Gore Vidal: Nhà văn chua cay nhất nước Mĩ

Chủ Nhật, 13/04/2025 03:16

Khi thế giới tiến đến kỉ niệm 100 năm ngày sinh của tiểu thuyết gia nổi tiếng Gore Vidal, thì những dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp gồm các tác phẩm lớn, những lời chỉ trích cay nghiệt và những thuyết âm mưu "kì quặc" được huyền thoại hóa quanh con người ông thêm một lần nữa được nhắc nhớ lại.

Lúc sinh thời, Gore Vidal từng chia sẻ bản thân hi vọng sẽ được nhớ đến như “người viết ra những câu văn hay nhất của thời đại mình". Thoạt nghe nó có một chút tự phụ, và với danh tiếng là một trong những nhân vật thường đưa ra các bình luận cay nghiệt, thì tính từ đó đã gắn với ông không thể khác được.

Vidal sinh ra với tên Eugene Luther Gore Vidal Jr tại Học viện Quân sự West Point vào ngày 3 tháng 10 năm 1925. Trong suốt văn nghiệp, ông cho ra đời 25 tiểu thuyết, 14 kịch bản phim, 8 vở kịch sân khấu và 26 tác phẩm phi hư cấu, bao gồm cả các bài luận được đánh giá là kinh điển của nước Mĩ. Ông cũng là bậc thầy của những câu nói móc mỉa mà độc giả vẫn nhớ cho đến giờ đây, một trong đó là: “Mỗi lần người bạn nào đó của tôi thành công, tôi lại chết đi một chút".

Tiểu thuyết gia Gore Vidal.

Ông nội của Vidal là thượng nghị sĩ TP Gore nổi tiếng, còn cha ông, Eugene Vidal, có vai trò quan trọng dưới thời tổng thống Franklin D Roosevelt. Vidal không thân thiết với mẹ mình, Nina, và từng mô tả bà là người nghiện rượu, hay sử dụng bạo lực và sống trong tự thương hại. Sau khi li hôn với cha Vidal năm 1935, mẹ ông kết hôn với Hugh D Auchincloss, cha dượng của Jacqueline Kennedy Onassis, vợ tổng thống Kennedy.

Năm 17 tuổi ông nhập ngũ và phục vụ với tư cách thuyền phó của một tàu tiếp tế hàng hóa quân đội. Ông gọi trải nghiệm chiến tranh này là "lạ lùng, không dễ chịu và đầy lạnh lẽo”. Tuy nhiên chính thời gian này đã là chất liệu cho cuốn tiểu thuyết Williwaw lấy chủ đề Thế chiến thứ hai và được đánh giá là hay nhất của ông, được viết ở tuổi 22. Hai năm sau đó ông cho ra mắt The City and the Pillar – cuốn sách được coi là tiểu thuyết đồng tính đầu tiên của nước Mĩ vào năm 1948. Tác phẩm bị lên án là đồi trụy, trong khi Vidal bị nhiều tờ báo liệt vào “danh sách đen”, vì thế mà ông chuyển sang viết bằng bút danh Edgar Box, Katherine Everard và Cameron Kay. Vụ việc này cũng dẫn ông đến ngành công nghiệp phim ảnh.

Vào cuối những năm 1960, sau một lần tranh cử vào Quốc hội không thành công và xuất bản 3 tiểu thuyết gây xôn xao văn đàn, ông đã trở thành gương mặt truyền hình rất được yêu thích với phong thái bộc trực cùng những bình luận mang màu sắc châm biếm. Mối thù hằn nổi tiếng nhất của ông là với Truman Capote – tác giả của Máu lạnh, Buổi sáng ở Tiffany khi vị này tuyên bố Vidal đã bị Bobby Kennedy - Thượng nghị sĩ Hoa Kì và là em trai của tổng thống Kennedy - đuổi khỏi Nhà Trắng vì “say xỉn và tỏ ra đáng ghét”. Sau đó, Vidal đã nói với tờ báo này: “Tôi ghét Capote đến vô cùng tận, theo cách bạn ghét con vật bẩn thỉu nào đó tìm đường vào nhà vậy”.

Những tiểu thuyết trong bộ tiểu thuyết lịch sử của Gore Vidal.

Mặc dù tiểu thuyết của Vidal giành được sự ngưỡng mộ của rất nhiều người – đặc biệt là Julian (1964), một tiểu thuyết lịch sử sống động và được nghiên cứu tỉ mỉ về vị hoàng đế La Mã thế kỉ thứ 4 – nhưng ông lại khá khó chịu với những tác giả được các nhà phê bình ca ngợi. Năm 1996 ông đã viết một bài chỉ trích dài 10.000 từ về người chiến thắng giải thưởng Pulitzer John Updike cho The Times Literary Supplement, tuyên bố rằng tác giả của Chạy đi Rabbit “viết mà không biết mình đang nói gì”. Sau đó, ông nói với người phỏng vấn: "Tôi không chịu nổi Updike. Cứ cho là tôi ghen tị đi, nhưng tôi bán chạy hơn anh ta. Anh ta chỉ là một cậu bé trung lưu buồn tẻ cố gắng vươn đến đỉnh cao". Và các nhà văn nam không phải là mục tiêu duy nhất, bởi khi được yêu cầu nêu tên tác giả gây nản lòng nhất trong thế giới tiếng Anh, ông trả lời rằng: "Joyce Carol Oates" – nữ văn sĩ người Mĩ nổi tiếng.

