Được mệnh danh là một trong những nhà viết truyện ngắn hàng đầu nước Mĩ, độc giả cả nước không còn xa lạ với O.Henry qua đoạn trích Chiếc lá cuối cùng vô cùng nổi tiếng. Thế nhưng gia tài sáng tác của ông cũng rất phong phú, với những ảnh hưởng từ cuộc đời đã định hình nên phong cách và là chủ đề cho nhiều sáng tạo.
Chất liệu từ bi kịch
Rất nhiều nhà văn lấy chính những gì bản thân trải qua làm nguồn cảm hứng cho tác phẩm của mình, và O.Henry cũng là một người như thế. Khi đọc qua tiểu sử của ông, một điều không quá khó thấy là ông có một đời vô cùng biến động. Theo đó sau khi lập gia đình, những tưởng cuộc đời bước sang trang mới, thế nhưng rất nhiều chuyện buồn liên tiếp ập đến: sức khỏe vợ ông suy giảm nghiêm trọng, đứa con đầu tiên qua đời khi còn bé, trong khi tờ tạp chí hài do ông đầu tư liên tiếp thua lỗ.
Chưa dừng ở đó, vào năm 1894, ông đã bị tố cáo biển thủ công quỹ. Mặc dù được bạn bè tin là bản thân vô tội, nhưng vì lo sợ nên ông đã trốn đến Honduras cũng như Nam Mĩ để khỏi bị bắt. Ông chỉ quay về khi vợ hấp hối và mất vào mùa hè 1897 để không lâu sau đó, ông bị kết án tại Ohio. O.Henry đã nhận bản án 5 năm tù nhưng vì cải tạo tốt, nên chỉ ngồi khám có 3 năm hơn. Trong thời gian này, ông đã tiếp xúc với đủ thành phần bất hảo của xã hội, và có thể nói đây là chất liệu đặc biệt của ông. Khi ra tù vào năm 1901, ông đến New York kiếm sống bằng nghề viết truyện ngắn và bắt đầu nổi danh từ đây.

Nhà viết truyện ngắn nổi tiếng O.Henry.
Có lẽ cũng vì điều đó mà motif tội phạm và người đại diện cho công lí xuất hiện rất nhiều trong các truyện ngắn của ông. Thế nhưng thay vì phân định hai thể nhị nguyên, ông lại liên tục thay đổi vị trí để ta thấy rằng không phải tội phạm nào cũng mất nhân tính, còn giới cảnh sát cũng có những khi trọng tình hơn lí. Chẳng hạn trong truyện Một sự hoàn lương được chấp nhận, ông đã dồn nhân vật chính vào thế lưỡng nan buộc phải chọn lựa: hoặc cứu người nhưng cũng đồng nghĩa với lột chiếc mặt nạ tội phạm, hoặc là “sống chết mặc bay” nhưng riêng bản thân sẽ được an toàn.
Nhân vật đầy phức tạp ấy đã phải đấu tranh để mà quyết định. Thế nhưng những tưởng sau khi chọn rồi thì người thực thi pháp luật có thể toàn quyền xử lí, thì một lần nữa tình người đã thắng. O.Henry cho thấy luật pháp có thể cứng nhắc nhưng người thực thi cũng có trái tim và luôn tin vào bản chất thiện lương ở nơi con người. Đây có thể nói là một truyện ngắn điển hình khi có sự hấp dẫn về cách xây dựng nhân vật (2 phe đối đầu), motif hoán đổi vai trò lẫn thông điệp ý nghĩa.
Những tình cảm ấm áp
Trong số những truyện ngắn của O.Henry, bên cạnh Chiếc lá cuối cùng thì truyện ngắn Quà tặng của pháp sư được viết cùng năm 1905 có thể nói là xuất sắc nhất. Theo đó trong nhiều sáng tạo, O.Henry đã liên tục nhắc đến tình yêu và dường như chính ông cũng rất coi trọng mối quan hệ này. Đó là lí do cho cảnh tù tội của ông khi về thăm vợ, và cũng đồng thời chính là nguyên nhân tạo nên nhiều sự đặc sắc cho các sáng tạo của nhà văn này. Chẳng hạn truyện ngắn nói trên được lấy bối cảnh vào dịp Giáng sinh, khi một người vợ “cháy túi” không biết phải làm cách nào để có thể mua quà cho chồng. Cuối cùng cô đã hi sinh một điều mà chồng rất yêu để có đủ tiền. Nhưng bất ngờ là người chồng cũng làm điều tương tự, dẫn đến món quà mà 2 người họ dành đến cho nhau quá đỗi... tréo ngoe.

Tuyển tập truyện ngắn rất tiêu biểu của O.Henry.
