Nhà văn đoạt giải Nobel năm 1986, tác giả của nhiều tuyển tập thơ, kịch, truyện ngắn, bài luận, người truyền cảm hứng cho nhiều tác phẩm âm nhạc chưa từng viết một cuốn tiểu thuyết nào trong gần nửa thế kỉ - cho đến ngày hôm nay.
Wole Soyinka sinh năm 1934, là một trong những người xây dựng nền sân khấu dân tộc Nigeria độc lập.
Ở tuổi 87, Wole Soyinka được xem là một hình tượng của đất nước Nigeria. Kịch của ông đã được biểu diễn trên khắp thế giới, các tuyển tập thơ có mặt tại nhiều quốc gia, các bài luận được nghiên cứu ở nhiều trường đại học và các tác phẩm phi hư cấu của ông trở thành ‘lưỡi kiếm sắc bén’ đe dọa nhiều nhà độc tài Nigeria.
Ông từng bị ngồi tù 22 tháng trong cuộc nội chiến Nigeria vào cuối những năm 1960 vì kêu gọi chấm dứt nội chiến; những hoạt động chính trị cũng khiến ông phải sống lưu vong hai thập kỉ trong thời đại Tướng Sani Abacha, người cai trị quân đội của Nigeria.
Năm 1986, Wole Soyinka là nhà văn châu Phi đầu tiên nhận giải Nobel văn học vì có những đóng góp quan trọng cho nền sân khấu châu Phi. Ông đã dành tặng bài diễn từ đọc tại lễ trao giải Nobel của mình cho vị lãnh tụ Nam Phi luôn đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Nelson Mandela.
Sinh ra ở Abeokuta, phía tây nam Nigeria vào năm 1934, Soyinka đã ghi lại thời thơ ấu đầy màu sắc của mình trong cuốn hồi kí Aké. Ông theo học ngành văn học Anh tại cả Đại học Ibadan và Đại học Leeds và hiện đang sống tại quê hương với vợ, Folake Doherty-Soyinka.
Chronicles from the Land of the Happiest People on Earth (tạm dịch: Biên niên sử ở vùng đất những người hạnh phúc nhất trên trái đất), cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Soyinka trong gần nửa thế kỉ sắp được xuất bản tại Vương quốc Anh. Đây là một cuốn sách giàu màu sắc dân tộc, kể về một lãnh đạo tôn giáo, một chính trị gia, một ông trùm truyền thông và kể về một nhóm bạn đại học lập kế hoạch cho tương lai của đất nước thông qua một phiên bản Nigeria hiện tại.
Châm biếm và bình luận chính trị luôn là thương hiệu của Soyinka. Tờ The Guardian nhận xét đây là một “cuốn sách có nhiều thứ - tình bạn và sự bất tín; lòng tin và bội bạc; hi vọng và hoài nghi. Nó đầy kịch tính và đặt trong bối cảnh của Nigeria đương đại. Như những gì bạn từng kì vọng về sách của Soyinka, tác phẩm này đầy những nhân vật hiểu biết và không thiếu các bình luận dí dỏm cùng ngôn ngữ tao nhã”.
Phóng viên đã có buổi trò chuyện với tác giả về cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông, những kỉ niệm thời thơ ấu và hi vọng của Soyinka về Nigeria.
Wole Soyinka viết cuốn sách mới trong thời gian cách ly xã hội vì dịch Covid-19.
Chronicles from the Land of the Happiest People on Earth là cuốn tiểu thuyết của ông sau 48 năm, tại sao là bây giờ? Điều gì đặc biệt trong thời điểm này, thưa ông?
Các chủ đề trong tiểu thuyết này luôn nằm trong các tác phẩm của tôi, dưới nhiều hình thức khác nhau, từ kí họa, các bài luận chiến cho đến thơ ca. Các ý tưởng được tập hợp lại theo kiểu tích lũy. Và cuối cùng tôi chỉ nói: Hãy để tôi đưa tất cả những điều này vào văn xuôi một lần và mãi mãi.
Cuốn sách tập hợp một dàn nhân vật lớn dưới nhiều tầng lớp khác nhau: Ngài Goddie, thủ tướng của một đất nước Nigeria hư cấu; kĩ sư Pitan-Payne; Papa Davina, người sáng lập "Chrislam", một sự kết hợp giữa Cơ đốc giáo và Hồi giáo - và nhiều hơn nữa. Ông phải theo dõi tất cả các nhân vật như thế nào?
Đó là một câu hỏi rất hay và tôi mừng vì bạn đã hỏi vì lợi ích của nhiều tiểu thuyết gia trẻ, những người đang dùng một công cụ kì diệu được gọi là máy tính. Nhiều người nghĩ rằng máy tính là trợ thủ đắc lực. Nhưng tin tôi đi, máy tính cũng có thể là một kẻ thù. Chắc chắn phải đánh số bản nháp rất cẩn thận, đó là cách để kiểm soát hệ thống nhân vật.
Trong tác phẩm này, điều gì đến với ông trước, cốt truyện hay nhân vật?
