Mario Vargas Llosa, một trong những nhà văn vĩ đại nhất thời hiện đại của văn học Châu Mĩ Latin và thế giới, đã qua đời vào ngày 13 tháng 4 năm 2025. Với những đóng góp to lớn cho văn chương, ông được vinh danh tại Giải Nobel Văn học năm 2010. Nghe tin ông qua đời, Tổng thống Peru Dina Boluarte, trong một bài đăng trên mạng xã hội X, gọi ông là "người Peru lừng lẫy nhất mọi thời đại" và khẳng định: "Trí tuệ thiên tài và khối lượng tác phẩm đồ sộ của ông sẽ mãi là di sản trường tồn cho các thế hệ tương lai".
Nhà văn tiêu biểu của phong trào “Bùng nổ Mĩ Latin”
Mario Vargas Llosa có tên đầy đủ là Jorge Mario Pedro Vargas Llosa, sinh ngày 28 tháng 3 năm 1936 tại Arequipa, đất nước Peru. Ông lớn lên trong hoàn cảnh gia đình khá phức tạp. Cha mẹ li hôn khi ông còn nhỏ và ông được mẹ và ông bà ngoại nuôi dưỡng tại Cochabamba, Bolivia, trước khi quay trở lại Peru. Tuổi thơ của ông bị ảnh hưởng bởi sự xuất hiện bất ngờ của người cha, người mà ông từng nghĩ đã qua đời, và mối quan hệ căng thẳng với người cha đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong các tác phẩm của ông.

Nhà văn Mario Vargas Llosa.
Thời thanh niên, Mario Vargas Llosa theo học tại Học viện Quân sự Leoncio Prado ở thủ đô Lima của Peru, một trải nghiệm khắc nghiệt đã truyền cảm hứng cho tiểu thuyết đầu tay Thời của anh hùng (La ciudad y los perros) của ông. Sau đó, ông theo học văn học và luật tại Đại học San Marcos cũng ở thủ đô Lima. Trong thời gian học tại trường đại học này, ông là thành viên của một nhóm những người cộng sản. Mario Vargas Llosa theo đuổi hệ tư tưởng cộng sản và ủng hộ chính phủ Cuba do Fidel Castro lãnh đạo do bất bình vì tình trạng tham nhũng và bất bình đẳng ở Châu Mĩ Latin. Năm 1958, ông sang Tây Ban Nha hoàn thành luận án tiến sĩ về nhà văn người Colombia Gabriel García Márquez tại Đại học Madrid do được nhận một học bổng tại đây. Có một điều thú vị là 28 năm sau khi Gabriel García Márquez được trao Giải Nobel Văn học (1982) thì Mario Vargas Llosa cũng được vinh danh. Ông từng làm nhiều nghề, từ nhà báo, phát thanh viên, đến giáo viên tiếng Tây Ban Nha, trước khi dành toàn bộ thời gian cho việc sáng tác văn chương.
Mario Vargas Llosa bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình vào năm 1957, với việc xuất bản những truyện ngắn đầu tiên là Những nhà lãnh đạo (Los jefes) và Ông nội (El abuelo), trong khi làm việc cho hai tờ báo ở Peru. Ở thập niên 1960, ông đã trở nên nổi tiếng.
