Toni Morrison: “Viết lách là phương thức để tôi gắn kết với thế giới này”

Thứ Sáu, 04/04/2025 14:24

Trong cuộc phỏng vấn với Thomas LeClair trên tờ The New Republic, Toni Morrison đã bàn luận về cách mà bà định nghĩa tác phẩm của mình, những đòi hỏi nào cần có ở đó và vì sao tác phẩm của bà có thể vừa khốc liệt lại vừa đẹp đẽ.

- Bà từng nói rằng ngay cả khi không có nhà xuất bản nào chịu ra mắt tác phẩm của mình thì bà vẫn viết. Việc viết có ý nghĩa như thế nào với bà?

+ Sau tiểu thuyết đầu tay Mắt nào xanh nhất, viết lách là phương thức để tôi gắn kết với thế giới này. Việc quay trở lại quá khứ, tìm hình thức thể hiện phù hợp dưới sự kỉ luật và các phương pháp viết hoàn toàn khác biệt với kiểu giải quyết vấn đề giản đơn thường ngày. Viết lách là công việc duy nhất tôi làm vì bản thân và chỉ một mình tôi thôi. Trong quá trình đó, người viết trải qua những cảm giác đặc biệt, nơi mọi giác quan được kích hoạt đôi khi đồng thời, đôi khi là theo trình tự. Khi tôi viết, mọi trải nghiệm của bản thân đều quan trọng, hữu ích và có giá trị. Chúng có thể không xuất hiện trong tác phẩm nhưng là nền móng của nhiều điều khác. Viết lách mang lại cho tôi những điều tương tự như một vũ công cảm thấy với trọng lực, không gian và thời gian. Nó vừa tràn đầy năng lượng nhưng cũng cân bằng, nó vừa trôi chảy nhưng cũng tĩnh lặng. Và dòng chảy đó luôn luôn phát triển, bởi không bao giờ đạt đến cao trào nên người viết không có điểm kết. Tôi thậm chí còn thích cả sự cực nhọc trong quá trình sửa đổi, đọc lại bản thảo. Vì vậy, ngay cả khi việc xuất bản gặp khó khăn, tôi vẫn sẽ viết và tiếp tục viết.

Nhà văn đoạt giải Nobel Văn chương 1993 Toni Morrison.

- Bà có hiểu hơn về quá trình này sau mỗi cuốn sách được ra đời không?

+ Lúc đầu tôi viết từ một nơi rất đặc biệt trong mình, mặc dù tôi không hiểu nơi đó ở đâu hoặc làm thế nào đến được đó (theo kiểu có chủ đích). Tôi không tin tưởng bản thân trong những ngày đầu tiên ấy và luôn cho rằng thứ mình viết ra không đủ phẩm chất văn chương. Đôi khi những suy nghĩ ấy không thể bị đánh lạc hướng dù bản thân đã chỉnh sửa không biết bao lần, nhưng rồi tôi học cách tin tưởng vào những gì đã có, học cách dựa vào phần đó để tiếp tục viết. Tôi không có ý nói mình là một nhà văn đầy cảm hứng, nhưng sau cuốn sách thứ 4, tôi đã nhận ra sự hiện diện của một ý tưởng và tìm ra cách để diễn đạt nó. Tuy nhiên, tôi phải thú nhận đôi khi mình cũng mất hứng thú với các nhân vật và thích nói về cây cối, động vật hơn. Những lần ấy thì tôi nghĩ mình cần phải thật kiềm chế.

- Bà quan niệm thế nào về chức năng của một nhà văn?

