Những nẻo về trong thơ

Thứ Hai, 25/06/2018 00:51
ttntt

(Đọc Mắt bò của Hữu Việt, Nxb Văn học, 2018)

Hồn nhiên là bản tính của con người, nhưng hồn nhiên không dễ. Thơ Hữu Việt mang lại cảm giác anh đang rất hồn nhiên là bởi anh đã đủ thâm trầm, sâu lắng, ngẫm ngợi rồi. Bản tính hồn nhiên như một sự chắt lọc lại bởi con đường thơ của anh là con đường tìm về nguyên-bản-người: Tóc xanh hỗ trợ muối tiêu/ một like giải quyết cả chiều lang thang/ để cho những chuyện lỡ làng/ giống như đứa trẻ bên đàng nhảy dây... Con người trữ tình trong thơ anh đầy đủ sắc diện, nhưng dù cá tính hay đa cảm thì ta vẫn cảm nhận được sự khiêm nhường, hài hòa, vừa phải. Đó có phải là thiên tính để một người đi đường dài với thơ? Để thấy là ta sai/ vì mùa thu luôn đúng/ trong khuông nhạc thời gian/ nhận mình làm dấu lặng.

 
1 83077


Dường như nhà thơ Hữu Việt không cố gắng để làm một điều gì lớn lao. Những câu thơ trực cảm, thốt nhiên và đầy mĩ cảm là thế mạnh của anh: Mưa mãi không thôi, lòng ngồi mép cửa/ Giật mình gió sủa hai tiếng tha hương/ Lòng người ráo hoảnh hời ngã tư đường! Đó có lẽ là hướng đi của tác giả xuyên suốt tập thơ. Cái đẹp đến từ đời thường, và hiện ra theo cách mà nhà thơ nhìn vào sự vật, cũng để ta hiểu rằng đó không bao giờ là sự gán ghép. Thơ không phải là sự tùy tiện sắp đặt hay tô vẽ. Nhà thơ là người đem đến một đời sống khác, đời sống ấy cũng cần phải được nuôi nấng, chú tâm và không lập dị. Đừng xua đuổi những con bướm đen, bướm nâu/ Có thể chúng đang mang trong mình sứ mệnh chuyển những thông điệp linh hồn đến địa chỉ nỗi đau. Cách nhà thơ nhìn thấy vẻ đẹp của già nua, tàn úa, đau đớn, bất lực đem đến một sự quyến rũ cho thơ. Đến tuổi nào mới thấy/ úa tàn là vẻ đẹp nhan sắc nhất/ khi chất chứa hào quang của sự tàn phai.

Mắt bò đưa đến nhiều câu hỏi phản biện mà chính người đọc sẽ phải đặt ra và tự trả lời. Còn nhà thơ thì dường như luôn giữ cho mình ở một thế định vị, anh làm chủ cảm xúc, làm chủ ngòi bút. Như thể anh cứ đều đặn tạo ra những tiếng chuông, còn vang đến đâu, chạm tới nơi nào là do phía người tiếp nhận.

 
NGUYỄN THỊ KIM NHUNG chọn và giới thiệu
 
Mắt bò
 
Tôi gặp
một con bò kiên nhẫn đứng nhai mưa
nó không đứng chơi, trên vai ách nặng
mắt rợp buồn chiều đông
người đánh xe ngồi hút thuốc lào cách một xa không
tôi nói với bò: Chào anh. Con bò - im lặng
như một hiểu lầm, như một cách xa...
 
Tôi đã thấy
trên đồng, dưới sông, bờ đê, ngõ nhỏ
bò đen bò vàng bò kéo cày bò nhai cỏ
sao chỉ nhớ
cái con bò kiên nhẫn nhai mưa - quá - khứ
im lặng nhìn tôi
như một lỗi lầm, như một cách xa...

 


Phủ Giày ngày lạnh
              
Ngày như chậm trôi
lạnh dài hóa đá
người như chậm môi
trăng rơi cầu đá
năm ngả khói sương
người thương bước quá
vòng hoa đội đầu
ba mươi sáu giá
cô Ba quan phủ đón đi
cậu Bảy ngủ khì...
 
Em ạ, ngày xưa
khéo đặt chuyện đùa
mưa đi phát lộc
xuân về ôm lưng
mấy cô dỡ lạc trên đồng
sương muối gót trần nứt toác
 
Chồng có thương không?
 
Đời như chớp mắt
quay mặt Phủ Giày thấp thoáng trong sương.

 

Trên đồi Gấu Mẹ

Cả rừng lá ào ào trút xuống
như muôn mũi kiếm vàng đang hướng vào ta
ta ưỡn ngực dang tay không sợ hãi
đón kiếm vào lòng và mở lá ra
 
Hôm nay đứng trên đồi Gấu Mẹ
nghe tiếng trống năm xưa của người da đỏ, giật mình
dưới chân dòng Mississippi mênh mông
những thổ dân chèo thuyền đâm cá còn không?
 
Người châu Âu đến chiếm đất này
đuổi những thổ dân hiền lành đi biệt xứ
rồi dựng ở đây tượng đài
về cuộc đời người da đỏ!
 
Ôi những tượng đài, ngươi cũng thật mỉa mai
làm hỏng cả mùa thu trong ta
cả rừng lá đang ào ào trút xuống
như muôn mũi kiếm đâm vào ta
đau đớn.

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)