Vẫn Cà Mau thôi!

Thứ Ba, 31/01/2012 09:24
Đất Mũi - Cà Mau, ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm theo cách ví của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Tuân bây giờ đã khác xưa, rất khác xưa rồi. Vùng đất chằng chịt kênh rạch, miên man mắm đước dường như không còn xa vắng hoang vu bởi sự đổi thay mau lẹ của các khu đô thị và cả thôn ấp ở đây. Nhìn bề ngoài là thế, còn Cà Mau vẫn Cà Mau thôi, thẳng thớm chân trực như muôn thuở, muôn đời. Trên đường về thăm quê ngoại, bạn tôi, một người lính cầm bút gốc gác Hà Nội đã bâng khuâng nói vậy.

Tôi gật đầu đồng cảm, bởi những người bạn Cà Mau mà tôi đã thân ít, thân nhiều đều không có ai xấu chơi cả. Họ không làm cho tôi buồn phiền vì sự láu cá, giả dối hay phản trắc. Vẫn biết ở đâu cũng có người tốt, kẻ xấu nhưng hình như cái tỉ lệ đểu thì không phải mọi vùng đều như nhau.

Chiếc vỏ lãi chạy vo vo trên con rạch ngầu ngầu nước không mấy rộng. Sông ngòi châu thổ phương Nam đậm đặc phù sa nên màu nước cũng nâu thắm mỡ màu. Khác lắm với sông quê tôi, mùa nắng thường trong biếc xanh ngần.

Tôi nhìn ra hai bên, ô kìa, độ cao đất và nước gần như ngang bằng nhau. Vườn tược, nhà cửa, miếu mạo thấp thoáng sau những tán dừa nước xanh mởn. Nước xấp xỏa bờ. Đất mơn man nước. Đất và nước. Tuy hai nhưng là một trong sự gắn kết bền chặt vĩnh hằng, thuận hòa thân thiện làm nên sự trù phú tươi tốt của vùng đất liền nằm ở cuối chữ S Việt Nam mà ta vẫn thường gọi một cách vô cùng yêu thương: Đất Mũi!

Cha Hà Nội, mẹ Cà Mau, bạn tôi ở thành phố Hồ Chí Minh, thi thoảng mới về thăm quê ngoại. Tên ông ngoại, một đảng viên năm ba mươi, người chiến sỹ cách mạng kiên trung từng là Phó bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu đã bị giặc Pháp giam cầm và hy sinh ở Côn Đảo từ năm 1942 đã được đặt cho tên cầu, tên xã. Cầu Lương Thế Trân. Xã Lương Thế Trân. Một sự tôn vinh và ghi công xứng đáng cho những người yêu nước thương dân.

Nén hương thắp trên mộ ông thơm ngát mùi cỏ cây xứ sở. Một nấm mộ gió mang tên ông, người tù Côn Đảo có số danh 368788 đi vào cõi thiên thu lúc ba mươi mốt tuổi. Mộ thật của ông nằm giữa nghĩa trang Hàng Dương vi vút gió và không thể không nói thêm rằng ở Côn Đảo đã có một con đường Lương Thế Trân.

Tên ông, hồn ông bát ngát nối từ Cà Mau ra biển đảo xa vời và ở đâu cũng chấp chới những linh thiêng không dễ chi diễn tả hết. Trong từng dòng kênh con rạch, mỗi thửa ruộng vuông tôm, từng bờ đất gốc cây như còn cất giữ những hồi ức về bao con người đi trước như ông. Lớp lớp mở mang khai khẩn, lớp lớp gieo cấy vun trồng, lớp lớp diệt thù đánh giặc, lớp lớp gìn giữ bảo tồn để có một Cà Mau vững bền chất Việt hôm nay.

Tôi se sẽ chạm vào một Cà Mau mộc mạc chân chất trong những giây phút rất dân dã đời thường với con cháu ông – những Ba Tài, Tư Luân, Chín Lĩnh, Chín Nghiệm, Lê Văn Hai… Không phải ngay từ lúc mới gặp nhau mà phải sau sau đó một chút khi cuộc nhậu bên dòng rạch Cái Nhum đã vào độ sâu. Khi mà, trong mắt người Cà Mau, tôi không còn là khách lạ nữa.