+ Tôi viết thứ mà có thể gọi là kiểu “văn chương làng xã” – những tác phẩm hư cấu được dân làng, thành viên bộ lạc truyền tay nhau đọc. Nói một cách khác, đó là “văn chương nông dân” và có thể đến với bất cứ ai. Tôi thường suy nghĩ rất lâu và cẩn thận về những gì mà tiểu thuyết của mình cần phải truyền tải. Chúng phải làm rõ những vai trò đã trở nên mờ nhạt, chúng phải phân định những điều trong quá khứ hữu ích hay không hữu ích, chúng phải nuôi dưỡng độc giả đọc mình... Tôi đồng ý với John Berger(1) rằng nông dân không viết tiểu thuyết vì họ không cần chúng. Họ đã có những câu chuyện riêng thông qua việc ngồi lê đôi mách, những truyện kể, âm nhạc truyền thống cũng như lễ hội... Vậy là đủ! Chỉ có tầng lớp trung lưu khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp mới cần tác phẩm khắc họa chính mình, vì khi đó “văn chương làng xã” không còn phù hợp. Vai trò của họ khi ấy đã khác với cuộc sống mới ở thành thị và cũng từ đây mà tính hư cấu tỏ ra có giá trị... Và khi những người nông dân hoặc thuộc bộ lạc đến với thành phố - nghĩa là một sự tương thích đã bị phá vỡ - sẽ luôn có sự đối đầu giữa giá trị mới và cũ, do đó cần có một loại phương tiện để tái hiện các giá trị làng xã của người da màu nằm trong lòng nền văn minh của người da trắng. Tôi nghĩ điều này lí giải cho mục đích mà tác phẩm của tôi ra đời.

Sách của tôi không cố giải thích, khuyên can điều gì. Nó chỉ cho thấy “những người ngoại cuộc” này là ai, sống sót trong hoàn cảnh nào và sự thay đổi diễn biến ra sao... Tất cả giống như những giá trị mà văn chương làng xã từng làm được... Bất cứ khi nào tôi cảm thấy tác phẩm của mình đang lạc lối, tôi liền nghĩ đến những nhân vật trong cuốn sách (nhưng có thật ngoài đời) sẽ nghĩ gì khi đọc nó, vậy là tôi sẽ tìm được đường đi. Đó là đối tượng tôi muốn hướng tới.

Các tác phẩm nổi tiếng của Toni Morrison đã được chuyển ngữ.

Là một độc giả, tôi cũng bị cuốn hút bởi những cuốn sách văn chương, nhưng những cuốn sách mà tôi muốn viết không thể chỉ là một tác phẩm văn học thông thường. Đó là lí do tại sao tôi không thích người ta gọi sách của mình có tính “thơ ca” vì nó hàm ý đến sự giàu có, xa hoa. Tôi muốn khôi phục lại sức mạnh ban đầu của những chuyện kể, của những ngồi lê đôi mách, của nhạc dân gian... mà cộng đồng mình đã quá quen thuộc. Điều đó đòi hỏi một ngôn ngữ phong phú nhưng không hoa mĩ.

- Và điều đó không thể thiếu việc đem những chuyện huyền thoại, văn hóa dân gian vào tác phẩm?

+ Tôi nghĩ 2 yếu tố này đang mất dần đi vì chúng ta không nói chuyện với nhau theo cách mà tôi nhận thấy khi còn rất nhỏ. Nhưng chúng ta không thể sống mãi trong thế giới nhỏ bé đó, tôi phải đến đây, làm việc ở đây! Có một cảm thức cộng đồng mà tôi bất khả cảm nhận ở nơi mới này. Vì vậy, sử dụng hoặc xem xét kĩ những huyền thoại vốn bị lãng quên cũng là một cách để kết nối lại với di sản cộng đồng. Chẳng hạn, huyền thoại về việc bay lên trong Bài ca của Solomon có thể gần gũi với mọi người qua câu chuyện của Icarus (điều này cũng đúng) trong thần thoại Hy Lạp, nhưng thật ra yếu tố chính nhất khi tôi dùng nó là vì hình tượng “người da đen bay” luôn là một phần trong văn hóa dân gian của chúng tôi. Thoạt trông có vẻ ngớ ngẩn, nhưng nó xuất hiện ở khắp mọi nơi: người ta nói về nó, nó cũng xuất hiện trong các bài thánh ca và phúc âm nữa...

