. Truyện ngắn của Oscar Wilde (Anh)
Là một anh chàng đỏm dáng cũng chẳng ích gì trừ khi có nhiều tiền. Lãng mạn là đặc quyền của người giàu và những ai thất nghiệp chẳng nên nghĩ tới. Người nghèo phải thực dụng và đừng có mộng mơ. Có thu nhập ổn định vẫn tốt hơn là chỉ được cái mã ngoài quyến rũ. Đó là chân lí tuyệt vời của cuộc sống hiện đại mà Hughie Erskine chẳng bao giờ nhận ra. Thật tội nghiệp!
Về mặt trí tuệ, chúng ta phải thừa nhận rằng Hughie chẳng có gì nổi trội. Trong đời mình, anh chưa bao giờ nói được một điều gì hay hớm hoặc thậm chí là xấu xa. Nhưng sau tất cả, Hughie có một vẻ đẹp tuyệt vời, với mái tóc xoăn nâu, khuôn mặt nhìn nghiêng khả ái và đôi mắt xám, thu hút ánh mắt của cả nam giới lẫn nữ giới. Mọi thứ với Hughie đều tròn trịa ngoại trừ một việc: Kiếm tiền. Tất cả những gì cha anh để lại là thanh kiếm kỵ binh và bộ sách Lịch sử chiến tranh bán đảo mười lăm tập. Hughie treo thanh kiếm trước tấm gương soi và để bộ sách trên giá, giữa cuốn sách hướng dẫn của Ruff và Tạp chí Bailey. Anh sống dựa vào khoản tiền hai trăm bảng do một người cô lớn tuổi trợ cấp. Hughie cũng đã thử làm mọi việc. Anh tham gia sàn giao dịch chứng khoán trong sáu tháng, nhưng thử hỏi một con bướm có thể làm gì được giữa những gã bò đực và lũ gấu to con cơ chứ? Anh chuyển sang buôn trà và làm nghề này lâu hơn được chút ít, nhưng cũng sớm chán ngấy với cả trà san tuyết lẫn trà đen. Tiếp đó, Hughie lại thử vận may với rượu vang nặng độ. Cũng chẳng ích gì! Rượu của anh quá nặng. Chẳng làm nên trò trống gì, Hughie trở một thanh niên vô dụng nhưng luôn tươi vui, có một lí lịch hoàn hảo và… thất nghiệp.
Nhưng chưa hết. Tệ hơn cả là Hughie lại đang yêu. Người yêu anh là Laura Merton, con gái ngài đại tá về hưu, người đã không còn khả năng giữ bình tĩnh và sự thấu cảm nữa sau khi trở về từ Ấn Độ. Laura ngưỡng mộ Hughie, còn Hughie thì có thể làm mọi thứ vì cô. Họ là cặp đôi đẹp nhất London và… không một xu dính túi. Ngài đại tá rất thích Hughie, nhưng sẽ chẳng bao giờ đồng ý cho phép đính hôn.
Ông thường nói: “Này con trai, khi nào cậu kiếm được mười ngàn bảng thì hãy tới gặp tôi, rồi thì chúng ta sẽ bàn về việc đó”. Những ngày này trông Hughie khá mệt mỏi và phải đến gặp Laura để tìm lời an ủi.
Một sáng, khi đang trên đường đến Công viên Holland, nơi gia đình ngài đại tá sinh sống, Hughie ghé thăm một người bạn tốt, Alan Trevor. Alan Trevor là một thợ vẽ. Thật ra thì ai mà chẳng làm thợ vẽ được cơ chứ. Nhưng Alan cũng là một họa sĩ, mà các nghệ sĩ chẳng phải là nhiều. Alan là con người thô nhám, có khuôn mặt đầy tàn nhang và bộ râu đỏ hoe bù xù. Nhưng khi cầm cọ lên, Alan là một bậc thầy thực thụ và những bức tranh của Alan cũng được nhiều người tìm mua. Ban đầu, Alan bị Hughie thu hút hoàn toàn với vẻ bề ngoài. Alan thường nói: “Họa sĩ chỉ nên biết những người có gương mặt đẹp và ngốc nghếch. Đó là những người đem lại niềm vui nghệ thuật khi ngắm nhìn và giúp trí tuệ ta được nghỉ ngơi khi trò chuyện. Những người đàn ông thanh tú và phụ nữ yêu kiều thống trị thế giới. Ít nhất thì họ nên làm như vậy”. Tuy nhiên, khi quen biết lâu hơn, Alan cũng rất thích tính tình sôi nổi và bản tính hào phóng ít suy nghĩ thiệt hơn của Hughie và cho phép anh được ra thường xuyên ra vào xưởng vẽ của mình.