Qua đó ta thấy sự yêu thương nhau thể hiện rất rõ, khi dẫu trong hoàn cảnh ngặt nghèo, họ vẫn luôn nghĩ và nhớ đến nhau. Điều này rồi cũng xuất hiện trong Xuân trên thực đơn hay Cuốn sách ăn khách – những truyện tuyệt đẹp về tình cảm này. Nhưng O.Henry không dừng ở đó, mà còn đi sâu để cho ta thấy yêu đương đôi khi cũng gây ra sự điên loạn. Như nhân vật Barbabra vì ghen tuông mà đã đẩy người bản thân thầm thương cho người khác trong Trường học và trường học, là Khoảnh khắc chiến thắng khi sự ghét bỏ trở thành động lực để người thất bại có thêm sức mạnh...
Và vượt lên tình yêu, tình cảm lớn nhất mà O.Henry muốn truyền đến là sự đồng cảm với tha nhân hay những kiếp người không được may mắn. Đó là người đàn ông hi sinh mình để giữ lại niềm tin cho người bạo bệnh (Chiếc lá cuối cùng), cũng như hai người tuy không có gì cả nhưng đã trao cho nhau những sự thấu hiểu lẫn sẻ chia trong Khách trọ ngắn ngày ở Arcadia. Tình cảm ấy cũng có thể là việc ai đó lùi lại một bước, giải cứu người kia khỏi cảnh nguy nan dù cho họ nhận về mình ít nhiều thua thiệt – như ta sẽ thấy trong Sự hai mặt của Hargraves hay Trái tim và bàn tay... Và có thể nói cũng chính điều này đã làm nên sức hấp dẫn đặc biệt cho các tác phẩm của O.Henry suốt thời gia qua.
Mạch truyện bất ngờ
Cũng là tên tuổi viết truyện ngắn nổi danh, nhưng nếu so với những cây viết nổi tiếng khác của thể loại này như Flannery O’Connor hay Williams Faulkner thì có thể thấy điểm đặc biệt của O.Henry nằm ở việc lấy trải nghiệm của độc giả làm trung tâm thay vì tạo ra phong cách khác lạ. Theo đó ông luôn ý thức rằng phải làm sao để các sáng tác của bản thân phải giữa được sự thu hút cho đến sau cùng. Chính điều này cho ta thấy ông luôn dày công xây dựng một câu truyện có nhiều lớp lang với các bí ẩn che giấu, và chỉ cho đến sau cuối, thậm chí ở câu cuối cùng, thì ta mới rõ mình vừa bị lừa.
Và ông sử dụng điều này thành công trong rất nhiều truyện. Chẳng hạn ở Sự hai mặt của Hargraves, ông đã xây dựng nên một cốt truyện được tính toán rất kĩ càng, khi tận dụng nghề nghiệp của nhân vật chính để làm đòn bẩy cho đến sau cùng. Hay Trái tim và bàn tay rất ngắn cũng vậy, khi cú đảo chiều sau cùng chỉ nằm ở một từ ngữ, và đó chính là chìa khóa mà O.Henry giăng mắc người đọc vào bẫy của mình. Ông sắp xếp chúng rất khéo, để độc giả luôn được dẫn dắt một cách liền mạch không chút hoài nghi, và các bất ngờ rồi chỉ xuất hiện ở phía cuối sách.
Bên cạnh bí ẩn, ông cũng thường trực phơi bày nhiều sự tréo ngoe, từ đó mang đến nụ cười cho các độc giả. Đơn cử ở truyện Tên cớm và bản thánh ca, một người lang thang muốn gây tội ác để được tống vào khám, nhờ đó mà mùa đông sắp đến không cần phải lo nơi ăn cũng như chốn ở. Nhưng dù có làm gì thì sự tréo ngoe cũng sẽ diễn ra, khiến y bất khả như ý. Thế nhưng khi đã quyết định làm lại từ đầu thì bất ngờ thay là chuyến thăm khám ập xuống đời y... Có thể nói O.Henry bằng sự phi lí mà cũng từ đó thêm vào cả sự hài hước lẫn tính giễu nhại, qua đó kể những câu chuyện hấp dẫn và đầy giải trí.
Và cũng không chỉ có giải trí, bằng sự tréo ngoe mà nhiều câu chuyện cũng ôm mang trong mình nhiều vấn đề sâu sắc, để qua nghịch lí, ta càng nhận thức được thế giới này có phần vô minh. Điều đó dễ thấy trong Tam giác xã hội, nơi mà ước mơ của người giàu sang cũng như hèn kém “gối đầu” lên nhau, khi không một ai cảm thấy hài lòng với cuộc đời mình. Hay trong Dãy nhà gạch đầy bụi cũng vậy, tình yêu hòa trong nghịch lý đó là nỗi đau bởi những tách biệt giai cấp... Ở đây tréo ngoe không còn chỉ là thủ pháp gây cười, mà sâu sắc hơn là còn in hằn nhiều sự tổn thương cũng như đau đớn.
Từ điểm đặc biệt trong cuộc đời cũng như quyết tâm không ngừng sáng tạo của O.Henry, không quá khó hiểu vì sao ông được vinh danh là một trong những cây bút bậc thầy của thể loại truyện ngắn. Tác phẩm của ông có được tầm vóc kinh điển bởi cũng qua đó, ông giúp ta tin vào chính lương tri cũng như tình người vẫn luôn hiện diện trong thế giới này.
HOÀNG ANH
VNQD