Bữa nhậu cho tôi thêm một chút hiểu về người Cà Mau sau những ngỡ ngàng ban đầu khi mình không được chào hỏi đón tiếp nồng nhiệt theo kiểu tay bắt mặt mừng như thường thấy ở xứ Bắc. Có cảm giác người phương Nam lược bỏ đi khá nhiều cung cách xã giao khi gặp nhau nhất là với người lạ nên mới ít vồ vập, đon đả và càng không cần phải đãi bôi như thế chăng.

Thú thật, tôi cảm thấy hơi chưng hửng khi thấy các anh hai lúa, hai tôm thờ ơ khi nghe bạn tôi giới thiệu về mình này nọ. Mắt họ chẳng sáng lên, tay họ chẳng chìa ra. Một cái gật đầu gọn ghẽ dành cho đại tá, nhà thơ, nhà báo. Chỉ thế thôi. Sao mà dè xẻn nụ cười, lời chào và cái bắt tay dữ vậy các cha nội.

Ảnh: Huỳnh Lâm

Vô cuộc, thoạt đầu các anh hai lúa, hai tôm cũng chỉ tiếp mồi cho bạn tôi thôi. Tuổi tuy ít hơn nhưng bạn tôi thuộc hàng trên trong dòng họ nên anh hai gốc Hà thành rất được các anh hai gốc Cà Mau kính trọng chăm sóc chu đáo. Tuy hơi chạnh lòng nhưng tôi vẫn giữ điềm tĩnh từ tốn vào cuộc vừa để thưởng thức hương vị ẩm thực đậm chất Nam Bộ vừa thử xem văn hóa nhậu của họ ra sao.

Thế là, thịt ếch xào sả, thịt rắn luộc nước dừa, cá trê nướng, cua tôm tươi rói bốc khói thơm lừng tôi tự gắp, tự chén. Chà, ngon thật. Rượu nếp tự cất ngâm cây ngãi mọi. Ếch rắn đồng mình, tôm cá ao ta tươi nguyên đành đạch. Nắng ấm chan hòa. Gió sông gió rạch cũng tinh tươm tươi tắn vô ngần. Tôi thấy mình như được hòa trong không gian Cà Mau để rũ bỏ hết cái vẻ nghiêm ngắn xa cách ban đầu và hồn nhiên gần gũi thêm với bạn nhậu.

Thôi nhé, quên mau đi cái vụ mắt vừa mới mổ, bao tử lâm râm, đâu dễ có được cuộc nhậu giữa lòng Cà Mau rượu ngon mồi bén hay hớm thế này. Rượu uống vòng tròn, nhất ly, tôi không thèm bỏ lượt nào, càng vô càng cởi mở chân tình. Chuyện xa, chuyện gần, chuyện thanh chuyện tục tùm lum vui vẻ. Anh Ba Tài, Tư Luân, chú Chín Lĩnh liên tục gắp mồi vào bát tôi. “Thằng em tự nhiên hen, nhậu tới đi để còn nhớ Cà Mau mà zìa”, giọng Tư Luân rủ rỉ.

Đến giữa cuộc rượu thì tôi cũng được các anh hai lúa, hai tôm chăm sóc chu đáo ân cần chẳng thua gì anh hai gốc Hà Nội, bạn tôi. Tôi quên chưa kể, mâm nhậu hôm nay tại nhà Ba Tài với món chủ lực là tôm và cá trê nướng được góp thêm món ếch xào sả và rắn luộc nước dừa của mấy nhà bên. Góp mồi đãi khách cũng là một nét văn hóa hay hay mà tôi gặp giữa Cà Mau này.

Cuộc nhậu tới đỉnh khi các giọng ca cải lương vọng cổ không chuyên lên tiếng. Lê Văn Hai, phó chủ tịch xã nhìn tôi: “Anh hai nè, em ca tặng anh bài Thương về quê mẹ của Thanh Tâm nghen”. Ai có nhớ quê hương, chắc như tôi thương về quê mẹ/ Lâu lắm rồi miền đất nhỏ xa xôi/ Nhắc chuyện ngày xưa, con còn tuổi nằm nôi/ Thương cha đã bị đày nơi hoang đảo. Sau mấy câu nói lối dắt dẫn ấy là khúc vọng cổ hoài niệm vang lên: Miền đất ấy hoang sơ đầy trời mưa bão, ngày con mới lên năm thì cha phải lãnh án mười năm nơi Côn Đảo lưu… đày.

