"Đại gia Gatsby" duy trì sức sống 100 năm qua ra sao?

Chủ Nhật, 06/04/2025 05:27

Đại gia Gatsby của F. Scott Fitzgerald sẽ tròn 100 tuổi vào năm nay. Sau một thế kỉ xuất bản, cuốn tiểu thuyết mỏng của F. Scott Fitzgerald xoay quanh một triệu phú bí ẩn, đau khổ vì tình đã trở thành một trong những tác phẩm hư cấu được đọc rộng rãi nhất nước Mĩ.

Được xuất bản khi Fitzgerald mới 28 tuổi, Đại gia Gatsby kể về nhân vật chính cùng tên qua góc nhìn của người hàng xóm Nick Carraway - một sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Yale có thói quen “triết lí”. Jay Gatsby yêu say đắm Daisy Buchanan, người có chồng là một kẻ khoác lác, cố chấp và lăng nhăng. Những người giàu có và vô tâm cuối cùng đã phá hủy mọi thứ xung quanh: Gatsby qua đời với viên đạn từ người chồng ghen tuông của Daisy và Nick bị bỏ lại để suy ngẫm về ý nghĩa của cuộc sống này.

Đại gia Gatsby kỉ niệm một thế kỉ ra đời vào năm nay.

Trong văn hóa đại chúng, suốt một thế kỉ, tác phẩm nói trên không ngừng để lại ấn tượng cho nhiều thế hệ độc giả. Cho đến ngày nay, học sinh trung học vẫn đang viết các bài luận về giấc mơ Mĩ, thế hệ lạc lối cũng như biểu tượng ánh đèn xanh mờ ở cuối bến tàu. Trong khi đó các nhà viết kịch, nhà làm phim, họa sĩ truyện tranh, giới văn nghệ sĩ… cũng không ngừng phái sinh văn bản của Fitzgerald và biến nó thành một thứ mới mẻ. Tiểu thuyết này đã trở thành chất liệu cho ít nhất 4 bộ phim, vô số tập phim truyền hình, 1 vở opera, 2 vở nhạc kịch và những phần tiếp theo, tiền truyện, hậu truyện do người hâm mộ sáng tác, sau khi tác phẩm thuộc về sở hữu công cộng. Đâu là lí do khiến tác phẩm này có sức sống trường tồn như thế?

Khi xuất bản Đại gia Gatsby, Fitzgerald không chỉ là nhà văn nổi tiếng mà còn là tiếng nói của thế hệ mình. Các tiểu thuyết trước của ông như Bên này địa đàngThe Beautiful and Damned đã góp phần tạo nên một “huyền thoại” xoay quanh kỉ nguyên “tự thần thoại hóa”. Tập truyện Tales of the Jazz Age năm 1922 của ông chính là đỉnh cao cho điều nói trên. Cộng với tiếng vang của thập niên 1920 là nền văn hóa thương mại mới sôi động, tính thẩm mĩ của chủ nghĩa tiêu dùng, đời sống giải trí được quảng bá bởi các tạp chí bóng bẩy, phim ảnh Hollywood và các chương trình biểu diễn trên sân khấu Broadway... nên chủ đề này càng được quan tâm.

Nhà văn F.S.Fitzgerald.

Công bằng mà nói Đại gia Gatsby đã tái hiện một cách chính xác thực tại của những ngày ấy: một thế giới hỗn loạn do lệnh Cấm rượu thúc đẩy, chủ nghĩa vật chất do Phố Wall tạo ra và sự vô chính phủ sau Thế chiến thứ nhất cũng như đại dịch cúm mùa. Ở đó cũng có những cô gái ăn chơi và xe mui trần, có những cơn sốt khiêu vũ và quán rượu lậu lẫn sự đồi trụy xen lẫn táo bạo: Tất cả những điều đó bám chặt vào cuốn sách như làn khói cuộn từ một điếu thuốc.

Đại gia Gatsby lúc đầu không thành công bằng những tác phẩm tiền nhiệm. Các nhà phê bình tỏ ra hoài nghi, doanh số tiêu thụ tương đối chậm chạp, cuốn sách dần dần rơi vào quên lãng. Những năm 1920 cứ thế kết thúc với sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, dẫn đến những câu chuyện về sự giàu có và sự buông thả không còn phù hợp với thời Đại suy thoái nữa. Lệnh cấm rượu đã bị bãi bỏ, và phong cách cũng như chủ đề của Fitzgerald không còn thịnh hành. Trong một thời gian, không ai muốn nghe về Gatsby hay thời đại của ông nữa.

Sự hồi sinh danh tiếng của Fitzgerald sau khi ông mất vào năm 1940 có thể nói phần lớn nhờ vào công sức của các nhà phê bình văn học, trong đó có những bạn thân gồm Malcolm Cowley và Edmund Wilson, cũng như của quân đội Hoa Kì - những người đã phân phối hơn 150.000 bản Đại gia Gatsby cho quân nhân Mĩ trong Đệ nhị Thế chiến. Ở giai đoạn sau chiến tranh, văn hóa đại chúng Mĩ hướng nhiều đến tính hoài niệm trong khi những năm 1920 vốn là kỉ nguyên của sự buông thả, giờ đã trở thành bối cảnh lí tưởng cho một thời đoạn tuyệt vọng tương tự. Gatsby và thời đại của ông bắt kịp nhịp sống trong một thời gian dài. Câu chuyện của ông được kể lại định kì trên truyền hình và phim ảnh, giúp nhân vật này trở thành nguyên mẫu.

