Tác giả đoạt giải người Nigeria, người từng được Beyoncé trích dẫn trong ca khúc "Flawless", vừa cho ra mắt tiểu thuyết mới sau một thập kỉ. Đây là thời điểm lí tưởng để bước vào thế giới văn chương đầy sức nặng và cảm xúc của Chimamanda Ngozi Adichie.
Sự trở lại sau mười năm vắng bóng

Chimamanda Ngozi Adichie và tiểu thuyết mới của bà.
Sau một thời gian dài vắng bóng trong thể loại tiểu thuyết, Chimamanda Ngozi Adichie – cây bút từng được tạp chí Time bình chọn là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới, đã tái xuất văn đàn với tác phẩm mới Dream Count (tạm dịch: Đếm giấc mơ). Lấy bối cảnh trong đại dịch Covid-19, tiểu thuyết này xoáy sâu vào những khao khát và mối liên kết giữa bốn người phụ nữ, với cảm hứng được rút từ chính cuộc đời và những mất mát cá nhân của tác giả.
Nhân vật chính, Chiamaka là một nhà văn người Nigeria sống tại Mĩ, đang vật lộn với những suy nghĩ về đồng hồ sinh học, sự cô đơn và những lựa chọn đã qua. Một nhân vật phụ đáng chú ý khác là Kadiatou, quản gia người Guinea của Chiamaka được lấy cảm hứng từ Nafissatou Diallo, người từng tố cáo cựu giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn. Qua đó, Adichie đặt ra một tuyên bố đầy thuyết phục: “Một nạn nhân không cần phải hoàn hảo để xứng đáng được công lí”.
Nếu chưa từng đọc Adichie – nên bắt đầu từ đâu?
Half of a Yellow Sun (Nửa mặt trời vàng) – Tác phẩm đỉnh cao về chiến tranh và lòng người

Ảnh minh hoạ.
Tác phẩm từng đoạt giải Orange đưa người đọc trở về những năm tháng hậu thuộc địa ở Nigeria, trong thời kì chiến tranh Biafra. Qua ba nhân vật: một giảng viên đại học, người tình từng học ở London và cậu bé giúp việc Ugwu, Adichie tái hiện một giai đoạn lịch sử đau thương với độ nhạy cảm và chiều sâu tương đương Chiến tranh và hòa bình. Cuốn sách sau đó được chuyển thể thành phim với sự tham gia của Thandiwe Newton và Chiwetel Ejiofor.
Purple Hibiscus (Hoa dâm bụt tím) – Khởi đầu đầy nội lực
Tiểu thuyết đầu tay này giúp Adichie giành giải của Hội Nhà văn Khối Thịnh vượng chung. Câu chuyện xoay quanh Kambili, cô bé 15 tuổi lớn lên trong một gia đình Công giáo cực đoan và bị kiểm soát bởi người cha vừa là một "Big Man" giàu có, vừa là một kẻ bạo hành. Qua ánh sáng của tri thức, âm nhạc và tự do tại thị trấn đại học Nsukka, Kambili dần tìm thấy giọng nói của riêng mình.
"Nguy cơ của một câu chuyện duy nhất" – Khi lời kể trở thành quyền lực
Adichie không chỉ là một tiểu thuyết gia mà còn là một nhà tư tưởng sắc bén. Bài nói chuyện tại Ted năm 2009 của bà – The Danger of a Single Story – đã trở thành kinh điển hiện đại. Trong đó, bà lên tiếng phản đối việc thu gọn một nền văn hóa hoặc một con người vào một khuôn mẫu duy nhất. “Quyền lực,” bà viết, “không chỉ nằm ở khả năng kể chuyện, mà còn ở việc khiến câu chuyện của người khác trở thành câu chuyện chính thức”.
Americanah – Một chuyện tình mang tầm vóc toàn cầu

Ảnh minh hoạ.
Trong Americanah (tạm dịch: Kẻ xa xứ Mĩ), Adichie mở rộng không gian sáng tác của mình đến ba châu lục – Nigeria, Anh và Mĩ – thông qua câu chuyện tình yêu giữa Ifemelu và Obinze. Câu chuyện vừa là một bản tình ca đầy cảm xúc, vừa là một tác phẩm phản ánh sâu sắc về vấn đề sắc tộc, nhập cư và bản sắc. Blog của Ifemelu về người Mĩ gốc Phi từ góc nhìn của một người “da đen không phải người Mĩ” đã làm nổi bật sự khác biệt và trớ trêu trong nhận thức về chủng tộc.
Một tiếng nói vì nữ quyền – và vì nhân tính
Sau bài nói chuyện Ted We Should All Be Feminists (tạm dịch: Chúng ta đều nên theo chủ nghĩa nữ quyền) được Beyoncé trích dẫn trong ca khúc "Flawless" – Adichie trở thành một biểu tượng toàn cầu cho phong trào nữ quyền. Bà thẳng thắn vạch trần những định kiến giới vẫn hiện hữu trong đời sống hiện đại, đồng thời kêu gọi thay đổi cách nuôi dạy trẻ em – cả bé trai lẫn bé gái – để xây dựng một xã hội bình đẳng hơn.
Nỗi đau riêng, tiếng nói chung
Trong cuốn Notes on Grief (tạm dịch: Nhật kí tang thương), Adichie trải lòng về nỗi mất mát cha mình giữa thời kì phong tỏa vì đại dịch. Với sự chân thành hiếm thấy, bà mô tả nỗi đau như "một khối chì đè lên tim", và bày tỏ sự giận dữ trước những lời chia buồn sáo rỗng. Đây không chỉ là một tác phẩm văn học, mà còn là bản nhạc buồn về tình cảm gia đình, sự mất mát và tình người.
Trong một thế giới đầy biến động, giọng văn của Chimamanda Ngozi Adichie là điểm tựa tinh thần cho những ai đang đi tìm bản sắc, công lí, tình yêu và sự thật. Với lần trở lại đầy mạnh mẽ này, bà một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng: văn chương, hơn hết, là hành trình khám phá con người – với tất cả những mâu thuẫn, vẻ đẹp và khát khao không bao giờ nguôi.
BÌNH NGUYÊN dịch theo bài viết của Maya Jaggi, The Guardian
VNQD