Tác phẩm nghệ thuật của họ là những tiếng kêu cứu. Những nghệ sĩ Gaza đã ghi lại cuộc sống của người dân Palestine giữa lửa đạn. Ảnh 1: Những bức vẽ bằng than về cuộc sống trong chiến tranh ở Gaza của Basel Al Maqosui. Ảnh: Darat al Funun Basel El Maqosui, một nghệ sĩ đến từ Gaza, vẫn cảm thấy ngạc nhiên khi thức dậy còn sống sau mỗi đêm. Ở vùng đất nơi hơn 64.000 người Palestine đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel. Con số vẫn không ngừng tăng lên, sự sống mỗi ngày đều mong manh. “Chiến tranh bắt đầu và cuộc sống như dừng lại,” ông nói. “Chúng tôi không còn làm nghệ thuật, không còn công việc, chỉ còn chạy, tìm nước, tìm thức ăn, và tránh né cái chết”. Ảnh 2: Bốn tấm tranh vẽ bằng than của El Maqosui. Ảnh: Darat al Funun El Maqosui tái hiện một Gaza đầy thương tích: người đàn ông bị bịt mắt và lột trần, phụ nữ ôm nhau than khóc, trẻ em không còn đủ tay chân giữa biển lều trại. Với ông, nghệ thuật giờ đây là một phương tiện để gửi đi thông điệp: “Chúng tôi – người Palestine đang chịu cảnh bị chiếm đóng. Chúng tôi xứng đáng được sống trong phẩm giá và tự do, như bất kì ai trên thế giới”. Trước tháng 10/2023, El Maqosui giảng dạy nghệ thuật tại Beit Lahia, phía bắc Gaza, và từng trưng bày tác phẩm ở nhiều nước như Ấn Độ, Algeria hay Mĩ. Khi bom đạn ập đến, ông buộc phải di dời từ Khan Younis đến Rafah, rồi Deir al-Balah, Nuseirat và Az-Zawaida. Dẫu vậy, ông vẫn duy trì niềm tin vào nghệ thuật, biến nơi trú ẩn thành nơi chia sẻ: hơn 100 buổi hội thảo được tổ chức với trẻ em, phụ nữ và người khuyết tật. Ông gọi đó là “Nơi cư trú nghệ thuật, không phải nơi di dời”. Ảnh 3: Nghệ sĩ người Palestine - El Maqosui ở một trong những buổi hội thảo dành cho trẻ em mà ông tổ chức ở Gaza. “Tôi biết những gì mình làm là nhỏ nhoi, nhưng tôi cũng biết trẻ em đã có được vài giờ để quên đi nỗi sợ hãi, cái đói và những cơn ác mộng,” ông chia sẻ. “Tôi không còn công việc gì khác - và tôi yêu điều mình đang làm.” | Câu chuyện của El Maqosui chỉ là một phần trong triển lãm Under Fire đang diễn ra tại Darat al Funun, Amman, Jordan – nơi tập hợp tác phẩm của bốn nghệ sĩ Gaza, những người vẫn sáng tạo giữa bom rơi đạn lạc. Ảnh 4: Triển lãm tại Darat al Funun ở Amman, Jordan. Ảnh: Darat al Funun Giám đốc nghệ thuật Khaled al - Bashir cho biết triển lãm lần này mang tính cấp thiết: “Những nghệ sĩ này vẫn tiếp tục sáng tác, dù đang sống trong cảnh bị di dời và thiếu thốn. Đây là lúc cần phải lắng nghe tiếng nói của Gaza”. Trong số những nghệ sĩ góp mặt có Sohail Salem, người từng là giảng viên mỹ thuật tại Đại học Al-Aqsa. Anh vẽ bằng bút trong các cuốn sổ tay của Unrwa, loại vật dụng ít ỏi mà anh có thể mang theo khi bị buộc phải rời đi. Ảnh 5: Sohail Salem vẽ bằng bút trong sổ tay Unrwa. Ảnh: Darat al Funun “Với tôi, vẽ là cách để giải thoát những hình ảnh đau thương đang giữ trong đầu,” Salem nói. “Tôi từng phải đi qua những thi thể của người tử nạn, nghe tin tức được phát to trên radio. Để giữ lấy chính mình, mỗi sáng tôi lại cố tách khỏi thực tại bằng cách vẽ”. Ảnh 6: Một số cuốn sổ tay của Salem. Ảnh: Darat al Funun Salem từng bị lực lượng Israel bắt tại nhà ở Al-Rimal, bị còng tay, bịt mắt và thẩm vấn. Anh kể: “Họ viết một chữ cái tiếng Do Thái lên trán tôi. Mọi người xung quanh sợ hãi, không biết liệu điều đó có nghĩa là tôi sẽ bị giết không”. Sau đó anh được thả và đoàn tụ với gia đình tại Deir al-Balah. “Tôi không cần gì nhiều – chỉ vài cây bút, vài cuốn sổ nhỏ, như thể tôi đang viết nhật kí mỗi ngày”. | Raed Issa, một nghệ sĩ khác trong triển lãm, vẽ chân dung phụ nữ và trẻ em bằng những nguyên liệu tự chế: nước ép lựu, trà karkadeh và mực, tất cả được thể hiện trên bao bì thuốc. Khi buộc phải rời đi mà không thể mang theo vật liệu nghệ thuật, ông dùng chính những gì tìm được trong nơi tị nạn. Ảnh 7: Một số tác phẩm chân dung của Raed Issa từ triển lãm. Ảnh: Darat al Funun | Cuối cùng là Majed Shala, người buộc phải rời bỏ ngôi nhà ở Deir al-Balah, để lại xưởng vẽ và 30 năm tác phẩm phía sau. Dẫu mất mát, ông vẫn tiếp tục vẽ: cảnh những con phố quen, những bụi xương rồng trên ban công, tất cả hiện lên qua màu nước trên những mẩu giấy rời. Ảnh 8: Hai bức tranh phong cảnh của Majed Shala. Nghệ sĩ đã buộc phải bỏ lại 30 năm công việc của mình khi ông và gia đình phải di dời khỏi nơi ở của mình. Ảnh: Darat al Funun “Tôi muốn lưu lại những cảnh đời thực mà chúng tôi đang sống – sự di dời, mất mát, kháng cự. Tất cả khiến tôi nhớ đến những câu chuyện về thảm họa Nakba năm 1948, nhưng lần này, nó còn tồi tệ hơn thế”. | Triển lãm Under Fire không chỉ là nơi lưu giữ những tác phẩm nghệ thuật giữa chiến tranh, mà còn là tiếng kêu cứu từ bên trong Gaza – nơi mà nghệ thuật đã trở thành một hình thức sinh tồn, một cách bày tỏ nhân tính giữa những đổ nát. MINH NGỌC dịch |