Sau Thế chiến II, khi lượng độc giả của Đại gia Gatsby tăng lên, dấu ấn văn hóa của nó cũng được mở rộng. Các phiên bản bìa mềm xuất hiện ngày càng nhiều và cuốn sách được các tác giả trẻ hơn nhắc đến, bao gồm cả JD Salinger. Hollywood, nơi đầu tiên đưa tác phẩm lên màn ảnh vào năm 1926, đã thực hiện thêm nhiều bản chuyển thể, có thể kể đến phiên bản 1949, 1974. Khi thời thế thay đổi, nó cũng được coi là lời bình luận về tình trạng khó khăn của con người trong kỉ nguyên hiện đại thay vì đơn thuần chỉ là châm biếm những năm 1920. Ý tưởng nói trên tương đối tiệm cận với Kẻ ngoại cuộc của Albert Camus hay Bắt trẻ đồng xanh của Salinger rất được yêu thích ở giai đoạn này. Có thể thấy cuộc đời của Gatsby được đánh dấu bằng sự xa lánh và khát thèm, trong khi cái chết của ông - một hành động bạo lực vô nghĩa – cũng là điển hình cho chủ nghĩa hư vô.

Năm 1945 nhà xuất bản New Directions đã cho ra mắt một ấn bản mới có lời giới thiệu của Lionel Trilling - nhà phê bình và giáo sư của Đại học Columbia, người đang trên đường trở thành nhà phê bình văn học vĩ đại nhất thời bấy giờ. Bài luận của Trilling đã đưa Fitzgerald vào nhóm đáng gờm, cùng những Milton, Goethe, Yeats và Anh em nhà Karamazov. Trilling đã khẳng định sự vĩ đại của Đại gia Gatsby, từ đó mà những nhà nghiên cứu học thuật khác đã thành công đưa nó vào đời sống học đường, khai thác nhiều hơn nữa những khía cạnh của cuốn sách này.

Từ đầu những năm 2000 kéo dài cho đến hiện nay, Đại gia Gatsby đã liên tục giữ được sức nóng. Có thể kể đến Gatz - bản chuyển thể sân khấu ra mắt vào năm 2004 và được làm lại nhiều lần kể từ lúc đó (mới nhất vào tháng 11/2024). Sau đó biểu tượng thật sự của nhân vật này đã được thống trị bởi Leonardo DiCaprio, ngôi sao của bộ phim chuyển thể năm 2013 của Baz Luhrmann. Tuy nhiên thành công của tác phẩm này không chỉ có diễn xuất mà còn nằm ở âm nhạc. Nhạc nền của bộ phim là sự kết hợp giữa pop và rap đương đại với những cái tên từ Lana Del Rey, Florence and the Machine, Beyoncé… do chính Jay-Z sản xuất. Sự tương đồng này đã quá rõ ràng.

Giống như nhạc jazz của những năm 1920, hip-hop cũng là di sản của người Mĩ da đen và giờ trở thành âm nhạc của thời đại này. Ngoài ra tương tự Jay Gatsby, Jay-Z cũng là một người đàn ông tự lập, một người từng buôn bán chất gây nghiện bất hợp pháp, người đã vươn lên đến đỉnh cao giàu có và quyền lực bằng những sản phẩm nghệ thuật. Ở đây một điều thú vị được đặt ra, liệu Gatsby đã tiên đoán cho sự bùng nổ của hip-hop hay hip-hop đã nối dài sự sống của Đại gia Gatsby? Khó có thể nói. Và với sự phái sinh ngày càng xa khỏi bản gốc, nhiều vấn đề khác cũng được bàn luận, một trong số đó là về bản sắc của nhân vật này.

Trong một bài luận xuất sắc trên tờ The Atlantic đăng tải vào năm 2023, Alonzo Vereen đã mô tả việc giảng dạy Đại gia Gatsby cho học sinh trung học theo cách làm nổi bật các khía cạnh “không xác định” giúp cô rút ra được một khẳng định: "Bản sắc người Mĩ của Gatsby rất mơ hồ, đến nỗi học sinh có thể áp cho nhân vật nói trên bất kì nguồn gốc nào mà chúng tưởng tượng ra. Và khi làm vậy thì cuốn tiểu thuyết lại được tiếp thêm luồng sinh khí mới”. Điều đó hứa hẹn sức sống của tác phẩm này sẽ còn nối dài, vượt khỏi cột mốc của một thế kỉ lịch sử mà nó đang được kỉ niệm trong năm 2025.

NGÔ THUẬN PHÁT dịch từ bài viết trên thờ The New York Times

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)