Cảm giác trong thơ

Thứ Hai, 29/03/2021 00:37

Một người làm thơ đích thực thì nhất định phải có cảm giác thơ. Chỉ khi cảm giác đó xuất hiện thì thơ mới có thể được hình thành. Có thể nói, cảm giác thơ là những gì mà chúng ta cảm thấy, không phải điều mà chúng ta nhìn thấy, khi viết về một sự vật, hiện tượng nào đó.

Tác giả Lê Anh Phong ở thành phố Hồ Chí Minh đã gửi đến Văn nghệ Quân đội chùm thơ viết về những mất mát, tổn thất của người dân miền Trung trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua. Mỗi bài thơ đều chứa đựng những hình ảnh đau xót, ám ảnh. Tuy nhiên, đó là những hình ảnh mà chúng ta đã có thể thấy qua truyền hình, báo chí suốt thời gian qua. Trong bài thơ Trên nước bạc tác giả viết: Cả nước cùng miền Trung căng mình chống lũ/ Nhà ngập/ Của trôi/ Mạng sống chơi vơi/ Quên mạng sống cứu lấy bao mạng sống…

Thơ cần phải có những hình ảnh khác, đó là những hình ảnh được chắt lọc, chưng cất thông qua ngôn ngữ để gợi dẫn sự liên tưởng và cảm xúc cho người đọc. Có thể nói một ví dụ đơn giản, một cơn mưa ở ngoài đời thì ai cũng có thể miêu tả và ai cũng có thể nhìn thấy, nhưng một cơn mưa trong thơ thì không phải ai cũng thấy và chỉ nhà thơ mới có thể viết về nó.

Trong bài Cô giáo trở lại trường sau bão tác giả Lê Anh Phong viết: Cô giáo trở lại trường sau bão/ Ngược cung đường lũ quét mấy ngày qua/ Chợt bắt gặp tấm bảng tên trên cửa lớp/ Giữa dòng trôi… cô giáo khóc òa... Hình ảnh cô giáo nhìn tấm bảng tên trên cửa lớp học trôi giữa dòng nước lũ là một hình ảnh tạo nên nhiều cảm xúc nhưng qua cách viết của tác giả thì cảm xúc ấy lại không được đẩy đến tận cùng trong thơ. Dù đã có thi liệu, có cảm xúc nhưng người viết cũng cần phải có cái nhìn riêng, cảm nhận riêng và diễn đạt sao cho không bị “lãng phí” nguồn thi liệu và cảm xúc đó.

Từ Hà Nội, tác giả Văn Tín gửi đến chùm thơ lục bát mang mang nỗi niềm làng quê, trong đó Người Biên Tập ấn tượng với bài Hạt lúa của mẹ bởi những câu thơ gửi gắm nhiều tình cảm: Mẹ phơi hạt lúa vàng sân/ Khô trăm hạt mẩy, héo ngàn hạt non/ Giọt mồ hôi mặn lăn tròn/ Rơi ngang hạt lúa gãy giòn làm đôi. Những câu thơ cho ta thấm thía sự quý giá của hạt lúa cũng như những tảo tần vất vả của người mẹ.

Tuy vậy, ở bài thơ này, tác giả Văn Tín vẫn cho Người Biên Tập gặp phải những câu chữ vốn đã quen thuộc trong văn thơ Việt Nam khi nói về mẹ: Mẹ như bông lúa hao gầy/ Đồng sâu chiêm trũng ruộng lầy lúa khê/ Một đời phơi nắng bờ đê/ Gom mưa trộn bão gánh về nuôi con.

Bài thơ hay cần là một chỉnh thể chặt chẽ, thống nhất xuyên suốt về cảm xúc cũng như cách biểu đạt. Khi cảm xúc đạt đến độ chín muồi, đó là lúc cảm giác thơ đến, vấn đề ở chỗ chúng ta phải duy trì được nó để đi hết toàn bộ bài thơ và cố sao tránh cho người đọc rơi vào cảm giác quen quen như thể đã đọc được ở đâu đó.

Tác giả Họa Linh ở Tiền Giang viết: “Em đang là sinh viên Văn khoa. Từ lâu thơ là một thế giới riêng của em, thơ cho em được là chính mình sau những mặt khác nhau của đời sống… Em mới được biết đến tạp chí Văn nghệ Quân đội trong khoảng sáu tháng nay. Thật lí thú khi có thể ngồi im trong vườn trường và đọc những câu thơ trên tạp chí số mới được mượn từ tay người thủ thư. Em muốn là bạn đọc trung thành của tạp chí, dù ở đây việc tìm tạp chí không được tiện lắm. Hôm nay em xin gửi đến tòa soạn chùm thơ đầu tay của em. Còn nhiều thiếu sót rất mong được các anh chị chỉ bảo”.

