Cô độc xoay lưng như con sói trong chiều

Thứ Năm, 11/03/2021 17:09

Đọc Mùa Bạch Diệp của Trần Bạch Diệp, Nxb Hội Nhà văn, 2020

Những suy tư vời vợi như một chỉ dấu dẫn gợi đến thơ. Tháng ngày của chúng ta trôi qua thật nhanh, vui buồn cũng trở nên thoáng chốc. Vậy điều gì sẽ còn lại khi mọi thứ lần lượt trôi qua? Ngày mờ đi những đường viền bất động/ một khoảng trống xa xôi/ nơi mắt người không đến được. Chính là ở nơi đó, thơ sẽ thay ta lí giải những khuất khúc theo cách của nó. Cũng ở đó, ta nhận ra những tồn tại đang đứng ngoài quy luật tự quên của thời gian.

Trần Bạch Diệp đứng ngoài những huyên náo, bề vẻ của thơ. Điều này giúp cho thơ chị có một sắc điệu riêng. Ta biết mình cũng thuộc về chốn nào đó xa xôi/ chẳng phải nơi này/ nhưng ta vẫn đứng đây/ hư hao như vầng trăng khuyết/ ta đã nghĩ trên thế gian này/ ta là người cô độc nhất/ sao người ngồi kia. Lặng lẽ, khiêm nhường, nhưng chị cũng kiêu hãnh với cái tôi cô độc của mình. Sự cô độc như một thứ ánh sáng làm cho thơ trở nên có lí lẽ riêng mà không bị rơi vào sầu não. Đến với thơ bằng những kín đáo, xa xăm, Trần Bạch Diệp không cố tỏ ra một điều gì, mà ta đọc thấy ở chị sự giản dị và bình thản: nền nhà bóng như thể trong giấc mơ đêm qua/ không hề có sự náo loạn/ nàng đã nhớ anh gần chết/ và sau đó khi không còn nhớ nữa/ là cái chết thật. Những nỗi buồn, khát vọng và vẻ đẹp hiện diện trong thơ chị thông qua một lối viết chân thành. Chị không có xu hướng cưỡng lại những tâm tư đang nảy nở trong tâm hồn mà ngả theo những tâm tư ấy để tự khai phóng mình, tạo nên mối hòa đồng giữa con người sáng tạo và con người thực tại: Em trôi trên lối mòn buồn bã/ trong ngụm khói ai thả lên trời/ xa xôi anh thả mây lên trời/ ánh mắt theo em về nơi không giấu được.

Sự ảo mờ của thơ không đến từ những mộng mơ thái quá, mà nó bắt đầu từ những xung động của tri giác. Những xung động ấy mở ra một chân trời khác, và nhà thơ giống như kẻ đi tìm kho báu ở chân trời đó: những kẻ cố vượt qua lằn ranh bóng tối/ hoang tưởng gối trăng trong cánh rừng thưa. Kho báu của nhà thơ là những diệu vợi xa xăm, những hố thẳm không cùng, nó hiện diện trong tâm tưởng ta là thực nhưng cũng ảo mờ như một ánh trăng xa, như cơn mưa mãi mãi không làm đầy nổi kí ức: anh bao nhiêu trăng không đầy/ em bao nhiêu mưa không trôi. Thơ Trần Bạch Diệp cũng vì thế mà mênh mang, ảo diệu.

Trên lối đi của riêng mình và bằng tiếng nói của riêng mình thơ Trần Bạch Diệp không đứng ngoài giá trị nhân văn căn cốt của thơ: váy áo tôi mang đầy nếp gấp những cơn đau/ người đời khóc nhau tôi khóc cho đời tôi khóc cho người/ tôi khóc cho tôi cạn khô nước mắt/ thịt da này dù nhạt/ xin đừng thù ghét nhau. Trong mẫu số chung ấy, có thể nhận ra nhân vị riêng của Trần Bạch Diệp là nỗi cô độc vẫn luôn hiện diện nơi mỗi bài thơ của chị, ngay cả khi chị khóc cho nỗi đau chung của con người. Vậy thì sự cô độc ở đây có vai trò gì trong thơ Trần Bạch Diệp? Cô độc xoay lưng như con sói trong chiều. Cô độc không chỉ là ý niệm nữa, mà đó còn là khởi nguyên là tận cùng của thơ.