Khi bước vào xưởng vẽ, Hughie thấy Alan đang đưa những nét cọ cuối cùng hoàn thành bức tranh cỡ lớn vẽ một người ăn xin to bằng người thật. Người ăn xin đang đứng trên một chiếc bục cao trong góc xưởng vẽ. Đó là một ông lão nhăn nhúm với khuôn mặt nhàu như tấm da khô cùng nét mặt hết sức thảm thương. Ông lão khoác tấm áo choàng cụt tay màu nâu tồi tàn, rách tướp, đi đôi giày cao cổ vá chằng vá đụp, một tay cầm chiếc gậy xù xì mà tựa cả người vào đó. Tay còn lại chìa ra chiếc mũ cũ rách xin người qua lại.
Hughie thì thầm khi bắt tay Alan: “Mẫu vẽ thật ấn tượng!”
Alan nói lớn: “Mẫu ấn tượng ư? Đúng, tớ cũng nghĩ thế! Những người ăn xin thế này cậu sẽ chẳng mấy khi được gặp đâu. Một kẻ hát rong; một Velasquez thứ thiệt đấy! Ôi, những ngôi sao của tôi! Nghệ sĩ khắc bản in Rembrandt sẽ tạo được cả một bản vẽ tuyệt vời từ ông ta đấy!”
Hughie nói: “Thật là một ông lão đáng thương! Trông ông ấy mới bất hạnh làm sao! Nhưng tớ cá rằng với thợ vẽ như cậu thì khuôn mặt của ông ấy mới là cả một gia tài. Phải vậy không?”
Alan đáp: “Tất nhiên là vậy rồi. Cậu lại muốn người ăn xin trông phải hạnh phúc hay sao?”
Hughie lại hỏi khi đã ngồi thoải mái trên đi-văng: “Mẫu được trả bao nhiêu mỗi lần?”
“Mỗi giờ một xi-ling”.
“Còn bức tranh thì sao? Cậu bán giá bao nhiêu?”
“Ồ, bức này tớ kiếm được hai nghìn đấy?”
“Hai nghìn bảng ư?”
“Ghi-nê. Họa sĩ, thi sĩ và bác sĩ đều được trả bằng đồng ghi-nê”.
Hughie bật cười to: “Tớ nghĩ là mẫu vẽ nên được trả theo phần trăm bức vẽ. Họ làm việc vất vả gấp đôi cậu cơ mà”.
“Vớ vẩn! Vớ vẩn hết sức! Tại sao chứ? Hãy chỉ xem xét vấn đề trên bức vẽ mà thôi, và việc phải đứng cả ngày trước giá vẽ nữa! Điều cậu nói là rất hay, Hughie ạ, những tớ phải nói với cậu rằng có những lúc nghệ thuật gần như đạt tới phẩm giá của lao động chân tay. Nhưng thôi, đừng huyên thuyên nữa. Tớ rất bận. Hãy hút thuốc và giữ im lặng!”
Ảnh minh họa của Ngô Xuân Khôi.
Lúc sau, người giúp việc bước vào, báo người làm khung tranh đang đợi. Alan đi ra, bảo: “Đừng có đi đấy, Hughie. Tớ sẽ quay lại ngay”.
Tranh thủ lúc Alan ra ngoài, ông lão mẫu vẽ ngồi xuống nghỉ trên băng ghế phía sau. Trông ông mệt mỏi và thảm hại đến mức Hughie không thể không thấy cảm thương. Anh lục tìm túi áo. Tất cả những gì anh có là một đồng xô-vơ-ren (đồng tiền vàng tương đương 1 bảng) và vài đồng tiền xu. Anh nghĩ: “Ông lão tội nghiệp! Ông ấy cần số tiền này hơn mình. Nhưng thế có nghĩa là mình sẽ không có tiền đi xe ngựa trong hai tuần”. Nghĩ vậy nhưng anh vẫn đi tới bên ông lão ăn xin, dúi đồng xô-vơ-ren vào tay ông ta.
Ông lão giật nảy mình. Một nụ cười mơ hồ thoáng qua trên đôi môi khô héo: “Cảm ơn anh! Cảm ơn!”