- Bà có nghĩ những điều mình vừa đề ra là rất khó thực hiện không?

+ Qủa là như vậy. Tôi nghĩ mình có thể viết đa dạng thể loại, thậm chí là đầy hoa mĩ. Nhưng điều khó nhất với tôi là phải làm sao để các tác phẩm thật sự đơn giản – phải làm sao để những cuốn sách không phức tạp chứa đựng các nhân vật vô cùng phức tạp. Ngôn ngữ phải được tinh lọc - thật sự là được lắng cặn. Như kiểu người ta luôn muốn giết rồng, nhưng nó vốn có thật đâu, viết lách với tôi cũng thế! Tôi nghĩ mình đã chọn cách làm khó hơn và luôn sẵn sàng nguy cơ thất bại. Đòi hỏi một sự giản đơn nhưng tôi cũng muốn tác phẩm của mình có cảm xúc nữa. Ngoài ra những chuyện tôi kể nhiều khi cũng lỗi thời rồi. Nhưng với tôi tự sự vẫn là cách tốt nhất để học hỏi, nên tôi sẽ luôn trung thành với nó.

- Là một biên tập viên, bà tìm kiếm chất lượng trong tác phẩm của người khác. Bà nghĩ điều gì là đặc biệt trong tác phẩm hư cấu của mình? Điều gì làm cho nó hay?

+ Ngôn ngữ, chỉ có ngôn ngữ. Ngôn ngữ phải được sử dụng cẩn trọng nhưng đồng thời cũng phải làm sao để trông nhẹ tựa lông hồng. Nó phải vừa khiêu khích lại vừa gợi mở trong cùng một lúc. Đó là điều mà người da đen rất thích - nói ra từ ngữ, giữ chúng trên lưỡi, thử nghiệm chúng, chơi đùa với chúng. Đó là tình yêu, là đam mê. Chức năng của nó đối với độc giả giống như một nhà thuyết giáo cố làm mọi cách để các giáo dân tách khỏi bản thân, lắng nghe chính mình.

- Một trong những lời phàn nàn về tác phẩm hư cấu của bà là bà viết về những người lập dị, không mang tính chất đại diện. Bà nghĩ sao về điều này?

+ Kiểu phán đoán xã hội học này rất phổ biến và thật tai hại. “Cuốn A hay hơn cuốn B vì nó kể những câu chuyện hợp lí hơn nhiều với người da đen” là một luận điểm không thể chấp nhận. Cá nhân tôi bị mê hoặc bởi những người phi thường vì ở họ, tôi có thể tìm thấy những gì áp dụng được vào cuộc sống bình thường của người da đen. Đã có những cuốn sách của các nhà văn da đen viết về cuộc sống bình thường của chủng tộc này rồi, vậy sao tôi phải lặp lại? Độc giả da đen thường hỏi tôi rằng: “Tại sao sách của bà lại u sầu, buồn bã đến thế? Tại sao bà không bao giờ viết về điều gì đó tươi sáng, về những mối quan hệ lành mạnh?” Thật ra tôi xoáy vào những gì mà bản thân cho là “chế độ bi thảm” của cộng đồng mình, trong đó phải có cả sự thanh lọc cũng như cảm giác mặc khải. Định nghĩa nói trên dường như mơ hồ, và đó có lẽ là hậu quả của việc tôi không phải tiểu thuyết gia cổ điển!

 NGÔ THUẬN PHÁT dịch từ bài phỏng vấn của Thomas LeClair trên The New Republic

---------

1. John Berger (1926 – 2017) là nhà phê bình nghệ thuật, tiểu thuyết gia, họa sĩ và nhà thơ người Anh. Tiểu thuyết G. của ông đã giành giải Booker năm 1972. Cuốn tiểu luận Những cách nhìn của ông đã tạo nhiều ảnh hưởng lớn.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)