Cùng với bức thư, Họa Linh viết: Có điều gì khó nói/ Nhưng nó ở trong ta/ Hình như là tiếng gọi/ Từ một miền rất xa/ Điều gì như ngọn khói/ Bay nhẹ trên mái nhà/ Dường như ta luôn nhớ/ Những kỉ niệm đã xa. Đó là những câu thơ được trích trong bài Thơ và tôi, bài thơ cho thấy những khắc khoải, những suy tư của người viết giữa thơ và thực, giữa hiện tại và kí ức.

Bạn Họa Linh thân mến! Mặc dù đây là chùm thơ đầu tay nhưng Người Biên Tập đã thấy ở bạn có được những cảm xúc và suy tưởng khá gợi trong câu chữ. Thơ chính là những tiếng nói thân mật, gần gũi được thoát ra từ tiềm thức xa xôi. Nhà thơ là người gọi dậy, khơi thức tâm hồn mình bắt đầu từ những điều khó nói như bạn cảm thấy. Người Biên Tập nhận thấy, cảm giác về thơ của bạn rất rõ qua chùm thơ này. Điều còn thiếu ở bạn đó là kĩ năng sử dụng ngôn ngữ cũng như sự dẫn dắt của ý tưởng và một lối biểu hiện mới. Chọn thể thơ năm chữ tưởng như dễ dàng cho bạn nhưng thực ra đó luôn là một sự thách thức với người viết. Bởi vì lối viết truyền thống dễ khiến bạn bị sa vào vần điệu mà bỏ quên điều mình cần phải diễn đạt được.

Những kỉ niệm đã xa/ Không bao giờ trở lại/ Chỉ còn một mình ta/ Với chân trời xa ngái/ Kỉ niệm ơi trở lại/ Như màu hoa không phai/ Để cho ta được sống/ Với tháng năm thương hoài. Quả thực vần điệu đã khiến cho bạn khá loay hoay trong việc thể hiện, giãi bày tâm tư của mình. Bạn đã được tiếng gọi từ bên trong thôi thúc viết, đó là điều quan trọng và cần thiết cho một người làm thơ, nhưng để viết được một bài thơ thì cần rất nhiều yếu tố khác mà rồi đây sự đọc cùng những trải nghiệm thi ca sẽ giúp ích rất nhiều cho sáng tác sau này của bạn.

Thời gian qua, Người Biên Tập cũng nhận được khá nhiều thư và thơ của tác giả Sa Huỳnh ở Thái Nguyên. Trong đó tác giả đã dành nhiều băn khoăn về vấn đề môi trường sống đang bị hủy hoại và mong muốn thơ ca cùng lên tiếng để bảo vệ trái đất của chúng ta. Trái đất đang bị hủy hoại/ Màu xanh đã mờ dần/ Trên màn hình vệ tinh// Chúng ta chặt phá rừng/ Oxi cạn dần đi/ Cacbon thì nhiều quá/ Xin hãy thức tỉnh đi// Ôi rừng xanh yêu dấu/ Ai ai cũng cần người/ Mang lại bầu không khí/ Hít thở cho cuộc đời…

Đó là một trong nhiều bài thơ tác giả Sa Huỳnh bày tỏ sự lo lắng về những cánh rừng đang dần thiếu vắng. Người Biên Tập rất đồng cảm với tác giả trong những suy nghĩ ấy. Đây là vấn đề cấp thiết cần tất cả mọi người phải vào cuộc để màu xanh trên trái đất có thể vãn hồi. Trở lại với câu chuyện của thơ, Người Biên Tập cho rằng thơ lên tiếng để bảo vệ trái đất là điều cần thiết, bởi thơ có thể chạm đến được nơi thẳm sâu nhất trong tâm thức và ý thức mỗi người.

Tuy nhiên, có lẽ do quá sốt sắng về vấn đề môi trường nên tác giả Sa Huỳnh quên mất rằng thơ chỉ có thể chạm đến và lay động mỗi người khi chất thơ được khơi dậy. Thơ luôn đứng ngoài những công thức hay sự diễn giải thông thường, và cùng một thực tế nhưng nhà thơ luôn nhạy cảm và tinh tế với những cách nhìn riêng. Và thơ sẽ truyền cảm hơn, lay động hơn khi tác giả thực sự viết từ rung cảm của mình. Cảm giác thơ sẽ vì thế mà xuất hiện.

NGƯỜI BIÊN TẬP

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)