Ngay sau đó, Alan bước vào. Hughie cũng rời đi, mặt ửng hồng với việc tốt vừa làm. Anh tới chỗ Laura, nhận những lời mắng yêu từ cô bởi hành động phung phí trước đó, và rồi phải đi bộ về nhà.
Đêm đó, anh đi bộ tới Câu lạc bộ Palette vào khoảng mười một giờ và thấy Alan đang ngồi một mình trong phòng hút thuốc, uống vang trắng và nước khoáng xen-xe.
Vừa châm thuốc, Hughie vừa hỏi: “Alan này, cậu đã hoàn thành bức tranh chưa?”
Alan đáp: “Xong rồi, và đã kịp đóng khung. À mà này, cậu lại chinh phục được thêm lòng người nữa đó. Ông lão mẫu vẽ tỏ ra rất sốt sắng về cậu. Tớ phải kể hết chuyện của cậu cho ông ấy nghe, từ chuyện cậu là ai, đang ở đâu, thu nhập thế nào và triển vọng ra sao…”
Hughie la hoảng: “Ôi Alan thân mến của tớ! Có khi tớ lại gặp ông ấy đứng đợi ở nhà ấy chứ. Nhưng tất nhiên là cậu chỉ đùa chút thôi, phải không? Ông lão thật bất hạnh! Tớ ước mình có thể làm được gì đó giúp ông ấy. Thật không thể chịu nổi khi nghĩ rằng có người lại bất hạnh đến vậy. Tớ có nhiều quần áo cũ ở nhà lắm. Cậu có nghĩ rằng ông ấy muốn lấy quần áo cũ không? Tại tớ thấy ông ấy ăn mặc rách rưới quá.”
Alan đáp: “Nhưng trông ông ấy thật tuyệt trong bộ đồ đó. Tớ sẽ không vẽ ông ấy trong chiếc áo choàng sang trọng làm gì. Cái mà cậu gọi là giẻ rách ấy tớ lại gọi là lãng mạn. Thứ trông có vẻ đói rách với cậu lại rất sinh động với tớ. Nhưng không sao. Tớ sẽ nói với ông ấy về lời đề nghị của cậu.”
Hughie nói, giọng nghiêm túc: “Alan này, họa sĩ các cậu có vẻ như quá vô tâm.”
Alan đáp: “Trái tim người họa sĩ nằm ở trên đầu cơ. Hơn nữa, công việc của chúng tớ là miêu tả thế giới này như nó vốn vậy, chứ không phải là tìm cách thay đổi nó. Mỗi người một nghề mà. Giờ thì kể cho tớ nghe về Laura đi. Ông lão mẫu vẽ rất quan tâm đến cô ấy đấy.”
Hughie hỏi: “Cậu không kể cho ông ấy về Laura đấy chứ?”
“Tất nhiên là tớ đã kể. Ông ấy biết tất cả về ngài đại tá, Laura đáng yêu và cả vụ mười nghìn bảng nữa.”
Hughie đỏ mặt vì giận: “Cậu kể hết cho ông lão ăn xin ấy về chuyện riêng của tớ sao?”
Alan mỉm cười: “Chàng trai ơi, ông lão ăn xin già nua mà cậu nhìn thấy đó là một trong những người giàu nhất châu Âu đó. Ông ấy có thể mua cả London ngay trong ngày mai mà không phải rút thêm tiền trong tài khoản ngân hàng. Ông ấy có nhà ở thủ đô tất cả các nước, ăn tối bằng những chiếc đĩa vàng và có thể ngăn chặn nước Nga tham chiến nếu muốn.”
Hughie kinh ngạc: “Cậu nói sao?”
Alan bảo: “Người đàn ông mà cậu thấy ở xưởng vẽ hôm qua là Nam tước Hausberg, một trong những người bạn tốt của tớ. Ông ấy mua tất cả tranh của tớ và một tháng trước đây đã trả tiền hoa hồng để tớ vẽ ông ấy trong vai người ăn xin. Ông ấy muốn gì ấy à? Sự lãng mạn của một triệu phú thôi! Và tớ phải công nhận rằng trông ông ấy rất tuyệt trong bộ quần áo tồi tàn của mình, mà đúng ra là của tớ. Đó là bộ comple cũ tớ mua ở Tây Ban Nha.”