Tôi nghĩ đó là nhân vật. Các sự kiện phát triển theo chiều hướng nhân vật là nhiều hơn cả.
Các nhà lãnh đạo tôn giáo bị châm biếm trong cuốn tiểu thuyết này, giống như nhiều tác phẩm kịch của ông, ông nghĩ tôn giáo có vai trò gì trong cuộc sống của người Nigeria?
Tôn giáo là một phần hấp dẫn trong môi trường sống của tôi, ngay từ khi còn nhỏ. Lúc đầu tôi cũng là một tín đồ. Khi ấy, tôn giáo đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới tôi, nhưng khi trưởng thành, tôi bắt đầu nghiên cứu kỹ hơn những tuyên bố và những người lãnh đạo này. Khi xã hội trở nên duy vật hơn, hoài nghi hơn, vô lương tâm hơn, nhiều người đi theo tôn giáo để buôn bán, làm ăn. Cũng như một nhà văn, người ta sẽ bị thu hút bởi sự sáng tạo của nhà văn đó.
Nếu ông đã quen thuộc với bối cảnh chính trị hiện đại Nigeria, ông thậm chí có thể nhận ra các nhân vật châm biếm được che đậy một cách khéo léo. Ông đã nghiên cứu cuốn tiểu thuyết hay tất cả tài liệu trong đầu ông đã có sẵn?
Có rất nhiều sự kiện trong cuốn sách có từ cuộc sống. Một số nhân vật đã được lấy từ đời thực, nhưng sau đó được hư cấu. Đó là một trong những lý do tại sao tôi muốn xuất bản cuốn sách trước 60 năm đất nước độc lập. Tôi muốn đây là món quà của tôi dành cho đất nước, cho những người sống ở đây, cả những người bị cai trị và những người cai trị, những người bị bóc lột và những người bóc lột.
Tiêu đề cuốn tiểu thuyết, Chronicles from the Land of the Happiest People on Earth dường như là lời chỉ trích về Nigeria: Chúng tôi hạnh phúc bất chấp tất cả những gì đang diễn ra. Fela Kuti cũng chỉ trích điều này trong bài hát Shuffering and Shmiling của anh ấy, nơi anh ấy chỉ trích dân chúng vì đã phải chịu đựng những điều khủng khiếp. Ông có thể miêu tả mình là một người hạnh phúc không?
Tiêu đề này xuất hiện khi tôi đã đọc câu nói này ở đâu đó cách đây vài năm, rằng người Nigeria nằm trong top 10 đất nước hạnh phúc nhất thế giới. Tôi nhìn vào câu nói đó và nghĩ: Cái gì đây? Đây có phải là Nigeria mà ta đang nói đến không? Vì thế mà tiêu đề cuốn sách này cũng có thể là mỉa mai vì chắc chắn đó không phải là mô tả trung thực về những gì tôi gặp hàng ngày. Tôi có hạnh phúc không? Hiện tại tôi rất hài lòng vì tôi đang sống trong môi trường của mình. Khi bước ra khỏi môi trường này nhịp tim tôi đập rất mạnh. Tôi cố gắng để đạt trạng thái cân bằng, nơi tôi có thể sống, hành động như một người bình thường. Đó là tất cả.
Ông chọn sống ở Nigeria trong khi có thể sống ở bất kì đâu trên thế giới. Tại sao?
Tôi là một người lười biếng. Tôi đã quen với môi trường này. Mỗi lần sống xa xứ tôi cảm thấy không thể cảm nhận như ở nhà.
Việc trở thành chủ nhân giải Nobel có làm ông áp lực hơn khi cầm bút?
Không. Tôi luôn khuyên thế hệ trẻ đừng bao giờ chịu thua trước áp lực. Nếu bạn cảm thấy: Ồ, Tôi phải viết, tôi nên viết, thì đừng. Chỉ cần ra ngoài và làm việc khác. Hòa mình vào cuộc sống. Đi đến một quán bar, say rượu. Chà! Cố gắng đừng say quá mà hãy làm điều gì đó tích cực: đọc sách, đi dạo, giao lưu với mọi người. Bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi mọi tư liệu sẽ xuất hiện trong đầu một cách nhanh chóng.
Ông có hi vọng vào tương lai của Nigeria không?
Ồ, hi vọng. Một lần nữa, đó là một từ mà tôi không sử dụng, giống như hạnh phúc. Khi bạn đề cập đến từ Nigeria, tôi không biết đó là gì. Tôi thấy nó hoàn toàn khác với những gì tôi biết về Nigeria khi còn nhỏ. Tôi không nhận ra đất nước này, đó là sự thật.
Ông nghĩ gì về văn học đương đại châu Phi?
Lực viết rất khỏe. Có một đội ngũ nhà văn trẻ tuyệt vời, đặc biệt là các nhà văn nữ, những người đã trở thành niềm tự hào của châu lục.
Trân trọng cảm ơn ông!
ĐÌNH PHƯƠNG theo The Guardian
VNQD