Và cũng trong trạng huống cô độc, tồn tại được thiết lập dù vắng những hiện diện: anh vẫn luôn ở đó/ tồn tại/ mà không cần hiện diện.

NGUYỄN THỊ KIM NHUNG chọn và giới thiệu


Với người bên kia đường

Khuya lắm rồi
trăng đổ tràn sông
gió thôi rèm cửa
mi mắt đèn mệt mỏi
sao người không về

Ta vào ra cùng trăng
muốn nói một câu mà không thể cất lời
tiếng thở dài lạnh như sương luồn qua cổ áo
cuốn sách trên bàn để mở
những khu phố trong bức tranh sơn dầu đã ngủ
người ho và cúi đầu

Người đợi ai bên đường
phía bên kia dòng sông
bên kia bầu trời
ta muốn bay lên một lần
như chiếc lá đậu xuống vai người thật nhẹ
biết đâu người đang mơ
một giấc mơ thật ấm
sao bóng người cô độc giữa mùa đông

Ở đây những ngày mưa quá dài
nên kỉ niệm cứ như mưa quanh quẩn theo ta không dứt
phố như bàn tay nhỏ
hứng lấy là tràn ra nỗi buồn

Ta biết mình cũng thuộc về chốn nào đó xa xôi
chẳng phải nơi này
nhưng ta vẫn đứng đây
hư hao vầng trăng khuyết
ta đã nghĩ trên thế gian này
ta là người cô độc nhất
sao người ngồi kia

Đêm vờ bình yên
và chúng ta
chia sẻ sự lặng thinh xa lạ...

Sự rời bỏ dịu dàng thế này ư

Có tiếng hót nỗi buồn
làm tổ ngoài bìa rừng mùa xuân
có ngọn cỏ cô đơn
nở bóng non xanh bên tách trà
nắng đã chạm vào tiếng ho
mở ra những bong bóng bay như những vòng hoa thơm thơm
ta vun mầm hi vọng cây hạnh nhân
sườn đồi mùa xuân in nụ hôn chuông gió

Đã nghe tiếng băng dưới mạch ngầm im lặng
thêm một lần nữa thêm một ngày nữa
những hòn sỏi cựa mình rát bỏng
ta đang ở đây người đang gần đây

Cô đơn chập chùng cô đơn nở hoa
cô đơn thơm thơm mùi trăng mùi trà
như được khóc như được cười như mê sảng như ca hát
ta rời sân ga

Tìm chi mộng du giữa cánh đồng
im lặng nương trên đồng cỏ màu đám cháy
mặt trời vắt những giọt cuối cùng trên mắt
đổ xuống dòng mù sương lam

Đi qua những con đường
giữ trên ngực câu kinh
người đàn bà đa đoan
kẻ ngộ nhận thánh thần
gầy và xanh
đến rồi ư
mùa xuân
sự rời bỏ dịu dàng.

Khúc cho ánh trăng

Cất lên lúc ba giờ sáng
như
sự rời bỏ của từng đêm mất ngủ
trăng chạm vầng trán u buồn từ ô cửa
một hành lang long não thơm tho

Giờ thì em run như chúng ta đã từng run lên
nỗi nhớ những đường cong tắm trăng thì thào
mây thạch lựu phía chân trời
đốm hi vọng cho kẻ lạc lối
những kẻ cố vượt qua lằn ranh bóng tối
hoang tưởng gối trăng trong cánh rừng thưa

Giờ thì em có thể kêu lên
như tiếng con chim nhỏ rúc đầu vào ổ lá
gru gru... lơ lửng
tiếng rơi vạt trăng bên cửa
chỉ thiếu anh vườn khuya thành địa đàng

Trăng tạc đêm trên lá
em hoang mang như bầy cá nhỏ
lẫn lộn nước và rêu
giữa sự chiếm hữu hay giải phóng
cách gì cũng làm em đau
đến mức không muốn ngồi dậy
dù trăng xanh đến nỗi
đổ cả những kí tự hình trái tim
của ngàn năm
xuống gối...

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)