Mario Vargas Llosa là một trong những nhà văn tiêu biểu của phong trào "Bùng nổ Mĩ Latin" (El Boom) vào thập niên 1960–1970, cùng với các tên tuổi như Gabriel García Márquez, Julio Cortázar, Carlos Fuentes v.v... Ông viết đa dạng thể loại, từ tiểu thuyết, kịch, tiểu luận, đến báo chí và phê bình văn học, với một khối lượng tác phẩm đồ sộ. Một số tác phẩm tiểu thuyết tiêu biểu của ông bao gồm: Thời của anh hùng (La ciudad y los perros, 1963), Nhà xanh (La casa verde, 1966), Trò chuyện trong quán La Catedral (Conversación en La Catedral, 1969), Dì Julia và nhà văn quèn (Tía Julia y el escribidor, 1977), Pantaleón và những nữ khách (Pantaleón y las visitadoras, 1978), Chiến tranh cuối thế giới (La guerra del fin del mundo, 1981), Lễ hội của Dê (La fiesta del chivo, 2000), Giấc mơ của người Celt (El sueño del celta, 2010), Người kể chuyện (El hablador, 1987), Cô gái hư (Travesuras de la niña mala, 2006)…
Ngoài tiểu thuyết, ông còn viết nhiều tiểu luận, trong đó có các tiểu luận quan trọng như Gabriel García Márquez: Câu chuyện về một kẻ giết thần (Historia de un deicidio, 1971), Cơn cuồng dâm trường cửu: Flaubert và Madame Bovary (La orgía perpetua: Flaubert y Madame Bovary, 1975), thể hiện sự am hiểu sâu sắc về văn học thế giới. Ông cũng viết nhiều tiểu luận thuộc thể loại phi hư cấu và 9 vở kịch. Bên cạnh đó ông vẫn tiếp tục công việc viết báo.

Một tác phẩm của Mario Vargas xuất bản tại Việt Nam.
Cùng với Giải Nobel Văn học danh giá, Mario Vargas Llosa cũng đã giành được nhiều giải thưởng văn chương uy tín như: Giải thưởng Rómulo Gallegos năm 1967, Giải thưởng Hoàng tử Asturias năm 1986, Giải thưởng Miguel de Cervantes năm 1994 , Giải thưởng Jerusalem năm 1995, Giải thưởng Quốc tế Carlos Fuentes năm 2012 và Huân chương Pablo Neruda về Công trạng Nghệ thuật và Văn hóa năm 2018.
Những tác phẩm đấu tranh cho tự do
Mario Vargas Llosa được trao Giải Nobel Văn học năm 2010 với lí do các tác phẩm của ông “mô tả các cấu trúc quyền lực và những hình ảnh sắc sảo về sự kháng cự, nổi loạn và thất bại của cá nhân”. Ông là nhà văn Châu Mĩ Latin đầu tiên nhận giải này kể từ Gabriel García Márquez.
Trong bài diễn văn đáp từ khi nhận Giải Nobel có tựa đề Lời ngợi ca đọc và viết (Elogio de la lectura y la ficción), Vargas Llosa chia sẻ tình yêu mãnh liệt với văn học. Ông kể về việc học chữ khi mới 5 tuổi ở Cochabamba, Bolivia và cách thức những cuốn sách đã mở ra cho ông thế giới của trí tưởng tượng, vượt qua ranh giới thời gian và không gian. Ông nhấn mạnh rằng văn học không chỉ là giải trí hay giáo dục, mà còn là “lửa” – một hình thức nổi loạn chống lại sự bất công, giúp con người trở nên tự do và nhân văn hơn. Ông khẳng định: “Chúng ta sẽ tồi tệ hơn hiện tại nếu không có những cuốn sách hay mà chúng ta đã đọc… Tinh thần phê phán, động lực của tiến bộ, sẽ không tồn tại.”
Mario Vargas Llosa cũng bày tỏ lòng biết ơn Tây Ban Nha, nơi đã chào đón và xuất bản các tác phẩm của ông, đồng thời khẳng định mối liên hệ sâu sắc giữa hai đất nước Peru và Tây Ban Nha như “hai mặt của cùng một đồng xu.” Ông nhấn mạnh rằng nền văn học Mĩ Latin không chỉ là kể câu chuyện về các cuộc đảo chính hay chế độ độc tài, mà còn là thế giới của những ý tưởng, hình thức nghệ thuật và những giấc mơ vượt qua biên giới địa lí.