Đoạn xuống xề quá mùi của phó chủ tịch xã được biểu dương bởi tràng vỗ tay của anh em trong mâm nhậu. Vợ Ba Tài cũng bồng cháu ra ngồi nghe mọi người chúc tụng hát xướng. Lê Văn Hai hứng khởi đứng dậy ngân nga câu lối dặm da diết: Người bạn tù của cha ngậm ngùi kể rõ/ Mộ cha bấy giờ nơi đồi nhỏ Hàng Dương/ Quá vội vàng nên bia khắc được họ Lương/ Còn hai chữ Thế Trân đành viết tắt…

Chúng tôi ai cũng đều có tiết mục văn nghệ tham gia. Quá tuổi thất thập cổ lai hy, chú Lĩnh (dượng bạn tôi) cũng ca hết sáu câu vọng cổ lại hào hứng hát tiếp Bài ca Trường Sơn. Tôi, như mọi bận lại giở bài cũ đắm đuối hát Quảng Bình quê ta ơi và ngâm vè Mẹ Suốt…

Chiều rải bồng bềnh bên dòng kênh Cái Nhum yên tĩnh. Tiếng vỏ lãi xé nước rào rào thỉnh thoảng lại vang lên trên mặt kênh. Lại có những chiếc xuồng mỏng manh do các cô gái chèo lướt đi nhẹ nhàng. Tôi nổi hứng ghé tai Tư Luân: “Này, anh hai, tôi muốn được ngồi trên con xuồng ấy quá”. Tư Luân đập vào vai tôi: “Thằng em có biết lội không đó?”. Tôi cười cười: “Dạ không”.

Tư Luân rót cho tôi một ly rượu ngải mọi: “Không biết lội mà dám ngồi xuồng à, lơ mơ mấy cổ cho uống nước rạch đó”. Tôi không chịu thua: “Em không biết lội nhưng biết bơi anh hai ạ, vả lại con rạch này được mấy sâu”. Tư Luân cười ha hả: “Thằng em đừng thấy con rạch hẹp mà cho nó cạn nghen. Nước sâu tới mười mét đó”.

Cà Mau. Tôi đã có một lần choáng ngợp giữa mênh mang sông Cái Lớn khi ngồi xuồng cao tốc về thăm Đất Mũi, đã bâng khuâng đứng trên chòi cao giữa điệp trùng mắm đước gọi điện thoại về Lũng Cú cho em tôi là lính biên phòng. Trong gió biển lồng lộng, tiếng tôi chừng như nghẹn lại: “Em ơi, anh đang đứng nơi Đất Mũi”.

Chỉ vậy thôi, mà biết mấy rộng dài bao la. Hai điểm đầu và cuối của dải đất cong cong hình chữ S. Cực Bắc và Cực Nam của Tổ quốc thân yêu. Phía Đông và Tây Nam đất nước còn mênh mang một vùng biển Việt mà khi nhắc đến lòng ta không khỏi rưng rưng xao xuyến.

Và, nay lại có thêm một ấn tượng Cà Mau mới với những con người nông dân châu thổ Chín Rồng cần cù mộc mạc chân chất. Những con người nối tiếp cha ông cấy lúa, làm vườn, nuôi tôm làm cho châu thổ phương Nam ngày thêm trù phú ấm no. Những điền chủ mới có thể thu nhập bốn năm trăm triệu đồng mỗi năm từ các vuông tôm, vuông cá nhưng vẫn giữ vẹn nguyên cái chất thiệt thà chân trực của Cà Mau, sống hiền hòa với vợ con, thơm thảo phóng khoáng với bạn bè bên những con kênh con rạch. Chủ nhân của vùng đất xa Thủ đô hàng nghìn dặm vẫn mang trong mình những hồn cốt của Cà Mau.

Cà Mau, tháng 12 năm 2011
NGUYỄN HỮU QUÝ
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)