Hughie xuội lơ trên chiếc ghế bành, buồn bã than: “Ôi, Nam tước Hausberg! Lạy Chúa! Vậy mà tớ đã cho ông ấy một đồng xô-vơ-ren!”
Alan la to: “Cậu cho ông ấy một đồng xô-vơ-ren ư! Ôi anh bạn của tớ ơi. Cậu sẽ chẳng bao giờ lấy lại được nó đâu. Việc của ông ấy là kiếm tiền từ người khác đấy.”
Hughie nói, vẻ giận dỗi: “Lẽ ra cậu phải nói với tớ về chuyện này để ngăn tớ làm một việc ngớ ngẩn như vậy chứ.”
Alan đáp: “Ồ, thế này nhé Hughie. Tớ không hề nghĩ rằng cậu lại cho tiền một cách hấp tấp như vậy. Tớ hoàn toàn có thể hiểu được khi cậu ôm hôn một cô người mẫu xinh đẹp, nhưng cho một ông lão xấu xí một đồng xô-vơ-ren thì thề có Chúa tớ không thể hiểu nổi! Thêm nữa, sự thật là hôm đó đối với bất cứ ai thì tớ cũng không có mặt ở nhà, và khi cậu bước vào thì tớ không biết liệu Hausberg có muốn được nhắc đến tên mình hay không. Cậu biết đấy, ông ấy không ăn mặc một cách đàng hoàng cho lắm.”
Hughie nói: “Ông ấy sẽ nghĩ tớ là một kẻ ngớ ngẩn!”
“Chẳng gì cả đâu. Ông ấy rất vui khi cậu rời đi, cứ thỉnh thoảng lại mỉm cười một mình và xoa xoa hai bàn tay nhăn nheo. Tớ đã không hiểu tại sao ông ấy lại muốn tìm hiểu về cậu đến vậy, nhưng giờ thì tớ đã hiểu ra rồi. Ông ấy sẽ đầu tư đồng xô-vơ-ren đó hộ cậu, Hughie ạ, rồi sẽ trả lãi sáu tháng một lần, và sẽ có cả một câu chuyện về vốn để kể sau bữa tối.”
Hughie càu nhàu: “Mình thật là một kẻ gàn dở thiếu may mắn. Điều tốt nhất có thể làm bây giờ là lên giường đi ngủ. Mà Alan này, đừng có mà kể chuyện này cho ai nhé. Tớ sẽ chẳng dám thò mặt đi tới đâu nữa..”
“Vớ vẩn! Câu chuyện chỉ cho thấy lòng hảo tâm của cậu mà thôi. Đừng có bỏ về đấy. Hút thêm điếu thuốc nữa và kể cho tớ thật nhiều về Laura đi.”
Nhưng Hughie không ở lại. Anh đi bộ về nhà, tâm trạng không vui, bỏ lại phía sau những tiếng cười của Alan Trevor.
Sáng hôm sau, khi đang dùng bữa sáng, người giúp việc mang vào cho Hughie một tấm danh thiếp, trên đó có ghi: Gustave Naudin, người đại diện của Nam tước Hausberg.
Hughie bảo người giúp việc đưa vị khách tới và tự nhủ: “Chắc là ông ấy tới để đòi được xin lỗi đây!”
Bước vào là một quý ông với cặp kính vàng và mái tóc điểm bạc. Vị khách nói bằng thứ giọng pha lẫn tiếng Pháp: “Có phải tôi đang được vinh dự nói chuyện với ông Erskine không?”
Hughie cúi người chào.
“Tôi là người đại diện của Nam tước Hausberg. Nam tước…”
Hughie lắp bắp chen ngang: “Xin phép… xin ông làm ơn… chuyển lời xin lỗi chân thành nhất của tôi tới Nam tước…”
Vị khách mỉm cười, chìa ra một phong thư dán kín: “Nam tước giao cho tôi nhiệm vụ gửi lá thư này đến ông”.
Trên phong thư ghi rõ dòng chữ: Món quà cưới từ ông lão ăn xin tới Hugh Erskine và Laura Merton. Bên trong là một tấm ngân phiếu trị giá mười nghìn bảng.
Trong đám cưới của họ, Alan Trevor là phù rể còn Nam tước Hausberg thì đọc bài diễn văn ở tiệc cưới.
Alan nhận xét: “Người mẫu triệu phú đã hiếm, nhưng thề có Chúa, triệu phú làm người mẫu thì còn hiếm hơn!”
HỮU DƯƠNG dịch
VNQD