Ông là bạn thân của những người vĩ đại, bao gồm nhà viết kịch Tennessee Williams, diễn viên huyền thoại Paul Newman và Công chúa Margaret, em gái của nữ hoàng Anh Elizabeth. Anaïs Nin – nhà văn người Mĩ gốc Pháp - mô tả Vidal là "sáng sủa và nam tính". Ông cao hơn 1.8 mét, có vẻ ngoài điển trai của những sinh viên Ivy League và thích chăm chút mái tóc của mình. Ông có thói quen nheo mắt để tránh đeo kính vì ngại nó khiến bản thân trông hơi ngớ ngẩn.

Ông không giấu giếm cuộc sống tình ái “đặc biệt” khi còn trẻ, bởi đã tiết lộ trong cuốn hồi kì Palimpsest rằng mình đã có hơn 1.000 lần quan hệ tính giao cả nam và nữ khi mới 25 tuổi. Một trong những “cuộc chinh phục” đáng chú ý của ông là Jack Kerouac – tác giả của tuyệt tác Trên đường - người mà ông gặp năm 1949 tại Nhà hát Metropolitan Opera. Theo đó ông đã khoe khoang một cách hờ hững trong một cuộc phỏng vấn năm 1994 rằng: "Như mọi người đều biết, tôi đã quan hệ với Kerouac".

Vidal sau đó sống với người bạn đồng hành kiêm biên tập viên quảng cáo Howard Austen trong 5 thập kỉ dù khẳng định rằng "tình yêu không phải là điều tôi quá bận tâm". Tuy vậy vào quãng cuối đời, ông để lại di chúc muốn được chôn cất tại Nghĩa trang Rock Creek bên cạnh Austen.

Nhưng Vidal còn hơn cả một ngôi sao truyền hình và một kẻ chuyên gây hấn trong văn đàn. Ông xứng đáng được tôn trọng vì tiểu thuyết lịch sử của mình. Cảm nhận sâu sắc của Vidal về quá khứ của nước Mĩ đã được thể hiện trong các tiểu thuyết Washington, DC (1967), Burr (1973), 1876 (1976), Lincoln (1984), Empire (1987), Hollywood (1990) và The Golden Age (2000) thuộc bộ Narratives of Empire, qua đó cung cấp một góc nhìn mạch lạc về sự suy tàn của quốc gia này.

Với tất cả sự chua chát mà ông dành cho người khác, Vidal cũng đôi khi hướng cái nhìn lạnh lùng về bản thân mình. Ông từng nói rằng: "Tôi là những gì mà mình thể hiện. Không có sự mềm mỏng hay ấm áp, đáng yêu nào ở bên trong cả. Bên dưới vẻ ngoài lạnh lùng của tôi, một khi phá vỡ lớp băng, bạn chỉ đầm mình trong nước lạnh thôi". Sau khi dành thời gian với Vidal ở Ý, nhà văn Erica Jong đã mô tả Vidal là "tiếng nói cho sự tỉnh táo trong một thế giới điên rồ" và vẫn thấy chán khi phải đối mặt với "người đàn ông lạnh lùng và buồn bã nhất mà tôi từng gặp".

Trước khi qua đời, do biến chứng của bệnh viêm phổi, ông đã để lại khối tài sản trị giá 37 triệu USD và toàn bộ di sản văn học cho Đại học Harvard, một sự lựa chọn mà hai người họ hàng xa không thể đảo ngược tại tòa. Nói về điều này, Vidal chia sẻ về sự gắn bó với Henry James - nhà văn mà ông mô tả là "bậc thầy của tiểu thuyết" – người cũng có bộ sưu tập được lưu giữ tại Havard. Mặc dù tiểu thuyết của Vidal không bao giờ có thể sánh được với sự tao nhã hay phức tạp của James, nhưng ông tin chắc cả hai đều cùng chia sẻ tình yêu với sự mơ hồ và cách nhìn mỉa mai.

Mặc dù mới 13 năm từ khi Vidal rời khỏi nơi ông gọi là "chiếc thuyền của những kẻ ngốc", nhưng không thể phủ nhận ông là học giả uyên bác từ một thời đại đã mất, là một nhà văn của nước Mĩ suy tàn và là một nhà bình luận chính trị sâu sắc, chua cay đang mất dần đi trong chính thời đại truyền thông xã hội ngay bây giờ đây.

NGÔ THUẬN PHÁT dịch từ The Independent

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)