Lịch sử văn học viết Nhật Bản từ cổ đại đến hiện đại luôn có sự hiện diện của các cây bút nữ xuất sắc, với thiên tính nữ đặc trưng. Từ đó, văn học Nhật Bản mang đậm dấu ấn của phụ nữ, với những biểu tượng văn học như nước, hồ, khu vườn, hay căn bếp, phản ánh những ẩn ức và sự tái sinh của yêu thương và sự sống trong xã hội đương đại.
Diện mạo văn học nữ Nhật Bản
Thời xa xưa, phụ nữ đã có một chỗ đứng quan trọng trong nền văn học viết Nhật Bản, trước hết là qua Truyện Genji ra đời vào thời Heian, khoảng giai đoạn thế kỉ thứ XI. Tác phẩm đó được đánh giá “trở thành nguồn cảm hứng to lớn và bất tận của rất nhiều văn nghệ sĩ Nhật Bản mọi thời đại”, “cuốn tiểu thuyết đầu tiên bằng văn xuôi của Nhật Bản, và cũng là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của nhân loại, ra đời trước Don Quixote của Tây Ban Nha và Hồng lâu mộng của Trung Quốc tới 6 thế kỉ” (Ngô Minh Thủy), do một người phụ nữ viết lên, bà Murasaki Shikibu. Từ Truyện Genji của Murasaki Shikibu, hàng loạt các tập truyện kí của các tác giả nữ khác đã ra đời như Nhật ký Izumi Shikibu, Nhật ký Murasaki Shikibu, Nhật ký Sarashina, Nhật ký Kinukino Suke… Và ngoài Murasaki Shikibu với Truyện Genji, giai đoạn này còn xuất hiện nữ sĩ Sei Shonagon mà tập tùy bút Chẩm thảo tử (Makura no Soshi) của bà được coi là tập tùy bút đầu tiên của Nhật Bản.
Tới thời hiện đại, bên cạnh hàng loạt các tên tuổi như Natsume Soseki, Mori Ogai, Akutagawa Ryunosuku, Kawabata Yasunari, Dazai Osamu, Tanizaki Junichiro… còn có sự góp mặt của các nữ văn sĩ nổi danh như Higuchi Ichiyo hay Hayashi Fumiko. Họ vừa góp phần định hình sự phát triển văn học Nhật Bản hiện đại trong tính chung văn hóa và trào lưu văn chương bản đại; vừa mang theo tính nữ ghi đậm dấu ấn cá nhân mỗi người.
Đặc biệt ở giai đoạn đương đại, nổi lên hiện tượng “hai Murakami và một Banana”, khi cùng Haruki Murakami và Ryu Murakami, nữ văn sĩ Banana Yoshimoto được coi là một trong ba tác giả tiên phong, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến việc đổi thay diện mạo văn học Nhật Bản đương đại. Cô đã tạo nên cả một “cơn sốt” có tên “Banana Gensho” (Hiện tượng Banana) trên văn đàn. Và bên cạnh Banana Yoshimoto, còn hàng loạt những tên tuổi khác tạo nên nhóm tác giả nữ nổi bật trên văn đàn Nhật Bản buổi đương thời mà có thể kể đến những cái tên quen thuộc với độc giả Việt Nam như Kazumi Yumoto, Ekuni Kaori, Yoko Ogawa…

Cuốn Kitchen của Banana Yoshimoto
Có thể nói, mỗi thời kì thuộc tiến trình phát triển nào của văn học viết Nhật Bản, các tác giả nữ vẫn luôn khẳng định được vị thế đặc biệt của mình. Văn học nữ Nhật Bản đương đại hôm nay mang theo những nét chung đặc trưng cho dòng văn học nữ Nhật Bản xuyên suốt từ thời cổ - trung đại mà như nghiên cứu Nhật Chiêu nhận định: “Thời kì Heian đã đặt nền móng cho truyền thống vẻ đẹp Nhật Bản, và trong suốt tám thế kỉ đã ảnh hưởng đến truyền thống văn học Nhật Bản, xác định tính chất của nó." Đó là “tính nữ vĩnh cửu”, “tao nhã và dịu dàng” (theo Nguyễn Bích Nhã Trúc) như trở thành mạch chủ lưu của văn học nữ Nhật Bản từ những dòng thơ cổ Tanka ngày trước. Sự “tao nhã và dịu dàng” đó thể hiện rất rõ ở cách các văn sĩ nữ nhìn nhận thiên nhiên, con người, cuộc đời. Cách họ đón nhận, chịu đựng, thể hiện những nỗi buồn nhân thể, nỗi sầu nhân thế. Cả cách họ từ nỗi sầu ân ẩn, thể hiện một tình yêu, cũng rất mực “tao nhã và dịu dàng” với cuộc sống và thế nhân này.