Mario Vargas Llosa coi văn học là một hành động sáng tạo cao nhất, nơi nhà văn sử dụng trí tưởng tượng để tái hiện và tái định hình thực tại. Ông tin rằng tiểu thuyết không chỉ phản ánh xã hội mà còn thách thức nó, giúp con người khám phá những khía cạnh sâu kín của bản thân và thế giới. Trong tiểu luận Lá thư gửi một nhà văn trẻ (Cartas a un joven novelista), ông nhấn mạnh rằng nhà văn phải trung thành với “con quỷ” sáng tạo bên trong, đồng thời làm chủ kĩ thuật để biến ý tưởng thành nghệ thuật.

Một tác phẩm khác của Mario Vargas Lolosa.
Ông chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nhà văn Mĩ William Faulkner, đặc biệt trong cách sử dụng thời gian phi tuyến tính và đa điểm nhìn, cũng như từ các nhà văn Pháp như Gustave Flaubert, Jean-Paul Sartre và Albert Camus. Mario Vargas Llosa cho rằng văn học phải mang tính nổi loạn, không chấp nhận hiện trạng và luôn tìm kiếm sự thật, dù sự thật ấy đau đớn, thống khổ. Những tác phẩm của Mario Vargas Llosa thường xoay quanh các chủ đề lớn như quyền lực, tự do, sự tha hóa và sự kháng cự. Ông phân tích cách thức các cấu trúc quyền lực – từ gia đình, quân đội, đến chính trị – đè nén lên những cá nhân, nhưng đồng thời tôn vinh những người dám đứng lên chống lại áp bức. Các tác phẩm của ông không chỉ phản ánh thực tế của Châu Mĩ Latin mà còn mang tính phổ quát, chạm đến những vấn đề chung của nhân loại như sự tham nhũng, bất công, và tinh thần khao khát tự do.
Bậc thầy kĩ thuật
Mario Vargas Llosa là bậc thầy về kĩ thuật kể chuyện. Ông sử dụng cấu trúc phi tuyến tính, đa điểm nhìn, và ngôn ngữ giàu hình ảnh để tạo nên những thế giới nhân vật phức tạp và sống động. Tác phẩm của ông kết hợp yếu tố hiện thực với hư cấu, lịch sử với tưởng tượng, tạo nên một phong cách độc đáo vừa sâu sắc vừa hấp dẫn. Ông cũng thường xuyên thử nghiệm với nhiều thể loại, từ tiểu thuyết chính trị đến hài kịch, từ khuynh hướng lịch sử đến lãng mạn. Mario Vargas Llosa được coi là một trong những nhà văn quan trọng nhất của Mĩ Latin trong thế kỉ 20 và 21. Là biểu tượng của phong trào Bùng nổ Mĩ Latin, ông đã góp phần giúp đưa văn học khu vực này ra toàn cầu. So với Gabriel García Márquez, người nổi tiếng với chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, Mario Vargas Llosa được biết đến với phong cách hiện thực sắc sảo và sự phân tích sâu sắc về quyền lực. Tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn 45 ngôn ngữ ở nhiều nước, khẳng định tầm ảnh hưởng rộng lớn của ông.
Tại Việt Nam, một số tác phẩm của Mario Vargas Llosa đã được dịch và xuất bản. Đó là những tác phẩm Dì Julia và nhà văn quèn, Trò chuyện trong quán La Catedral, Thành phố và lũ chó, Thư gửi nhà tiểu thuyết trẻ… Các bản dịch này đã giúp độc giả Việt Nam tiếp cận với phong cách viết độc đáo và những tư tưởng sâu sắc của Vargas Llosa. Tuy nhiên, so với tầm vóc của ông, số lượng tác phẩm được dịch còn khá hạn chế và một số tiểu thuyết quan trọng như Chiến tranh cuối thế giới hay Giấc mơ của người Celt vẫn chưa có bản tiếng Việt chính thức.
HÀ THANH VÂN
VNQD