi kịch. Và bởi vậy, ta chẳng bênh vực được ai, song cũng chẳng trách cứ được bất cứ người nào.

Bởi ngay Heisuke, thống khổ tận cùng lúc bi kịch ập đến nhưng có thể cảm thông hoàn toàn không khi con người đó như một điển hình của đàn ông nước Nhật, thậm chí là rất nhiều đàn ông trên thế giới. Những người mang tâm lý chỉ cần kiếm tiền về nuôi gia đình đã đủ hoàn thành trách nhiệm. Anh sống thờ ơ trong mái ấm của chính mình, bên cạnh những người anh nói yêu thương. Vì thế, khi Heisuke tự vấn: “Naoko hối hận vì đã làm vợ anh”, có lẽ Naoko không hối hận. Chỉ là cô tiếc nuối vì cả quãng thời gian làm vợ, làm mẹ, cô đã quên mất việc sống cho bản thân như thế nào.

Nhà văn Higashino Keigo.

Hoặc Naoko, cô ích kỉ, tàn nhẫn đấy. Không để Heisuke đến với người phụ nữ khác nhưng bản thân lại chọn con đường rũ bỏ trách nhiệm trong quá khứ để hướng tới tương lai. Thậm chí tới giây phút cuối cùng, vẫn ám thị cho Heisuke phải nhớ tới mình. Cô luôn muốn Heisuke thấu hiểu nhưng chính cô, trong cảnh sống ở thân xác con gái, có lẽ cũng chưa từng mở lòng để hiểu cho mâu thuẫn, giằng xé tâm hồn chồng?

Song tận cùng, Naoko cũng là con người hết sức đáng thương. Quá khứ cô hi sinh cho gia đình, hiện tại mang hình hài Monami, vừa phải đóng vai đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, con một người đàn ông mất vợ với xã hội, vừa phải đóng vai người vợ nội trợ khi thân thể còn chưa phát triển toàn vẹn mỗi lần về nhà… Có lẽ, Naoko cũng đã kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần. Nên nếu cay nghiệt nhìn rằng Naoko dùng thân xác con gái để sống lại một tuổi trẻ thứ 2, sẽ thấy cô thật đáng khinh bỉ. Song nếu nhìn nhận, Naoko đang cố sống thay phần đời con gái, sẽ phần nào thấy đồng cảm với cô hơn nhiều.

Bí mật của Naoko, tác phẩm đã đưa tới cho Higashino Keigo giải thưởng Tác giả truyện trinh thám Nhật Bản lần thứ 52 cho hạng mục Tiểu thuyết xuất sắc nhất, thật sự không phải một cuốn sách dễ cảm, dễ hiểu. Mang theo yếu tố kì ảo, không gợi lên quá nhiều vấn đề đao to búa lớn như nhiều tác phẩm sau này, Bí mật của Naoko khắc họa những khắc khoải nhân sinh có phần vụn vặt nhưng nhiều khuất khúc. Đúng sai, được mất có là gì đây, khi cuối cùng, thứ đọng lại vẫn chỉ là bóng hình suy sụp của Heisuke tuổi xế chiều chứng kiến tất thảy quá khứ, tương lai, tình yêu, hạnh phúc… vỡ vụn.

MỌT MỌT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)