Tuy nhiên, buổi đương đại với những đổi thay về mặt thời đại, xã hội, khiến văn học nữ Nhật Bản giai đoạn này có những nét đặc trưng riêng trong cách các tác giả nữ biểu đạt căn tính nữ trên trang viết. Cái tôi nữ tính mang theo những lo toan cá nhân hơn bao giờ hết, những sầu bi xưa kia, tới buổi đương thời bỗng hiện hình rõ nét tới nhức nhối, đặc biệt là vấn đề bản dạng giới,… Hình ảnh người phụ nữ bé nhỏ với tâm hồn đầy nhạy cảm, mang ẩn ức đớn đau chìm sâu vào những giấc mơ vô hình đứt đoạn, chịu nhiều mất mát, thương tổn như thu lại trong rất nhiều biểu tượng. Mà biểu tượng căn bếp chính là một trong những biểu tượng đậm tính ẩn dụ, trở đi trở lại trong rất nhiều tác phẩm của văn học nữ Nhật Bản đương thời.
Căn bếp đó gắn liền với hình ảnh người phụ nữ truyền thống và tới buổi hôm nay, căn bếp vẫn biểu trưng cho tính nữ ngàn đời. Căn bếp thu nhận về đấy mọi khổ đau con người để ấp ủ ngọn lửa tái sinh cho những kiếp đời những tưởng cô độc trên trang văn của những văn sĩ nữ Nhật Bản đương đại.
Căn bếp gắn liền với thiên tính nữ mang nhiều ẩn ức thương tổn
Trước hết, cần phải khẳng định một điều rằng, dù là biểu tượng mang tính xuyên suốt thì trong hệ thống những sáng tác của các tác giả nữ thuộc nền văn học Nhật Bản đương đại, mỗi người sẽ có cách thể hiện căn bếp khác nhau. Thậm chí, ở ngay cùng một tác phẩm, bếp cũng tồn tại dưới nhiều dạng thức, ở nhiều cấp độ, trong nhiều chiều kích. Để rồi, từ hình ảnh căn bếp, tác giả làm nổi bật lên thiên tính nữ của mỗi người phụ nữ được song chiếu từ sự thai nghén, ánh nhìn, suy tưởng về đời sống và con người. Thiên tính nữ đặc trưng của phụ nữ Nhật Bản “tao nhã và dịu dàng”, đến cả ẩn ức thương tổn lẫn nỗi khổ đau, cô độc họ gánh chịu cũng trở nên vô cùng tinh tế. Họ mang theo cảm thức chung của con người mảnh đất Phù Tang mất đi căn cước, và cái tôi riêng vụn vỡ kéo dài từ buổi hiện đại mãi tới ngày đương đại hôm nay.
Thật vậy, căn bếp ấy là nơi đón nhận những con người đơn bạc, mang nặng tổn thương, mất mát. Những con người đã mất người thân, mất đi một phần linh hồn và mất đi chính động lực sống. Như cách căn bếp - Kitchen trở thành thực thể hữu hình cô gái trẻ Mikage yêu thương hết mực. Mồ côi cha mẹ, sống cùng ông bà cho đến ngày lên cấp hai, ông qua đời và khi Mikage trưởng thành đến lượt người bà cũng ra đi, cô gái trẻ lúc này trơ trọi giữa thế gian. Căn bếp nhỏ đong đầy kỉ niệm, kí ức trở thành nơi trú ngụ duy nhất cho một Mikage như mất đi tất cả, chẳng còn nơi nào để trở về. Như cách căn bếp, trong cuộc sống tựa dòng nước lưu chuyển, Lấp lánh những gam màu vừa bình lặng, vừa chảy ngầm cuộn xoáy bất ổn, đã trở thành khoảng không gian lưu giữ những chai rượu Shoko tìm đến để lãng quên. Cô những muốn lãng quên đi thực tại về nỗi “bất hạnh” khôn cùng của chứng bất ổn tâm lí, của cuộc hôn nhân lạ kì mà cô như người ngoài với người chồng đồng tính cô yêu và sẵn sàng hi sinh tất cả cho ba đỉnh tam giác hết sức mong manh giữa Shoko, chồng cô - Mutsuki cùng người tình của anh - Kon. Hay như Mùa thu của cây dương, căn bếp trong căn phòng mờ tối của bà cụ chủ trang viên Cây Dương đã thu nhận lấy nỗi buồn của cô bé Chiaki 6 tuổi mất đi người cha, chìm trong những giấc mộng tăm tối rồi ghi dấu chúng vào những lá thư được bà cụ cất giữ., Để rồi Chiaki 26 tuổi chừng như càng thêm mong manh sau quá trình trưởng thành, đối diện với thực tại thất tình, thất nghiệp, dựa vào thuốc ngủ “như là tương lai duy nhất của mình” nhưng thời khắc nhớ lại căn bếp với bà cụ khó tính, khó gần, ưa sạch sẽ nhưng ghét dọn dẹp, nấu ăn dở và thích đồ ngọt thì sự ấm áp của quá khứ, vẫn như xoa dịu tâm tầm Chiaki tuổi 26 đầy thương tổn.

Mùa thu của cây dương của Kazumi Yumoto
Căn bếp, qua trang viết của những cây bút nữ trên văn đàn Nhật Bản đương đại, trở thành nơi chứa đựng tầng bậc mâu thuẫn về bao trớ trêu, nghiệt ngã số phận đè nặng lên vai con người. Nơi lưu giữ “ngọn lửa” một gia đình đã không còn trọn vẹn khi quá khứ ấm áp bao nhiêu thì thực tại khổ đau, lạnh lẽo bấy nhiêu. Vì cô đơn, người ta tìm đến căn bếp lưu dấu hơi ấm xưa kia nhưng đó cũng chỉ là thứ quyến luyến càng làm người ta đau khổ trong nỗi nhớ thương, buồn tiếc gặm nhấm tâm hồn. “Tất nhiên, tôi không khóc vì nỗi vất vả khi phải một mình rửa hết chỗ bát đĩa kia, mà vì cái cảm giác bị bỏ lại một mình giữa bóng đêm đơn độc đến tê dại này.”
Và trong căn bếp đã đón nhận quá nhiều đớn đau một con người phải gánh chịu mà càng thêm trống vắng, hoang lạnh, người ta có thể lần nữa thắp lên ngọn lửa của một căn tính nữ vụn vỡ vốn đầy mất mát, khiếm khuyết mà làm ấm căn bếp ấy không? Như cách, người ta tìm thấy hơi ấm của “đồng loại” mà níu giữ ngọn lửa sự sống trước bóng tối cô độc bủa vây?
Căn bếp ấp ủ ngọn lửa yêu thương và tái sinh
Căn bếp là nơi chứa đựng tất cả những thương tổn mà người phụ nữ mang trong mình, những người vừa tao nhã, dịu dàng lại vừa phức tạp và nhạy cảm. Trong tình yêu và cuộc sống, họ luôn phải đối mặt với những khúc mắc, khiến dù có dịu dàng đến đâu, cũng phải gồng mình để tồn tại. Không gian căn bếp nhỏ bé, ấm áp là nơi những tâm hồn cô đơn tìm về, nơi họ tìm chút an ủi từ quá khứ dịu dàng, hoặc chìm vào cơn say để tạm quên đi thực tại, hoặc ẩn mình trong bóng tối để tìm chốn nương náu. Tuy nhiên, con người không thể sống mãi trong quá khứ, cũng không thể mãi trốn tránh vào những cơn say hay sự quên lãng trong căn bếp của kí ức và kỉ niệm.
Bởi thế, với một tác phẩm “buồn bã nhưng chối từ bi lụy” như Kitchen, hay tựa dòng nước lưu chuyển Lấp lánh, hay bảng lảng nỗi buồn trong không gian giao mùa mở ra bằng một cái chết và khép lại bằng một cái chết như Mùa thu của cây dương, thì dạng thức biểu hiện của căn bếp cũng có sự chuyển dịch tựa sự đổi thay trong chính nội tâm tinh tế của những người phụ nữ. Giống với căn bếp nhỏ Mikage say mê, đứng bên bồn rửa, nấu lên những bữa ăn hàng ngày vậy. Từ không gian của nỗi buồn và cô đơn Mikage từng thu mình lại trong căn bếp nhỏ đó, “bếp” dần mở rộng đến cả những chiếc bàn ăn trong nhà, đến lớp nấu ăn Mikage theo học, tới cả những quán hàng cô đặt chân đến… Giống với căn bếp là nơi Shoko và Mutsuki đã có những giao tiếp đời thường như những người bạn tri âm, những con người đồng cảnh, tương ngộ với thứ cảm xúc đẹp tới Lấp lánh ngỡ chừng còn đáng trân trọng hơn cả tình yêu, hơn cả sự giao hòa nam nữ. Và cũng giống như căn bếp nhỏ, cô bé Chiaki ăn bữa cơm từ tay “bà cụ” nấu ăn dở, sắp xếp những món bánh ngọt mua được cho bà để bà thắp hương lên ban thờ…
Bếp đã trở thành không gian mở, nối kết những người cùng một thế giới, cùng một nỗi đau, cùng mang tâm hồn nhạy cảm, tinh tế ôm ấp bao nỗi trống vắng, đớn đau. Căn bếp của quá khứ. Căn bếp của hiện tại. Căn bếp của những người phụ nữ Nhật Bản, vừa truyền thống vừa hiện đại, vừa yếu đuối vừa kiên cường. Những con người thấm thía hai chữ “bất hạnh”, hiểu thấu hai chữ “mất mát”, vẫn luôn quẩn quanh trong cảm thức ám ảnh về những cái chết lẩn quất.
“Bếp trong những giấc mơ.”
Và căn bếp còn biểu tượng cho yêu thương “gia đình” sau tất thảy vụn vỡ khổ đau, cho những tâm hồn nữ giới vượt thoát được cảm thức cái chết quẩn quanh kia để lần nữa tái sinh bên cạnh người có thể trở thành “gia đình” của họ. “Rồi sẽ có biết bao nhiêu chuyện khi tôi lớn hơn, sẽ bao lần nữa tôi suy sụp, như chìm sâu xuống đáy vực. Sẽ bao lần nữa tôi khốn đốn, nhưng sẽ ngần ấy lần tôi trở về. Tôi sẽ không đầu hàng. Tôi sẽ không buông tay”. Không buông tay hai tiếng “gia đình”, không buông tay hai chữ sự sống.
Cuối cùng, dù có mỏng manh, phụ nữ vẫn luôn có sức mạnh vô hình. Dù dễ dàng bị cô đơn và nỗi đau vùi lấp, nhưng chính sự ý thức về nỗi cô đơn, khát khao yêu thương và mong muốn được đồng cảm lại là dấu hiệu rõ ràng nhất chứng tỏ rằng họ đang sống, đang cảm nhận thế giới quanh mình.
Với những cây bút nữ trong văn học Nhật Bản đương đại, căn bếp không còn chỉ là không gian vật lý mà đã trở thành biểu tượng mang đầy ý nghĩa sâu sắc. Bếp không chỉ thu nhận nỗi đau chưa vơi mà còn là nơi các tâm hồn tìm thấy sự giao cảm, tìm ra rằng trong không gian ấm áp ấy, họ không thực sự cô đơn.
Căn bếp trở thành nơi lưu giữ ngọn lửa sinh mệnh, là ngọn lửa tình yêu bất diệt của những người phụ nữ luôn khao khát yêu thương và được yêu. Và chính trong căn bếp ấy, ngọn lửa yêu thương và sinh mệnh luôn được tái sinh, như người phụ nữ, luôn mạnh mẽ, ngẩng cao đầu và kiêu hãnh, tiếp tục sống giữa cuộc đời đầy thử thách nhưng cũng tràn ngập hi vọng.
MỌT MỌT
1. Nhìn từ trường hợp tiểu thuyết Kitchen của Banana Yoshimoto, Mùa thu của cây dương của Kazumi Yumoto và Lấp lánh của Ekuni Kaori.
VNQD